Tóc tôi cũng đã lưng chừng ánh bạc, nhưng niềm đam mê những ca khúc Trịnh Công Sơn viết vẫn luôn cháy trong lòng. Đó là lý do tôi thường hay đến quán cà phê ven đường trong những buổi chiều mưa, ngồi thả hồn theo khói thuốc bay để tìm lại anh qua tiếng hát thánh thót tha thiết của ca sĩ Khánh Ly.Trải qua những năm tháng thăng trầm trong cuộc sống nhạc Trịnh thường vỗ về ru tôi những giấc ngủ chưa sâu, từng ca khúc da diết, đau đáu nỗi lòng... Mỗi bản nhạc như ẩn chứa một mối tình của anh với người con gái nào đó. Điều này khiến tôi thích nghe và đi sâu vào từng ca khúc để được chia sẽ cùng anh.
Những ca khúc của anh trải dài theo tình đời, tình người. Lời bài hát “Cát bụi" mang đậm một triết lý về kiếp nhân sinh, quy luật của tạo hóa tức có sanh phải có tử. Phải chăng con người không ai vượt qua nỗi khổ ải về kiếp người ngắn ngủi mà bài hát “Cát bụi" là nỗi ray rứt, băn khoăn:
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài đứng dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi…”
Cảm hứng nào để Trịnh Công Sơn vẽ nên một kiếp người rong ruổi ẩn trong bản tình ca hay đến như thế. Có lẽ được khơi nguồn từ số phận bi thương ngắn ngủi của nhân vật nào đó trong đời thường mà anh đã chứng kiến. Người ta lại tìm thấy trong hồi ký của anh viết: “Một nỗi buồn hay một điều gì đó gần với sự rời xa ly biệt đang cựa mình thức dậy trong tôi”. Tuy nhiên con người trong “Cát bụi" đâu phải sống bi quan, buồn khắc khoải mà còn rất tự tin, tự hào về mình đã được sống và được làm người thật ý nghĩa.
Năm 1960, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cho ra đời bài hát có tên gọi của một người con gái. Có thể đoán cô ấy có tên Diễm, duyên dáng trong vóc dáng tà áo dài nữ sinh Đồng Khánh của thành phố Huế mộng mơ là người đã khơi dậy cảm hứng để nhạc sĩ hoàn thành xuất sắc tác phẩm Diễm xưa của mình. Mối tình này cao đẹp trong sáng, lãng mạn nên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng ví von mối tình với Diễm tựa một thiên truyện liêu trai, nửa thực nửa mơ. Rõ ràng từng điệu nhạc cứ nhẹ nhàng thanh thoát nhưng vô cùng sâu lắng trong từng câu chữ:
“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu…”
Tên tuổi Trịnh Công Sơn có tiếng vang trên các quốc gia, bài Diễm xưa được đưa vào chương trình giáo dục về văn hóa Việt tại trường Đại học Nhật bản và còn được chọn làm nhạc phim. Các nhạc phẩm của anh được các ca sĩ lưu diễn ở nước ngoài như Pháp, Mĩ, Nhật…
Xin lỗi vì tôi thích anh, đam mê nhạc anh nên đã quá đi sâu vào những riêng tư trong cuốn hồi kí ấy. Người nghệ sĩ tài hoa này có viết: “Sau đó, tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau để viết nên bài Hạ Trắng”. Thế là bài hát Hạ Trắng được ra đời năm 1961 sau cơn mơ mùa hạ cùng với câu chuyện về mối tình già gắn bó keo sơn của cha mẹ một người bạn. Lời bài Hạ trắng như nỗi lòng day dứt ám ảnh tâm hồn người nghệ sĩ:
“Gọi nắng trên vai em vai em gầy đường xa áo bay
Nắng qua mắt buồn , lòng hoa bướm say
Lối em đi về trời không có mây
Đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy…”
Ở đâu có nhạc Trịnh, ở đó có giọng ca thánh thốt sâu lắng, nhưng cũng không thể nói là không rên rỉ của Khánh Ly và “Biển nhớ" là một trong những bài cô đã từng thể hiện:
“Ngày mai em đi
Biển nhớ tên em gọi về
Triều sương ướt đẫm cơn mê
Trời cao níu bước Sơn Khê…’
Bài hát này nhạc sĩ đã viết ở Qui Nhơn vào năm 1962. Lời bài hát có chữ Sơn Khê làm người ta tò mò lại nghĩ đến đây có thể là mối tình đằm thắm giữa Sơn với cô Tôn nữ Bích Khê nào đó.
Tuy nhiên trong các nhạc phẩm anh Trịnh viết, tôi tâm đắc nhất là bài “Một cõi đi về", vì mang tính triết lý sâu sắc, ngôn từ ẩn dụ rất tinh tế:
“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về…”
Phố đã bừng lên những ánh đèn thì nhạc Trinh Công Sơn cũng nổi lên làm day dứt bao ánh mắt đang ngồi hò hẹn. Xa vắng tôi lại gặp anh trong tiếng nhạc buồn thăm thẳm. Rõ ràng nhạc Trịnh Công Sơn lang thang cùng năm tháng, chẳng bao giờ cũ, rong rêu. Đôi lần anh nói với những fan hâm mộ: “… Trong nghệ thuật điều quan trọng nhất là làm thế nào để mở ra con đường ngắn nhất đi từ trái tim đến trái tim người khác mà không cần cắt nghĩa gì thêm”.
Những bản nhạc đắm đuối mê say đến tuyệt vời như thế cứ cháy lên rộn ràng bao thế hệ. Một cảm giác nhẹ nhàng bâng khuâng, làm trái tim người nhạc sĩ rung động đến bồi hồi trong bức tranh: “Mùa thu Hà Nội “rất dịu dàng và thơ mộng qua giọng hát ngọt ngào truyền cảm của Hồng Nhung:
“… Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng
Cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau
Phố xưa nhà cổ, mái ngói thẫm nâu
Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội…”
Ở Trịnh Công Sơn, mỗi mối tình là một cảm xúc để anh viết nhạc hay hơn, ở đâu trong “Như cánh vạc bay" lại lấp ló hình ảnh cô gái Huế rất xinh đẹp. Có lẽ tất cả những mối tình chớm nở trong tim rồi cũng bẻ bàng héo đi, để rồi nỗi niềm đau khổ âm thầm luôn là cơn sóng réo rắt trong lòng nhạc sĩ:
“Nắng có hồng bằng đôi môi em/ Mưa có buồn bằng đôi mắt em/ Tóc em từng sợi nhỏ/ Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh…”
Qua những bản nhạc là mối tình lênh đênh gợn sóng mãi trong lòng. Có lẽ ở anh có một kinh nghiệm sống rất vững vàng, từng trải, giàu lòng nhân ái. Đôi mắt người nhạc sĩ để nhìn người và nhìn những cuộc đời bình dị trôi qua như “Để gió cuốn đi" là một tình khúc giàu triết lý nhân sinh, cao thượng:
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tuy đã qua đời nhưng những bản nhạc của anh sẽ còn sống mãi, cháy mãi muôn thuở trong lòng bao thế hệ.
B.Đ.A
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét