Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng
NHỮNG CHUYỆN LI KỲ TỪ CHIM CUỐC
Thứ khác là thứ gì, tôi định hỏi nhưng nghĩ đấy không phải là câu hỏi nói ra miệng nên lại thôi.
Ngoài bờ ao lại vang lên tiếng chim cuốc, anh hỏi tôi:
- Em
có biết gì về
sự tích con chim cuốc không?
- Là
chuyện ông vua Thục bị mất nước hóa thành
con chim ngày đêm thương tiếc gào lên thảm thiết những tiếng “quốc quốc” (tức là “nước nước”) phải không anh?
- Đó
là chuyện chính trị! Anh muốn hỏi về chuyện tình cảm, tình yêu
kia!
Tôi
lắc đầu:
- Thế thì em không biết!
- Vậy, anh kể cho nghe nhé!
Nghe
nói đến chuyện
cổ tích, tôi sướng rơn. Lâu nay
chuyện ngày xửa
ngày xưa đều hấp dẫn tôi bằng một ma lực khác thường.
Anh
Phụng bảo,
sự tích con chim cuốc hiện có nhiều lời kể khác nhau, tùy theo từng hoàn cảnh, từng địa phương. Có chuyện hay, có chuyện không hay lắm. Câu chuyện dưới đây theo anh
là hay.
Ngày
xưa có đôi bạn chí thân là Quắc
và Nhân. Họ đều là con nhà học trò nghèo, lại đều mồ côi cha mẹ, Quắc được học nhiều hơn bạn: anh chàng
làm thầy đồ dạy trẻ. Tuy bổng lộc chẳng có là bao
nhưng Quắc
vẫn thường
giúp đỡ Nhân. Đối lại, có lần Quắc bị ốm nặng, giá không có bạn
thuốc thang ngày đêm thì anh khó lòng sống nổi. Sau đó cũng
vì sinh kế, đôi bạn phải chia tay mỗi người một ngả. Trong khi Quắc sống cuộc đời dạy trẻ thì Nhân cũng
đi lang thang đến các vùng xa
lạ làm thuê làm mướn. Trải qua một thời kỳ lang bạt, cuối cùng anh
chàng vào làm công cho một phú thương. Thấy chàng thật thà chăm chỉ, phú thương rất tin cậy. Chẳng bao lâu
Nhân được phú thương gả con gái cho.
Vợ Nhân có nhiều của riêng. Vì thế Nhân nghiễm nhiên trở nên một phú ông có cơ nghiệp kha khá ở trong vùng. Nhân giàu nhưng không quên tình bầu
bạn. Nhân vẫn nhớ tới lời thề "sống chết sướng khổ có nhau" với
Quắc. Nhân cất công đi tìm và sung sướng thấy Quắc còn sống. Tuy Quắc đang dở năm dạy, nhưng Nhân cũng
thương lượng
được với cha mẹ học trò cho con
em chuyển sang một cụ đồ khác rồi đưa Quắc về nhà mình.
Nhân dặn người nhà phải coi Quắc không khác gì mình, cơm nước hầu hạ không được bê trễ. Nhưng tính vợ Nhân không được như chồng. Xưa nay đối với những kẻ rách rưới, chị ta thường tỏ vẻ coi thường. Vả, chị ta không cùng
sống những
ngày hàn vi với Nhân nên có
thấy đâu tình nghĩa giữa Nhân và Quắc như thế nào. Nhưng thấy chồng trọng đãi khách
nên lúc đầu chị không dám nói gì. Nhân luôn luôn bảo vợ: "Đây là
người thân nhất trong đời tôi. Nếu không có bạn thì tôi chưa chắc đã sống để gặp nàng". Vợ Nhân chỉ lẩm bẩm: "Khéo! Bạn
với bè! Chỉ
có ngồi ăn hại".
Dần dần vợ Nhân bực mình ra mặt. Chị ta khó chịu vì cái ông khách lạ
tự dưng ở đâu đến chả giúp ích gì cho nhà mình, chỉ chễm chệ trên giường cao, cơm rượu mỗi ngày hai bữa. Vợ Nhân trước còn nói mát
sau thì ngoa ngoắt ra mặt. Có hôm người đàn bà ấy đay nghiến cả chồng lẫn khách:
- Chẳng phải
bố già, không phải khách nợ, ở đâu lại rước về thờ phụng: ăn no lại nằm. Thôi liệu mà tống quách đi!
Thấy thái độ
vợ ngày càng quá quắt, chồng chỉ sợ mất lòng bạn. Một mặt Nhân thân
hành chăm chút bạn chu đáo hơn cả lúc trước, mặt khác Nhân tỷ tê khuyên dỗ vợ. Nhưng vợ Nhân chứng nào vẫn giữ tật ấy. Về phần Quắc thì chàng hiểu tất cả. Đã hai lần Quắc cáo bạn xin về nhưng Nhân cố giữ lại. Thấy bạn chí tình, Quắc lại nấn ná ít lâu. Nhưng hôm đó Quắc quả quyết ra đi vì chàng vừa
nghe được những câu nói xúc phạm
nặng nề.
Quắc nghĩ, nếu mình không đi sớm
thì có ngày bị nhục với người đàn bà này. Mà nếu
ra đi như mấy lần trước thì sẽ bị bạn chèo kéo lôi
thôi.
Một hôm, trời còn mờ sương, Quắc cất lẻn ra khỏi nhà. Để cho bạn khỏi mất công tìm kiếm, khi đi qua
một khu rừng,
chàng cởi khăn áo treo lên một cành cây bên đường.
Đoạn Quắc
lần mò đến
xứ khác trở
lại cuộc
đời dạy trẻ. Thấy mất hút bạn, Nhân bổ đi tìm. Khi nghe tin có người bắt được khăn áo ở mé rừng phía Nam, chàng lật đật đến xem. Nhận rõ ấy là khăn áo của bạn, Nhân rất thương cảm: "Ta
nuôi bạn thành ra hại bạn! Chắc bạn ta bị cướp giết chết". Nhưng sau đó Nhân lại
nghĩ khác: "Bạn ta ra đi trong
túi không có một đồng một chữ thì dầu có gặp cướp cũng không
việc gì. Đây một là hùm beo ăn thịt,
hai là bị lạc trong rừng sâu".
Nhân bắt đầu vào rừng tìm Quắc. Không thấy có vết máu, chàng lại càng hy vọng. Băng hết chông gai,
chui hết bụi rậm, Nhân luôn
luôn cất tiếng gọi: "Anh
Quắc ơi! Quắc! Quắc!". Nhân
đi mãi, gọi mãi, quanh quẩn trong rừng mênh mông.
Cho đến hơi thở cuối cùng con người chí tình ấy vẫn không quên gọi: "Quắc! Quắc!". Rồi đó Nhân chết hóa thành
chim quốc, cũng gọi là đỗ quyên.
Vợ Nhân đợi
mãi không thấy chồng về, lấy làm hối hận. Một hôm chị ta bỏ nhà bỏ cửa đi tìm chồng. Cuối cùng cũng đến khu rừng phía Nam.
Nghe tiếng "Quắc! Quắc!", chị ta mừng quá kêu to:
"Có phải anh đấy không anh Nhân!" Không có tiếng trả lời ngoài những tiếng "Quắc! Quắc!". Vợ Nhân cứ thế theo tiếng gọi tiến dần vào rừng sâu. Sau cùng không tìm được lối ra, chết bên cạnh một gốc cây.
- Đấy là chuyện của nơi khác, còn đây là chuyện quê ta.
Anh
Phụng lại
kể:
Ngày
xưa có một
chàng canh điền cày cuốc rất siêng năng,
được ông chủ
yêu mến đặt tên là Cuốc. Mà chẳng riêng gì
ông bà chủ, cô con gái của gia đình này cũng đem lòng yêu anh canh điền, yêu thiết tha. Nhưng tình yêu của họ không được ông bà chủ chấp nhận. Vì ông bà cho rằng
hai người này không môn đăng hộ đối. Buồn và thất vọng, Cuốc bỏ nhà ra đi, đi mãi không về. Cô con gái nhà chủ
nhớ Cuốc quá, không
chịu nổi, chỉ còn biết ngày ngày ra
bờ ao, nơi
hồi trước
họ thường ngồi bên nhau, để nhớ lại, để than khóc và gọi tên Cuốc. Gọi mãi, gọi mãi, cho đến lúc kiệt sức rồi chết. Khi người nhà đến tìm thì thấy cô đã hóa thành xác con chim cuốc chết rũ vắt vẻo trên cành
tre.
Sau
câu chuyện này, anh Phụng còn kể thêm mấy câu chuyện nữa liên quan đến chim cuốc.
Chuyện ở một làng trên tỉnh Bắc Giang, có lễ hội đuổi chim cuốc vào ngày mùng 4 Tết,
với ý nghĩa xua đi đen đủi để đón điều may mắn, cầu mong cho
cuộc sống ấm no hạnh
phúc.
Tục lệ này tương truyền có từ thời Lý. Ngày đó,
trong cung, có một nàng công
chúa, được vua cha cử đi đánh giặc. Trong một trận đánh không cân
sức không may cô bị rơi xuống sông, chết đuối, xác trôi về làng và bị đàn chim cuốc bay đến mổ. Nhân dân trong làng thương cô công chúa đã tập
hợp nhau đuổi cuốc đi, vớt xác công chúa lên. Tục lệ đuổi chim cuốc có từ ngày ấy. Anh
Phụng dừng
lại, tra thuốc lào vào nõ chiếc
điếu cày, bật
lửa lên hút một hơi rung lên sòng sọc. Thở khói ra cả đằng mồm lẫn đằng mũi, anh chậm rãi nói tiếp: Còn ở làng Tuộc ta đây thì từ xa xưa lại lưu truyền một giai thoại khác, giai thoại
này theo anh hay như một bài thơ.
Rằng, trai làng
này, nếu ai có may mắn, kiếm được xác một con chim cuốc chết rũ (hình ảnh của cô gái nhà
giàu, yêu mà không được yêu) đem buộc nó vào cành
tre, rồi bí mật quệt nhẹ vào người một cô gái mà anh ta có cảm tình, chẳng sớm thì muộn anh ta sẽ chiếm được tình yêu của cô
gái.Và người
chủ động tỏ tình là cô gái, chứ
không phải chàng trai. Đàn ông con trai xưa nay, ước ao nhất điều này.
Vấn đề quan trọng là anh ta phải không để cho gái biết việc làm của mình, đồng thời phải là người tương xứng với cô gái, cả về tình thần lẫn thể xác.
Chợt có tiếng bố tôi: - Anh
em nói chuyện gì mà khuya
thế. Ngủ
đi để mai còn làm việc. Câu chuyện giữa anh Phụng và tôi đành
phải dừng lại. (Hết chương 8)
N.K.Đ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét