Thảo Phương về lại Việt Nam đã gần một tháng mà dư âm của tháng ngày sống bên dì Mỹ Anh vẫn chưa nguôi ngoai. Một cảm giác hụt hẫng, rồi sau đó là nỗi bâng khuâng thương cảm xót xa; chơi vơi lạc lõng mênh mang, không thoát khỏi được nỗi dằn vặt u buồn của kiếp nhân sinh vô thường đã đeo bám nàng từ ngày “mất dấu” một đứa con trong tai nạn tàu lửa năm nào. Thảo Phương đã gắng tìm câu trả lời ở những tập kinh sách dì Mỹ Anh cho, những băng dĩa thuyết giảng của quý giảng sư; nhưng rốt lại chỉ nhận được những kiến thức, những lý thuyết mơ hồ, trong lúc nàng lại muốn tìm một nơi an trú cụ thể, vững chắc để gởi trọn đời mình…
Hoàng Nhân cho xe chạy thẳng vào cổng, dừng lại trước mặt Thảo Phương đang đứng chờ bên bậc thềm nhà với chiếc xách tay. Nàng cười lớn: “Xe mới mua chưa được tuần lễ, sáng nay lại có “mối lớn” rồi!” Thảo Phương trìu mến nhin bạn: “Chiếc Screen 18 nầy Nhân mua bao nhiêu vậy? Chắc là chiếc xe đầu tiên ở Saigon rồi…”
- Không dám đâu - Hoàng Nhân cười, thứ mấy chục rồi bạn ơi!
- Bây giờ khởi hành nhé?
- Chứ còn chần chờ gì nữa! Đã hơn 7 giờ rồi, từ đây lên đến chùa cô Minh Hạnh phải mất 2 giờ… Chiều tớ còn phải về để mai còn kịp lên máy bay…
- Chùa Chơn Giác xa vậy sao, Nhân?
- Cậu không nhớ gì hết sao? Mấy năm trước, tụi mình đi ì ạch dò hỏi dọc đường cả buổi mới đến…
- Sau nầy cậu còn có thời gian ghé thăm mình nữa không?
Hoàng Nhân cho xe chạy thẳng lên xa lộ, không trả lời Thảo Phương - mà hỏi lại: “Cậu đã quyết định chưa? Ý của ông bà già thế nào?” Thảo Phương ngồi nép sát vào lưng Hoàng Nhân: “Quan trọng là ý của mình…”
Tấm bảng ghi chùa Chơn Giác không thấy nằm dọc cây số 36 như mấy năm trước. Hoàng Nhân chạy chậm, cố tìm tấm bảng được đặt ngay trên con lộ dẫn vào xóm, vào chùa, nhưng tuyệt nhiên không hề thấy. Nhân kêu Thảo Phương theo dõi kỹ giùm mình. Thảo Phương đấm khẽ vào lưng bạn: “Mình cũng trố mắt dòm đến mỏi mắt mà đâu có thấy!” Hoàng Nhân quyết định quay xe trở lại, dừng bên một xe nước mía: “Cô ơi, cho cháu hỏi… Chùa cô Minh Hạnh ở đâu vậy?” Người đàn bà dừng tay róc mía, vui vẻ: “Con đường rẽ trước mặt cháu kia…”
Thảo Phương hớn hở cười:
- Ô! Vậy mà hai đứa “mắt trên chân mây” qua lại mấy lượt mà chẳng thấy! Cảm ơn cô. Nhưng sao bên đường không có tấm bảng ghi như mọi năm vậy cô?
- Chính quyền thôn xã không cho đặt ở đó nữa.
- Sao lạ vậy cô? – Hoàng Nhân thắc mắc.
- Ai mà biết! – Người đàn bà buông thõng. Nhưng nghe nói tấm bảng nhà chùa che khuất đường đi…
Theo lời một sư cô đang quét dọn ở sân, Thảo Phương và Hoàng Nhân tìm đến khu nhà tổ nằm bên trái để ghé lại phòng của Sư bà Minh Hạnh. Sư cô cũng cho biết, sư bà không được khỏe, bị bệnh tiểu đường đã mười mấy năm rồi. Sau một phút ngạc nhiên, nhớ lại - sư bà ngồi dậy trên chiếc võng đặt giữa phòng khách: “Cháu Phương phải không?” – “Dạ, cháu với bạn Nhân đó Sư bà.”
- Nhớ rồi! – Gương mặt Sư bà tươi tỉnh, vui vẻ.
- Thưa, năm nay Sư bà được bao nhiêu tuổi? – Thảo Phương ngồi bệt xuống sàn nhà, nắm lấy bàn tay sư bà.
- Gần tám mươi, nhưng bị tiểu đường hơn mười mấy năm, không ăn uống ngủ nghê gì được, nên già yếu vầy…
Trong lúc Thảo Phương ngồi bên Sư bà trò chuyện, Hoàng Nhân đi lan man quanh khu nhà tổ, dừng lại bên khoảng sân trống treo lủng lẳng những chậu hoa phong lan nhiều sắc mầu, xanh tươi, gợi nhớ khu vườn phong lan của Đệ ở Đà lạt mà tháng trước nàng đã ghé thăm. Nhìn thấy Thảo Phương đang vui vẻ thoải mái trò chuyện bên Sư bà, Hoàng Nhân cảm thấy an tâm, muốn nàng có dịp tâm sự nhiều hơn với Sư bà về ý nguyện xuất gia mà nàng đã chuẩn bị từ trước. Hoàng Nhân đứng lại bên tấm bảng treo ở vách phòng khách nhà tổ, đọc “Tám Đoạn Kệ Luyện Tâm” của Geshe Langri Tangpa (1054-1123) tức Langthangpa Dorje Senge, là vị đạo sư Kadampa lỗi lạc và là học trò của tổ Potowa Rinchen Sal:
“Bằng cách nghĩ về tất cả hữu tình chúng sinh
Quý báu hơn cả viên ngọc như ý
Để đạt được mục đích cao nhất
Nguyện con luôn xem họ là thân thương,
Và nỗ lực vì lợi lạc của họ.
Bất cứ khi nào con tiếp xúc với người khác,
Nguyện cầu con xem bản thân là thấp kém nhất trong tất cả,
Và từ sâu thẳm trái tim,
Nguyện con nghĩ về việc làm lợi lạc tha nhân,
Và kính trọng họ là tối thượng.
Trong mọi hành động của con,
Nguyện con kiểm soát tâm thức,
Và ngay khi những phiền não tinh thần và cảm xúc khởi lên
Bởi chúng đe dọa con và người khác
Nguyện con dũng mãnh đối mặt và đẩy lùi chúng.
Khi con thấy những chúng sinh với thiên hướng xấu
Bị đè nén bởi ác hạnh và khổ đau nặng nề,
Nguyện cầu con, như thể tìm thấy một kho tàng ngọc báu,
Trưởng dưỡng họ như thứ gì đó cực kỳ quý giá –
Bởi rất hiếm tìm được họ!”
Khi người khác, vì đố kỵ,
Đối xử tệ bạc với con hay những người liên quan đến con
Bằng sự lạm dụng hay nói xấu,
Nguyện con nhận về mình thất bại.
Và trao cho họ chiến thắng.
Khi ai đó mà con đã giúp đỡ,
Hoặc người mà con đặt nhiều hy vọng,
Làm hại con theo những cách cực kỳ bất công,
Nguyện con xem anh ta
Là vị thầy tâm linh chân chính của mình.
Nguyện cầu tất cả những thực hành này của con, không bị vấy bẩn
Bởi lỗi lầm của tám mối bận tâm thế tục;
Và nguyện con, nhận ra mọi thứ
Là ảo ảnh, thoát khỏi sự bám víu,
Được giải phóng khỏi sự trói buộc.
Nói ngắn gọn, nguyện cầu con trao tặng
Lợi lạc và hạnh phúc cho tất cả bà mẹ,
Cả trực tiếp và gián tiếp,
Và nguyện con bí mật nhận về mình
Mọi tổn thương và khổ đau của bà mẹ chúng sinh.”
Hoàng Nhân mở vội túi xách lấy ra tập vở nhỏ, mỏng, và cây bút - ghi lại một đoạn vừa đọc: “Trong mọi hành động của con/ Nguyện con kiểm soát tâm thức/ Và ngay khi những phiền não tinh thần và cảm xúc khởi lên/ Bởi chúng đe dọa con và người khác/ Nguyện con dũng mãnh đối mặt và đẩy lùi chúng”.
Tiếng Thảo Phương gọi: “Nhân ơi! Sư bà bảo đi ăn cơm, đúng giờ rồi…”
- Ăn cơm mà cũng phải đúng giờ sao cậu? – Hoàng Nhân vừa quay lại phía Thảo Phương vừa cười.
- Sao lại không? Ở chùa chứ ở… nhà trọ sao mà muốn giờ nào cũng được?
- Cậu tiến bộ nhỉ? – Hoàng Nhân cười. Mới vào chùa một buổi mà thấy khác rồi…
- Trưa không ăn trễ quá 12 giờ, chiều không ăn sau 6 giờ. Đúng 9 giờ, sau khóa lễ tối, là vào liêu ngủ. Sáng 3 giờ 30 dậy đánh chuông, tụng thời kinh sớm… – Thảo Phương nói một hơi dài, giọng dí dỏm.
- Hiểu rồi, thưa ni cô!
Nhà ăn nằm phía bên phải, là một khu nhà cấp bốn mái ngói, rộng rãi và thoáng mát vì có nhiều cửa lớn và cửa sổ. Sư cô Diệu Tịnh bưng chiếc khay gỗ nhỏ, mang phần cơm lên cho Sư bà. Cô Diệu Lạc xới cơm ra chiếc thau nhôm. Trên bàn, thức ăn đã được dọn sẵn: một tô canh rau tập tàng đậu hũ, một dĩa măng xào, hai dĩa rau muống luộc, một chén muối é, hai chén nước tương… Bàn ăn gồm bảy người: Sư cô Diệu Tịnh, Diệu Lạc, Thảo Phương, Hoàng Nhân, hai nữ Phật tử trong xóm sang làm công quả, và một nữ Phật tử đang chờ xin Sư bà cho làm lễ xuất gia.
Sư cô Diệu Tịnh nhìn nữ Phật tử ngồi đối diện, tuy chưa được Sư bà cho làm lễ thí phát, nhưng đầu đã cạo sạch nhẵn - cười thân tình:
- Theo ý kiến Sư bà, cô Minh Hiền này tự ý xuống tóc khi còn ở nhà, rồi đến chùa xin xuất gia, dầu đã đủ điều kiện cho phép của gia đình, nhưng phải ở lại chùa làm công quả, thực hành hạnh sa di. Khi tóc đã mọc đủ, Sư bà sẽ tùy nhân duyên và nhận xét, chọn ngày làm lễ…
Hoàng Nhân vừa ăn vừa chú ý nhìn người phụ nữ trạc gần 40 tuổi có tên Minh Hiền, trông rất duyên dáng, hiền thục, cô có đôi mắt đẹp, vóc dáng thon thả, quý phái. Nhưng vì sao cô đã quyết tâm tự mình xuống tóc lúc còn ở nhà, rồi đến xin Sư bà cho xuất gia? Hoàng Nhân thắc mắc lắm, định bụng sau bữa cơm sẽ tìm gặp riêng Sư cô Diệu Tịnh… Nàng bất ngờ nhìn lên tấm bảng treo ở vách, phía trước bàn ăn, ghi bốn câu thơ kệ: “Mỗi khi bưng bát cơm đầy/ Nhớ ơn Tam bào, ơn Thầy, Mẹ Cha/ Ơn người thí chủ gần xa/ Con nguyện sống hạnh vị tha đáp đền”, cảm thấy lời dạy tuy mộc mạc nhưng thật thấm thía - nhất là với những ai đang nương nhờ cửa Phật để tu tập.
Sư cô Diệu Lạc cầm lấy bàn tay Thảo Phương dặn: “Sư bà bảo em và Nhân lên phòng khách bên cạnh nhà tổ nghỉ trưa, chiều Sư bà sẽ nói chuyện sau.” – “Dạ, cảm ơn cô.” Thảo Phương vui vẻ nắm tay Hòang Nhân: “Cậu ăn có no không?”
- No và ngon quá cậu ơi.
- Có món muối é độc đáo nhỉ?
- Vừa thơm, vừa cay, vừa quyến rũ…
- À, cậu định mấy giờ quay lại Sài Gòn? – Thảo Phương chợt dừng lại, nhìn Hoàng Nhân hỏi, giọng chùng thấp.
- Có lẽ bốn giờ. Về trước khi đèn sáng…
Một lúc im lặng. Cả hai cùng bước lên bậc thềm nhà tổ.
- Sư bà trả lời cậu thế nào? – Tiếng Hoàng Nhân bỗng vang lên.
- Chưa trả lời gì. Có lẽ chiều nay – Thảo Phương buông thõng, giọng yếu mềm.
Thảo Phương đưa Hoàng Nhân ra phía trước cổng chùa. Cả hai nhìn nhau. Yên lặng.
- Sư bà quyết định thế nào?
- Sẽ cho làm lễ xuất gia khi nào có người thân lên gặp gặp Sư bà, và tham dự buổi lễ xuống tóc.
- Có hy vọng ông bà già cậu sẽ thay đổi không?
- Có lẽ không!
- Vậy cậu sẽ tính sao?
- Yên tâm – Thảo Phương thoáng nở nụ cười. Mình sẽ có cách. (Hết chương 6)
M.V.L
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét