Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng
Tuổi 13, ghen
Vậy mà câu chuyện càng về sau càng không vớ vẩn chút nào. Thậm chí còn làm tôi mất ăn mất ngủ.
Dưới gốc cây nhãn trên bờ ao nhà tôi, có một cái cối đá dùng để giã bèo cho lợn ăn. Không biết đã có bao nhiêu giọt mồ hôi đổ xuống cái cối này, để giờ đây, rắn như đá mà cũng bị chiếc chầy bằng gỗ đục thủng một lỗ vừa ôm trọn quả bòng.
Từ khi sang nhà tôi đến nay, ngoài việc chăn trâu cắt cỏ, chiều nào, ở ngòai đồng về, chị Thắm cũng phải lao động với cái cối này để lo bèo khoai, cám bã cho mấy chú lợn nhà tôi đang tuổi ăn, tuổi lớn.
Các ngày khác, chị âm thầm làm việc này một mình. Mấy hôm nay, đã có thêm anh Thặng. Hình như lần gặp chị Thắm ở miếu Âm hồn vừa qua đã tạo đà cho Thặng thêm cơ hội này. Thặng thường lấy cớ lúc vàng vàng mặt trời là lúc cá trê hay rủ nhau đi ăn nên đem cần đến chỗ bờ ao này thả câu. Nhưng câu gì mà cả buổi chả giật được con cá nào. Có người nói Thặng đến đây không phải để câu cá mà là để câu… chị Thắm. Tôi thấy câu nói quả không ngoa. Bắng chứng là mấy hôm nay, chiều nào anh ta cũng vác cần câu đến đây, nhưng nào có đụng đến nó đâu. Tất cả thời gian là để xum xoe quanh chị Thắm. Khi thì giã cho chị hết cối bèo này đến cối khác! Khi thì chẳng làm gì, chỉ mắt la mày lét, đứng tán chuyện với Thắm. Cái miệng cá ngão toe toét nói cười, cặp mắt ti hí như mắt loài lươn, hấp háy đưa tình, trông lộn ruột.
Anh ta nói gì với Thắm mà giòn chuyện thế nhỉ. Không tán tỉnh Thắm thì còn là cái gì nữa.
Tôi tức lắm. Nhưng tức mà không biết làm gì. Tối hôm ấy tôi đánh bạo nói thẳng chuyện này ra với Thắm. Tôi bảo, lão Thặng muốn hỏi chị làm vợ phải không? Chị cười ngặt nghẽo, bảo: “Có mà trời sập!”. Không thỏa mãn với câu trả lời của chị, tôi thấy cần thiết phải nói thẳng ý nghĩ của mình:
- Em không thích chị đứng nói chuyện với Thặng như thế đâu!
- Như thế là thế nào?
- Là anh ta cứ vừa nói vừa cười với chị!
- Thế cậu muốn anh ta phải khóc hay sao?
Tôi lúng túng:
- Không khóc nhưng cũng không được cười. Trông ngứa mắt lắm.
Mặt tôi đỏ bừng. Chị Thắm hình như nhận ra điều đó, nên chị dịu giọng như muốn thanh minh với tôi:
- “Làm hoa cho người ta hái-Làm con gái cho người ta nói chòng”. Con gái mà không được ai để ý đến thì còn ra cái gì. Vậy cậu có muốn chị như thế không?
Tôi lắc đầu, chịu thua chị. Nhưng trong lòng vẫn thấy không yên.
Sợ tôi mếch lòng, chị dàn hòa:
- Nói thật với cậu, chị cũng không thích anh ta đâu! Người gì mà bám dai như đỉa đói ấy.
Tôi đã thấy lòng yên trở lại.
- Vậy chị có muốn em làm cho anh ta không dám đến đây quấy rầy chị không?
- Muốn! Nhưng bằng cách nào?
- Cái đó chị cứ giao cho em!
Tối hôm ấy, tôi gọi Toàn, con chú Sáu sang bàn về chuyện đuổi Thặng ra khỏi địa bàn gốc nhãn bằng quả mìn tự tạo. Gọi là mìn cho oai, cho hợp với thời kháng chiến, chứ thực ra nó chỉ là một thúng tro bếp, được gói bằng những mảnh lá chuối, giống như những đòn giò chả. Quả mìn tro này sẽ được treo cao trên cành nhãn, thẳng đứng vào đầu lão Thặng mỗi khi anh ta đứng nói chuyện với chị Thắm. Dây mìn là những sợi bìm bìm, một loại dây leo mọc hoang dại khắp bờ bụi, đến mùa nở hoa nhuộm tìm cả một vùng, nhuộm luôn cả những bụi cây nó dùng làm chỗ dựa để leo lên. Dây bìm bìm phơi heo héo, dai hơn cả dây thừng bện bằng tre non. Sợi dây này, sẽ được ròng đến chỗ bụi giong mai cũng mọc ở bờ ao, cách gốc nhãn khoảng chục thước.
Tôi phân công Toàn núp ở chỗ đó để giật mìn. Còn tôi sẽ xuất hiện công khai ở gần chỗ chị Thắm đang giã bèo.
Để chị Thắm khỏi bị bị “sát thương”, tôi đề nghị chị, khi nghe phát “ám hiệu” bằng tiếng gọi “chị Thắm ơi”, thì phải mau mau dời xa khỏi hiện trường khoảng vài bước chân. Cũng đúng lúc đó, khi nghe ám hiệu của tôi, Toàn phải lập tức giật mìn.
Mọi việc hôm ấy đã diễn ra rất khớp với kịch bản tôi đã soạn. Kết quả, trận đánh thật mỹ mãn. Quả mìn tro từ trên cành cây “nổ” tung. Tro rơi mịt mù. Trời đất tối om. Lão Thặng bị nhận chìm trong tro bụi, chỉ còn biết kêu trời, cởi ao trùm đầu chạy bán sống bán chết ra xa. Tôi đứng nhìn Thặng thấy anh giẫy nảy, rũ lông rũ cánh như con gà tắm cát mà lòng hả hê. Sau “trận đánh” tôi mới được biết, để tăng thêm “hiệu quả tác chiến”, Toàn đã giấu tôi, gói thêm vào trong “mìn” một ổ kiến đen.
Lần theo sợi dây bìm bìm Thặng đến được chỗ bụi giong mai. Nhưng còn ai đứng đấy đâu. Anh chàng Toàn đã lủi mất tiêu từ bao giờ rồi.
Trận đánh vừa qua vẫn chưa làm Thặng tởn, chiều hôm sau, anh ta vẫn chứng nào tất nấy. Nhưng khác trước, lần này, anh ta đã bắt được tận tay thủ phạm. Cũng là do lớ ngớ thế nào Toàn lại ngã đánh thùm xuống ao.
Nhìn anh ta nổi máu xung thiên, mặt hằm hằm như muốn phanh thây xé xác kẻ thù. Vậy nhưng khi biết kẻ phá mình lại là con trai nhà chủ đang thuê mình làm canh điền, anh ta tiu nghỉu chỉ còn biết chữa ngượng bằng câu: “Cậu nghịch ác quá! Tôi mà về thưa lại ông là cậu bị no đòn đó”.
Do được tôi mớm lời từ trước, Toàn nói thông một lèo: “Anh cứ việc mách bố tôi đi! Tôi đếch sợ! Tôi sẽ nói với bố tôi, rằng anh chuyên bỏ việc nhà sang đây tán tỉnh chị Thắm. Thử xem bố tôi bênh anh hay bênh tôi”.
Thặng câm như hến.
Từ hôm ấy trở đi không thấy anh ta sang tán tỉnh chị Thắm nữa.
Tôi tưởng thế là yên.
Nào ngờ, mấy hôm sau, anh thay đổi chiến thuật. Không đánh giáp lá cà nữa. Mà đánh từ xa, đánh bằng “vận động chiến”, bằng “ngoại giao chiến”.
Một hôm, tôi không đi chăn trâu. Con Cóc cụ hồi này đã lớn khôn, khỏe mạnh, không cần phải “chăm sóc đặc biệt” nữa. Chị Thắm một mình có thể chăn được cả hai con. Mẹ tôi bảo tôi ở nhà để hái hết đám hoa chè đang nở trắng cây trên mảnh vườn sau nhà. Nghề trồng chè lấy lá làm thức uống rất kiêng kỵ việc để cây nở hoa. Vì như thế vừa hại cây, vừa giảm năng suất cây trồng. Bố mẹ tôi không phải không biết điều ấy nhưng những ngày vừa qua bận việc quá, không hái được nụ trước khi nở thành hoa, nên đành phải chịu.
Tôi bắc cái ghế xếp rồi trèo lên hái hoa ở cây chè cao nhất vườn. Từ đây, nhìn ra chung quanh tôi chỉ thấy trắng xóa một màu trắng nhức nhối. Tự dưng tôi cảm thấy mình có lỗi trong việc này.
Lúc này mẹ tôi đứng hái lá chè ở một cấy thấp hơn. Qua tay mẹ tôi tiếng lá bứt khỏi cành, lách tách vui vui.
Có tiếng chó sủa. Tôi nhìn ra phía ngõ thì thấy có ba bốn người đàn bà đang chậm chạp bước vào nhà. Áo chùng nâu, khăn đen mỏ quạ, miệng nhai trầu bỏm bẻm, mang vẻ trang nghiêm như sắp làm điều gì quan trọng lắm.
Một lúc sau, bố tôi từ trong nhà ra vườn nói với mẹ tôi điều gì đó, tôi nghe tiếng được tiếng không. Linh tính báo cho tôi biết có điều gì bất bình thường sắp xảy ra.
Bố tôi trở vào nhà trước. Mẹ tôi thu gom đám lá chè vừa hái rồi vào sau.
Tôi nhảy xuống đất, hồi hộp hỏi mẹ:
- Có chuyện gì vậy bu?
Mẹ tôi buồn buồn, trả lời:
- Thằng Thặng, nhờ mấy bà này đến hỏi con Thắm!
Bất chợt, như một luồng gió lạnh, từ xa thổi đến, làm tôi lạnh xương sống, mặt tái đi. Không đứng vững được, tôi phải ngồi sụp xuống đất.
Mẹ tôi thấy thế hỏi ngay:
- Khôi, làm sao vậy?
Tôi trả lời, lưỡi líu lại:
- Hình như con bị cảm, bu ạ!
Mẹ tôi hốt hoảng, gọi bố tôi:
- Ông ơi! Thằng Khôi làm sao mặt mày xanh mét thế này! Ông ra cõng nó vào nhà ngay đi.
Bố tôi ra cõng tôi vào nhà, vắt nước chanh cho tôi uống rồi rang cám gói vào cái áo cũ đánh gió cho tôi.
Trong cơn hoảng loạn, tôi nghe thấy mẹ tôi nói với mấy bà vừa đến:
- Xin khất các bà đến hôm khác…
Các bà lặng lẽ ra về.
Chiều hôm ấy, Thắm đi chăn trâu về. Vừa nhìn thấy tôi ngồi ủ rũ như con gà cúm ở góc giường, chị khóc hu hu:
- Ôi, cậu ơi, cậu làm sao thế này?
Chị sờ tay lên trán tôi. Tay chị đụng đến chỗ nào, tôi thấy mát lạnh chỗ đó.
Tôi kể lại với chị câu chuyện vừa xảy ra nhưng tuyệt nhiên không nói gì đến chuyện vì sao tôi bị “trúng gió”.
Chị tuôn ra một thôi, một hồi:
- Cậu yên tâm đi. Chị không muốn đi lấy chồng vào lúc này đâu. Vừa mới sang nhà cậu được mấy tháng, được trơn lông đỏ da, chưa làm được gì để đền đáp công ơn ông bà, đã vội vã bỏ đi hay sao. Thế có phải là kẻ ăn cháo đá bát không? Với lại sau này, có lấy chồng, chị cũng không lấy loại người như anh Thặng đâu. Các cụ ta xưa chả từng răn đe: “Những người ti hí mắt lươn - Trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người”. Như vậy, thà chị ở giá còn hơn…
Tôi nghe như nuốt từng lời của chị. Nhưng nghe xong tôi lại thấy buồn. Chị vẫn không nhắc gì đến tôi. Tôi vẫn là người bên ngoài cuộc đời chị . Vì chị ngại ngùng, hay vì vẫn coi tôi là trẻ con? (Hết chương 5)
N.K.Đ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét