Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng
Bắt đầu hành trình tìm xác con chim cuốc.
Sau hôm nói chuyện với anh Phụng, hình ảnh xác con chim cuốc chết rũ trên cành tre cứ ám ảnh tôi, gợi cho tôi mong muốn thầm kín là sẽ tìm ra sự thật điều kỳ diệu này. Còn nếu không, tôi nghĩ thì đó cũng là một biểu hiện để chứng tỏ với người tôi yêu, tấm lòng của tôi.
Làng tôi, xưa nay nổi tiếng là làng có nhiều ao chuôm. Các cụ bảo nhiều ao như vậy là do ngày xưa đất làng trũng, muốn làm nhà dựng cửa thì phải đào đất tôn cao nền thổ.
Cái ao đằng sau nhà tôi là chứng tích của việc làm này. Bà con trong xóm gọi nó là ao Cả, vì so với những cái ao trong làng nó đứng hàng đầu về diện tích.
Ao Cả rộng khoảng 3 sào Bắc bộ. Bọn trẻ nhỏ chúng tôi ngày ấy thường lấy việc bơi được qua cái ao này để đánh giá trình độ bơi lội của mỗi đứa.
Từ ngày lớn lên đến nay tôi không thấy bố mẹ tôi cho tát ao bắt cá bao giờ, muốn có cá ăn thì chỉ có cách cất vó hoặc đánh lưới. Nhờ thế, cá ao nhà tôi khác thường lắm. Con cá trắm thì mọc râu, con cá mè thì to hơn cái quạt mo, con cá đuôi cờ có cái vây xòe ra, lượn lờ, uyển chuyển như lá phướn.
Quanh bờ ao là những bụi tre tre nôm, sum suê cành lá, loại tre không dùng cất nhà được nhưng đan thúng, đan mẹt thì không loại tre nào bằng.
Trẻ con chúng tôi rất thích lọai tre này vì dùng nó để chế súng “đồm độp” bắn đạn quả đay, khoai sống, giấy vụn nhai nát thì thật tuyệt. Tiếng đạn nổ đanh gọn, bắn trúng ai, người ấy chỉ còn biết giẫy nảy mà kêu lên “ái chà, đau quá”.
Một đặc sản nữa của bờ tre này là những còn bọ đa, có nơi gọi là bọ cau, thuộc loài cánh cứng. Chiều đến cứ vàng vàng mặt trời là không biết từ đâu, bọ đa bay ra nhiều thế, cánh cứng quạt gió vù vù như động cơ phản lực.
Chúng tôi thường bắt những con bọ đó, để buộc vào chân nó sợi chỉ, vung tay cho nó bay, nó quay tít nhiều vòng như cái chong chóng trước gió. Chơi chán thì đem đỗ xanh, đỗ đen, nhét vào đít nó, càng nhiều càng tốt. Nhồi đến khi không nhồi được nữa mới đem nướng vào bếp lửa. Nướng chín, lôi ra, bóc vỏ, cắn vào miệng, thì ôi, bùi bùi ngon ngon, không biết thế nào mà nói!
Không chỉ có bọ đa, bờ tre này còn là tổ ấm của các loài chim săn bắt cá. Chiều chiều chúng bay ra bay vào loang loáng như chớp. Còn ban đêm thì khắc khoải, tiếng chim cuốc như khoan thủng không gian. Có sống có chết, biết đâu chỗ ấy lại có những xác con chim cuốc chết khô.
Chiều hôm ấy, bịa ra một lý do, tôi hỏi chị Thắm:
- Chị đã ăn bọ đa nhồi đỗ xanh nướng bao giờ chưa?
- Có. Ngon đáo để!
- Vậy hôm nay chị em mình làm món đó nhá! Em có chỗ này nhiều bọ đa lắm.
Chị hỏi ở đâu. Tôi bảo “bí mật” . Thấy vậy chị cũng không hỏi nữa. Mà răm rắp làm theo “lệnh” của tôi.
Nhá nhem tối, chúng tôi khởi sự. Từ bên này sẽ bơi sang bờ bên kia ao. Tôi chọn thời điểm này, vì đó là lúc bọ đa bay ra nhiều và cũng là lúc, do ít người qua lại, chị Thắm có thể thoải mái, mặc áo lót, quần cụt, để bơi. Vì như chị vừa nói nhỏ, chị không còn quần áo để thay.
Chị cởi quần áo ngoài đưa cho tôi vắt lên cành nhãn cạnh bờ ao. Tôi kịp nhìn thấy một thân hình thon gọn, căng đầy sức thanh xuân, trước khi chị nhảy uồm xuống ao, quờ nước bơi đi.
Tôi nhảy xuống theo chị, rồi cứ thế tôi bơi trước, chị bơi sau. Nước đầu mùa xuân mát lạnh. Đến giữa ao, không hiểu sao, tay tôi bị cứng đơ, không khuấy nước được. Vậy là bị chuột rút rồi. Tôi chìm xuống rồi lại trồi lên. Miệng ú ớ kêu:
- Chị Thắm! Cứu em với!
Chị Thắm bơi lại, ôm ngang người tôi, kiệu tôi lên vai rồi cõng tôi lên lưng. Từ bé đến giờ, đây là lần đầu da thịt tôi chạm vào da thịt người con gái. Tôi lúng túng quá. Lại có phần sợ nữa. Cái tay bị chuột rút không hiểu sao một lúc sau nó lại phục hồi. Tôi biết thế nhưng vẫn giả bộ làm như nó chưa khỏi. Tôi bị phấn chấn dữ dội. Cố kìm lại nhưng bất lực. Chị biết thế mà vẫn không chịu buông tha, vẫn mắng tôi mà như là không mắng:
- Này, liệu hồn! Cái gì côm cộm trên lưng chị vậy?
Tôi không biết trả lời chị thế nào. Đành để yên cho vạn vật xoay vần. Chị mắng thêm câu nữa:
- Mất nết!
Tôi chỉ còn biết chữa ngượng:
- Em tự bơi được rồi! Chị buông em ra nhé!
Chị nói qua hơi thở, giọng đứt quãng:
- Đừng mà. Cứ để yên nó đấy!
Bỗng có người từ bờ ao nhảy xuống nước đánh “uồm” rồi bơi đến chỗ chị em tôi. Sóng cuộn lên bất bình thường. Tôi nhận ra lão Thặng.
Thặng thẳng tay kéo tôi ra khỏi người chị Thắm. Tôi chìm xuống nước, sặc sụa.
Thặng cười hề hề:
- Con gái dính với con trai - Ngày mai cái vú bằng hai cái dành!
Tôi lao vào đấm đạp Thặng. Nước bắn tung tóe. May chỗ này nước cạn nên chân tôi đã đụng đáy cát. Thặng tránh xa tôi, giao hẹn:
- Này, toàn cậu đánh tôi trước, chứ tôi chưa đánh cậu cái nào đâu nhá.
Ngâm mình trong nước đến cổ, chị Thắm răn đe:
- Thôi. Hai người có im đi cho tôi nhờ không?
Không chịu nghe theo lời chị Thắm, tôi lại lao người vào Thặng. Lần này thì Thặng né tránh. Vì vẫn cứ phải ngâm kín mình dưới nước, không thể đứng lên can ngăn được, chị Thắm đành giở món võ cuối cùng. Khum tay vào miệng chị thét lên:
- Ông Sáu ơi! Anh Thặng gây sự với chúng cháu!
Thặng tiu nghỉu buông tôi ra rồi bơi ngược sang bên kia ao.
- Thôi, mình cũng về luôn. Chẳng bọ đa bọ dừa gì nữa.
Chị và tôi bơi ngược vào bờ. Trong khi chị vẫn ngâm mình dưới nước, tôi leo lên bờ, với tay lên cành nhãn rút bộ quần áo, đem xuống bậc cầu ao đưa cho chị.
Tôi chưa kịp nhìn, đã thấy chị hét sau lưng:
- Nghiêm! Đằng sau quay.
Tôi làm theo lệnh chị như một con rối.
Đến khi quay lại thì đã muộn. Chị đã thay bộ đồ lót, bó sát người, ướt sũng (ấy là tôi đoán vậy), bằng bộ quần áo ngày thường, như lúc ban đầu.
Rồi không hiểu sao, chị lại giẫy nảy kêu lên như đỉa phải vôi:
- Ôi, chết mẹ chị rồi ! Kiến ơi là kiến! Kiến bu đầy người chị đây này!
Hóa ra, lũ kiến đen trên cây nhãn bám vào quần áo chị. Tôi đứng như trời trồng. Luống cuống, lúng túng. Chị Thắm quát lên:
- Không giúp người ta à?
- Giúp bằng cách nào?
- Còn cách nào nữa. Luồn tay vào trong áo, trong quần xoa hết kiến cho người ta đi.
Năm đầu ngón tay tôi lại một lần nữa tiếp cận thế giới thần tiên. Tôi nghĩ trên đời này khó có được lần thứ hai.
Tối hôm đó, Thặng sang nhà định làm lành với tôi nhưng tôi cự tuyệt. Tôi lấy đàn cóng bơ ra gảy. Tôi thử chơi bài anh Phụng mới dạy. Tôi không biết tên bài. Chỉ biết điệu nhạc và lời; “Khi ấy em còn thơ ngây - Đôi mắt chưa vương lệ sầu- Cười đùa qua muôn ánh trăng - Rồi một hôm có chàng trai trẻ đến nơi này- Đời em có một lần là lần tim em thấy yêu chàng”.
Miệng tôi cứ hát. Hát mà chẳng hiểu lòng tôi lúc này ra sao. Tôi có thể là cái anh chàng trai trẻ trong câu hát. Nhưng em thì là ai đây. Em của tôi đâu có còn ngây thơ nữa. Chịu. Tôi không hiểu nổi.
Lấy cớ nghe đàn, Thặng lại lì lợm đến với tôi. Lần này chỉ có tôi và Thặng nên anh ta thẳng thắn hỏi:
- Lúc nãy cậu bơi sang bên kia ao làm gì vậy?
- Tôi bắt bọ đa về nướng!
- Không phải thế. Đấy là cậu bịa!
Thặng nhìn thẳng vào mắt tôi, cặp mắt híp, cười cười tinh quái:
- Cậu đi tìm xác con chim cuốc!
- Ai bảo anh thế!
- Chẳng cần ai bảo. Tự tôi, tôi biết mà!
- Sao biết?
- Vì mấy năm trước tôi cũng như cậu bây giờ. Tôi cũng đi tìm cái thứ ấy. Nhưng tìm mãi có thấy đâu!
- Sao vậy nhỉ?
- Tôi cũng không biết nữa. Có lẽ tôi không có duyên. Còn cậu. Tôi nghĩ hoàn cảnh của cậu khác tôi. Cậu việc gì mà phải tìm đến xác con cuốc chết để làm gì?
- Anh đã đến tuổi, cần những thứ ấy. Còn tôi, chưa cần!
Thặng cười:
- Cậu tự dối lòng mình phải không?
Tôi nổi khùng:
- Nói chuyện với anh chán lắm. Anh về đi!
- Cậu đuổi thì tôi về.
Anh ta lụt cụt ra về. (Hết chương 9)
N.K.Đ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét