Sau thời Kinh buổi sáng, Thảo Phương ra phía hiên chánh điện gọi cho Đệ. Sau ba lần gọi máy đều bị đóng, Thảo Phương bắt đầu bồn chồn. Sư cô Diệu Tịnh tìm thấy nàng đang ngồi ở bậc hiên chánh điện, nét mặt lo buồn - đến gần bên Thảo Phương mà nàng không hay: “Em đi ăn cơm rồi còn lo tiếp mấy việc Sư bà mới dặn…”. Thảo Phương quay lại nhìn Diệu Tịnh đang đứng ngay phía sau mình - cười: “Chị làm em hết hồn!” – “Em đang lo nghĩ gì vậy?”
- Em trông tin anh của em…
- Mẹ em đang đi liên hệ công việc của công ty ở Úc, ba em thay mặt quản lý, chỉ có anh trai em đến tham dự…
- Em đã thưa với Sư bà chưa?
- Dạ, đã thưa từ sáng hôm qua rồi!
- Sư bà nói sao?
- Sư bà dạy nên gọi điện mời nhiều người thân, bạn thân cùng đến dự vì buổi lễ đối với em là rất quan trọng. Càng có nhiều người thân chứng kiến, thành tâm hồi hướng, chia sẻ, thì càng dễ đạt được ý nguyện trên con đường tu hành sau nầy. Xuất gia là con đường lớn vì nó là chặng đường dài với đòi hỏi nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ… Em thấy đó, dù đang không khỏe, nhưng Sư bà đã lo cho buổi lễ xuất gia của em sáng nay rất chu đáo, đầy đủ. Hai sư tỷ Diệu Nghiêm và Diệu Sơn từ Đà Lạt đã về, Thượng tọa Chơn Thiện cũng đã nhận lời đến khuyến tấn, thuyết giảng… Bà con Phật tử ở đây đã được thông báo, sáng nay cũng về niệm kinh, cầu nguyện…
- Em diễm phúc quá – Thảo Phương kêu lên. Em cảm ơn chị.
- Trách nhiệm của chị cơ mà – Diệu Tịnh liếc nhìn Thảo Phương, cười. Em mặc bộ nhật bình màu đà này trông dễ thương lắm.
Điện thoại trong túi áo Thảo Phương bỗng đổ chuông, nàng vội nói “Em xin lỗi”, và lấy điện thoại ra nhìn đứng lên màn hình: “Hoàng Nhận”.
- Alo! Cậu đang ở đâu mà gọi cho mình vậy?
- Mình vừa về nước chiều hôm qua, chính xác là 7 giờ tối…
- Tốt rồi – Thảo Phương không giấu được tiếng cười. Sáng nay cậu lên thăm mình gấp nhé?
- Mới về, mệt quá đi – Tiếng Hoàng Nhân cười. Làm gì mà gấp quá vây. Mai nhé?
- Không được – Thảo Phương gắt. Sáng nay mình đang rất cần cậu…
- Mình mà có lúc cũng “hữu ích” đến vậy sao?
- Đừng nói lung tung nữa!
- Thôi được, sẽ tính sau nhé – Hoàng Nhân cười lớn. Cậu nói chuyện với người bạn nầy một chút đi.
- Ai vậy?
- Cứ bắt máy đi thì sẽ biết…
- Alo!
- Anh đây.
- Ô! Anh Đệ! Từ 5 giờ sáng đến bây giờ anh làm gì mà tắt nguồn vậy?
- Anh đang ở chỗ Hoàng Nhân.
- Hai người bây giờ đang ở đâu?
- Trên xe…
- Em đang nóng lòng lắm – Thảo Phương gắt. Anh đừng nói đùa nữa!
- Anh nói nghiêm túc mà – Đệ cười nhẹ. Anh đang đưa Nhân lên chùa Chơn Giác đây…
Phật tử ở quanh xã thường về chùa sinh hoạt đã vào ngồi thứ tự ở chánh điện. Sư bà đang ngồi tiếp Thượng tọa Chơn Thiện, quý ni trưởng, sư cô ở phòng khách.
Bàn lễ ở chánh điện đã được các sư cô Diệu Lạc, Diệu Hải, Diệu Nghiêm chuẩn bị từ sau thời kinh sang. Tiếng đọc kinh cầu nguyện, hồi hướng của Phật tử âm vang trong hương khói trang nghiêm khiến Thảo Phương vừa cảm thấy hân hoan, hạnh phúc, vừa hồi hộp, lo lắng,
Nhìn ra phía cổng, Thảo Phương thấy chiếc xe Playmouth Z màu xanh của Đệ đang được điều khiển nép sát bờ rào bên trái. Nàng nói với Sư cô Diệu Sơn: “Anh và bạn của em đã lên!” rồi vội vã bước xuống sân chánh điện, tiến ra ngõ.
- Anh và Hoàng Nhân vào chánh diện đi – Thảo Phương thoáng cười. Em thưa với Sư bà…
Buổi lễ xuất gia của Thảo Phương đã được tiến hành đúng giờ, đầy đủ nghi thức, nhưng đơn giản, dưới sự chứng minh của Thượng tọa Chơn Thiện, Sư bà Minh Hạnh, quý ni sư, ni trưởng thân tín và hằng trăm Phật tử ở các đạo tràng quy hội, sau hồi chuông trống Bát Nhã.
Mở đầu, sau phần niệm hương, đảnh lễ Tam Bảo, Thảo Phương dâng lời tác bạch, lạy tạ ân Tam Bảo, ân Thầy tổ với một tâm thái kiên định và những lời phát nguyện đã được các Sư cô Diệu Tinh và Diệu Lạc chỉ dẫn. Giong Thảo Phương trong trẻo, ám áp, vang lên giữa chánh điện yên lặng và uy nghiêm. Những lời lẽ trình bày về nguyện vọng, tâm tư cũng như nguyên nhân và mục đích xuất gia của Thảo Phương tuy rất bình dị, mộc mạc, nhưng bàng bạc trong đó tấm chân tình, trong sáng dễ làm cho người nghe cảm thông và xúc động.
Tại buổi lễ, nhiều giọt nước mắt đã rơi, những tiếng nấc nghẹn ngào thực sự khi những ca từ của bài hát được cất lên: “Lạy mẹ con đi về phía trùng khơi; Lạy cha con đi về phía mặt trời; Đừng buồn khi con chưa tròn chữ hiếu; Hãy chúc cho con ngập ánh đạo soi; Thế gian là một cõi thương đau; Lối con về ngời sáng mai sau; Tình yêu thương dâng tràn muôn hướng; Dưới chân đài sen, đây ánh thái dương bừng lên”. Hoàng Nhân chắp tay, qùi gối phía sau Thảo Phương cũng mấy lần sụt sịt lau vội những giọt nước mắt. Chỉ có gương mặt Đệ như mỗi lúc một đanh cứng lại, mắt đăm đăm nhìn lên pho tượng Đức Bổn sư đang nhấp nháy ánh đèn mầu…
Thảo Phương lạy người thân lần cuối, kể từ đây sẽ hoàn toàn tách biệt với gia đình và trở thành người nhà Phật. Các nghi thức đảnh lễ các Sư huynh, Sư tỉ và rưới nước thơm (hay còn gọi là lễ Sái tịnh) đã được thực hiện trang nghiêm với hằng trăm con mắt, hằng trăm tấm lòng hồi hướng, nguyện cầu cho Thảo Phương. Nghi thức xuống tóc đã được các Sư cô Diệu Tinh, Diệu Nghiêm, Diệu Sơn ân cần, cẩn trọng thực hiện. Thảo Phương quỳ lạy trước Tam Bảo, hai tay bưng khay đựng tóc của mình, lòng ngập tràn cảm xúc rưng rưng… Từ nay, nàng sẽ là người của nhà Phật, đọan lìa mọi chuyện thế tục, như những lọn tóc kia đang rời xa nàng từ giây phút nầy, để dốc lòng tu tập bên các Sư huynh, Sư tỉ như anh em chung một mái nhà.
Tiếp theo, Thượng tọa Chơn Thiện khai thị và nhắc nhở người chân chính xuất gia phải xa rời những tập tính thế tục. Khi về dưới mái chùa, mọi người sống với nhau bằng cái tâm từ bi và vô ngã thì đó mới là những người thân yêu thật sự. Bằng tình thương của người thầy đối với đệ tử, Thượng tọa đã dặn dò bốn điều, những người xuất gia trẻ hãy dựa vào nền tảng này làm bệ phóng vững chắc cho mình tu hành: “Thứ nhất là xác định lý tưởng giải thoát đời đời kiếp kiếp, nên ngày hôm nay một lần con cạo tóc rồi thì thề muôn kiếp sau không bao giờ quay lại thế tục nữa. Nếu chết thì chết trong chiếc áo casa, chết trong đại chúng này. Thứ hai, con đi tu rồi thì phải cắt đứt cái bản năng thuộc về tình cảm gia đình để yêu thương được tất cả chúng sinh, yêu thương đồng đẳng mọi người, không còn thiên vị nữa thì mới tiến tu được. Thứ ba, tu là chiến đấu với chính mình một cách vất vả, tức là thấy lỗi và sửa lỗi. Có như vậy mới làm thầy người khác được.
Thứ tư, con phải luôn có ý thức trong việc hộ pháp bảo vệ chùa, bảo vệ đạo và bảo vệ huynh đệ của mình.” Thượng tọa cũng nhắc nhở: “Thật ra, xuất gia là “Đại báo hiếu”, người xuất gia dùng năng lực tu hành của mình để báo hiếu, chứ không phải đi tu rồi là đoạn tuyệt thân bằng quyến thuộc như mọi người nhầm tưởng, mà người xuất gia đem cái tình cảm bình thường thăng hoa thành đại từ đại bi. Người xuất gia theo đạo Phật không chỉ để giải thoát cho chính mình, mà còn vì lợi ích cho hết thảy mọi loài chúng sanh.
Đức Phật dạy chúng ta phải tôn trọng, cảm ơn hết thảy chúng sinh, lấy sự tu tập giải thoát mà báo đáp thâm ân cha mẹ. Sau khi đức Phật thành đạo, Ngài trở về thành Ca-tỳ-la-vệ báo hiếu cho cha mẹ. Khi Vua cha lâm bệnh thì Ngài nói cho Vua cha nghe Phật pháp, đến lúc Vua cha lâm chung thì Ngài tự vai mình gánh thi hài Vua cha đi mai táng. Tăng sĩ Phật giáo báo đáp thâm ân cha mẹ bằng cách dùng năng lực cầu nguyện và hướng dẫn cha mẹ đi theo chánh đạo, làm lành lánh dữ, tạo phước tích đức…”
Sau cùng, Thảo Phương và toàn thể đại chúng đồng thanh tụng bài kệ:
“Từ nay xin bỏ hình hài
Cắt dây tham ái, lìa người quyến thân
Chuyện đời xem tựa phù vân
Dốc lòng tu tập chuyên cần tinh sâu
Mai kia thành tựu Đạo mầu
Chúng sanh vô lượng nguyện cầu độ xong.”
(Hết chương 7)
M.V.L
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét