Ngày Thảo Phương xuất viện Đệ có gọi báo tin cho Vượng. Trong gần hai tháng Thảo Phương điều trị ở Chợ Rẫy, mọi chuyện đã thay đổi rất nhiều. Thời gian luôn xoay, và mọi chuyện cũng xoay theo. Xoay chuyển, đổi thay, là một quy luật nhưng nhiều lúc sự đổi thay thật khắc nghiệt đến không tưởng tượng nổi! Đầu tiên là đám cưới của Vượng với Diễm được cậu Thái thu xếp nhanh chóng trong vòng mười hôm. Họ như đôi chim nằm khép mình trong mảnh lưới gia đình. Cô học trò lớp 12 ngày nào, và cậu sinh viên y khoa năm đầu, đã không thể ngờ rằng, nhân duyên đã đưa đẩy họ đến bên nhau, với nhiều gian truân trắc trở như vậy. Đám cưới đã được diễn ra suôn sẻ, có thể nói là tốt đẹp; nhưng dầu sao cái hố cách ngăn giữa hai gia đình vẫn chỉ được che lấp ở bề mặt. Bà Trâm hình như vẫn chưa nguôi cơn giận, còn luyến tiếc đám con ông bà Thắng Đạt, nên vẫn tỏ ra lạnh nhạt với Vượng - nhất là với bà Sáu Minh. Nhờ vợ chồng chị Tuyết giúp đỡ, Vượng mua lại được một lô đất ở khu quy hoạch cạnh thị xã, với giá gấp đôi giá chính thức được phòng quản lý nhà đất rao bán trước đó vài tuần lễ. Vợ chồng Vượng phải về ở nhờ trên tầng hai nhà chị Tuyết. Vượng cảm thấy cuộc đời quá rắc rối, không đơn giản như anh nghĩ. Anh luôn bị phiền nhiễu thúc bách bởi những việc tưởng dễ dàng thu xếp, khiến anh không có khoảng trống an ổ n nào để gọi (hay viết thư) chia vui, an ủi cùng Thảo Phương. Vượng nghĩ, có lẽ anh nên viết thư cho Thảo Phương, bởi vì qua thư, anh sẽ nói được nhiều điều hơn. Ý định xin lỗi nàng về việc không gửi “thiệp hồng” báo tin ngày cưới của anh với Diễm khi nàng còn ở bệnh viện, đã thúc giục anh sớm quyết định khi nhận được tin của Đệ. Anh cảm thấy, dù sao, mình cũng có lỗi với nàng rất nhiều về việc im lặng này. Đáng lẽ ra mọi việc không đến nỗi vậy…
Có lẽ Thảo Phương đã nhận được thư của Vượng sớm hơn là nàng nói. Nàng gọi cho Vượng, bảo mới nhận được thư của anh sáng nay, (mà thực tình, thư được gởi đi đã gần hai tuần lễ rồi!) liền gọi ra “chúc mừng.”
Nàng cũng tỏ ra hối tiếc và xin lỗi “hai ông bà” vì đã được Hoàng Nhân báo tin khi còn nằm ở Chợ Rẫy mà chưa có thể gọi ra chia vui đúng ngày được! Giọng Thảo Phương vẫn trong trẻo, nhưng thật trầm tĩnh, từ tốn - không còn những tiếng cười khúc khích sau mỗi câu nói như xưa! Nghe nàng, Vượng cảm thấy, dường như Thảo Phương có gì đổi khác, như Vượng đang chuyện trò với một người nào còn xa lạ. Anh nghĩ vết thương của tai nạn ngày nào in trên thân thể có thể sẽ dễ lành lặn hơn là vết thương đã hằn sâu trong tâm hồn trong trắng của nàng! Mỗi dấu ấn được ghi lại trong tâm hồn sẽ là một nốt nhạc mãi vang ngân trong suốt một đời người. Đôi khi âm vang còn ray rứt, chấn động hơn thuở nào!
Khoảng ba tháng sau ngày nghe điện thoại của Thảo Phương, Vượng nhận được tin nhắn của Hoàng Nhân từ Sài Gòn: “Thảo Phương vừa đi Mỹ chiều nay. Du lịch thôi. TP thăm một người dì ở Calfornia, TP không hẹn ngày về…” Vượng báo tin lại cho Diễm, nàng có vẻ thương cảm, buồn buồn. Còn Vượng cảm thấy như được an ủi khi nghĩ rằng, Thảo Phương sẽ được sống thanh thản, tươi vui hơn là nằm ở nhà với bao nỗi muộn phiền không nguôi. Sự di chuyển, thay đổi chỗ ở, đôi khi còn là một loại thuốc tốt cho tâm bệnh, thân bệnh. Vừa trải qua một tai nạn “thập tử nhất sinh”, lại vừa mất đi một đứa con (nàng bị sảo thai sau tai nạn một tháng) đối với Thảo Phương là những dấu ấn khốc liệt khó phai mờ…
Thảo Phương được dì Mỹ Anh đón ở phi trường với một người bạn gái của dì. Người bạn có mái tóc hoe đỏ, son phấn đậm đà, móng tay chân đều một màu hồng nhũ. Thảo Phương nhận ra ngay sự cách biệt giữa hai đời sống, hai cảnh ngộ, hai tâm hồn. Một đằng thì đang nhanh chóng chạy theo thời đại tân tiến, một đằng thì muốn dừng lại với sự yên tĩnh thong dong của cuộc đời. Sự khác biệt đầu tiên dễ nhận biết này, làm cho Thảo Phương cảm thấy lẻ loi, lạc lõng giữa phố xá tráng lệ, sầm uất, nhưng quá đỗi xa lạ và bất ngờ với nàng.
Dì Mỹ Anh cũng vừa trải qua một biến cố gia đình buồn thảm: dì ly hôn với chồng gần hai năm nay. Hai người chỉ có với nhau một đứa con trai vừa tốt nghiệp đại học đã đến tuổi trưởng thành. Cả ba đều sống riêng lẻ trong ba thành phố khác nhau. Dì Mỹ Anh đang sống một mình trong một căn hộ rộng rãi, đầy đủ mọi tiện nghi - có vườn trồng hoa, có hồ cá, đặc biệt giữa vườn có trồng một cây cau cao vút, trĩu quả! Thảo Phương cứ nhìn cây cau, bầu trời xanh thẳm, mà nhớ quê da diết.
- Dì đã mang cây cau này từ quê nhà sang, dì sống ở đây bao nhiêu năm, thì cây cau bao nhiêu tuổi – Dì Mỹ Anh tâm sự.
Cầm lấy bàn tay nhỏ nhắn, xanh nhợt của Thảo Phương, dì hỏi: “Cháu có thích cây cau không?”
- Dạ, thích. Nàng khẽ cười – Nhưng làm sao được như cau? Thân thẳng tắp vững chãi thế kia hở dì?
- Đúng vậy, cuộc đời con người có nhiều khúc gấp, khúc cong… làm cho ngày càng xiêu vẹo, nghiêng ngả, nếu không có đủ nghị lực để đứng thẳng lên… – Dì nói, như để cho chính mình.
Sống bên cạnh dì Mỹ Anh ít lâu, Thảo Phương cảm thấy thương dì vô hạn. Nàng có được nỗi cảm thông thầm kín sâu lắng từ cái không gian yên vắng của khu nhà vắng tiếng nói cười… Cuộc đời của dì từ ngày ly hương, sống phiêu dạt nơi xứ người, rốt lại cũng chẳng có niềm hạnh phúc nào lâu dài, vững chắc cả! Tuổi đã trên 50, hằng ngày phải lái xe đi làm trên hai trăm cây số, chiều tối về lủi thủi trong ngôi nhà vắng hoe không một bóng người. Dì Mỹ Anh đã sống như thế bao năm rồi? Và sẽ còn kéo dài đến bao lâu nữa? Thảo Phương vẫn thường tự hỏi, rồi ngậm ngùi thương dì. Đôi lúc, nằm cạnh dì, nghe dì tâm sự, Thảo Phương rất muốn được chia sẻ với dì bao nỗi đắng cay, bao niềm cô độc; nhưng nàng chỉ biết im lặng, không tìm ra được lời lẽ nào để có thể an ủi, xoa dịu phần nào nỗi khổ tâm của dì cho dầu chỉ trong chốc lát. Dì đã nói, như chực khóc: “Nhiều lúc đau ốm nằm một mình trong nhà - Nếu có chết, cũng chẳng ai hay!” Thì ra, nhà sang, xe đẹp, tiện nghi cùng cực vẫn chỉ để thỏa mãn cho cái thân tạm bợ; còn cõi đời riêng của tâm hồn của hạnh phúc yêu thương thì đành bó tay, bất lực. Dì bông đùa: “Ở Mỹ có thể kiếm tiền dễ nếu siêng năng, nhưng kiếm an vui, hạnh phúc khó tuy cả đời tìm kiếm!”
Một buổi chiều, dì Mỹ Anh về sớm hơn mọi ngày, gõ cửa nhấn chuông - gọi Thảo Phương: “Thảo Phương! Cháu mở cửa cho dì! Sao không ra ngoài vườn cho khỏe một chút, cháu?” Thảo Phương uể oải mở cửa, gượng cười:
- Cháu buồn ngủ quá!
- Buồn ngủ hay nhớ nhà? – Dì Mỹ Anh nhìn đứng lên khuôn mặt nhợt nhạt không chút phấn son của Thảo Phương.
- Cháu buồn ngủ. Ngủ suốt ngày mà cũng chưa đã con mắt! Nàng cười.
- Nhớ nhà hay nhớ ai? Dì nhướng to đôi mắt hỏi: “Còn ông bác sĩ Đệ nào gọi cho cháu hôm qua?”
- À, à… Thảo Phương ra vẻ thản nhiên – Ân nhân của cháu ấy mà!
- Có “ân” rồi mới có “nghĩa”, có “tình” chứ cháu? – Dì có vẻ vui hẳn lên khi nhìn thấy Thảo Phương cười e lệ.
Tối hôm ấy dì Mỹ Anh lo sửa soạn cho Thảo Phương thật đẹp để đưa nàng cùng đi dự một tiệc cưới con của một người bạn cùng quê. Dì luôn tạo dịp cho Thảo Phương đi ra ngoài, đi vãng cảnh đây đó, hay ghé lại nhà vài người bạn đồng hương để thăm viếng, chuyện trò cho nàng vui! Dì cũng được biết “lý do” chuyến sang Mỹ của Thảo Phương qua lời kể vắn tắt của chị nhưng ngoài sự lo lắng cho nàng thường ngày, dì vẫn cảm thấy một nỗi trống trải, và bất lực trước sự bất hạnh của nàng. Dì đã thử giới thiệu với Thảo Phương vài ba người bạn trai là con của những người bạn thân của dì, nhưng dường như Thảo Phương đều tỏ ra thờ ơ, lạnh lùng! “Không ai có thể làm giúp việc hàn gắn vết thương tâm cho người khác cả” dì Mỹ Anh vẫn thường tự nhủ với mình như vậy.
Thời gian sau này, dì Mỹ Anh thường mua cho Thảo Phương một lúc ba, bốn tấm card gọi điện thoại để nàng “tùy nghi” sử dụng những lúc dì đi làm vắng nhà cho vui. Có card, đang buồn, Thảo Phương thường gọi về cho Hoàng Nhân, hay cho bác sĩ Đệ ở bệnh viện Chợ Rẫy. Nhiều lúc, nàng cũng muốn bấm số của Vượng, nhưng, do dự mãi, lần nào cũng không gọi được! Dường như trong nàng luôn có sự mâu thuẫn, hay đè nén đang áp chế, đang khuấy động, nên vẫn thường cảm thấy hụt hẫng, lơ ngơ như một cánh chim đang bay lạc hướng…
Sống với dì Mỹ Anh chưa được ba tháng, nhưng đã hai lần Thảo Phương đòi về nước.
- Cháu chưa được khỏe, cũng chưa đi làm, về sớm làm gì? – Dì Mỹ Anh dỗ dành.
- Cháu về để xin việc làm… – Thảo Phương có vẻ dứt khoát.
- Việc làm đã có chỗ của mẹ cháu rồi, từ từ rồi hãy về! À, mà cháu còn chưa đi khám lại tổng quát cơ mà! Bác sĩ đã hẹn tháng sau…
- Cháu không thích làm chỗ của ba mẹ cháu. Cháu sẽ tự đi tìm việc cho mình – Nàng bày tỏ. Cháu sẽ tìm cho cháu một cuộc sống riêng.
Dì Mỹ Anh cười, đưa tay “cốc” nhẹ vào đầu Thảo Phương một cái: “Dì cũng nghĩ như vậy. Ở Mỹ con cái đến tuổi trưởng thành đều tự mình đi tìm việc sống tự lập riêng rẽ, không ỷ lại, hay nương tựa vào cha mẹ!”
- Vậy dì đồng ý cho cháu về chứ? – Thảo Phương nhìn đứng lên khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu của dì, cảm thấy xao xuyến
- Cháu về, bỏ dì một mình sao? Giọng dì Mỹ Anh như chùng xuống.
Thảo Phương không dám nói gì thêm, chỉ vì quá thương dì. Từ lâu, nhiều lần có dự định nhờ dì đăng ký vé máy bay nhưng nàng luôn do dự. Có một cái gì vô hình mơ hồ cứ thấp thoáng hiện ra, thầm nhủ với nàng, thì thầm khuyên nàng không nên vội vàng trở về. “Cháu về, bỏ dì một mình sao?” Giữa cái thành phố tráng lệ đông đúc này, dì không tìm thấy được một niềm an ủi nào chăng? Hay nó càng làm rõ thêm, luôn nhắc nhở cho dì nhận ra sự cô độc, lẻ loi của mình từng ngày? Dì đã chẳng từng văn hoa đọc hai câu thơ của Nguyễn Du khi nàng thành thật chúc mừng cuộc sống sung túc của dì lúc mới bước chân vào căn hộ sang trọng không thể ngờ của nàng: “Người vui thì cảnh cũng vui/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!” Ừ nhỉ, cũng như dì, làm sao mà mình yên vui cho được khi cuộc đời trước mắt vẫn mờ mịt, và thân mình như một cách chim trời phiêu bạt chưa biết bay về đâu?
Thảo Phương nhớ lại đêm đầu tiên ngủ nhờ trên đất Mỹ trong căn hộ rộng thênh của dì, nàng không thể nào chợp mắt được! Thời khắc thay đổi. Không gian thay đổi. Lòng người rối bời. Thảo Phương được dì dành cho một phòng ngủ riêng ở phòng khách với niệm ấm chăn êm, nhưng làm sao mà ngủ? Nàng nằm đó, cứ mở mắt, nhắm mắt, rồi bao điều lâu lắc trong quá khứ cứ quay về, từng đoạn như những khúc phim rời…
Qua hôm sau, Thảo Phương xin ngủ chung với dì. Dì Mỹ Anh cười: “Dì cũng thế, cháu à! Dì bị bệnh mất ngủ từ hơn một năm rồi, có lúc, phải nhờ một phần tư hay hai phần tư viên Lexomil để tìm giấc ngủ muộn, chập chờn…” Từ ngày về ngủ chung bên dì, hai dì cháu trò chuyện đủ thứ trên đời cho đến khi giấc ngủ ập tới đè nặng hai mi mắt. Thảo Phương tìm thấy trong hơi ấm dì Mỹ Anh, có hơi ấm nồng nàn của mẹ. Nếu mình trở về, dì sẽ sống ra sao? Dì đang sống cô độc, trơ trọi trên xứ người rộng lớn, đầy đủ mọi tiện nghi, nhưng tìm cho được một người “tri âm” để sống chung, ngủ chung quả thật là khó! Dì đã chẳng bảo đã từ chối bao lời “tỏ tình”, bao lời “mời mọc” sống chung hấp dẫn bởi một lẽ rất giản dị, là “mình không yêu thì làm sao nắm tay, hôn môi, hay ân ái, hả cháu? Dì không thể như bao người khác sống giả dối, lợi dụng được, cháu à!” Ở tuổi 50, nhưng dì trẻ trung, xinh đẹp, và nhất là có một tâm hồn phúc hậu nhạy cảm rất Á Đông. Dì hài hước bảo: “Sống ở Mỹ, mà không giống Mỹ, chắc là sẽ khổ tâm rồi phải không, cháu?”
Thảo Phương nấn ná ở lại với dì từng tháng, chỉ vì thương dì. Thương cảnh đời phiêu dạt, lẻ loi và bất hạnh của dì. Những ưu tư, thắc mắc về cuộc đời chìm nổi, trắc trở của dì cứ xoay vần trong đầu nàng như một nỗi ám ảnh khó rời. Dì xinh đẹp như vậy, giàu sang sung túc như vậy, sao dì không có hạnh phúc? Sao lại ly hôn? Người chồng cũ vẫn chưa đi bước nữa, Ông sẽ sống phóng túng với những ham thích riêng cho đến bao giờ? Cuộc sống vội vã với bao “ham muốn” thực dụng đang là độc tố cho bao thảm trạng gia đình ở Mỹ sẽ chẳng có lối thoát ư? Đời sống thừa thãi và phung phí vật chất (trên năm mươi phần trăm dân Mỹ bị bệnh “over-eatting”) theo một bản báo cáo mà nàng vừa nghe được qua TV, đã làm suy kiệt và ô nhiễm đất nước được xem là giàu có nhất thế giới này từng giờ sao? Tương lai sẽ không có gì sáng sủa, nếu không cải thiện nhanh chóng nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày một bị tiêu hủy dần chỉ vì việc ăn uống phung phí mà thôi. Dì Mỹ Anh từ nơi làm việc phone về cho Thảo Phương biết chương trình ngày nghỉ cuối tuần ngày mai: hai dì cháu sẽ đi dự cuộc họp mặt liên hoan của Hội Đồng Hương. Và sẽ cùng tham gia đêm ra mắt phát hành tập thơ mới xuất bản của một người bạn trai của dì. “Ôi! Quả là một ngày hạnh phúc!” Thảo Phương reo lên! (Hết chương 5)
M.V.L
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét