Hắn bất ngờ thò đầu vào phòng làm tôi và Phượng rú lên kinh hãi. Hai đứa nhảy xuống giường. Nhỏ Phượng cắp theo cái gối bên hông, tay trái chặn ngực, trợn mắt trắng dã:
Ê, cái ông này…!
Tôi tròn mắt:
Sao vô duyên quá dzậy trời à. Vô phòng không gõ cửa!
Mặt hắn đỏ lừ, giọng nhát gừng:
Nhưng cửa mở sẵn, làm sao tui… gõ?
Hai đứa phì cười:
Cũng phải.
Hắn có vẻ khoái trá, tiếp luôn:
Vả lại tui chưa bước vô phòng đâu. Chỉ mới... lú cái đầu vô thôi mà.
Gã này lém thật! Tôi hất hàm:
Tụi tui đâu có quen ông, vô đây làm chi?
Mặt hắn càng đỏ hơn, hai cánh mũi phập phồng, cặp môi dầy run run:
Tui muốn tặng hoa cho hai cô.
Hắn đưa bó hoa mà nãy giờ giấu sau lưng ra trước mặt tôi. Hai đứa vừa ngạc nhiên vừa tức cười. Vụ này mới nha! Tôi làm bộ khó nghĩ:
Nhưng ngày 8/3 qua lâu rồi mà! Với lại tụi tui đâu có quen với ông.
Hắn cười thật tươi. Hàm răng trắng bóng đều tăm tắp khiến cho tôi bỗng hồi hộp. Hắn thản nhiên bảo:
Xem như tôi mới làm quen với hai bạn đó.
Nhỏ Phượng bỉu môi:
Đâu có dễ dàng như vậy được! Tui không chịu đâu.
Hắn trở nên lúng ta lúng túng, đặt bó hoa lên bàn viết:
Vậy xin chào hai cô, hôm khác tôi lại đến.
Không hẹn mà hai bỗng cùng kêu lên:
Còn hôm khác nữa sao!
Hắn thật lì! Từ đó, mỗi ngày ghé qua phòng tụi tui một lần. Nhưng khác trước ở chỗ hắn đứng bên ngoài, đưa một bó hoa tường vi hoặc một gói mận hay ổi, cốc… và câu “Tui đến rồi nè hai bạn”. Liên tiếp một tuần. Thành ý của hắn làm động lòng Phượng và tôi. Nhỏ Phượng tấm tắc khen:
Cốc, mận của hắn ngon ơi là ngon!
Còn tôi tuyên bố tôi yêu những đóa Tường vi. Nó khiến cho căn phòng trong ký túc xá bỗng trở nên sang trọng.
Chúng tôi trở thành bộ ba dù hắn học ở trường khác. Giảng đường của hắn cách nơi chúng tôi tập trung để học Đại học tại chức khoảng chừng hai trăm mét. Khi tan học, hắn ghé qua thăm bọn tôi một lúc. Sự có mặt của hắn làm cho những ngày xa nhà không còn buồn tẻ, thiếu thốn. Thỉnh thoảng, hắn đưa bọn tôi dạo phố, ngắm những dãy nhà lô xô chen chúc hai bên đường. Ba đứa dừng lại ở một cửa hàng sách, mỗi đứa chúi đầu vào một quyển sách, đọc ngấu nghiến rồi… trả về chỗ cũ. Hắn rủ tôi và Phượng truy tìm những quán ăn bình dân mà ngon và rẻ. Chúng tôi còn viếng thăm những ngôi chùa Khmer huyền bí, thâm nghiêm để lòng thanh thản lạ lùng. Hắn nhặt những chiếc lá dầu kết thành hai cái vương miện cho Phượng và tôi. Hắn kể chuyện cổ tích quen thuộc như Tấm Cám, cô bé Lọ Lem… Vậy mà hai đứa cũng há hốc mồm lắng nghe. Hắn đã chi phối sinh hoạt của hai đứa tôi tự lúc nào chẳng rõ. Cho đến một hôm, Phượng thảng thốt kêu lên “Sao dạo này mày diện quá vậy Quyên?” Tôi xấu hổ giấu cây son ra sau lưng:
Ờ thì lâu lâu tao cũng phải làm đẹp một chút chứ.
Phượng trề môi:
Thôi, đừng chối! Ngày nào mày không soi gương ngắm vuốt.
Ngượng quá, tôi bảo:
Mầy cũng vậy thôi. Ngày nào mầy cũng làm tình làm tội mớ tóc dài. Sáng bỏ xõa, chiều kẹp nơ, tối vấn bím. Em ơi, có phải em đã yêu rồi!
Phượng nhảy tới nhéo vào tay tôi:
Mày yêu thì có. Hồi nào tới giờ tao vẫn diện mà. Có mầy mới phát thôi.
Tôi giật mình, Đúng là tôi đã thay đổi. Trước đây tôi chúa ghét tô lục chuốt hồng, mắt xanh, mỏ đổ. Vậy mà… hình như giữa hai đứa tình thân đã giảm sút. Tôi và Phượng ít tán chuyện, đùa giỡn như trước. Nó lấy cớ học bài để quay mặt vào vách. Tay cầm quyển vở nhưng chắc chắn không học chút nào vì nó cầm chỏng ngược đầu quyển sách mà còn không hay. Tôi vịn vào cớ để yên cho nó học mà ngồi thừ người hàng giờ bên cửa sổ, phóng tầm mắt nhìn những mái nhà lô xô phía xa, dõi theo những bóng chim hối hả vỗ cánh trong chiều. Làn nắng mỏng tan tuôn vội vàng lên đồng cỏ xanh ngắt, trải dài tận cuối chân trời.
Mấy ngày nay, anh không đến. Phượng và tôi sốt ruột chẳng làm gì được. Phượng đánh rơi lọ hoa vỡ tan. Đi tắm, nó quên mang theo khăn lau. Đêm cứ trằn trọc, lăn trở mãi.
Tôi cảm thấy xốn xang làm sao. Tôi bỏ mất chìa khóa xe đạp. Tệ hại nhất là vào căn tin mua bánh mì rồi quên trả tiền. Lên tới tầng hai mới nhớ ra phải chạy sầm sầm xuống. Mò túi mới nhớ tiền để trong tủ. Phượng có vẻ chịu hết nổi, nó hỏi “Sao hắn không đến vậy Quyên?” Tôi ngồi bó gối, nhìn xuống hai bàn chân “Chắc hắn giận mầy” Phượng leo lên giường tôi, tựa lưng vào vách: Tao đâu có làm gì đâu mà giận. Chỉ còn mấy ngày nữa là hết đợt học rồi. Lỡ hắn…”
Còn vài ngày nữa là xong một đợt học.Tôi và Phượng về trường công tác. Năm sau chúng tôi trở lại học đợt 6 rồi thi tốt nghiệp. Không biết anh có quay lại không hay là biến mất như lúc bất ngờ tìm đến. Tôi chặc lưỡi “sao hai đứa mình không hỏi địa chỉ của hắn". Phượng nằm úp mặt vào hai bàn tay, nó kêu lên "Ừ. Sao tụi mình ngốc nghếch quá vậy trời a”.
Anh chợt hiện ra với nụ cười thân thiện. Chào! Hai bạn đang làm gì đó”. Phượng bật dậy reo lên:
- Hắn tới rồi!
Tôi cũng mừng quýnh mà nén kịp.
- Mấy ngày nay anh biến đi đâu vậy?
Hắn ngồi xuống chiếc ghế cạnh bàn viết, giọng buồn hiu:
- Mẹ tôi trở bệnh, nhà đơn chiếc. Tôi không nỡ để mẹ một mình.
Phượng nhanh nhẩu đòi đến thăm bác gái. Anh gật đầu, ánh mắt loé sáng niềm vui.
Thật bất ngờ, nhà hắn ở cách trường tôi một đoạn đường rất ngắn, nằm lọt thỏm giưa khu vườn thênh thang hoa trái. Những khóm tường vi lung linh tím dọc lối đi. Hương hoa hoàng lan dịu dàng len vào nếp áo. Bộ bàn ghế đá đặt dưới tán cây hoàng điệp. Hoa rụng vàng một khoảnh sân, điểm những nét vàng lên lớp bụi phủ mờ mờ trên mặt bàn tròn vành vạnh. Tôi bàng hoàng trước vẻ đẹp của ngôi nhà cổ. Nó đứng trầm tư, lặng thầm giữa sự đổi thay sôi động bên ngoài bức tường rào cao hơn đầu người. Mái ngói phủ rêu, trông như một tấm nhung úa màu thời gian, trải nhấp nhô lưng chừng không gian dịu mát.
Hắn mở cửa phòng khách. Nắng và gió tràn vào theo bước chúng tôi. Bộ sa lông gỗ nâu đặt ở góc nhà như sáng bóng hẳn lên. Ba cái tủ cẩn xa cừ đặt liền nhau, tựa vách song môn tô thêm vẻ quí phái cho ngôi nhà cổ kính. Tủ sách đặt cạnh bàn viết và chiếc ghế bành lưng tựa bọc nhung đen tuyền khiến tôi thích mê. Phượng đứng thẫn thờ nhìn cây cột tròn to nửa vòng tay ôm. Chẳng biết nó nghĩ đến sự kiên cố của ngôi nhà hay vẻ giàu có của hắn. Tôi bỗng lúng ta lúng túng chẳng biết hai bàn tay mình phải đặt ở đâu. Tôi cho chúng nắm lấy nhau vậy mà cái run nhè nhẹ cũng chưa chịu dứt. Tôi nhớ về ngôi nhà bé nhỏ của mình ở vùng quê. Khoảnh sân sau ba tôi trồng toàn rau thơm, ớt và đậu xanh. Mùi hăng hăng, nồng nồng lan toả. Cuối sân chỉ có một bụi hoa trâm ổi. Nó cũng đưa mùi nồng nàn dễ chịu mà tôi rất thích. Tôi yêu hoa này lắm. Tôi thường ngắt vài đoá cắm vào cái cốc bé xíu đặt lên bàn viết. Hôm nay, nó gợi cho tôi nhớ thân phận mình. Nó nhắc nhở có một khoảng cách vô hình nhưng chắc chắn giữa tôi và anh. Có lẽ Phượng mang tâm trạng như tôi. Nó trở nên nhu mì, nắm chặt tay tôi khi anh đưa hai đứa vào phòng ngủ của mẹ. Chúng tôi giật mình khi trông thấy người đàn bà mặc đồ toàn trắng nằm mỏng dính như tờ giấy đặt trên tấm nệm dầy cộm. Ẩn trong nét tiều tuỵ vẫn còn phảng phất vẻ đẹp cao quý thời xuân sắc. Anh trở nên linh hoạt hẳn:
- Mẹ, hai bạn con đến thăm mẹ nè.
Bà gượng ngồi dậy. Anh nhanh nhẩu bước đến đỡ lưng mẹ rồi kéo gối kê lưng bà. Người mẹ mỉm cười tươi tắn. Nụ cười đẹp đến ngạc nhiên. Sao bà lại có thể cười tươi trong hoàn cảnh như thế! Bà lại mỉm cười:
- Con tôi thường kể chuyện về hai cháu. Mãi đến hôm nay mới gặp.
Phượng lẹ làng thưa:
- Thưa bác, anh ấy thường kể về bọn con lắm hở?
Bà gật đầu, thú nhận:
- Mỗi ngày, trước khi đi ngủ, con tôi thường kể cho tôi nghe một chuyện vui. Những điều làm con tôi hạnh phúc, vui vẻ cũng giống như lời ru ngọt ngào làm tôi an lòng, ngủ ngon hơn.
Bà dừng lại để thở rồi tiếp:
- Từ ngày tôi bệnh, ba nó bỏ đi nước ngoài, con tôi sống cô đơn lắm. Nó thiếu tình thương.
Anh vội cắt ngang lời mẹ:
- Con còn có mẹ, có bạn bè… con đâu có cô đơn. Ba cũng có quan tâm đến mình. Ba thường gửi quà, gửi tiền về cho mẹ con mình.
Nước mắt bà ràn rụa tuôn xuống má. Tôi biết bà đang nghĩ tiền không mua được hạnh phúc. Anh lau nước mắt cho mẹ, dìu bà nằm xuống và dịu dàng bảo:
- Mẹ đừng buồn! Mẹ buồn thì con buồn theo đó. Mẹ vui thì con mới vui, mới yêu đời được chứ.
Câu nói quả có tác dụng. Người mẹ lại mỉm cười. Nụ cười gượng nhưng cũng đủ vuốt ve lòng người nhận.
Tôi quay đi, len lén lau nước mắt. Lòng phân vân chẳng hiểu anh đến với bọn tôi vì cô đơn hay để ban phát hạnh phúc?
Khi tôi và Phượng trở lại trường học đợt cuối và thi tốt nghiệp thì nhà anh đã thay đổi chủ. Anh biến mất không lời từ giã. Tôi hốt hoảng nhìn ngôi nhà như vừa khoác một chiếc áo mới. Tất cả sáng loáng, trong trẻo bởi những tấm kính cửa hoành tráng. Thấp thoáng bên trong là những tấm màn màu hồng nhạt dịu dàng buông rũ, buộc gọn bằng một sợi đăng ten trắng thắt nơ xinh đẹp. Người ta đã tô lên tường lớp vôi trắng tinh khôi khiến nó trở nên sạch sẽ, tinh tươm. Lớp rêu ảm đạm trên mái nhà xưa ngày nào đã biến mất. Thay vào đó là những tấm tôn có dáng những tấm ngói đỏ au nằm liền kề, đều tăm tắp. Ngôi biệt thự thật sự trẻ trung, tràn đầy sức sống. Thế nhưng, nó khiến cho tôi ứa nước mắt. Những người xưa bây giờ về đâu? Tôi nói với Phượng ý nghĩ ấy. Nó có vẻ không ngạc nhiên chút nào. Phượng kéo tay tôi bảo về phòng rồi sẽ kể cho nghe. Tôi kinh ngạc nhìn bạn rồi quay nhìn khoảnh sân đã vắng bóng mấy cây tường vi trổ hoa tím nhạt mỏng mảnh. Chỗ đó bây giờ là một tiểu cảnh có hòn non bộ mới toanh. Những cái núi xinh xắn, bé tẹo ấy vẫn đủ sức đè nặng trái tim tôi đến nhói đau, nghẹn thở. Có gì đó quý giá lắm vừa bị đánh mất trong tôi. Tôi thật sự đau đớn khi người bạn thân nhất của mình kể về anh và ngôi nhà cổ.
Vì yêu, vì nhớ, Phượng đã trở lại thăm anh cách nay khá lâu. Nó bắt gặp cảnh tượng anh dọn về nhà mới. Mẹ anh mất. Cha anh về nước không phải vì lo lắng, nhớ thương thằng con trai mồ côi mẹ mà để năn nỉ anh bán nhà chia tài sản làm đôi. Ba anh cần tiền để mua một căn nhà nhỏ bên Mỹ. Ba anh đã có vợ con khác bên ấy từ lâu. Ông kể ơn là đã gửi tiền nuôi mẹ con anh. Giúp anh học xong Đại học. Anh đã có việc làm ổn định. Bây giờ ông cần tiền để nuôi những đứa con mới. Tuy biết nhà bên này là của riêng mẹ anh, bà đã để lại cho đứa con trai duy nhất nhưng ông thương lượng rằng sẽ bảo lãnh để anh sang bên ấy sống cùng với vợ chồng và các con của ông, nếu anh muốn. Còn không thì ở lại đây sống tự lập. Nếu ống làm ăn khấm khá ông sẽ gửi tiền về cho.
Anh đã chọn cách sống tự lập. Anh muốn sống cuộc đời của anh không cần cái mái che mục rã. Anh đồng ý bán nhà mẹ để lại cho anh dù từng góc khuất, từng khoảnh sân êm đềm vắng lặng ươm đầy hình bóng người mẹ anh quý yêu. Anh bán nhà tựa như anh cầm cây kéo cắt ngang sợi dây ràng buộc cha con. Anh sẽ giữ hình bóng mẹ trong tim. Nơi ấm áp nhất, nơi đẹp đẽ và tràn ngập hương hoa tình yêu thương anh dành cho mẹ. Anh đã mua một một căn nhà nhỏ. Tiền còn dư anh gửi hết vào ngân hàng. Và tiền lãi anh gửi Hội khuyến học tỉnh đầu tư cho học sinh nghèo hiếu học. Anh thầm đặt tên cái học bổng ấy là Tường Vi, tên của mẹ anh. Anh muốn thay mẹ vun đắp cuộc sống tốt đẹp trên quê hương mình.
Kể đến đây Phượng oà khóc vì thấy tôi không còn chịu đựng nổi, đã nằm mẹp trên giường, úp mặt vào gối rấm rức khóc. Nó đến ngồi bên, cầm lấy tay tôi, nghẹn ngào:
- Bạn à, nhưng rồi anh ấy cũng đã ra đi. Anh ấy được cấp học bổng du học ở Nhật. Trước khi đi, anh ấy đã nói thẳng với mình là rất cảm kích sự quan tâm của mình bấy lâu. Anh cũng quý mến mình lắm. Anh nhắc lại nhiều lần rằng chúng ta mãi mãi là bạn tốt của nhau nghen Phượng. Vậy đó. Tình yêu đã khép của ngay trên môi người. Mình chẳng còn chút hy vọng nào nữa bạn à.
Phượng nằm xuống cạnh tôi:
- Mình xin lỗi Quyên vì mình biết bạn cũng yêu anh ấy lắm. Vậy mà mình đã toan tranh đoạt với bạn. Thật đáng đời mình!
Tôi đau điếng hồn nhưng vẫn cố gắng choàng tay ôm bạn vào lòng, vỗ về:
- Đừng khóc nữa Phượng. Tụi mình hãy cố quên hắn đi. Như quên một giấc mơ đẹp.
… Phượng đã thành công. Nó quên được anh. Sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm tại chức, tôi và Phượng về trường lao vào công tác. Trong lúc tôi vẫn đi về một mình một bóng, vật vã thương nhớ khôn nguôi thì Phượng đã nhận lời kết hôn với một anh chàng đẹp trai, giỏi giang chuyện quản lý Hợp tác xã. Nó sống rất hạnh phúc vì người chồng cứ ngày một thăng tiến cùng lúc với quê hương đã trở thành một nông thôn mới điển hình tiên tiến. Chồng Phượng là một thành viên trong Ban quản trị Hợp tác xã có tới gần 500 người. Anh đã giúp các thành viên trong hợp tác xã tổ chức mua về các sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý để chia lại cho nhân dân trong xã canh tác. Anh vận động được các thành viên hợp tác tổ chức phối hợp các dịch vụ tiên tiến để phục vụ sản xuất như máy cắt cỏ, máy xới, máy cày, máy gặt, máy tuốt lúa… thậm chí có cả đội vận chuyển riêng của hợp tác xã, vừa giúp thanh niên trong xã có việc làm vừa giúp bà con nông dân chuyên chở với giá rẻ hơn nơi khác rất nhiều. Đã vậy, anh tổ chức được cả việc lo cho đầu ra. Năm nào xã anh bán lúa hay nông sản khác luôn có giá hơn các xã khác. Bà con phấn khởi vô cùng. Đời sống nông dân từ đó cũng nâng cao chất lượng hơn. Có hộ đã xây nhà mới khang trang. Chuyện nhà nhà có điện để thắp sáng và sử dụng trong sản xuất như chuyện bình thường ở huyện Tiểu cần. Riêng xã này vượt trội nhất là đã biết sử dụng internet để tiếp thu kỷ thuật sản xuất tiên tiến thông qua mạng. Phượng đắm chìm trong hạnh phúc gia đình khi sinh đứa con trai đầu lòng kháu khỉnh.
Còn tôi như một người sống trên mây. Tôi cũng tích cực giảng dạy, góp phần xây dựng trường THPT quê tôi dần dần đạt các tiêu chuẩn Quốc gia. Nhưng tôi như người mộng du tình yêu. Trông vời bóng hạnh phúc cứ bay vèo qua khung cửa. Tôi từ chối lời tỏ tình của vài anh đồng nghiệp, dăm ba anh công chức cùng huyện. Tôi làm ngơ với những cái đuôi dễ thương lẽo đẽo phía sau lưng mỗi chiều tan trường. Mặc cho tuổi xuân dần phai. Mặc cho ba mẹ và Phượng hối thúc chuyện chồng con. Phượng vẫn hay bảo “quay đầu là bờ bạn ơi!”. Tôi cũng gật gù cười cười cho nó vui. Nhưng rồi tôi vẫn không thể tìm thấy bến bờ nào.
Chiều nay, cả trường nhốn nháo chuẩn bị đón đoàn của Sở Giáo dục đến khảo sát để tiến hành xây dựng cơ sở vật chất. Nếu mọi việc thuận lợi, trường tôi sẽ có thêm các phòng chức năng. Theo ông hiệu trưởng thì các tiêu chuẩn khác trường đã đạt cả rồi, giờ thêm cơ sở vật chất nữa là trở thành trường đạt cấp Quốc gia. Ai cũng phấn khởi vì mình sẽ được phục vụ ở một ngôi trường không thua gì ở thành phố Trà Vinh. Quan trọng hơn nữa là con em, học sinh mình được đào tạo, giáo dục trong môi trường văn minh mà không kém phần thân thiện ở tại quê nhà.
Tôi suýt ngất khi trông thấy anh trong phái đoàn của Sở Giáo dục tỉnh. Anh được giới thiệu là một thạc sĩ Giáo dục học vừa về nước nhận nhiệm vụ trưởng phòng Kế hoạch của Sở. Anh có trách nhiệm trực tiếp khảo sát và lập kế hoạch xây dựng phù hợp tình hình thực tế địa phương. Anh cũng đã phát biểu rằng nơi nầy thoạt nhìn đã thấy thuận lợi về diện tích đất, địa điểm và cả… con người. Anh rất thích nơi đây. Biết đâu sau này sẽ trở thành quê hương thứ hai của anh. Rồi anh nhìn về phía tôi, hỏi “Có đúng vậy không cô Quyên” cả phòng họp vỡ ra bởi tiếng cười vui vẻ trong lúc tôi xấu hổ chẳng biết giấu mặt mình vào đâu để mọi người không thấy sắc hồng bừng lên đôi má bấy lâu xám ngắt.
Anh thật là kỳ cục khi oang oang cái miệng giữa cuộc họp:
- Lần này trở về TP Trà Vinh anh sẽ mua vài chậu hoa Tường Vi tặng Quyên, luôn tiện ghé thăm hai bác cho biết nhà.
Mọi người có vẻ kinh ngạc nhưng họ nhanh chóng nhận ra điều gì đó khiến họ thích thú nên cười rộ vui vẻ. Tôi mắc cỡ bậm môi, trừng mắt với anh:
- Thấy ghét!
N.T.M
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét