|
Nhà thơ Phùng Hiệu - Hội Nhà văn TP.HCM |
Tôi biết đến anh qua mỹ danh nhà báo, doanh nhân thành đạt. Trong thâm tâm tôi, anh như một tượng đài cao vọi khó với, khó gần. Rồi một ngày, tôi quen anh qua sự giới thiệu của nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn. Dường như sự chân tình, dễ mến như bày ra trên khuôn mặt, ánh nhìn, tôi quý mến anh như một người anh ruột thịt. Và nơi anh, tôi bắt gặp một hồn thơ chân thật. Anh là nhà thơ Phùng Hiệu.
Nhà thơ Phùng Hiệu tên đầy đủ là Phùng Văn Hiệu, sinh năm 1976 tại thành phố Đà Nẵng, lớn lên ở tỉnh Đồng Nai, hiện sinh sống và làm việc tại thành phố phồn hoa nhất Phương Nam.
Ai đó bảo "Nghệ thuật là ánh trăng lừa dối", còn với nhà thơ Phùng Hiệu, thơ là đỉnh điểm của sự thật xúc cảm con người. Nhà thơ Hoa Níp từng nhận xét "Sự hồn nhiên, thật thà và thẳng thắn là những viên kim cương quý giá trong con người Phùng Hiệu".
Cũng như bao chàng trai khác, chàng thi sĩ ấy cũng có những phút xao lòng "không thể từ chối nụ hôn tán thưởng/ khi hơi thở của em/ có thể xóa tan mùa đông ranh giới" (Kết luận). Để rồi "Đêm nay lạnh lẽo vì sao lẻ/ Phố vắng không em trận gió lùa" (Phố vắng không em). "Vì sao lẻ" là vì sao đơn coi, lẻ bóng hay một câu hỏi ngẩn ngơ của kẻ tình si, như một câu hỏi tu từ khoác lên niềm nối tiếc đến dại khờ. Trong tác phẩm "Số phận" anh viết: "Em lớn lên từ đôi tay vé số/ Em lớn lên từ về chai, sắt vụn/ Em lớn lên bằng sự thờ ơ, lạnh lẽo, lạc loài/ Giữa thế giới phồn vinh/ Xa hoa/ Phí phạm/ Thế giới đói nghèo chiến tranh khủng bố/ Thế giới có nguy cơ diệt chủng loài người/ Ở đấy, em vẫn lớn lên" như sự phê phán sâu cay về một mảng thực trạng xã hội,nếu đọc thoáng qua, ta sẽ thấy một Phùng Hiệu đầy bi quan, một Phùng Hiệu cực đoan. Nhưng không, xin hãy cảm nhận "Ở đấy, em vẫn lớn lên" như một một nghị lực sống phi thường. Vững tin một tương lai xán lạn nhờ những "mầm cổ thụ tương lai" (ý thơ của nhà thơ Triệu Từ Truyền).
Chuyên mục "Trang thơ chủ nhật Hương Quê Nhà" trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc, bạn viết chùm thơ "Nụ hôn tán thưởng" của nhà thơ Phùng Hiệu!
V.N.L
NGÕ THỜI GIAN
Em có về nhặt lại tuổi thơ
Hứng giọt thời gian
Rót vào trang vở
Thuở tim mình chớm len miền nhớ
Mong manh... những ảo ảnh mơ hồ
Em có về qua lối cũ thu xưa
Nhặt xác lá cuối mùa run rẩy gọi
Vạt nắng chiều rưng rưng thầm hỏi
Kỷ niệm ơi! Chìm khuất phương nào?
Lối em về tháng chạp có còn không?
Cơn gió lạnh mùa này bất chợt!
Anh đối diện lòng mình xa xót...
Ngõ thời gian...
Lặng lẽ...
Riêng mình!
PHỐ KHÔNG EM
Nhớ buổi em về chiếc lá thu
Nghiêng nghiêng trong nắng dáng trầm tư
Anh như cánh gió mùa nho nhỏ
Quấn bước chân em - Khúc tạ từ
Đã mấy đông rồi - Buổi tiễn đưa...
Sương giăng lạc mất phía ngày xưa
Đêm nay lạnh lẽo vì sao lẻ
Phố vắng không em trận gió lùa!
SỐ PHẬN
Hướng về ngã tư
Người thiếu phụ lê những bước chân trên con đường chông chênh nắng
Hướng về sân ga
Xấp vé số trên tay người đàn ông mù loà ướt đẫm
Hướng về mái trường
Cung đường ODA nhày nhụa bùn lầy quoắn bước em thơ
Hướng về phía hoàng hôn
Những vách lá liêu xiêu loang lổ bóng đêm
Những gia đình trú ngụ trên nền đất cái bang tanh tưởi
Ở đấy sự sống vẫn duy trì
Sự sống vẫn bừng lên mái đầu ngụp lặn
Sự sống vẫn mãnh liệt hơn những gì tôi biết
Ở đấy
Em lớn lên từ đôi tay vé số
Em lớn lên từ về chai, sắt vụn
Em lớn lên bằng sự thờ ơ, lạnh lẽo, lạc loài
Giữa thế giới phồn vinh
Xa hoa
Phí phạm
Thế giới đói nghèo chiến tranh khủng bố
Thế giới có nguy cơ diệt chủng loài người
Ở đấy, em vẫn lớn lên.
P.H
Rất thích Ngõ Thời Gian!
Trả lờiXóa