Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng
Chương trình hòa nhạc đặc biệt
Tối hôm sau, đã qua rằm nhưng ánh trăng vẫn còn sáng ngời, dìu dịu, trời mát, dễ chịu hẳn lên. Mẹ tôi nấu một ấm nước chè đặc và luộc một nồi khoai để chiêu đãi bố con, anh chị em tôi.
Suốt buổi chiều, bố tôi gác lại toàn bộ công việc may vá hàng ngày để lau chùi, lên lại dây cho chiếc đàn bầu mà ông treo nó lên cột nhà lâu nay. Anh Phụng thì tháo gỡ chiếc kèn hacmonica ra ngâm vào bát et- xăng, anh mới xin được của ông Bi sửa chữa đồng hồ trong xóm. Tôi thì nhờ anh Phụng lên lại sợi dây đàn, sao cho nghe đúng chuẩn. Riêng Thắm, do nhạc cụ qúa đơn giản nên chị không phải sửa sang gì.
Chiều hôm ấy, không hiểu từ nguồn tin nào, đám thanh niên xóm tôi biết tin, đã kéo đến dự khán rất đông, chật cả cái sân gạch trước cửa. Mẹ tôi đã phải luộc thêm khoai và nấu thêm nước chè để đãi khách.
Lâu nay làng tôi cũng như nhiều làng thuộc trong vùng “tự do”, không biết từ đâu và từ bao giờ đã hình thành một mỹ tục khá hay. Là hễ chỗ nào tụ tập khoảng chục người trở lên là chỗ đó bỗng dưng nảy sinh và hình thành một sàn dân vũ (múa dân gian) rất đặc biệt. Đặc biệt, vì khi cần nhảy, người khởi xướng chỉ cần vỗ hai tay vào nhau đánh đốp một cái, dợm chân nhún nhẩy, rồi miệng hát “Chúng mình cùng đoàn kết tiến lên” là người được mời đáp lại ngay bằng cách xỉa tay vào người vừa mời, rồi nắm tay cùng nhau nhảy. Vừa nhảy vừa hát. Tự hát tự nhảy chứ không có ai đứng ra hát hoặc đệm nhạc.
Anh chàng Thặng, canh điền nhà chú Sáu, hôm nay cũng có mặt sớm ở nhà tôi. Anh ta cũng trâng tráo, xỉa tay, đánh nhịp mời chị Thắm nhảy. Chị Thắm nhìn tôi tỏ vẻ ái ngại nhưng rồi theo luật chơi, chị không thể từ chối nên đành miễn cưỡng nhảy cùng anh ta.
Tôi biết chị Thắm không hứng thú gì với cuộc nhảy này nhưng thấy tay anh ta quàng qua lưng Thắm, tôi vẫn thấy khó chịu. Tôi buồn bã ra bờ ao đứng một mình, nhìn đàn chim vạc bắt đầu rời tổ đi ăn đêm, buông tiếng kêu kéc kéc và chớp cánh chập chọang từ rặng tre bên kia bờ ao. Tiếng cuốc đâu đó bắt đầu kêu khắc khoải trong không gian.
Chị Thắm tù trong nhà chạy ra vỗ vào lưng tôi:
- Ơ, cái cậu này, đang vui thế lại bỏ ra đây. Có chuyện gì vậy?
Chị cầm tay kéo tôi trở vào sân. Đám nhảy vẫn hào hứng sôi nổi. Vẫn cứ từng đôi vừa hát vừa nhảy. Bố tôi đang nhảy với bà Mưu hàng xáo cùng xóm. Thím Sáu thì nhảy với ông Nhưng. Mấy cụ ông cụ bà nhảy nghe còn sung lắm.
Mẹ tôi mang rổ khoai lang luộc nóng hổi ra đặt ngoài hè. Đám nhảy thấy thế dừng lại. Họ mệt rồi và lại đói bụng nữa.
Buổi hòa nhạc của chúng tôi diễn ra tiếp theo ngay sau đó. Tiết mục đầu tiên là 4 người chúng tôi cùng biểu diễn bài “Chiến sĩ Việt Nam” với những nốt nhạc và câu hát rất hào hùng.
“Bao chiến sĩ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường. Quân xung phong nước Nam đang chờ, mong tay người hồn sông núi, khí thiêng ghi muôn đời”.
Mọi người hoan hô nhiệt liệt. Hoan hô dậy trời đến nỗi có người phải hét lên: “Khe khẽ thôi, không, bọn giặc ở bốt Câu Nhì, cầu La nghe thấy” . Lập tức có người mắng lại:
- Ai nói gì mà ngu thế. Từ đây ra đấy xa. Bọn chúng nghe thấy thế chó nào được.
Xong màn hòa nhạc là đến tiết mục độc tấu. Anh Phụng mở đầu bằng bài “Đàn chim Việt" của Văn Cao: “Từng đôi chim cất cánh, ríu rit ca u ú u” . Tiếng hacmonica ngọt ngào vang lên. Chị Thắm tiếp theo với bài thổi sáo “Xe chỉ luồn kim”. Bố tôi gảy đàn bầu một bài tôi không biết tên, chỉ biết bài đó là một bài hát chèo với câu ai nghe một lần cũng nhớ: “Ông trăng khuyết ông trăng lại tròn- Gái tơ tình tơ quá lứa mà để mất giòn, mất giòn, mất xinh…”
Mọi người vỗ tay rất to. Chị Thắm hét lên:
- Ông chơi đàn rất hay. Hoan hô ông.
Bây giờ đến lượt tôi. Đêm qua anh Phụng đã dạy tôi thành thạo bài hát mà ai cũng biết tôi rất thích lâu nay. Tôi vừa đàn vừa hát: “Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung- Người yêu thoáng qua trong giấc mộng”.
Tôi nhìn chị Thắm. Chị nhìn tôi. Mắt chị ánh lên điều gì đó khó nói lắm.
Có điều này cũng cần phải nhắc đến. Ấy là đêm ấy mọi người đang say sưa ca hát thì từ bốt cầu Nhì vang lên một tràng súng liên thanh. Tuy tiếng súng rời rạc yếu ớt nhưng củng đã làm không khí thưởng thức văn nghệ của bà con kém vui. Anh Phụng phải đứng lên giải thích:
- Xin mọi người yên tâm. Bọn lính trên bốt bắn cầm canh cho vui thế thôi, chứ lực lượng của chúng yếu lắm không làm gì được chúng ta đâu. Mọi người cứ yên tâm ca hát di.
Thế là mọi chuyện lại đâu vào đó.
Anh Phụng nhắc tôi nhớ đến một kỷ niệm. Năm ngoái cũng vào ngày này, khi bọn lính Pháp vừa đóng xong mấy cái đồn ven đường số 10, để uy hiếp chúng, người dân quê tôi đã cùng nhau, làng nọ lan sang làng kia, ai có kẻng dùng kẻng, có mõ dùng mõ, không có những thứ đó thì dùng xoong nồi, chậu thau, cứ chập tối là gõ lên ầm ầm, náo động cả một vùng đất, vùng trời, vậy mà bọn địch có dám làm gì đâu.
Vậy là buổi hòa nhạc qua đi một cách vui vẻ.
Đêm hôm đó tôi lại mất ngủ. Tôi mang cây đàn cóng bơ ra gốc cây nhãn ngoài bờ ao đằng sau nhà đàn hát nghêu ngao một mình. Trăng cuối xuân đầu hè huyền ảo. Gió mát thổi mơn man. Tiếng cá đớp bèo dưới ao bằm bặp. Cộng vào đó vẫn là tiếng con cuốc kêu khắc khoải, buồn bã.
Anh Phụng ra với tôi. Anh bảo buổi văn nghệ tối nay vui quá làm anh cũng không ngủ được. Anh bảo tôi đàn lại bài “Mộng chiều xuân” cho anh nghe lại lần nữa. Nghe xong anh trầm ngâm hỏi tôi:
- Hình như chú em đã biết yêu!
Tôi chối đây đẩy:
- Ôi, anh có nhớ không, đã mấy lần anh hỏi câu này, em đều trả lời em còn bé chưa nghĩ đến điều đó đâu.
Anh Phụng cười:
- Đấy là cái đầu em nghĩ thế, chứ trái tim em nó không thế đâu. Thôi được, anh không hỏi thế nữa.
Sau đó anh nói với tôi về sự khác biệt giữa tình yêu và tình dục, về tình yêu đơn phương và tình yêu có cặp. Anh bảo tình yêu là tinh thần còn tình dục là vật chất. Có tình yêu không có tình dục nhưng cũng có tình dục không có tình yêu.
- Kìa con chim cuốc lại bắt đầu kêu rồi anh.
Tôi đánh trống lảng. Vì thực ra đến lúc này cả hai lĩnh vực ấy đều xa lạ với tôi. Đều lờ mờ trong tâm thức tôi. Tuy vậy cũng phải công nhận một điều rằng, gần đây tôi có những rung động, những xao xuyến riêng vì hinh ảnh một người con gái. Tôi buộc phải nói ra điều này. Anh Phụng lắng nghe rồi nói:
- Đó là tình yêu một phía, tình yêu đơn phương, tình yêu một nửa. Một nửa cái bánh vẫn là cái bánh. Nhưng một nửa tình yêu không thể là tình yêu. Và nếu có theo đuổi cái tình yêu một nửa ấy rốt cuộc sẽ rất đau khổ như chuyện anh Trương Chi với nàng Mỵ Nương đấy!
- Vây theo ý anh, làm sao có được thứ tình yêu như anh nói!
Anh Phụng vê vê mồi thuốc lào, tra vào nõ điếu, châm lửa hít một hơi dài. Lim dim đôi mắt anh suy tư:
- Mỗi người một cách chú em à! Có người dùng hình thức hào nhoáng bên ngoài. Có người tài đức tiềm tàng bên trong. Có người bằng năng khiếu nghệ thuật trời cho. Như bố em ngày xưa ấy. Nghe nói thời trẻ, mê tiếng đàn bầu, nhiều bà nhiều cô mê ông nhà lắm đấy. Mê đến nỗi mẹ cậu phát ghen không cho cụ đi làm bất cứ một công việc gì dù lương cao, bổng lộc nhiều, vì cụ có học hành, bằng cấp hơn người ở thời điểm ấy. Không có những thứ ấy thì phải tìm thứ khác. (Hết chương 7)
N.K.Đ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét