Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng
2. Chị Thắm
Năm ngoái. Vào một buổi trưa mùa hè, khi làng xóm đang yên lành trong một buổi trưa gió nồm nam thổi lồng lộng thì từ bên kia ao nhà tôi vang lên tiếng om xòm chửi rủa. Mọi người chạy ra xem thì thấy bà Tộ, bán thịt lợn ở chợ Tuộc, làng tôi, một người đàn bà điêu toa, chua ngoa nhất xóm, đang miệng thì tuôn ra không thiếu thứ dơ bẩn nào, trong khi hai tay thì một bên cầm roi quật túi bụi vào người một cô gái trẻ, tay kia, cầm cành chè rào giơ lên cao cho mọi người nhìn thấy đám quần áo rách mướp, te tua mà chẳng cần hỏi, người đứng xem cũng biết đó là quần áo của người con gái kia. Cô tên là Thắm, làm con ở nhà bà Tộ đã mấy năm nay.
- Con đĩ trời đánh thánh vật này, hôm nay tôi quyết định tống cổ nó ra khỏi nhà. Ai bảo nó mải chơi đánh vỡ cái bát ăn cơm của nhà tôi. Đã vậy, nó còn chửi lại tôi. Với lại, tôi cũng muốn xem vợ chồng con cái nhà kia có dám cưu mang rước nó về mà nuôi không. Hay là chỉ giỏi cái lỗ mồm.
Con mẹ này chửi xéo nhà tôi đấy. Tôi nghe mà lộn ruột. Phải chăng tôi lớn một chút nữa tôi sẽ dạy cho mụ đàn bà chanh chua có tiếng, kẻ đầu đường xó chợ biết thế nào là…phép tắc.
Chả là lâu nay, tuy là con ở nhà mụ hàng thịt lợn nổi tiếng đanh ác kia nhưng hễ rỗi việc hoặc mỗi khi bế con nhà ấy là chị lại sang nhà tôi. Chị quý mến gia đình tôi và bố mẹ tôi trong đó có tôi nữa, đối xử với chị cũng rất tử tế. Có món ngon vật lạ gì hoặc mỗi khi bên nhà bà Tộ lấy cớ chị có lỗi phạt không cho chị ăn, chuyện này xảy ra như cơm bữa, bu tôi đều để dành cho chị hoặc nháy chị sang cho ăn.
Chị Thắm thường xuyên phải ăn đòn. Mỗi lần nghe tiếng roi tre quật vun vút lên người chị, tôi ở bên này ao nghe thấy đều sởn da gà và thương chị quá. Đã nhiều lần tôi ngỏ ý với mẹ tôi nhận nuôi chị nhưng mẹ tôi đều cản. Mẹ tôi sợ làm thế vàng tăng thêm xích mích trong hàng xóm láng giềng. Với lại cũng phải có mấy thùng thóc để chuộc chị ấy ra. Nghe đâu ai đó khi đưa chị đến làm con ở, đã nhận trước của nhà bà Tộ. Mà số thóc thế chân này muốn có, với nhà tôi cũng phải đến mùa. Mẹ tôi bảo vậy.
Tôi được mẹ tôi cho biết lai lịch của chị. Chị là con gái của ông Kép Chồi, một nghệ nhân hát Chèo nổi tiếng của vùng đất Sơn Nam xưa cũ này. Mẹ chị cũng là một diễn viên chèo và là vợ ba của ông Kép. Bà là nạn nhân của chế độ đa thê đã đành mà còn là nạn nhân của một quan niệm khắc nghiệt “xướng ca vô loài” của một thời, theo đó những ai theo nghề này thì bị liệt vào danh sách những kẻ cùng đinh, đứng ở bậc thang chót của xã hội. Vì thế, mặc dù tài sắc vẹn toàn, tiếng hát ngọt ngào liêu trai ít ai sánh kịp nhưng bà vẫn chịu số phận hẩm hiu, lỡ thì để rồi cuối cùng rơi vào kiếp lấy chồng chung, phải làm vợ ba ông kép hát.
Sau khi Pháp đánh chiếm Thái Bình, ông kép theo Tây dinh tê vào vùng tề rồi lên Hà Nội tạm chiếm. Ông bỏ quê hương ra đi chỉ đem theo có gia đình chính thống của mình, còn bà vợ ba (và cả bà vợ hai nữa chứ nhưng mọi người không biết ở đâu) với đứa con gái mới hơn 10 tuổi đầu mà từ bé đến giờ không được học hành gì, chỉ chuyên theo bố mẹ, nay đây mai đó, theo gánh hát nên không biết làm gì. Tuổi thơ của Thắm là như thế.
Trong những ngày rong ruổi theo bố mẹ đi hát khắp nơi, lúc rảnh rỗi, Thắm thường được ông Kép dạy cho biết thổi sáo và biết hát một số điệu chèo cơ bản cùng vài trò diễn cổ truyền trong đó có vai Thị Mầu của vở chèo nổi tiếng Quan âm Thị Kính. Sự ít ỏi về tuổi tác không hề hạn chế Thăm vào một vai gần như hội tụ đầy đủ tính lẳng lơ của đàn bà con gái trong thiên hạ dồn hết vào một người. Thắm trở nên khác lạ với vai diễn này. Những người xem Thắm diễn đều trầm trồ khen Thắm và đều lo rồi cuộc đời cô sẽ truân chuyên ngang trái, không khác gì mẹ cô.
Càng lớn lên Thắm càng đẹp, càng hứa hẹn một trang giai nhân tuyệt sắc trong tương lai.
Nhưng cuộc đời thật trớ trêu. Vài năm sau, khi ông Kép Chồi đang du hí với những sân khấu sáng ánh đèn của một Hà Nội bị quân Pháp tạm chiếm thì ở quê hương, gánh hát bị tan rã. Bà Thúy Hồng, mẹ của Thắm, bị chết tan xác vì quả đạn ô - bi của quân Pháp từ thị xã nã về làng. Bà Thúy Hồng ra đi, bỏ lại cô bé Thắm tứ cố vô thân, bơ vơ trong cõi dương gian đầy nanh vuốt và cạm bẫy.
Một ông bạn chuyên theo gánh hát ông Kép Mầm kéo đàn nhị thương tình đã đưa Thắm về nhà nuôi. Nhưng rồi bà vợ của ông ta, nghĩ đến giọng hát đầy quyến rũ của cô bé, nghĩ đến con mắt đong đưa, sắc lẻm như dao cau, con mắt sẵn sàng làm “chết cá ao anh” sẽ làm tan nát gia đình vốn đang yên ấm của mình nên bà đã từ chối, không chấp nhận cô.
Giữa lúc đang chới với giữa dòng nước xoáy như thế, Thắm vớ được cọc. Cây cọc ấy là bà Tộ giết lợn và bán thịt lợn. Bà Tộ đang thiếu người giúp việc. Bà chấp nhận Thắm vì bà biết con mắt lúng liếng kia, giọng hát liêu trai kia có thể giúp miếng thịt bà cân cho khách bỗng dưng tăng thêm trong lượng, làm cho khúc lòng thối cũng dễ dàng được khách đàn ông bỏ qua.
Thắm về làm con ở nhà bà Tộ vì lý do ấy.
Về nhà bà Tộ, Thắm đã làm được nhiều việc khiến bà và hai cô con gái lười chảy thây khó tính khó nết cũng phải hài lòng. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau đã xảy ra cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”. Nguyên nhân chẳng ai nói ra nhưng đều biết đó là sự khập khễnh bất đắc dĩ đang lớn dần lên ở trong căn nhà này. Hai cô con gái của nhà hàng thịt càng lớn càng tròn vo núc nich như những con vật họ sát sinh hàng ngày, và giọng nói, giọng hát của họ cứ như “chó cắn, mèo kêu” thì, trái ngược lại, nhan sắc của Thắm càng ngày càng rực rỡ, giọng nói cũng như giọng hát ngày càng trong trẻo, ngọt ngào.
Người ta bảo tuổi 16, 17 có thể biến gộc tre nảy lộc, đâm chồi, biếnThị Nở thành Hằng Nga. Huống hồ khi sinh ra Thắm đã là một Hằng Nga.
Thành thử những người quen biết Thắm và hiểu rõ hoàn cảnh gia đình bà Tộ cũng đều mường tượng đến một tai họa sắp xảy ra nhưng không ai biết nó xảy ra vào lúc nào. Mọi người cứ nghĩ ít ra là vào năm Thắm 18 tuổi, năm của trái đến kỳ chín.
Không ai ngờ nó xảy lại xảy ra vào buổi sáng hôm ấy, khi mấy thùng thóc “đặt cọc” Thắm vẫn còn phải nợ của bà Tộ.
Sau khi một tay cầm khúc cây bêu lên trời đống quần áo bèo nhèo của Thắm, đi vòng quanh xóm để giễu cợt, bà Tộ dẫn Thắm vào thẳng cổng nhà tôi. Bà gọi mẹ tôi ra, quát mắng như chính mẹ tôi là người gây nên lỗi:
- Tôi cho bà cái con trời đánh thánh vật này đấy. Mấy thùng thóc đặt cọc tôi cũng cho luôn!
Biết tính bà ta nên mẹ tôi cũng chẳng thèm đáp lại nửa lời. Mọi sự vẫn cứ êm ru. Không có đối thủ, bị tẽn tò, mụ bán thịt lợn chỉ còn cách mạnh tay đẩy Thắm một cái thật mạnh. Thắm bị đập đầu vào cái cánh cổng đan bằng tre của nhà tôi, may mà không việc gì. Không những thế, trước khi ra về, bà ta còn quật cho Thắm thêm mấy phát roi nữa. Cái xêu tổ đỉa của Thắm cũng được bà ta giơ lên không trung, xoáy tròn liên tiếp mấy vòng rồi ném vèo qua cánh cổng vào nhà tôi. Đám quần áo rách của Thắm bay như bươm bướm, tội nghiệp.
Mẹ tôi vội vã từ trong nhà chạy ra, dắt Thắm và ôm mớ giẻ rách của Thắm vào nhà. Tôi bước lại đón Thắm. Vừa nhìn thấy chị, tôi đã phải vội quay mặt đi. Cái áo Thắm đang mặc trên người rách nát quá. Thấp thoáng bên trong tôi nhìn thấy cả hai bầu vú tuổi trăng tròn, căng cứng, mang nguyên vẻ đẹp nguyên sơ của tạo hóa buổi sơ khai.
Thắm cũng vội lấy tay che ngực lại.
Tối hôm ấy, mẹ tôi nói với bố tôi:
- Đã đến nước này, nhà mình nên nhận nuôi cái Thắm ông ạ.
Bố tôi vốn tính hiền lành, xưa nay bà nói gì, ông cũng nghe. Ông còn tỏ ra đồng tình với mẹ tôi bằng một hành động khác. Vốn là một thợ may làm tại nhà, ngay chiều hôm ấy, ông lắp ghép những mảnh vải đầu thừa đuôi thẹo còn dư của khách hàng, ông đo, ông cắt rồi ông may cho Thắm một bộ quần áo mới, tam khoanh tứ đốm.
Bố tôi thật khéo tay. Cái áo ông may sao mà vừa khít với thân hình Thắm đến thế. Trông Thắm đẹp hẳn lên. Thắm rất vui. Bố mẹ tôi cũng rất vui. Tất nhiên tôi không ngoài cảm giác ấy.
Ngay sau đó, theo lệnh của mẹ tôi, tôi và Thắm đem bộ quần rách Thắm vừa thay, ra góc vườn, gom cành lá cây khô lại thành một đống rồi nổi lửa đốt đi bộ quần áo đáng nguyền rủa ấy.
Trước khi ném chúng vào đống lửa đang cháy phừng phừng, tôi rũ mạnh mấy cái. Những con rận kềnh lâu nay ẩn nấp trong kẽ vải, rơi xuống lửa, nổ lép bép nghe như rang thính, rợn người. (Hết chương 2)
N.K.Đ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét