Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng
Một trai, một
gái, một trâu, một nghé.
Tối hôm ấy, tôi nghe thấy mẹ tôi bàn với bố tôi:
- Nhà
mình nuôi con Thắm để nó đi chăn trâu ông nhá! Từ hôm thằng Thá đi bộ đội đến nay, trâu nhà mình không có ai chăn, toàn phải ràng nó ngoài mả
Vần, tội
lắm.
- Được đấy bà ạ. Nhưng tôi lo bà Tộ sẽ gây sự với nhà ta, cho
rằng nhà mình cướp nhân công!
- Ông
sợ chứ tôi không sợ. Ông không nghe lời
bà ta lúc nãy đòi tống cổ cái Thắm à?
Tôi đứng ngoài nghe bố mẹ tôi nói chuyện mà khấp khởi mừng thầm. Vậy là tôi sắp có bạn chơi rồi. Từ ngày anh Thá dời nhà tôi đi bộ đội, tôi hụt hẫng lắm. Nhà có chị gái thì đi lấy chồng đã mấy năm nay, còn
lại một mình tôi là
con trai, ra vào, một thân một mình, buồn lắm.
Biết tôi rất vui khi nhà
có thêm thành viên mới, và hình như không muốn làm tôi bớt đi niềm vui ấy nên mẹ tôi đã bảo tôi ra gọi Thắm vào nhà. Tôi
vui quá, chạy ùa ra chỗ Thắm. Thắm đang giã bèo cho lợn
ăn. Chiếc chày gỗ to như cái cột nhà, nặng hàng chục cân, Thắm nâng lên giã
xuống liên tục cứ nhẹ hều như không. Thắm dừng tay hỏi tôi:
- Cậu
gọi tôi? Có chuyện gì thế cậu?
- Bu
tôi muốn gặp chị?
Thắm và tôi cùng vào nhà. Mẹ tôi nói ngay:
- Nếu cái nhà bà Tộ bán thịt lợn kia không nhất quyết đuổi cháu thì cô cũng chẳng dám đưa cháu về nhà. Nay sự thể đã rồi, cháu cứ sang đây với nhà cô. Có cơm ăn cơm, có cháo ăn
cháo. Cô coi cháu như con. Nhà cô
hiếm hoi, chẳng có nhiều nhặn gì. Và sẽ không có chuyện đứa ở con sen gì ở đây cả. Cháu là con của cô chú. Thằng Khôi đây là em cháu. Để không lộn xộn, cô quy định, từ nay Khôi phải gọi cháu là chị, xưng em. Còn cháu gọi
Khôi là gì thì tùy.
Thắm gật đầu lia lịa. Sang xuân
trời còn lạnh.
Khuôn mặt Thắm cứ đỏ bừng lên như có lửa bên trong. Hai con mắt sáng rực loang loáng đong
đưa.
Hôm sau, ngay
từ sáng sớm,
khi những giọt sương còn treo
trên lá cỏ, bắt nắng sáng long
lanh, trông như xa như những ánh hạt cườm đính trên áo
tế, Thắm
đã lặng lẽ dắt trâu đi chăn. Tôi ra ngõ đứng nhìn theo. Hình bóng của họ, một người một vật, in trên nền trời buổi sớm thật đẹp.
Cả ngày hôm đó mừng cho con
trâu từ nay không bị ràng buộc, tha hồ tung tăng gặm cỏ, tôi vui bao nhiêu thì nghĩ đến Thắm đang ngồi ngoải cánh mả một mình, tôi buồn bấy nhiêu.
Rồi, chẳng ai khiến, ai xui mà cả ngày, tôi cứ nghĩ về Thắm, cứ mường tượng không biết giờ này Thắm đang ở đâu, đang nghĩ gì, có nghĩ về tôi không.
Tôi mong trời cho chóng đến trưa. Nhưng sao chờ mãi mà trưa chưa chịu tới. Rồi trưa tới mà sao vẫn không thấy Thắm giong trâu về nhà.
Sốt ruộtquá, tôi hỏi mẹ tôi. Bà bảo, sáng nay con Thắm
mang theo mo cơm nắm muối vừng để ăn trưa rồi. Nó bảo nó còn tranh thủ
để chăn cho con trâu được ăn no hơn, bù cho những ngày không có người
chăn, trâu gầy trơ xương, trông thương lắm.
Tôi buồn xịu đi. Buồn mà không dám
nói với ai. Từ
đó tôi cứ nhìn trời mong sao cho chóng đến tối. Ngày cuối đông, đầu xuân đã ngắn lắm rồi, vậy mà hôm đó, trời có chiều tôi đâu, cứ sáng trưng như cố ý trêu tôi.
Rồi tối cũng đến. Thắm đã giong
trâu về đến nhà. Con trâu no kềnh,
bụng to như
cái trống đình.
Sự có mặt của Thắm làm ấm hẳn ngôi nhà của tôi. Nhưng vui thì
vui, sau đó tôi lại thấy buồn. Tôi buồn vì tôi nghĩ sự việc này rồi sẽ còn lặp lại ngày mai, ngày kia và các ngày sau nữa. Rồi sẽ ra sao nữa nhỉ, khi mà Thắm cứ đi biền biệt cả ngày thế này?
Đến đây có thể có người hỏi, tôi năm ấy 13 tuổi mà sao không
học hành chi, chỉ suốt ngày thơ thẩn với mơ mộng thế này?
Tôi xin thưa. Cách đây 2 năm vùng quê đang yên bình của tôi bỗng bị xáo trộn, hoảng loạn khi quân
Pháp từ tỉnh Nam
Định bên cạnh,
vượt sông Hồng
sang đánh chiếm quê tôi. Họ chỉ chiếm được một số điểm nằm bên đường giao thông và xây dựng một vài đồn bốt canh phòng sơ sài, với những cái lô cốt mỏng mảnh, những lỗ châu mai nông
chòen choèn, bên trong ẩn núp những nòng súng cũng không có gì là tối tân. Hàng rào vây quanh đồn bốt thời kỳ này cũng chỉ
là những cây tre nứa đơn sơ, chứ không bằng dây thép gai dầy
đặc như
sau này.
Làng Tuộc của tôi, cách bốt cầu La khoảng mươi cây số đường chim bay. Khoảng cách ấy không dài với đường đạn nhưng lại không ngắn với những cuộc hành quân của bộ binh Pháp. Vì thế, với dân làng tôi, không phải bọn họ muốn làm gì thì
làm, muốn bắt ai, giết ai thì cứ việc, nhất là khi làng tôi, như hiện nay đã có hẳn một đội du kích với những khẩu súng mutcoton,
được bao bọc
quanh làng bởi những bờ lũy chiến đấu, tre ken dầy đặc khiến quân thù vào được
nhưng không ra được.
Suốt mấy năm liền, bọn giặc sợ hãi, kiêng dè,
không dám đến càn quét
làng tôi là vì như thế.
Nhưng trong khi bộ binh của chúng không dám làm gì thì pháo binh của chúng lại làm mưa làm gió ở làng tôi. Với phương tiện này, chỉ cần vài ba quả đạn pháo, chúng có thể
bất cứ lúc nào gây
tang thương cho dân làng tôi, nếu chúng muốn. Thành
ra thời gian này,
làng tôi vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh.
Hồi này tôi đang học
lớp nhì, do ông giáo Rĩnh dạy tại một ngôi từ đường trong xóm, có những
cây cột to lim to, hai đứa trẻ chúng tôi ôm
không xuể, luôn che khuất tầm nhìn, khiến bọn học sinh muốn chép bài
trên bảng cứ phải ngang nhiên
chạy ra đứng
giữa nhà. Ông giáo Rĩnh nổi tiếng nghiêm khắc. Khóm cây si mọc
trên tường, đầu tháng còn um tùm xanh tốt, chỉ vài tháng vào
học, đã bị
ông vặt trụi
làm roi đánh học trò khiến đứa nào đứa nấy nhìn thấy ông cũng sợ vãi đái ra quần (theo nghĩa đen).
Một lớp học như thế làm sao có thể tồn tại ở một nơi như thế,vào một thời điểm như thế được. Và lớp học này phải tan ngay,
sau khi máy bay phóng pháo của giặc, được chiếc máy bay bà già lượn
mấy vòng thám thính, đã đến bắn xối xả đạn đại liên xuống một khu chợ vừa mới nhóm họp của làng tôi, làm mấy
chục người
chết, ruột
gan, phèo phổi, bắn lên cao treo toòng teng trên ngọn cây. Đã vậy, ngay đêm ấy bọn ở bốt Câu La còn
câu đạn cối xuồng làng tôi.
Tôi bị bỏ học từ đấy. Cũng từ đấy tôi ở nhà, chỉ biết, hết đi câu cá hay thả
diều lại trèo cây bắt tổ chim, hết dùng que nhựa mit dính chuồn chuồn lại ra đồng bắt cào cào đem
về nuôi chim sáo.
Hôm nay như
thường lệ,
Thắm lại đi chăn
trâu. Những trò trẻ con tôi vừa kể trên không làm tôi nguôi nỗi bâng khuâng, nhơ
nhớ.
Tôi rất muốn được đi chăn trâu như
Thắm. Khi Thắm chưa về ở nhà tôi, nhiều
hôm thấy con trâu nhà mình cứ bị ràng ngoài mả Vần, đói khát, mưa nắng, thấy tội, tôi ngỏ ý muốn được đi chăn trâu nhưng
bố mẹ tôi không chịu. Ông bà không muốn
tôi phải làm cái việc “dính với bùn đất” như thế. Ngay cái nghề thợ may, bố tôi đang làm,
hễ thấy tôi trèo lên
chiếc máy khâu Singer cọc cạch, cũ kỹ, định đạp mấy vòng là tôi bị đuổi xuống ngay, kèm theo câu mắng:
- Đời thầy đã còng lưng, chai đít chai mông về cái nghề mạt vận này rồi, con đừng theo thầy nữa.
Biết đó chẳng qua là do bố mẹ thương tôi nên tôi không muốn làm trái ý các cụ.
Thành ra nhiều năm nay, nhà
có máy khâu nhưng tôi chỉ biết làm có mỗi một việc, là thùa khuy, đơm
cúc.
Cầu được ước thấy. May mắn sao, một hôm ông Yêm,
đến báo tin, con trâu nái ông nuôi rẽ của nhà tôi, hôm
qua trên đường đi cày về, chẳng may bị sa chân xuống hố “tiêu thổ kháng chiến” đã bị què cả hai cẳng chân, không
đi lại được, ông nói bố mẹ tôi bán cho
người ta xẻ
thịt, còn con nghé con thì kỳ này là của nhà tôi nên ông xin gửi lại.
Việc xẻ thịt con trâu què sau đấy
diễn ra thế
nào, tôi không biết nhưng chuyện ông Yêm sẽ trả lại con nghé thì thực
sự ám ảnh
tôi từ đấy.
Tôi đánh liều nói với mẹ tôi:
- Bu
cứ bắt con nghé về đi, con chăn nó cho.
Mẹ tôi không thể nghĩ rằng, tôi đang muốn đi chăn trâu
là để có những
ngày rong ruổi trên cánh đồng làng với chị Thắm, bà đồng ý ngay:
- Thế thì tốt quá. Hồi này trường lớp cũng chưa mở lại mà! Hôm trước đi qua nhà ông Yêm, nhìn thấy con nghé nhà mình mà nẫu cả ruột. Nó không là con nghé nữa. Mà là con cóc. Cóc cụ. Gầy guộc, bụng to, ghẻ lở đầy mình.
Mẹ tôi dặn thêm:
- Con
phải nói khéo với thầy để thầy đồng ý nhá. Chứ bu biết thầy không muốn cho con làm những
việc như
thế này đâu.
Tôi cười:
- Bu
yên tâm, con đã có cách!
Tôi lên nhà
trên, bố tôi đang đạp máy khâu xè xè. Tôi nói với ông:
- Nghỉ tay một chút thầy ơi!
- Có
chuyện gì vậy?
- Con
vừa chế
được một bài hát hay
lắm, thầy
đệm đàn bầu
con hát thầy
nghe nhá.
Tôi biết nói đến đàn với hát là bố tôi dễ tính lên ngay.
Ông đứng lên, rút cây
đàn bầu vẫn treo trên
vách xuống. Dạo qua mấy nốt nhạc, ông hỏi tôi:
- Bài
gì nào, hát đi!
Tôi ê a: “Ai bảo chăn trâu là khổ
Chăn trâu sướng lắm chứ
Ngồi mình
trâu, phất ngọn cờ lau
Và miệng hát
nghêu ngao
Vui thú không quên học đâu…“
Tôi dừng lời.
Bố tôi cười:
- Thằng này láu tôm láu cá. Bài này mà mày dám bảo do mày chế ra. Mày có biết của ai không?
Tôi lắc đầu. Bố tôi nói ngay:
- Của ông
Phạm Duy đấy con ơi!
Tôi hơi ngạc nhiên
và chợt nhớ ra. Cách đây mấy năm
khi quân Pháp chưa đánh chiếm quê
tôi, là cán bộ xã, bố tôi thường được cấp trên triệu tập đi dự các lớp tập huấn ở một nơi cách xa làng tôi hàng chục cây số. Ông khoe với tôi,
tại những lớp này
ông thường được các giảng viên
dạy cho một số bài
hát đang thịnh hành. Ông học hát
và gảy đàn theo cách học truyền khẩu. Chứ một nốt nhạc Đô Re
Mi Pha Son… ông không hề biết. Ông
gẩy đàn bầu theo cách ghi âm “xừ xang xế…”. Bài gì đó, tôi quên mất đầu đề, chỉ nhớ được mấy câu như “Đường ta
ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây…”
cũng của nhạc sĩ Phạm Duy, ông
đánh đàn được và hát cũng được. Tôi hát
được bài ấy là do ông dạy.
Thế là tôi cất tiếng hát. Giọng chưa vỡ tiếng. Nửa thanh thanh,
nửa ồ ồ. Ngây nga ngây ngô, nghe buồn cười lắm. Vậy mà vẫn được bố tôi vỗ tay hoan hô
nhiệt liệt.
Hai thứ âm thanh. Một giọng hát. Một giọng đàn, vang lên nghe thật rộn ràng.
Bài hát kết thúc. Tôi biết đây là lúc
tôi nên “tấn công” bố tôi. Tôi đường đột hỏi ông:
- Thầy thấy việc chăn trâu thế nào? Sướng hay khổ?
Bố tôi cười, mắng yêu tôi:
- Sao
mày hỏi ngớ
ngẩn vậy? Bài hát chả nói là gì! Chăn trâu sướng lắm chứ.
- Vậy thầy cho con đi
chăn trâu nhá!
Bố tôi tròn mắt:
- Mày
định tranh phần chị Thắm à?
Tôi giả bộ ngơ ngác:
- Ô,
thế bu chưa
nói với thầy
à? Từ mai ông Yêm sẽ trả lại nhà ta con nghé đang vừa nhú sừng đó.
Bố tôi không giấu giếm sự lép vế của mình trong
gia đình:
- Bu
mày đã đồng ý thì tao đồng ý thôi. Nhưng còn việc học hành?
- Thì
khi nào trường lớp mở lại, con đi.
Tôi chạy vù ra sân. Vừa chạy vừa hát nghêu
ngao: “Ai bảo chăn trâu là
khổ. Chăn trâu sướng lắm chứ!”.
Chị Thắm đã dắt trâu về chuồng. Chị đang lom khom
rút rơm ngoài đống cho trâu ăn đêm.
Tôi chạy ra với chị, rối rít khoe:
- Mai
em được đi chăn trâu với chị rồi.
Chị Thắm nghiêng con
mắt lóng la lóng lánh hỏi lại:
- Lấy trâu đâu mà chăn?
Tôi kể với chị chuyện ông Yêm trả lại con nghé. Chị vui ra mặt:
- Vậy là từ mai chị có bạn rồi. (Hết chương 3)
N.K.Đ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét