Anh Phụng đi khỏi nhà tôi đến nay cũng đã nửa tháng rồi. Chả biết có phải nỗi mong chờ của tôi, đã làm anh Phụng nóng ruột, mà một hôm, tôi đang ngồi chơi thì thấy con vện từ trong nhà chạy vụt ra ngõ, vẫy đuôi mừng rỡ.
Ôi, anh Phụng thật rồi. Bộ quần áo gụ, anh đang mặc trên người và chiếc túi dết đeo bên cạnh sườn, ướt sũng, lấm lem bùn đất. Vừa vào nhà, anh đã khoe ngay:
- Cháu suýt chết đấy cô chú ạ. Không ngờ lúc vượt đường đụng phải bọn lính đi “ba tui”, chúng bắn đuổi theo. Cháu, cứ rãnh khoai mà lủi. Lủi như con chim cuốc ấy. Vậy mà thằng giặc không làm gì được cháu đấy. Cô chú có thấy cháu giỏi không?
- Giỏi! Không giỏi thì làm sao làm được cán bộ tuyên huấn!
Bố tôi khen. Mà anh Phụng giỏi thật. Anh giảng bài “Tình hình mới, nhiệm vụ mới, ta nhất định thắng, địch nhất định thua” hoặc bài “Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi” cho dân làng tôi, khô khan thế mà mọi người cứ há hốc mồm ra nghe. Anh nói đã hay nhưng đàn hát cũng rất giỏi. Một số kiến thức về âm nhạc, tôi có được là do anh dạy.
Đêm mùa xuân, rằm tháng giêng, trăng thật sáng. Đây là mùa vạn vật phát triển, sinh sôi. Vậy mà tôi vẫn cứ buồn. Nằm mãi không ngủ được, tôi lắng tai nghe mọi động tĩnh bên ngoài. Hình như lúc này ngoài vườn, mầm cây đang tách vỏ để nhú ra cái mỏ như mỏ con gà con đang mổ vỏ trứng chui ra. Tôi nghe được cả tiếng nhựa cây đang chảy trong từng kẽ lá, cành chồi. Tiếng côn trùng gọi nhau, con giun, con dế. Trùm lên không gian là tiếng con chim cuốc kêu, khắc khoải, não nề, như muốn đứt ruột người nghe, tiếng kêu liên tục từ chập tối đến giờ đã quá nửa đêm mà vẫn chưa ngưng nghỉ. Trùm lên không gian còn là hương thơm của một loài hoa thường được ít người biết đến.
Đó là hoa xoan. Đây là thời điểm, loài cây gắn bó lâu đời với người nông dân và thôn quê Việt Nam, đang âm thầm thả cánh, thả hương xuống mặt đất, tạo thành những trận mưa màu tím xuống đường làng, ngõ xóm, tạo thành những cơn gió mùi hương hương mát dịu, rất đặc trưng, khắp bốn phương trời không thấy ở đâu có, ngoài ở đây và chỉ có vào mùa này. Mùi hương của loài hoa tím này, có khả năng quyến rũ lũ muỗi độc ác, đến nỗi chúng phải chọn mùa này, nơi này để làm mùa sinh nở, để tạo ra giống muỗi, gọi là muỗi hoa xoan.
Thấy phòng bên còn leo lét ánh đèn, biết rằng anh Phụng chưa ngủ, tôi đánh liều mang cây đàn cóng - bơ sang nhờ anh hướng dẫn cho tập chơi vài bài.
Gọi là đàn cóng - bơ vì nó được chế tạo từ một vỏ đồ hộp.
Cách đây 2 năm, bọn lính Pháp từ thành phố Nam Định vượt sông Hồng sang đánh chiếm quê tôi, một vùng đất lâu nay sống êm đềm, thái bình đúng như tên của nó. Ngày ấy, đường số 10 chạy từ Hải Phòng về qua đây vừa bị “tiêu thổ kháng chiến”, một chiến dịch nhằm ngăn cản sự di chuyển bằng xe cơ giới của quân giặc. Do đó, muốn đánh chiếm quê tôi, công việc chúng phải làm ngay, là sửa sang, tu bố con đường đã bị đào ngang đào dọc “chữ I, chữ tờ” như thơ Tố Hữu miêu tả.
Thời gian đầu, từ bên kia sông, bọn công binh làm đường cứ phải nhiêu khê, sáng đi tối về. Mỗi ngày làm việc như thế, chúng lại vứt bỏ lại hai bên đường cơ man vỏ đồ hộp đủ loại xanh xanh, đỏ đỏ, vàng vàng... tạo cho dân làng tôi một thú chơi xưa nay chưa từng có. Ấy là cứ vào mỗi buổi chiều, khi bọn lính đi khỏi, bà con lại rủ nhau, ùa ra đường, kẻ gom, người nhặt những thứ đồ phế thải ấy. Để sau đó, về nhà, cái thì dùng làm ống bơ đong thóc, đong gạo, cái thì để cắt ra làm đồ chơi trẻ con.
Trong số đồ chơi này, đặc biệt nhất là cây đàn cóng- bơ, với thùng đàn làm từ hộp Cát- cút, loại đồ hộp bằng sắt tây, hình chữ nhật, mặt cắt to bằng quyển vở, đựng toàn bộ suất ăn của một tướng lĩnh, trong đó có cả thuốc lá, nước bột cam, kẹo tráng miệng, theo từng bữa sáng, chiêù…
Đàn cóng - bơ được cấu tạo theo nguyên tắc của cây đàn mandoline, với cần đàn bằng gỗ. Riêng với cây đàn của tôi thi nó được thửa từ gỗ cây mít có tuổi thọ hàng thế kỷ ở góc vườn nhà tôi, cách đây mấy tháng bị đạn pháo của quân Pháp bắn gẫy cành. Dây đàn là loại dây cước dùng câu cá, được bán trong các gian hàng xén ở chợ Tuộc.
Bố tôi rất khéo tay lại có khiếu thẩm âm tốt nên cây đàn ông chế tạo tuy là bằng cóng bơ nhưng âm thanh khá chuẩn. Chúng tôi học đàn bằng nhạc cụ này. Học theo lối truyền khầu. Không biết son phe, ký âm, ký pháp gì. Chỉ là dựa theo nhịp điệu đã thuộc sẵn, vào cái tai biết thẩm âm. Giống như muốn chơi bài chào cờ thì trước tiên phải biết hát quốc ca. Nốt nhạc đồ rê mí không biết ghi theo khuông nhạc trong năm dòng kẽ thì chép lại bằng chữ quốc ngữ. Kiểu như nốt “đồ” thì viết “đờ ô đô huyền đồ”, nốt “mi” thì “mờ i mi”. Thế thôi.
Vì mù nhạc lý nên muốn chơi được bài hát nào, chúng tôi phải nhờ người dạy theo lối truyền khẩu. Trong trường hợp này đúng là “không có thầy đố mày làm nên”.
Lúc này, anh Phụng còn thức nên vừa thấy bóng tôi, anh hỏi ngay:
- Lại không ngủ được à?
Tôi nói quấy quá cho qua chuyện:
- Tại chập tối uống nước chè đặc quá anh ạ!
Anh Phụng cười trong bóng tối:
- Lại có chuyện bất yên trong lòng rồi phải không?
- Làm gì có!
Tôi cãi lại một cách yếu ớt! Rồi chuyển ý ngay:
- Anh Phụng! Dạy em đàn đi!
Tôi cầm cây đàn cóng-bơ gảy lên mấy tiếng. Một chuỗi âm thanh tí tách vui vui.
Anh Phụng ngồi dậy, vặn to ngọn đen hoa kỳ:
- Nào chú em muốn anh dạy bài gì?
Tôi lúng túng, ấp úng:
- Cái bài… gió chiều thầm vương…
- À, bài “Mộng chiều xuân”… Được rồi đưa đàn đây, lấy giấy bút ra anh đọc cho mà chép…
Cầm cây đàn cóng - bơ của tôi lên, anh gảy thử vài nhát. Tiếng nhạc vang lên. Tôi không còn cảm giác tiếng nhạc ấy, phát ra từ mấy sợi dây câu hay từ một cái vỏ đồ hộp tầm thường nữa. Mà là từ một nơi huyền bí xa xôi, một xứ mơ nào đem lại. “Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung… Người yêu thoáng qua trong giấc mộng”. Đàn xong, anh hỏi tôi:
- Chú có biết bài này của nhạc sĩ nào không?
Tôi lắc đầu. Anh nói ngay:
- Vậy là không được rồi. Dân ta có một thói xấu là khi thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật thường không để ý đến tên tác giả. Thế là không được. Bài này là của nhạc sĩ Ngọc Bích. Tôi nhắc lại: Của Ngọc Bích cậu nhớ nhé.
Nghe anh Phụng nói tôi rất khoái, vì xưa nay chưa nghe ai nói thế bao giờ.
- Nào bắt đầu chép nhé! Đã biết ký âm chưa?
- Dạ chưa. Em chép bằng chữ quốc ngữ…
Tôi cắm cúi chép. Một loáng đã xong bài hát. Tôi cầm đàn chơi những nốt đầu tiên. Tiếng đàn còn vụng dại lắm. Nhưng sao xao xuyến thấu lòng tôi đến thế. “Gió chiều thầm bao nhớ nhung”. Ông nhạc sĩ ơi, sao ông huyền diệu thế? Ông ở mãi đâu sao mà lại thấu suốt lòng tôi!
Đàn xong tôi lại hát. Tôi hát không hay nhưng sao nghe lại cứ thấy hay.
Anh Phụng vỗ vào vai tôi:
- Chú mày bắt đầu biết yêu rồi phải không?
Như người ăn vụng bị bắt quả tang, tôi lúng túng. Nếu lúc này là ban ngày chắc anh Phụng đã nhìn thấy hai vành tai tôi đỏ nhừ. Tôi chối:
- Đâu có!
Bố tôi từ nhà dưới đi lên. Chưa đến cửa, ông đã hỏi ngay:
- Thằng Khôi chơi thử một bài cho tao nghe xem nào!
Tôi chơi lại bài “Thằng Cuội ” của Phạm Duy. Phần nhạc thì không có gì thay đổi nhưng phần lời, tôi hát theo một bài đã được chế lại cho phù hợp với hoàn cảnh thời cuộc lúc bấy giờ. Như lẽ ra phải hát là “Ánh trăng trắng ngà- Có cây đa to- Có thằng Cuội già- Ôm một giấc mơ…” thì lại hát thành “ Có tin mới về - Pháp thua Đông Khê – Bỏ cả Cao Bằng…Nam, Hòa, Hưng, Hóa, Tân, Long”
Bố tôi khen:
- Được đấy!
Rồi ông nói tiếp:
- Thầy nghe nói cái Thắm thổi sáo hay lắm phải không?
- Vâng, cũng tàm tạm…
- Mày nghe nó thổi ở đâu?
- Dạ, ở ngoài mả Cao, chiều nay, lúc chăn trâu.
- Vậy thì thế này nhá. Tối mai nhà mình lập nhóm nhạc trình diễn tại nhà đi. Thầy chơi đàn bầu. Con đàn cóng bơ. Cái Thắm thổi sáo. Còn anh Phụng hacmonica nhá. Mà lần này đi công tác về, anh có mang kèn theo không vậy?
Anh Phụng lôi từ túi dết ra chiếc hacmonica đặt lên miệng ngoét qua môi một cái, thành một chuỗi âm thanh rồi nói:
- Vật bất ly thân của lính Tuyên huấn mà chú. Quên nó sao được!
Chợt nghĩ đến chị Thắm, lúc này đang phải ngồi dưới bếp nấu nồi cám lợn, tôi nói với bố:
- Thầy đã hỏi chị Thắm chưa mà đã quyết định. Chiều nay lúc thổi sáo cho con nghe, chị dặn không được cho ai biết chị chị làm được việc này đâu nhé.
- Sao nó lại sợ thế nhỉ?
- Chị ấy kể hồi còn ở bên bà Tộ thịt lợn, mấy lần chị bị đập vỡ ống sáo.
- Thì gọi nó lên đây cho thầy nói với nó.
Trời rét, từ trong bếp bước ra, hai bên má chị Thắm đỏ hồng, như có ngọn lửa đang giấu trong đó, trông chị đẹp khác hẳn ngày thường.
Bố tôi nói với chị về buổi “hòa nhạc” tối mai, chị không nói gì, chỉ nín thinh. Lát sau mới nói được tiếng “vâng” nhẹ tênh. (Hết chương 6)
N.K.Đ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét