Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng
Vẫn tiếp tục cuộc hành trình
Anh Phụng từ nhà trong bước ra, hỏi tôi:
- Chiều nay em bơi sang bờ bên kia ao để tìm xác con chim cuốc đấy à?
Bị bắt trúng mạch, tôi lúng túng:
- Đâu có! Em đi bắt bọ đa.
- Bên ấy bọ đa thì có nhưng chim cuốc thì không có đâu. Cuốc là giống chim nhút nhát. Chả thế mà người ta thường nói: “Lủi như cuốc”. Ao nhà mình nhiều người đến rửa ráy, tắm táp, cuốc nào dám đến!
Tôi bỏ ý định tìm cuốc trên bờ ao nhà tôi.
Tôi nghĩ đến cái ao Ngoẹo của nhà chú Sáu. Gọi là Ngoẹo vì nó không được thẳng, mà là hình số 8, thắt đáy lưng ong. Ao Ngoẹo bị bỏ hoang đã lâu nên bèo tây mọc dầy, um tùm, cao đến hàng mét.
Bù lại cảnh quan hoang vu là sự rực rỡ, tươi rói của một rừng hoa. Hoa bèo tây. Tím biếc, bát ngát, một vùng.
Bọn trẻ chúng tôi thích thứ cây này lắm. Thường ngắt phần phính to ở cuống lá, cắm vào bốn que tăm làm con lợn, con trâu hoặc phơi heo héo, xoắn hai đầu lại, vỗ vào trán, nổ đôm đốp, làm pháo.
Còn hoa của nó, màu sắc sặc sỡ nhất trong các loài hoa, chúng tôi thích ở sự lòe loẹt, đượm phần ma quái.
Theo anh Phụng, giống bèo này (người miền Nam gọi là Lục Bình) cũng có nguồn gốc từ một thiên tình sử bi thương giữa cô gái con quan tên là Thị Bình với chàng trai buôn trái cây Lục Xương.
Nhưng chuyện đó không liên quan gì đến câu chuyện tôi đang kể nên tôi không nhắc lại ở đây.
Mục tiêu duy nhất của tôi trước sau chỉ là con chim cuốc và cái xác của nó.
Ao Ngoẹo có một gioi đất từ trong bờ, nhô ra tạo thành một tiểu đảo gọi là đảo Cò.
Ở đây có rất nhiều cò trắng, cò lửa bay đến xây tổ sinh con trong những bụi tre gai sum suê, um tùm cành lá. Chiều đến cò đi ăn về, bay rợp một vùng. Ở đây cũng có rất nhiều chim cuốc. Chim cuốc chỉ có lủi chứ không bay nên nếu nó không kêu liên tục và thảm thiết thì không ai nghĩ rằng ở đảo Cò này có và có rất nhiều chim cuốc.
Chắc chắn tôi sẽ tìm được xác con cuốc ở đây.
Tôi viện ra một lý do để nói với chị Thắm:
- Hôm nay, em nhờ chị chăn thêm con Cóc cụ!
- Cậu bận việc à?
- Em muốn đi câu cá chuối. Lâu rồi không vác cần đi câu thấy nhớ quá!
- Cậu câu ở ao nào?
- Ao Ngoẹo!
- Ao ấy, kín bèo tây lấy chỗ đâu mà câu?
- Chị yên tâm, có sẵn chỗ người ta làm cho rồi
Chị Thắm thở dài:
- Thôi được, chị chiều cậu. Nhưng cậu cẩn thận đấy, nghe đâu ao Ngoẹo có ma đấy.
Tôi nắm bàn tay giơ lên cho chị thấy tay tôi cũng đã bắt đầu có cơ bắp:
- Em sợ gì ma! Ma nào dám nhát em. Có chăng chỉ là ma phăm.
“Ma phăm”, tiếng Pháp, có nghĩa là “người phụ nữ của tôi”. Kiểu chơi chữ này, tôi mới học được từ anh Phụng.
Chờ cho chị Thắm dắt trâu và nghé đi, tôi quay về, lấy trên gác bếp xuống cái cần và vòng dây câu, rồi ra bờ ao bắt con nhái tóm vào lưỡi câu.
Tôi một mình ra ao Ngoẹo. Tôi dùng chữ “một mình” vì với đám trẻ con trong xóm, thì đây là chuyện phi thường.
Lát sau, tôi đã đến được nơi cần đến. Vẻ hùng dũng ban đầu tan đi đâu hết, làm tôi bây giờ mới thấy thấm sợ.
Một không gian lặng im với mặt ao dài thăm thẳm, ba bề bốn bên, tre pheo im lặng rợn người, đã vậy thỉnh thoảng lại rít lên ken két những thân cây theo gió siết vào nhau, nghe như tiếng người nghiến răng.
Cộng thêm vào đó, cũng cần nhắc lại, là một rừng hoa bèo tây, tím ngắt, trên cánh màu sặc sỡ, lồ lộ những hình thù quái đản như những chiếc đâu lâu người, những gương mặt của quỷ.
Trên mặt ao, đã có ai đến trước tôi, vớt đi những đám bèo, để lộ ra một khoảng trống dài, đủ quăng ném mấy sải dây câu.
Đang loay hoay tìm đường đến đảo Cò thì may sao tôi lại nhìn thấy một cái bè chuối ai đó đã cột sẵn ven bờ.
Thế là tôi đánh liều, cởi trần, mặc độc chiếc quần đùi, nhảy xuống bè chuối, dùng cái cần câu làm con sào đẩy bè trôi đi.
Sóng nước nổi lên. Cái bè cứ thế bập bềnh, nhấp nhô trên mặt nước, ẩn hiện trong bóng chiều tà ma mị. Ngày đó tuy chẳng nhìn thấy cái máy ảnh bao giờ nhưng trong đầu tôi vẫn mơ có được cái máy để chụp lấy cảnh này.
Bơi được một lúc tôi bắt đầu cảm thấy sợ. Tôi rùng mình nghĩ bụng, bây giờ bất thình lình từ dưới đáy ao, đội bèo, nhô lên một cái đầu trắng hếu, với cái miệng răng chìa tua tủa, vừa trợn tròn, vừa cười hềnh hệch:
- Nhà mi hôm nay đến thăm ta phải không? Thăm ta thì phải xuống thủy cung của ta chứ!
Con ma nhảy lên bè, lôi tôi dìm xuống đáy ao. Tôi bị sặc nước chết âm thầm mà không ai biết.
Rất may, điều ấy đã không xảy ra. Và tôi đã đến được đảo Cò.
Lúc này, mặt trời mặt trời chưa lặn nên cò bố, cò mẹ đi kiếm ăn ăn chưa về. Trên đảo, trắng xóa các cành tre, lá tre, những bãi phân cò lốm đốm.
Tôi rút dao dắt ở cạp quần, mang sẵn từ nhà đến, phát bớt đi một số cành nhánh từ dưới gốc lên, tạo thành những bậc thang như người thợ điện ngày nay dùng que sắt để leo lên cột. Càng leo cao, tôi càng nhìn thấy nhiều tổ cò, những cái tổ kết bằng cọng tre, bên trong trăng trắng, hồng hồng những quả trứng, tròn tròn xinh xinh, hoặc ríu rít những chú cò non, nghe tiếng động tưởng là bố mẹ về, thò cái cổ dài ngoẵng và ngoác những cái miệng đỏ hòn ra run run đòi được ăn.
Chợt tôi nghe dưới gốc tre có tiếng vật gì rơi lộp bộp. Nhìn xuống đã thấy mấy con cò con bị rơi xuống đất. Biết mình đã gây nên nỗi này, tôi tụt xuống bắt lại chúng đặt lên tổ.
Hôm ấy, tôi tìm kiếm mãi vẫn không tìm thấy xác con chim cuốc đâu. Đã định bỏ về thì may sao lại thấy ngoài rìa bờ ao, nơi cành tre sà ngang mặt nước, có một vật đen đen, nằm vắt vẻo như cái giẻ rách.
Tôi mừng thầm, đang định nhoài người ra chỗ đó thì bỗng đâu, từ một cành tre bên cạnh, bay ra vù vù một đàn ong vò vẽ. Một cơn bão với mây đen và gió thổi.
Tôi hoảng quá vội nhảy xuống ao, thoát hiểm. Nước bắn lên thành cột tung tóe. Núp mình xuống dưới đám bèo tây rậm rịt, tôi nghĩ bụng bọn ong hung dữ sẽ không làm gì nổi tôi. Vậy mà nào chúng có ngán. Chúng vẫn bay vo ve rồi đậu kín đám bèo. Tôi lặn, chúng bay là là bên trên mặt ao, chờ khi tôi nhô lên đầu lên là xúm vào lao vun vút xuống như bầy máy bay phóng pháo lao xuống mục tiêu. Tôi cẩn thận thế mà không biết bằng cách nào, chúng vẫn châm vào mặt, vào đầu, vào môi tôi mấy mũi kim. Lúc đầu, vết châm chưa thấy đau. Nhưng càng về sau càng thấy đau buốt. Cả khuôn mặt tôi bắt đầu sưng tấy.
Tôi đành phải dầm mình im trong nước cho đến khi bầy ong chán nản bỏ đi.
Bầy ong đi rồi, tôi mới dám ngoi lên bờ, trèo lên cành tre lúc nãy tôi từ đó tụt xuống.
Ôi! Xác con chim cuốc đây rồi. Tôi mừng quá, vội leo lên cây tre, sà người ra mặt ao, với tay nắm lấy cái kỷ vật tôi đang tìm kiếm ấy.
Tôi tụt xuống gốc cây. Từ xác con chim cuốc, một mùi khăm khẳm thoảng thoảng bốc lên. Mùi của xác chết phơi nắng nhiều ngày. Vậy mà tôi không cảm thấy điều đó. Giấc mơ cháy bỏng trong tôi nhiều ngày nay đã át đi tất cả.
Tôi nhìn ra chung quanh. Ở đây có rất nhiều cây lá dong, thứ lá thường dùng để gói bánh chưng, to bản, gân cuộng dẻo dai. Tôi gói xác con chim cuốc khô bằng lá đó. Gói theo hình cái bánh chưng ngày tết
Trên đường về, tôi nói với xác con chim nhưng thật ra là tôi nói với tôi, với người tôi yêu. Tôi nói rất to. Vì ở đây có ai nghe thấy đâu mà tôi ngại.
- Thắm ơi! Em có yêu anh không? Em hãy nói lời yêu anh đi! Đừng coi anh là trẻ con nữa. Tình yêu không có tuổi tác mà!
Tôi nói xong một câu, bờ ao bên kia vọng lại một câu.
Vậy là đồng thanh tương ứng. Ai đó trong cõi hư vô đã ủng hộ tôi. Tôi thấy vui.
Có tiếng chim cuốc ở một bụi cây bên bờ ao. Chiều đã đến, ngày đã sắp qua,
Tôi ôm xác chim, leo lên bè chuối, bơi sang bên kia ao, trở về nhà.
Mọi việc tưởng êm xuôi. Nào ngờ khi bè vừa cặp bờ, tôi chưa kịp bước lên, đã thấy lão Thặng đứng lù lù như con cáo chờ con gà trước mặt, nhăn nhở:
- Cậu đi tìm cái ấy về phải không? Rõ khổ chưa, soi bóng xuống nước ao mà xem. Cái mặt to bằng cái cơi trầu chưa nào!
Tôi gắt lên:
- Tôi đi đâu và cái mặt có bị làm sao thì cũng mặc tôi, việc gì đến anh!
- Sao lại không việc gì đến tôi? Tôi cũng đang rất cần thứ ấy đây! Nào đưa đây. Nếu không tôi cướp đấy!
- Tôi thách anh!
- Thách hả? Thì đây, đừng trách tôi nhé.
Anh ta nhảy phốc xuống bè chuối. Chiếc bè chòng chành, hất cả hai người xuống ao. Thặng giật lấy gói lá rồi leo lên bờ, dơ cái gói ra cho tôi thấy rồi chìa hàm răng ám khói thuốc lào ra cười nhăn nhở:
- Cậu cần gì đến thứ này. Cậu chỉ cần giơ tay trái ra quơ một cái cũng quơ được mấy đứa con gái một lúc.
Anh ta ôm cái xác con chim hí hửng luồn bờ tre chạy như con khỉ về nhà.
Tối hôm ấy, tôi buồn nẫu ruột. Buồn mà không dám thổ lộ với ai, kể cả với chị Thắm. Ngay cả cái khuôn mặt sưng vù như mặt con lợn ỉ tôi cũng phải tìm cách giấu nó bằng cái khăn trùm kín. Nỗi buồn càng buồn hơn.
Vậy là mất hết thời cơ rồi. Vậy là chị Thắm vẫn sẽ coi tôi là trẻ con, vẫn “chị chị em em”, “cậu cậu tôi tôi”.
Như mọi lần, mỗi khi có xáo động trong lòng, tôi lại đem đàn cóng bơ ra gảy. Lại “mộng chiều xuân” với “gió chiếu thầm vương bao nhớ nhung”. Lại “Khi ấy em còn thơ ngây”.
Anh Phụng đi công tác sang bên kia đường số 10 rồi. Lần này nghe nói, anh đi cả tháng mới về. Trong nhà tôi hình như không ai nghe được tâm trạng của tôi gửi qua tiếng đàn. Bố mẹ tôi đã thế. Chị Thắm cũng thế.
Chỉ đến đêm khuya, tôi mới nghe thấy tiếng chị thở dài ở giường bên. Hình như đêm nay chị Thắm cũng khó ngủ.
Lúc này tôi mới có thấy đau ê ẩm ở nơi mấy vết ong vò vẽ đốt. .
Sáng hôm sau, tôi giật mình, khi nghe chị Thắm kêu lên thảng thốt:
- Ối giời ơi, cậu bị làm sao thế này?
Chị móc túi đưa cái gương nhỏ cho tôi soi. Dù biết rồi, tôi vẫn giật mình. Cái mặt này mà của tôi ư? Của con quỷ mới đúng. Thắm hỏi làm sao nên nông nỗi này, tôi đổ cho là tôi đi câu, để cần câu chạm vào tổ ong, bị chúng xúm vào đốt. Bố tôi bấy giờ mới biết tôi bị ông đốt. Không nói nửa lời, ông xuống bếp xách ông bình vôi lên đưa cho Thắm, bảo bôi vôi lên mấy vết ong đốt. Khi ông trở vào nhà trong, Thắm nói nhỏ với tôi:
- Có cách chữa ong đốt bằng mẹo hay lắm. Cậu ngồi yên cho chị thử làm nhá.
Chị ghì mặt tôi vào miệng chị, hết mút rồi hôn chùn chụt lên môi, lên má tôi, lên những chỗ ong đốt. Một cảm giác lạ lắm, ùa vào trong tôi. Trong chốc lát tôi quên hết cả đau đớn.
- Chị làm gì vậy?
- Hút nọc ong!
Hút xong, chị mới quết vôi lên những chỗ chị vừa hôn hít.
Không bao lâu sau, nọc ong tan hẳn, mặt mày tôi trở lại nhẹ nhõm như trước.
Không biết hiệu nghiệm này là do bôi vôi hay hút nọc? (Hết chương 10)
N.K.Đ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét