Năm 16 tuổi, tôi theo học lớp Đệ Nhị (*) tại một trường tư thục ở thị xã Qui Nhơn. Đầu năm học, lớp chúng tôi có một số học sinh từ các huyện chuyển về. Lúc bấy giờ, một số huyện chưa có trường trung học đệ nhị cấp. Việc phụ huynh cho con em lên thị xã học còn khó khăn, các học sinh huyện về thị xã, phần lớn gia đình nghèo và thường học rất chăm. Bên cạnh đó cũng có một số ít thuộc gia đình khá giả.
Tôi được xếp ngồi chung bàn với một anh học sinh huyện. Anh tên là Đặng, hai mươi mốt tuổi, vừa lập gia đình và đã thi trượt Tú tài hai lần. Anh Đặng vóc người đậm, ăn mặc rất chỉnh tề. Áo sơ mi trắng tay dài, cài khuy, quần thẵng lỳ, giày Tây bóng loáng. Anh ăn nói cẩn trọng như ông giáo làng. Tính tôi thì ngược lại. Thế mà anh lại kết thân với tôi. Không hiểu tại sao.
Ở cái tuổi chông chênh giữa thiếu niên và người lớn, tôi bắt đầu lãng đãng việc học. Đã có những lúc lơ là bài giảng, thả hồn theo một mái tóc dài nào đó trong lớp, đã có nhiều buổi trốn học, nhập vai vĩ nhân sầu đời trong quán café và tập tễnh… làm Thơ yêu em v.v… Cũng may, nhờ có anh Đặng, nên tôi cũng có phần nào sách vở. Một vài lần anh Đặng đến nhà, ba mẹ tôi quý anh lắm. Sau đó, ba mẹ tôi mời anh về nhà ăn học luôn cho tiện. Chính vì điều này, nên tôi gặp may mắn về sau.
Đến kỳ thi, tôi run lắm. Tôi làm bài không như ý. Ngày niêm yết kết quả, tôi mất hồn như tử tội ra pháp trường. Vậy mà thi đậu. Tôi xem đi xem lại bao nhiêu lần mới tin. Thế hệ chúng tôi bằng Tú tài quý lắm, không như bây giờ. Tôi nhớ kỳ thi đó, lớp chúng tôi chỉ có kết quả hơn hai mươi phần trăm. Đang lơ mơ, anh Đặng đến ôm choàng lấy tôi. Chúng tôi nhảy nhót mừng như trúng số.
Bố mẹ tôi vui lắm. Ông bà quyết định thưởng cho tôi một số tiền rong chơi Đà Lạt. Vừa lúc đó anh Đặng lại đến, khẩn thiết mời tôi về quê anh. Trước là cho biết nhà, sau là chung vui. Theo lời anh, đây là một sự kiện trọng đại của gia đình nên phải làm Lễ báo công Tiên Tổ , tế cáo Thánh Thần đã độ trì anh trong kỳ thi vừa qua. Tôi không hứng thú, nhưng thấy anh nhiệt tình, hơn nữa Bố mẹ tôi lại nói thêm vào. Thế là chúng tôi lên Honda vù một mạch.
Quê anh Đặng ở một huyện nông nghiệp cách thị xã chừng bốn mươi cây số. Chạy khoảng một giờ, chiếc Honda rời khỏi quốc lộ rẽ vào con đường làng, đưa chúng tôi qua những cánh đồng bát ngát, những rặng tre cong vút rồi dừng lại trước một hàng rào dài dâm bụt. Anh Đặng tắt máy xe đưa tôi vào. Bên trong là ngôi nhà rộng năm gian lợp ngói có sân vườn bao quanh. Trước sân đặt hai dãy bàn đãi khách, người đi kẻ lại nhộn nhịp. Sau khi thăm hỏi gia đình, anh Đặng cuốn vào Khách khứa. Tôi lặng lẽ tách khỏi anh, đi lăng quăng ngắm nghía. Lát sau, bố anh Đặng đi tìm và ép tôi ngồi vào bàn họ tộc. Tôi hơi hoảng, nhìn quanh bàn chỉ thấy các cụ áo dài khăn đóng. Bố anh Đặng trịnh trọng đứng lên, đặt tay lên vai tôi, giới thiệu.
- Kính thưa qúy họ tộc,
Tui xin hân hạnh giới thiệu: Đây là Qúy anh Tú tài , là bạn đồng học cũng là bằng hữu thâm giao với thằng Đặng nhà này. Qúy anh Tú tài đây là người thị xã, hôm nay có mặt nơi đây để thăm hỏi và chia vui cùng họ tộc chúng ta.
Tiếng vỗ tay rần rần. Tôi hơi ngượng. Cụ áo dài khăn đóng ngồi bên nâng ly chạm tôi, rồi hỏi.
- Chẳng hay, Năm nay Qúy anh Tú tài đặng bao nhiêu?
Nói tuổi thật thì… nhỏ quá.
Tôi trả lời:
- Dạ… Năm nay cháu mười chín.
Cụ vuốt râu, khà rõ một tiếng, nói tiếp:
- Mười chín tuổi… Cái tuổi đã trưởng thành. Đại phàm, trong cuộc đời kẻ sĩ có hai việc lớn. Việc thứ nhứt, tạo lập công danh làm rạng rỡ giống nòi, đáp đền công ơn tiên tổ. Việc thứ hai, phải tìm người xứng đáng nâng khăn sửa túi để có người kế vị tông đường - Ngừng lại vài giây, cụ nói tiếp – Xem qua tư cách cùng dong mạo của Qúy anh Tú tài đây ắt mười phần sẽ nên đại nghiệp. Phải chăng việc cấp thiết bây giờ, Qúy anh Tú tài nên xây dựng gia thất đặt nền móng kế sách lâu dài.
Tôi tá hỏa, cúi mặt không biết nói gì. Cụ lại thong thả vuốt râu, khà thêm một tiếng và tiếp tục phán:
- Hỡi ui, như cha thằng Đặng, tức anh Hai tui đây. Anh Hai tui cũng đặng mấy phần sở học nhưng cuộc đời lao đao quá đổi. Không may chị Hai tui khuất núi sớm để lại cho ảnh ba người con. Thằng Đặng là con trai lớn, kế Nó là hai em gái. Con lớn tên là Tấn, năm nay mười chín tuổi đã yên bề gia thất. Con út tên là Tới, năm nay tròn mười sáu. Thiệt lòng mà nói, con Tới là đứa có sắc lại giỏi giang. Mọi việc trong nhà từ lớn chí nhỏ, một tay nó tính toán xếp đặt. Xem ra cuối đời anh Hai tui cũng có phước cậy nhờ.
Cái gì đây hở trời. Anh Đặng bá vai tôi cười ha hả. Cụ áo dài khăn đóng không thèm “hà” nữa . Cụ thong thả vấn điếu thuốc rê bập phà.
- Qúy anh Tú tài và thằng Đặng nhà này là bạn đồng môn, là bằng hữu thâm giao cùng song đôi vượt Vũ môn mở ra con đường xây dựng đại nghiệp , phải chăng mọi việc cơ trời định sẵn. Những lần thằng Đặng về thăm nhà, nó có nói rất nhiều về anh. Hôm nay được mục kích sở thị, tui mười phần đã coi Qúy anh Tú tài đây như người trong nhà. Tui cũng nói thêm cho Qúy anh Tú tài đặng rõ. Nhà anh Hai tui đây. Dòng dõi Nho gia, ruộng cò bay thẳng cánh, bề thế nhất vùng. Nếu có phải vào nhà này, Qúy anh Tú tài cũng không đến nỗi cúi mặt.
Tôi tiếp tục nín thinh… tập hai . May quá, cụ áo dài ngồi đối diện tôi nói đỡ:
- Đây là chuyện đại sự. Qúy anh Tú tài không phải vội. Hôm nay là ngày vui của họ tộc chúng tôi. Nếu có gì không phải mong Qúy anh Tú tài bỏ qua.
oOo
Trăng sáng quá. Tiệc đã vãn, anh Đặng kéo tôi ra khoảng trống sân gạch. Một cô gái đang lúi húi trải chiếc chiếu và châm bình trà. Nghe anh Tấn gọi, cô gái quay người lại, cúi đầu chào tôi. Thì ra đây là cô Tới, em út của anh Đặng. Ánh mắt vừa chạm nhau, cô gái thẹn thùng cúi mặt. Tôi cũng ngượng ngùng quay chỗ khác, lòng nao nao cảm giác khó tả.
Anh Đặng lại rót rượu. Tôi cũng say quờ quạng rồi. Đêm đó anh Đặng nói nhiều lắm. Tôi nghe câu được câu mất. Lát sau, tôi ngủ lúc nào không hay.
Tôi tỉnh dậy, đầu nhức như búa bổ. Cánh cửa phòng mở, để lọt ánh sáng mờ mờ. Phía sau bếp còn ánh đèn và tiếng người dọn dẹp. Ngồi một lát, tôi bước ra ngoài, kéo ghế ngồi tựa vào hiên. Sương sớm lành lạnh. Tôi ôm ngực ho một tràng.
- Anh Hai dậy rồi ha.
Tôi quay lại. Cô em của anh Đặng đứng đó tự lúc nào.
- Anh Hai lau mặt đi cho phẻ. Cô đưa cho tôi chiếc khăn ướt và đặt xuống bàn ly nước lọc.
- Anh Hai uống nước đi, rồi vào nhà nghỉ. Anh ngồi ngoài này sương lạnh lắm. Lát em múc cho anh tô cháo lót bụng nghen. Hồi khuya, em có trách anh Hai em. Em nói, anh đâu có biết uống rượu mà sao anh Hai cho anh uống nhiều dzậy.
Tôi ú ớ không biết nói gì.
- Tôi không sao đâu. Cám ơn… Tới.
- Em nói anh Hai nghe nè. Anh Hai giữ gìn sức phẻ. Lo học hành, lâu lâu dzìa thăm gia đình em, là em mừng. Thôi… em hong dám nói chiện với anh Hai nhiều. Người ta thấy, kỳ lắm. Em có cái này, tự tay em làm tặng anh Hai làm kỷ niệm, mỗi lần thấy nó, anh Hai nhớ tới em chút nghen.
Cô dúi vào tay tôi miếng vải rồi quay lưng. Tôi mở ra. Đó là một chiếc khăn tay vải trắng, viền chỉ. Góc trên của chiếc khăn có thêu cành lá và… đôi chim nhỏ màu xanh.
oOo
Ba mươi trôi qua… Vật đổi sao dời.
Làng bây giờ đã phố. Những con đường trải nhựa thẳng tắp. Tôi chạy xe chầm chậm lướt qua những hàng quán. Hỏi thăm mãi, người ta chỉ tôi đến nhà một cụ già.
- Ông Hai Đặng chết lâu rồi. Thằng Đặng trai lớn của ổng, sau 75 tốt nghiệp Sư phạm, lập nghiệp ở Tuy Hòa, gia đình con Tấn đi Kinh tế mới Tây Nguyên. Còn con Tới hả. Chú không biết gì sao. Nó bị lạc đạn hồi 75 giải phóng. Năm ngoái thằng Đặng có dzìa hốt cốt nó rồi đưa về xây mộ nằm gần với cha nó ngoài nghĩa trang xã. Ông cụ nhìn tôi hỏi:
- Mà chú là gì với nhà ông Hai Đặng. Tội nghiệp ổng quá. Sau cái chết của con Tới, ổng suy sụp rồi tán gia bại sản luôn.
Chiều nghĩa trang.
Tôi cắm nén hương rồi lặng lẽ ngắm hình em trên tấm bia. Em mặc chiếc áo trắng, tóc dài thả lửng sau gáy. Dáng em gầy và ánh mắt buồn quá.
“Em có cái này tặng anh Hai, tự tay em làm tặng anh Hai làm kỷ niệm. Mỗi khi thấy nó, anh Hai nhớ tới em chút nghen”.
Bóng tối phủ dần. Vĩnh biệt em nhé, bông hoa đồng nội thơm ngát tuổi mười sáu của tôi.
V.Đ.H
(*) Nay là lớp 11
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét