Cây bút trẻ Võ Chí Nhất sinh năm 1993 tại vùng đất Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Là một thiếu úy công an đang công tác tại Công an huyện Củ Chi nhưng anh lại rất yêu văn chương và đã tạo dấu ấn cho riêng mình qua tập tiểu thuyết đầu tay “Hoàng cung” do NXB Văn Nghệ ấn hành năm 2016 cùng nhiều truyện ngắn có giá trị được chọn đăng trên các báo, tạp chí văn nghệ danh tiếng. Là một người viết trẻ, anh mong muốn đóng góp sức trẻ của mình vào công việc sáng tác, đúng thiên chức người viết văn, dù biết con đường văn chương không hề dễ dàng. Anh được Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí minh phát hiện, bồi dưỡng và vinh dự được kết nạp Hội vào cuối năm 2017.
Những trang viết của Võ Chí Nhất nhẹ nhàng, tái hiện những mảnh ghép cuộc đời trong xã hội. Thể hiện ánh nhìn một người trẻ về văn hóa, lịch sử đất nước qua nhiều thời kỳ. Lời văn chắc lọc, cuốn hút, ý tứ mới lạ, tạo được nhiều tình huống bất ngờ. Đặc biệt, ở mảng viết về nông thôn, anh vẽ được những bức tranh thật đẹp và thơ mộng.
Hương Quê Nhà trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc, bạn viết truyện ngắn “Khiếu ăn mày” của cây bút trẻ Võ Chí Nhất. Một câu chuyện với cái kết khá bất ngờ, thú vị!
V.N.L
KHIẾU ĂN MÀY
Có một thanh niên cầm sổ tay ngồi mọc rễ trước một ngân hàng lớn. Gã luôn cố hữu như thế. Mỗi ngày gã ngồi trước ngân hàng để ghi chép thông tin của khách đến ngân hàng giao dịch. Tất nhiên gã có thể kiếm chút đỉnh từ mánh khóe này mới bỏ công nhiều như vậy. Ví dụ như ngày 1 tháng 1 khách đến gửi tiền rồi ngày 1 tháng 4 khách đến ngân hàng hiển nhiên để lãnh tiền lãi. Như dự tính, gã bày ra các mánh khóe quen thuộc của một tay ăn mày chính hiệu để khách dùa tiền lẻ vào cái nón lá rách bươm quen thuộc của mình.
Lúc nào cũng thế, gã ngồi xệ nệ trên đôi dép mòn vẹt. Hẳn là khi cái dao cạo râu mòn gã có thể lấy dép để thay thế.
Mặc dù đường phố đông người qua lại nhưng gã cảm thấy lạc lõng vì chả ai thèm ngó đến gã dù chỉ là một tia nhìn thương hại. Khách còn tự trách mình
không đi nhanh hơn vì sợ gã xin tiền họ. Vẻ hào phóng đó
đôi khi chỉ là vỏ bọc cho vô vàn những thói hư tật xấu được che đậy một cách thận trọng bên trong. Mặc dù vậy, gã vẫn mong muốn nhận được sự thương hại của những “con ốc” đó. Vì gã là ăn mày, gã đã vứt lòng tự ái cho chó gặm rồi.
Gã không thể ngồi chờ khách đến bố thí cho mình được. Gã phải làm gì đó để họ chú ý đến mình. Một trò hề ư? Một thằng ăn mày có máu tiếu lâm sao? Một đặc điểm nhận biết gã trong vô khối kẻ ăn mày ở nơi này. Thật thú vị! Một ý tưởng đột phá đáng được tán dương.
Nhưng ai sẽ mở lòng ra khi xã
hội này đã xoay lưng với gã? Rồi gã lại quặn mình nhăn nhó như con chù ụ.
Ở đời không có việc gì diễn ra suôn sẻ mãi được. Ví dụ, ngân hàng A vừa mọc lên và người chủ ngân hàng đề ra hàng loạt ưu đãi cho khách hàng thì ít lâu sau ngân hàng B mọc lên với những ưu đãi còn đặc biệt hơn thế. Đó là cạnh tranh. Quay trở lại với người thanh niên kia, gã
cũng có một đối thủ cạnh tranh đấy. Đó là mụ già ăn xin kế bên cạnh, mụ ăn mày xưa nay hiếm.
Cái ăn, cái mặc hầu như chiếm hết khoảng thời gian trong ngày làm gã không thể tiếp xúc được với những cô gái, chí ít là một phụ nữ bình thường, trừ mụ già bên cạnh. Ai đó hãy nhìn mụ già đang phe phẩy cái nón lá bên lề đường mà xem. Mụ gầy vêu và hốc hác như một con nhím xù lông
trông thật kinh tởm. Tởm hơn là những tiếng ho kéo đờm của mụ làm gã phải che miệng, nuốt nước miếng khan. Mụ cạnh tranh với gã bằng một loại vũ khí đặc biệt, đó là vũ khí vi trùng. Một loại vũ khí chứa các loại vi khuẩn gây bệnh làm người ta ớn lạnh. Nếu không chờ “khách quen” đến bố thí thì gã đã nhường chỗ cho mụ tám đời dương rồi. Trời đương tiết hè nóng rẫy người nhưng mụ lại run lập cập như đang ở bắc cực lạnh giá. Cái lạnh đó, gã rất hiểu nhưng khách lại không hiểu.
Có bao nhiêu tiền lẻ khách đều dùa hết cho mụ. Nhiều khi gã muốn rống lên cho người ta biết mụ làm thế để giành khách với gã lắm. Bởi vì những người như mụ có mánh rất lợi hại mà thanh niên như gã có học cũng không được. Lúc trước, gã phải mất nửa năm để học hết những tuyệt chiêu ăn mày của lão thầy bói, người đã giúp gã hiểu hết mánh khóe của nghề. Và bây giờ phải mất bao lâu để học nghề của mụ đây?
Nhiều khi thấy khách bố thí cho mụ mà tội. Khách đã kiên nhẫn và can đảm khi đứng gần mụ với tất cả lòng thương người nhiều năm gộp lại. Thật đáng khâm phục. Họ đã xem rẻ một tay ăn mày sạch sẽ hơn một mụ già vừa thấy sẽ vứt vài đồng lẻ rồi phắn đi cho nhanh. Gã không thể rời mắt khỏi mụ như đang ở bãi biển khỏa thân công cộng của hòn đảo Sylt xinh đẹp.
Tháng trước, mụ vơ của gã 5 khách. Bữa đó gã tính ra ngày khách quen đến lĩnh tiền lãi liền bày ra vẻ khổ sở như mọi khi. Nhưng nào ngờ, khách quay lưng với gã rồi xô đến bên mụ. Thứ gã nhận được chỉ là sự hụt hẫng và sự trách móc của khách: “Thanh niên
gì mà đi ăn mày?”. Vẻ mặt gã bày ra biểu cảm của một con mèo buồn bã. Gã tự ái lắm nhưng đành thôi,
nghề nào chả có cái khó của nó. Rồi gã tự nhủ lòng thua keo
này ta bày keo khác vậy.
Tháng này gã bị mụ giành tất thảy 10 khách. Gã hận mụ lắm. Nhưng, suy cho cùng gã là thanh
niên lưng dài vai rộng. Gã không thể cãi lại tạo hóa, càng không thể tháo dỡ cái mác thanh
niên ra khỏi người và đóng gói nó chuyển phát nhanh đến tương lai trong tích tắc được. Gã bơi đến chỗ ông thầy bói mù bên lề đường coi một quẻ xem vì cớ gì mà khi mụ già dở hơi đấy vừa bén mảng đến thì gã liên tục mất khách như vậy. Thế là gã kể lể mọi sự tình để khơi gợi lòng thương xót trong lão. Thầy xoa dịu sự bực tức của gã: “Chủ trương của thành phố là không cho người ăn xin chèo kéo khách nữa”. Bây giờ chỉ còn trông chờ vào vận may mà thôi.
Không kiếm sống được bằng nghề này thì phải đi học nghề khác.
Làm gì khi gã chỉ biết ăn xin thôi?
Chẳng bì được với lão thầy bói, sau khi gặt hái thành công trong nghề ăn mày thì lão chuyển sang xem bói. Cốt lõi của vấn đề là được khách biếu tiền trong sự tôn trọng tột bực chứ không khinh khỉnh như lúc còn khoác lên mình tảng đá ăn mày.
Gã lủi thủi đi về. Vừa nhìn thấy mụ, gã muốn phát điên lên. Mụ già xúi quẩy. Nhưng tận sâu trong thâm tâm
gã đã chán ngấy việc ăn xin lắm rồi. Bây giờ bán vé số mới là nghề đương hot. Ông Sáu tiệm vàng gần chỗ gã trọ, bây giờ chả làm gì ngoài việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất kiếm bạc tỷ dễ như ăn gỏi. Mấy đứa đồng nghiệp gã có đứa chuyển sang bán vé số, đứa thì làm “phi công”.
Nếu mọi việc diễn ra như thầy bói nói thì dù muốn dù không gã và mụ già kia cũng phải biến khỏi nơi này. Gã sẽ đổi nghề bán vé số dạo vì chẳng có đất bán, chẳng thể bán thân được vì gã là ăn mày chính chuyên. Và mụ già kia, mụ cũng sẽ như thế… Ơ hay! Gã vừa nghĩ ra, mụ ta cũng sẽ chuyển sang bán vé số dạo mất thôi. Có lý nào mụ ta sẽ cạnh tranh với gã nữa đây, số gã sao mà đen thế này…
Nhắc đến mụ, ai cũng biết đó là mụ ăn mày sẻn nhất xóm. Chẳng có gì làm mụ vui ngoài tiền. Mụ sống đơn độc, chẳng thân thích với ai. Tiền ăn mày sài sao hết? Có khi báo chí lại viết bài về mụ, với cái tít giật gân: “Bà cụ ăn xin ra đi để lại hai tỷ đồng không người thừa kế”. Rồi sẽ có khối người đổ xô đến nhận mụ ăn mày bẩn thỉu mà họ từng khinh bỉ kia làm thân hữu cho xem.
Một ngày mụ kiếm được vài trăm là ít, thế nhưng mụ ki bo lắm. Mụ gom hết tiền khách cho, xâu vào túi rút giấu dưới lưng quần. Biết mụ giấu chỗ đấy nhưng có cho gã tiền cũng không dám động đến, bởi vì bộ đồ mụ đương mặc nhàu nát như thớ giẻ rách mà các nhà nghèo không còn dùng được nữa. Khi họ vứt đi mụ mới mang về tận dụng, cả tỉ năm vẫn chưa giặt.
Gã nghe thầy bói kể rằng: Năm 25 tuổi mụ mới lấy chồng nhưng năm 24 tuổi mụ đã sinh con. Gia đình bên chồng hay chuyện rồi tống cổ mụ đi. Ít lâu sau mụ nghe người ta đồn là nhà chồng tán gia bại sản rồi đi đâu không rõ. Có
lần gã trông thấy mụ khóc, có lẽ vì nhớ con.
- Mụ cũng khéo thương nhỉ, lựa nhà giàu mà thương – Gã bình luận – gia đình bên ấy coi cũng ngộ, biết vậy thì đừng cưới.
Và hôm nay, dù mụ có van xin gã cũng sẽ không nương tay. Gã ngồi xổm xuống lề đường vái lạy ông Địa ngồi phụng phịu trên cục gạch đỏ quạch mà gã mang từ nhà lên, gã khấn đi khấn lại hơn mười lần. Mụ ngồi bên cạnh quay sang, nói:
- Khấn ổng làm gì quay sang khấn tao đây này…
- Mụ già dở hơi! Hãy đợi đấy! - Gã tức muốn trụy tim nhưng vẫn cố kìm chế vì từ xa, gã thấy khách quen vừa bước xuống chiếc xe Lam sáng choang. Gã định bụng sẽ dùng tiếng anh bồi học lóm được nói với khách để mụ không thể hiểu được nội dung câu chuyện của mình.
Thấy khách, một là gã, hai là mụ mừng nhảy chân sáo nhưng vờ như chả hay biết gì vẫn ngồi lù ra như cái lu đựng nước. Đột nhiên gã lao đến khen:
- Chào anh trai, lâu
quá không gặp… mới đây đã 3 tháng rồi, hôm nay lãi suất ngân hàng được bao nhiêu anh. Tiền lẻ anh cho em như lần trước heng?
- Lại mày nữa à… - Khách thấy gã chép miệng rồi nói thêm vào – khách nhìn gã, một đối tượng có vẻ mặt của khách du lịch, hiền lành đến đáng thương - mày định nói tiếp là sao hôm nay anh đi trễ phải không? Tao rành mày
quá mà. Thấy mày đã thấy phiền!
Người khách nhíu mày ra vẻ khó chịu rồi mở ví rút tờ 50 nghìn cho gã. Khách cho mụ một tờ 200 nghìn mới cứng rồi xoay lưng đi ngay. Gã chưng hửng như vừa đến Tân Sơn Nhất thì máy bay đã cất cánh mất rồi.
Trời ơi, gã lại thua nữa rồi! Bữa ăn mày cuối cùng mà xui thế ư? Ông thần may mắn bủn xỉn không mỉm cười với gã lần nào suốt quãng đường ăn mày của mình ư? Mặt gã phừng phừng lửa đỏ nhìn mụ ngồi chồm hổm ra hè, cọc cạch mở túi rút ra đếm đi đếm lại mớ tiền xin được hôm nay. Mụ bó luôn tờ giấy bạc kia vào rồi tỉ mẩn rút lại. Như bị vút một roi vào đít, gã nhảy xổm lên, lao điên dại về phía trước, tay cầm túi tiền của mụ rồi mất hút ở góc đường. Mụ chưng hửng ngó theo hắn. Mấy gã xe ôm đối diện vẫn thản nhiên đón khách, chả ai rảnh rỗi để xen vào cuộc chiến của mụ và gã. Đến một lúc sau, mụ vẫn chưa động tĩnh gì.
Mụ run lên bần bật như người ngồi đồng, nước mắt đổ như mưa: “Nó … là nó… chính là nó…”.
Người khách lúc nãy đuổi gã chạy ngược về phía mụ đang ngồi. Khách đánh hắn ngã lăn xuống đất như một con chó đói. Mụ nhấp nhổm lao đến can ngăn, đỡ cho hắn cú đấm như nhát rìu chát
chúa búa xuống cây củi khô.
- Đừng đánh nó… xin ông đừng đánh nó – mụ rống lên, nước mắt không ngừng trào ra.
Khách ngưng tay, chẳng hiểu sao mụ lại xin tha cho kẻ bất lương này. Mụ lần đến, kéo tay áo hắn lên xem vết bớt đỏ hoe, nức nở:
- Thì ra là con… mẹ tìm con bao lâu nay… mẹ làm ăn mày chỉ để tìm mày đấy…
Trong giây phút hắn và mụ già không đội trời chung hình thành một mối quan hệ mơ hồ. Hắn chả hiểu ất giáp gì, chỉ im lặng chịu sự chế ngự của những giọt nước mắt không ngừng tuôn rơi trên khuôn mặt sạm đen của mụ. Mụ không ngừng nắn bóp cái bớt trên tay hắn. Chưa bao giờ mùi quần áo lâu ngày không giặt và mùi mồ hôi của mụ lại dễ chịu đến vậy… Gã thẹn thùng, chân tay co quắp lại như một con gà mái trước một con diều hâu có thể xơi tái con gà bất cứ lúc nào.
- Con còn nhớ mẹ không… vết bớt này… - Mặt gã đực ra, mụ nói tiếp - năm con 4 tuổi bị phỏng nước sôi, trên chân vẫn còn vết bỏng phải không? Năm 7 tuổi, con bị té cây ổi gãy tay phải không?
- Sao – bà – rành –
thế? – Hắn run lên một nhịp, hắn không vững lòng để nghe mụ kể lể hết những việc đã xảy ra trong quá khứ của mình. Hắn sợ sẽ òa khóc như đứa trẻ lên 7 ngay khi mụ kết thúc lời nói kia.
Cuộc đời luôn mang đến cho hắn những bất ngờ, đó là những giây phút định mệnh. Không ai nghe thấy tiếng khóc của mụ ngoại trừ đôi vai cứ run lên dưới lớp áo nâu sồng. Rồi mụ không kiềm nổi, bật khóc hu hu như chưa từng được khóc rồi ngồi xuống ôm hắn, thầm thĩ nói:
- Bao nhiêu năm nay mặc dù con không ở cạnh mẹ nhưng những gì xảy ra với con mẹ đều biết rất rõ…
Hắn hước đều nhịp rồi móc cái ví vừa chôm được của khách đặt trên tay mụ, hốc mắt chan đầy nước như chuẩn bị cho một trận khóc nhận mẹ:
- Giờ thì con không cần tiền nữa, con chỉ cần mẹ thôi!
Mụ cầm chắc túi tiền trên tay rồi đứng phắt dậy lấy tay dụi mắt như không có gì xảy ra. Mụ phấn khích như cầu thủ vừa ghi bàn ở phút 89 rồi lảnh lót nói:
- Tao nghĩ mày nên từ bỏ cái nghề này đi, mày
không có khiếu ăn mày đâu con ạ!
V.C.N
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét