Nhà văn Nguyễn Thị Mây
Dáng núi thấp thoáng phía chân trời. Lòng chị bỗng dưng cồn cào nỗi gì rất lạ. Xao xuyến, bồi hồi, thương cảm trộn lẫn vào nhau. Nước mắt tràn qua mi, chị len lén kéo chiếc nón che mặt để chị bạn ngồi bên không nhìn thấy. Đưa tay chặn lên ngực như dỗ dành trái tim hãy thôi thổn thức. Chỉ một chút nữa thôi chị sẽ đến Buôn Ma Thuột. Nơi mà chồng chị đã góp phần nhỏ làm nên chiến thắng khởi đầu cho cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và anh đã hy sinh ở đây, để lại lòng chị nỗi thương tiếc không bờ bến. Nơi cứ mãi ám ảnh, réo gọi chị một lần giáp mặt. Vậy mà mãi đến giờ, tóc đã ngã màu sương khói chị mới có dịp thỏa mơ ước tìm kiếm dấu vết yêu thương.
Chiếc xe ung dung lướt qua những con dốc cứ cao dần lên. Hai bên đường hàng hàng lớp lớp cây cao su đứng lặng thầm, thẳng tắp. Chị ngỡ ngàng, nao nao khi nhìn thấy những ngôi nhà gỗ xiêu xiêu quanh sườn đồi xa xa. Sự vắng vẻ, thinh lặng khiến chị lo lắng về cuộc sống bấp bênh, nghèo nàn. Nhưng tiếp liền đó là cảnh bạt ngàn những nọc tiêu xanh um. Đã vậy, phía dưới gốc hồ tiêu là những luống cải non tơ. Người hướng dẫn viên du lịch buột miệng “Rau cải nầy mà bóp dầu giấm chấm nước cá kho tộ thì còn gì bằng”. Mọi người bật cười. Cô ấy chỉ tay về phía trước “Kia rồi! Đó là rừng cây cà phê. Tiếc là bây giờ đã qua tháng bảy. Chứ nếu đoàn chúng ta đến đây vào tháng ba, tháng tư thì sẽ được dịp ngắm sắc trắng của hoa cà phê. Đẹp lắm các chú, các cô ạ. Hoa mọc thành từng chùm trắng tinh khôi, bồng bềnh như mây. Chúng ta sẽ được thưởng thức mùi thơm ngào ngạt của hoa. Nếu dừng xe lại, các cô chú len vào rừng cà phê lúc bấy giờ sẽ say ngây với vẻ đẹp hoang dã, ong bướm rập rờn. Hương thơm phủ trùm lên tóc, len vào nếp áo và cả hơi thở cũng thơm tho. Tội là hoa mau tàn lắm. Chỉ vài ba hôm khoe hương sắc rồi rụng trắng mặt đồi. Bù lại, quả cà phê xuất hiện. Mỗi quả có hai hạt. Chắc các cô chú biết rồi, những hạt này sau quá trình chế biến trở thành một loại thức uống cực kỳ ngon, mang lại cảm giác sảng khoái, tỉnh táo suốt ngày”. Một anh bạn trong đoàn chen ngang “Quý vị có muốn biết nguồn gốc của cây cà phê không?”. Ai cũng bảo muốn. Cô hướng dẫn viên đưa micrô cho anh. Anh bạn đứng lên, bước ra giữa lối đi trong xe, tựa người vào thành ghế của người ngồi cạnh rồi bắt đầu gạ gẫm “Nhưng nếu tôi kể thì các bạn có hứa sẽ đãi tôi một chầu cà phê Buôn Ma Thuột không?”. Mọi người cười ồ “Chuyện nhỏ mà. Kể đi ông trời con ơi!”. Anh ta bắt đầu oang oang:
Ngày xửa, ngày xưa. Xưa thiệt là xưa! Ở một ngôi làng nhỏ của đất nước Ethiopia nằm ở phía đông châu Phi bỗng xảy ra hiện tượng kỳ lạ lắm. Mấy con dê tự nhiên…làm biếng. Thậm chí những chú dê đực cũng chẳng màng đến… dê cái. Chúng cứ nằm mẹp. Riêng chỉ có vài chú dê… ở độ tuổi dậy thì là còn sung sức. Chúng chạy lăng quăng trong rừng và vô tình ăn một loại cây có quả. Liền đó, chúng bỗng chạy nhảy như phát rồ. Thấy vậy, những người chăn dê nầy hái một ít lá cho những chú dê lười ăn thử. Lạ làm sao. Bọn dê lười tự nhiên… siêng hihi… Chúng chạy nhảy như đang mùa lễ hội ấy. Những người chăn dê bèn trở lại rừng và quan sát kỹ. Loại cây này có quả nhiều màu sắc khác nhau. Có chùm quả màu xanh, có chùm quả màu vàng, có chùm lại màu đỏ và có chùm thì màu đen. Họ đoán là lúc chín nẫu thì nó có màu đen bóng như thế nên họ tách vỏ quả xem thử. Bên trong có hai hạt nằm úp vào nhau. Nhai thử hạt ấy, họ cảm thấy trong người như có một luồng sinh khí lan tỏa khắp cơ thể khiến họ vui vẻ và hưng phấn lạ thường. Những người chăn dê kể lại cho giáo sĩ nghe. Các vị này thường phải thức khuya, dậy sớm để đọc kinh. Họ rất cần một chất kích thích như thế. Vậy là cây cà phê bắt đầu được vun trồng và sử dụng kể từ đó. Rồi chẳng biết bằng cách nào, cây cà phê “Nhập cư” vào Việt nam và trở thành thức uống tuyệt vời làm cho chúng ta đâm nghiện hương vị của nó. Câu chuyện đến đây là hết rồi! Ha ha…”
Tiếng cười vỡ ra vui nhộn. Có người thắc mắc “Chuyện thiệt hay bịa vậy ông tướng?” Anh ta trả lời tỉnh rụi “Thiệt hay bịa gì thì tôi cũng có một chầu cà phê miễn phí rồi ha ha…”. Mọi người cười dễ dãi. Họ tựa lưng vào thành ghế lim dim và thiếp dần đi. Chị cũng nhắm mắt nhưng tỉnh táo như vừa nhấp một ngụm cà phê. Trong lòng chị khuôn mặt chồng hiện rõ hơn bao giờ hết. Người đàn ông đầu tiên và duy nhất của đời chị. Anh đã từng là bộ đội và hẳn là đã qua đây sau khi cưới chị mới có một tuần. Lúc đó chiến tranh đang hồi khốc liệt. Anh Năm Chính trị viên đã vận động thanh niên trong làng vào bộ đội. Gia đình chồng chị vốn dòng dõi cách mạng nên họ đã khuyến khích anh đăng ký. Đã vậy, lệnh tổng động viên của phe địch giống như một động lực thúc đẩy thanh niên xung vào… bộ đội nếu không muốn bị bắt quân dịch. Anh là một trong số đó. Một đám cưới diễn ra chóng vánh và đơn giản để giúp cho hai người cùng làng đang yêu nhau trở thành vợ chồng. Tuy biết sau đó một tuần anh phải nhập ngũ nhưng gia đình chị vẫn vui vẻ chấp thuận. Thời chiến tranh, sự bất trắc xảy ra như cơm bữa. Trong làng đã có vài cô gái vì chạy không kịp đã bị cưỡng hiếp khi có trận càn quét, bố ráp của giặc. Ba mẹ muốn chị yên bề gia thất. Vả lại hai bên sui gia vốn là bạn thân nên chuyện tác hợp cho hai trẻ đều khiến mọi người hạnh phúc.
Làm sao chị quên được đêm đầu tiên gối đầu lên cánh tay anh, lắng nghe hơi thở dồn dập rồi những nụ hôn dài như bất tận. Chị tan ra thành những mảng sáng của trăng khuya. Chị chìm trong hoan lạc và hạnh phúc. Thật không ngoa khi gọi đó là tuần trăng mật. Vỏn vẹn có bảy ngày chồng vợ thôi mà. Nhưng anh chị yêu thương nhau, sống trọn vẹn cho nhau, mê đắm nhau đến tận cùng. Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Nhưng cuộc vui của đời chị qua mau như một cái chớp mắt. Sau đó là một chuỗi nhớ nhung, âu lo, chờ đợi khắc khoải. Chị và gia đình cứ mãi ngóng theo dấu chân anh. Lúc ở Lộc Ninh, lúc về Đăk Nông, lúc qua Buôn Ma Thuột... Một đêm, trăng khuya đã chênh chếch mái nhà láng giềng, anh chợt về thăm. Cả nhà mừng rỡ vô cùng. Anh ôm chị vào lòng, vỗ về rằng chiến tranh sắp kết thúc rồi. Chẳng còn bao lâu nữa anh sẽ về với chị và gia đình. Anh chị sẽ có con và xây dựng một mái ấm hạnh phúc. Rồi anh vội vả chia tay mọi người. Anh gửi gắm chị cho ba mẹ chồng, xin họ thương yêu và bảo bọc chị. Anh phải đi ngay vì đang cùng đồng đội chuyển một số thuốc men chuẩn bị cho một cuộc đánh lớn. Tiện đường anh ghé thăm nhà một thoáng cho đỡ nhớ. Không ngờ đó là lần gặp gỡ sau cùng. Khi cuộc tổng tiến công khởi đầu ở Buôn Ma Thuột thành công rồi đến Thừa Thiên Huế và chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi. Đất nước thống nhất. Cả nước chào đón hòa bình thì cũng là lúc gia đình nhận được tin anh đã hy sinh. Chị đau khổ cùng cực. Mọi hy vọng tắt ngúm trong lòng chị. Chị tiếc là mình đã không sinh được một đứa con để làm niềm an ủi cho gia đình và cho chính chị. Đứa bé sẽ là chỗ dựa tinh thần cho gia đình, xoa dịu phần nào nỗi đau mất mát chiến tranh đã bắt họ gánh chịu. Ba mẹ chồng thấy chị còn quá trẻ lại xinh đẹp nên đã gợi ý cho phép chị về sống chung với cha mẹ ruột và có thể bước thêm bước nữa. Chị quỳ xuống bên chân ba mẹ chồng xin được mãi mãi làm người của gia đình chồng. Chị xin được sống ở đây và chết cũng sẽ ở đây. Tuy cuộc sống hôn nhân của chị ngắn ngủi nhưng anh đã cho chị quá nhiều yêu thương, những giây phút mặn nồng ý nghĩa. Chị không tin rằng mình sẽ tìm thấy hạnh phúc ở một nơi nào khác hay ở một người đàn ông lạ. Chị xin ba mẹ chồng hãy xem chị là một đứa con gái ruột thịt để chị được thay anh phụng dưỡng sớm hôm. Ba mẹ chồng chị cảm động đến rơi nước mắt. Từ đó, chị sống trong sự thương yêu, quý trọng của ba mẹ chồng và láng giềng. Họ xem chị như một tấm gương trong mà khi soi vào họ nhìn thấy giá trị đạo đức tồn tại một cách kiêu hãnh, đáng tự hào.
Một lần nọ, ba chồng chị ngỏ ý muốn gã chị cho một người cùng cơ quan với ba. Theo ông đây là người tốt. Ông muốn chị có hạnh phúc riêng tư nhưng chị từ chối. Chị chỉ xin phép được thi vào Đại học Sư phạm để sau đó vừa có công việc làm ổn định và cũng vừa thỏa mơ ước góp phần trong sự nghiệp trồng người. Cuộc sống của chị êm ả trôi bên những người thân yêu. Một ngày của chị là sau khi đi dạy về chị lo cơm nước, giặt giũ, chăm sóc ba mẹ. Thỉnh thoảng chạy về thăm ba mẹ ruột. Lâu lâu, chị cùng đồng nghiệp đi du lịch, đi chùa hoặc đi làm từ thiện. Nhiều người chê chị sống đơn điệu, buồn tẻ nhưng chị bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Chị chỉ ao ước có một lần được đến Tây nguyên để tìm lại những dấu chân anh, những giọt máu của anh đã đỗ xuống thấm đẫm núi đồi. Có phải vì thế mà màu đất bazan đỏ như màu của máu?
Điểm đến đầu tiên của đoàn du lịch là Bản Đôn. Mọi người vây quanh chú voi hiền hậu. Có vài anh chị trèo lên lưng voi, để nó đưa đi vài vòng. Chị đứng lặng nhìn dòng sông Sêrêpôk ngang qua, khuất dạng ở khúc quanh. Biết đâu anh đã từng tắm mình trong dòng nước mát lành nầy. Anh đã từng ngồi trên chiếc thuyền độc mộc và thả trôi theo dòng những đóa hoa rừng để chúng ngược về xuôi tặng chị. Chị đi lên chiếc cầu treo Bản Đôn. Gió mơn man khuôn mặt đẫm nước mắt cảm xúc và thổi tung mái tóc chớm bạc về một phía. Nghe tiếng gọi của bạn thân, chị vội đi về phía khu nhà sàn. Có lẽ gọi nó là nhà dài thì đúng hơn vì nó dài thậm thượt. Trên bậc thang, một cô gái mặc bộ đồ thổ cẩm đang tạo dáng để đoàn người du lịch chụp ảnh. Rồi cô mời mọi người vào nhà tham quan những vật dụng của người Ê đê. Chị choáng váng muốn té khi chợt thấy trên trang thờ trên vách nứa có tấm ảnh của chồng chị và tấm ảnh của một sơn nữ đặt sau bình hương. Chị lắp bắp hỏi “Hai người em thờ là gì của em?”. Cô gái ngước nhìn, mỉm cười “Dạ đó là ba mẹ của em”. Chị thấy đất như sụp lở đưới chân và chị lọt thỏm xuống vực thẳm đau đớn, tuyệt vọng và niềm tin vỡ vụn. Chị đứng không nổi nữa, khuỵu xuống rồi ngồi bệt lên sàn nhà dài. Chị bạn thân cũng nhận ra hình người đàn ông trên trang thờ là hình chồng của bạn nên vội đến gần chị hỏi dồn “Chị sao vậy? Chị có sao không chị?” Người bạn nắm lấy bàn tay lạnh ngắt của chị trong khi chị cố gắng thều thào “Ba mẹ em mất lúc nào” Cô gái giọng đượm buồn “Dạ ba em mất khi chiến tranh vừa kết thúc còn mẹ em mất cách nay đã hơn mười năm”. Chị òa khóc khiến cô gái hốt hoảng “Cô có sao không cô? Vì sao cô khóc vậy cô?” Làm sao con bé hiểu được sự đổ vỡ lòng tin về chồng khiến chị muốn nghẹn thở. Anh đã phản bội chị, đã từng ôm ấp người đàn bà khác và chắc tình nồng thắm lắm nên mới tụ hình một đứa con chung. Vậy mà bấy lâu chị cứ xem chồng như một vị thánh. Nước mắt chị rơi lã chã. Đúng lúc đó có một người đàn ông mái tóc bạc trắng mặc bộ quần áo thổ cẩm cắt may rất khéo bước vào nhà. Cô sơn nữ trẻ chạy đến cặp tay ông ta, nũng nịu “Cha à, hôm nay khi đoàn khách du lịch về rồi, cha cho con đi chơi thác Dray Dur nha”. Người cha vò đầu con gái, mắng yêu “Ừ, cha mầy!”. Chị và người bạn thân kinh ngạc quá. Thế này là thế nào? Chị bạn thân vội hỏi người đàn ông “Ủa, ông là cha ruột của cô ta à”. Người đàn ông nhíu mày “Sao cô hỏi kỳ vậy? Nó là con ruột tui chứ con ai?” chị bạn chỉ về phía tấm ảnh “Còn người đàn ông trên bàn thờ kia là gì của cô bé sao nó cũng gọi là cha?” “À , đó chỉ là cha nuôi thôi. Anh ấy là bạn thân của tui. Khi tui bị thương, chính anh ấy đã cõng tui về trạm cứu thương và đã hiến máu cho bác sĩ cứu tui vì hai đứa tui có cùng nhóm máu. Ơn này cao hơn núi nên tui bảo vợ phải xem anh như anh ruột của tui và con gái phải gọi là cha, dù khi sinh nó ra anh ấy đã mất lâu rồi”. Anh ta ngậm ngùi nói tiếp “Hai cô biết không, trong người tui giờ có dòng máu của anh ấy lẫn với máu tui mà. Nếu không có anh ấy cứu thì làm sao vợ tui còn chồng, con tui được sinh ra. Tui lập bàn thờ anh ấy là vậy đó. Có lần anh ấy bảo đã có vợ mà chưa có con. Tui cho con tui làm con anh ấy luôn đó.” Chị òa khóc. Chị bạn thân cũng rươm rướm nước mắt, chỉ vào chị “Đây là vợ của người bộ đội trong ảnh đó anh”. Anh ta sửng người giây lâu rồi đến bên chị, đỡ chị ngồi lên chiếc ghế tre. “Giàng ôi! Giàng ôi! Thiệt là mừng được biết chị”. Chị nghẹn ngào: “Dạ, tui cũng mừng khi được biết anh đã từng ở cạnh chồng tôi và còn thờ chồng tôi nữa. Tôi cảm ơn anh vô cùng”. “Ơn gì đâu chị. Chị ở chơi lâu lâu nghen, tui mua thịt heo rừng về nướng đãi hai chị”. Chị lắc đầu “Cám ơn anh. Vì đi theo đoàn du lịch nên không thể ở lại được. Khi khác tôi sẽ đưa ba mẹ chồng lên đây một chuyến để thăm anh và con gái. Chắc ba mẹ tôi vui lắm, vì có một đứa cháu nội nuôi xinh đẹp và hiền lành. Ba mẹ chồng tôi sẽ tự hào lắm khi biết con trai đã từng sống tốt với mọi người như thế. Tôi cám ơn anh nhiều lắm anh ạ?”. Anh ta có vẻ ngạc nhiên khi nghe chị cứ mãi cám ơn. Anh ta có biết đâu sém chút nữa chị đã nghĩ oan cho chồng và đau khổ một cách vô lý. Chị ngầm trách mình hồ đồ, ghen vội ghen vàng. Mới nghe chẳng chịu suy nghĩ về sự khác lạ rằng giải phóng đã gần bốn mươi năm, còn cô gái này chỉ chừng mới hai mươi mấy tuổi. Thử hỏi làm sao chồng chị là cha của cô bé được khi anh đã an nghĩ từ lâu lắm. Mà nghĩ cho cùng, phải chi anh có một đứa con với người đàn bà khác thì cũng là một điều may về sự nối dõi tông đường kia mà. Ba mẹ chồng chị có niềm vui ngày xế bóng.
Đường về xuôi thật êm đềm và bình yên. Lòng chị như có ai tưới lên đó một đó một làn nước mát lành. Chị ngất ngây, đê mê như vừa nhấp mấy ngụm cà phê của Buôn Ma Thuột. Nơi chồng chị đã biến thành vùng trời ký ức tuyệt đẹp để chị tin và yêu cuộc sống này biết bao nhiêu!
Trà Vinh, ngày 25/07/2015
N.T.M
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét