Hơn một tuần sau ngày tham dự lễ xuất gia của Thảo Phương, Hoàng Nhân mới có dịp đến thăm gia đình nàng. Hoàng Nhân gặp ngay bà Tấn Lôc - mẹ Thảo Phương, ở khu vườn hoa phía trước sân nhà.
- Thưa bác…
- Chào cháu – Bà quay lại, giọng vui vẻ. Sao dạo sau nàu cháu ít ghé chơi vậy?
- Cháu “bị” công ty điều đi công tác xa hoài bác ạ – Hoàng Nhân cười thân tình.
Bà Tấn Lộc vừa dợm bước rời chậu bonsai hoa mai đang xem “Mời cháu vào nhà chơi!”
Hoàng Nhân đến bên chiếc ghế đá đặt gần chậu bonssai: “Mời bác ngồi ở ngoài cho mát ạ…”
Lúc bà Tấn Lộc vừa ngồi xuống, Hoàng Nhân vội quay lại, liếc nhìn nét mặt bà: “Bác đã biết chuyện về Thảo Phương chưa ạ?”
- Chưa! Là chuyện gì vậy cháu?
- Bác thật chưa biết gì sao? Hoàng Nhân có vẻ lo lắng.
- Bác vừa đi Úc về hai hôm nay.
- Thảo Phương đã được Sư bà Minh Hạnh cho làm lễ xuất gia rồi bác ạ…
- Vậy à? – Giọng bà Tấn Lộc thoáng bàng hòang, nhưng nét mặt sau đó đã nhanh chóng trở lại bình thường, như chưa hề nghe điều gì. Sao bác chẳng nghe thấy nó nói?
- Cháu nghĩ, chắc Thảo Phương đã xin phép hai bác rồi.
Bà Tân Lộc im lặng giây lát, giọng bà như chợt nhớ: “Hình như đã lâu rồi, từ sau ngày thăm dì Mỹ Anh ở Mỹ về, Thảo Phương có nói ý định xuất gia với bác!”
Giọng bà trở nên khô cứng: “Bác cứ nghĩ nó nói đùa!” Bà thở dài “Bác xuôi ngược ngày đêm cũng chỉ để lại cho nó thôi… Nếu nó thích ở Mỹ với dì Mỹ Anh, bác cũng sẽ lo mua nhà cho nó được!”
- Cháu hiểu – Hoàng Nhân ngập ngừng. Nhưng con người ta sống đâu chỉ cần...
Bà Tấn Lộc chợt cầm lấy bàn tay Hoàng Nhân: “Chủ nhật nầy cháu gắng thu xếp lên chùa Chơn Giác thăm Thảo Phươngg với bác nhé!” Được không?
- Dạ!
Thảo Phương được Sư bà đặt cho pháp danh là Diệu Trang, và các Sư tỷ phân công chăm sóc dãy hàng rào cây dúi bao quanh chùa cùng những chậu hoa, cây kiểng trong khu vườn. Hằng ngày, sau hai thời kinh sớm chiều, Diệu Trang chỉ chuyên tâm lo học kinh, và đọc sách. Thời gian cắt tỉa dãy hàng rào chỉ mất một buổi sau một tuần, còn việc tưới nước cho hoa và cây cảnh quanh chùa chỉ tốn một giờ buổi sáng. Nàng chăm chú học kinh ngày đêm để mong “tụng” theo kịp Diệu Tịnh và các Sư tỷ khác. Sư cô Diệu Tịnh thuộc làu hàu hết tất cả các kinh, lại có giọng tụng đọc rất truyền cảm, giảng giải nghĩa lý thâm sâu rất hay, ai cũng kính mến! Một lần, Diệu Trang nói vui: “Chị giỏi quá! Làm sao em học cho bằng chị được đây?”
Diệu Tịnh cười, lườm nàng: “Em còn tài giỏi hơn chị cơ mà!”
- Em giỏi gì nào? Diệu Trang xịu mặt – Em giỏi ăn thì có. Ờ nhà ăn không hết chén cơm, về đây, mỗi bữa ních… ba tô! Nàng cười lớn. Có lẽ cái “tạng” của em hạp với tương rau và… muối é!
- Em không giỏi sao Sư bà chọn em làm thị giả?
- Vậy thị giả là phải giỏi sao chị? Diệu Trang ngẩn ngơ – Nhưng Sư bà nói em chỉ làm “thị giả tập sự” thôi. Em biết, Sư bà muốn em được gần để dạy dỗ thêm…
- Thị giả ngoài cái đức, còn có cái trí! Em có đủ hai điều kiện ấy mà lại xinh xắn, ngoan hiền. Dừng một phút, Diệu Tịnh cầm tay Diệu Trang – Nhưng chị không “ganh tị” với em đâu mà lo!
Diệu Trang luôn cảm thấy ấm áp trong tình nghĩa huynh đệ bạn lữ chân thành, như anh chị em một nhà. Có lúc, nàng nghĩ - có lẽ trong quãng đời đã qua của mình, chưa bao giờ nàng được tận hưởng cái hạnh phúc an vui như thế. Nhiều đêm, trước chánh điện, nàng đã thầm cảm tạ ân sâu của Tam Bảo đã đưa nàng về đây - dưới mái chùa nầy, được thân cận bên Sư bà đạo hạnh, và tài hoa mà nàng đã hết lòng ngưỡng mộ từ năm đầu tiên khi vừa bước chân vào đại học được theo mẹ lên thăm chùa Chơn Giác, đã được Sư bà tặng cho hai quyển sách “Câu chuyện của dòng sông” của đại văn hào Hermann Hesse và “Bắt Trẻ Đồng Xanh” của nhà văn Mỹ J. D. Salinger dịch từ tác phẩm đầu tay của ông là “The Catcher in the Rye”; rồi bây giờ được các sư tỷ sư đệ hết lòng yêu thương đùm bọc! Càng học Phật, Diệu Trang càng nhận ra duyên lành đã dành cho đời mình, dù đã phải vượt qua bao gian khó, khổ đau.
Diệu Trang ngắm nhìn Diệu Tịnh giây lâu, cười: “Chị xứng đáng là “cánh tay mặt” của Sư bà, như lời Sư bà đã nói với em! Có lần, Sư bà chỉ vào tủ sách trên mấy chục đầu sách vừa dịch thuât, giàng giải Kinh tạng, và trước tác của Sư bà, tâm sự: “Những quyển sách nầy, đều có bàn tay của Diệu Tịnh góp sức đấy! Con muốn đọc cuốn nào, thì hỏi chìa khóa ở Diệu Tịnh nhé!”
Đang trò chuyện vui vẻ với Diệu Tịnh trong phòng sau giờ lễ sớm thì Diệu Lạc vội vã bước vào: “Diệu Trang ơi!” – “Có gì mà hớn hở vậy em?”
- Biết chị vui nên em cũng vui theo... Chị vui chuyện gì? Chị có bao giờ buồn đâu?
- Chị có khách đang đến…
Từ ngày thọ giới xuất gia, Diệu Trang chỉ tiếp mẹ và Hoàng Nhân lên thăm, và gần năm nay, sau ngày thọ giới Sa di ni nàng, không hề liên lạc với ai. Diệu Tịnh cầm tay nàng, giục: “Thôi, chị em mình ra dón khách đi…”
Chiếc xe Playmouth Z mầu xanh của Đệ đang vào chùa. Ba chị em đứng ở cổng, đưa tay vẫy chào, vui vẻ. Xe dừng, người xuống đầu tiên là Đệ, rồi Hoàng Nhân và sau cùng là Vượng và Diễm. Nhìn thấy Vượng, Diệu Trang thoáng bàng hoàng. Nàng lấy làm lạ, đã vài năm nay nàng không còn liên lạc với Vượng và Diễm. Sự có mặt của vợ chồng Vượng ở đây làm nàng vừa lúng túng, vừa vui mừng. Nàng cũng tự hứa sau ngày thọ giới Tỳ kheo vào tháng Bảy năm đến như lời hứa của Sư bà, Diệu Trang sẽ gọi thăm và chúc lành đến hai vợ chồng.
Hoàng Nhận chạy lại ôm lấy Diệu Trang: “Chào Sư cô!”
- Cảm ơn bạn hiền!
Đệ bước chậm lại, có ý chờ vợ chồng Vượng. Anh cười: “Chào Sư cô!”
- Chào anh. Diệu Trang bước lại gần Diễm – Chào hai đạo hữu đã “lặn lội” đường xa đến thăm.
Hoàng Nhân vờ trách: “Sao Sư cô lại gọi vợ chồng anh Vượng là “hai đạo hữu” mà anh Đệ và Nhân là anh và bạn?”
Diệu Trang cười vui: “Mình biết gia đình anh Vượng là một gia đình Phật tử thuần thành, có người cô là Sư bà Tuệ Nghiêm, anh ấy cũng đã quy y với Sư bà từ nhỏ…”
Sư cô Diệu Tịnh thay mặt Sư bà mời tất cả vào phòng khách. Sư cô Tịnh Lạc hoan hỷ pha trà. Lúc đã cùng ngồi vào bàn, Sư cô Diệu Tịnh xin lỗi, vì Sư bà có việc đi Nha Trang mới về, nên còn mệt, chưa ra tiếp khách được.
Vượng lên tiếng: “Anh và Diễm thật sự ngạc nhiên khi nghe Đệ báo tin. Nhưng sau đó, đã cảm thấy rất an tâm vì Thảo Phương đã đi đúng con đường mơ ước…”
- Cảm ơn đạo hữu đã chia sẻ…
- Em cũng đã được nghe danh tiếng của Sư bà Minh Hạnh – Diễm nhìn Diệu Trang khẽ cười. Thời trung học em đã được đọc sách của Sư bà rồi, nên rất mừng vì chị là đệ tử của Sư bà…
- Anh nói thật – thoáng nhìn Sư cô Diệu Tịnh. Vì biết Thảo Phương được gần Sư bà, nên anh rất yên tâm. Sư bà là người đã có túc duyên sâu đối với Phật pháp, nên lúc còn là thai nhi ba tháng, đã được mẹ cho Quy y Tam bảo rồi…
Sư cô Diệu Tịnh mời tất cả dùng trà, rồi tâm sự: “Năm 17 tuổi, Sư bà đã đỗ Tú tài toàn phần, nhưng cơ duyên xuất gia chưa đến. Sư bà tiếp tục vào trường Đại học Sư phạm và sau khi tốt nghiệp, đi dạy ở Đà Nẵng. Năm 1960, Ni trưởng sang Mỹ du học và tốt nghiệp Cao học ngành Thư viện (M.A). Cuối năm 1963, Ni trưởng về nước gặp lúc Viện Cao đẳng Phật học Việt Nam ra đời, đã vâng lời Hòa thượng đến phụ tá Ni trưởng, quán xuyến cư xá Nữ Sinh Viên và làm việc tại chùa. Năm 1964 Sư bà quyết dứt trần duyên, cắt tóc, xuất gia được thọ giới Sa-di Ni. Sau đó, Người được Giáo Hội cử làm thư ký cho Thượng tọa Viện trưởng khi Viện Cao đẳng Phật học trở thành Viện Đại học Vạn Hạnh…
Cuộc trò chuyện thăm hỏi nhau vui vẻ kéo dài tưởng không hề dứt. Tất cả dường như có ý không động chạm đến “chuyện cũ”, bởi ai cũng hiểu, quá khứ đã qua rồi!
Sư cô Diệu Hải bưng khay phần cơm trưa lên phòng Sư bà, Diệu Lạc đến ngồi bên Diệu Trang: “Chị mời quý anh chị dùng cơm đi, trưa quá rồi!” (Hết chương 8)
M.V.L
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét