Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng
Vực nghé
Hết khúc quanh này đến khúc co khác, sau đó tôi lại gặp một tình huống thật khó xử.
Một cô gái vừa sáng ra đã đường đột bước vào nhà tôi. Cô là người mà xưa nay dân xóm tôi không ai ưa. Họ cứ gán cho cô cái tội của chim cú mèo, chuyên đem điều xấu đến từng nhà.
Cô tên là Tẹo, đơn giản thế, nhưng mọi người cứ phức tạp lên đặt biệt danh cho cô là “công chúa Tý Tẹo ”. Thực tế đây là sự vinh danh ngược của người đời. Thời này hầu như không ai biết đến chữ “hoa hậu” nên muốn chỉ người đẹp người ta thường gọi là “công chúa”. Đó là cách gọi khôi hài, mỉa mai. “Công chúa Tý Tẹo, thực ra là một cô gái rất xấu, xấu vào loại bậc nhất làng tôi. Đã vậy, lại còn do cô bị sinh non, dưỡng sinh kém nên đến tuổi trưởng thành cô vẫn bé tí tẹo, vẫn chỉ cao có mét mốt.
Giải thích về khuôn mặt méo mó, rỗ chằng rỗ chịt và chiều cao khiêm tốn của cô, người làng tôi có hẳn một giai thoại. Rằng ngày mới ra đời, Tý Tẹo đẹp lắm, mặt hoa da phấn, hứa hẹn sau này sẽ là một trang giai nhân tuyệt sắc. Nhưng rồi tai họa sớm đến với cô. Đó là một hôm đặt cô nằm một mình, để mẹ cô ra ao giặt tã lót. Một con ma từ ngoài nghĩa địa (nghe nói nghĩa địa này rất lắm ma) vì qúa yêu bé, đã lẻn vào hôn hít cưng nựng, thậm chị đã hôn chùn chụt vào môi, vào khuôn mặt của bé. Tý Tẹo bị xấu vì ma mút, như ma mút từ đó.
Sau này lớn lên, Tý Tẹo vẫn không sao cải thiện được bộ mặt của mình. Bù lại, Tý Tẹo lại có một trái tim rất nhạy cảm, thích được yêu. Cô đã sớm đem lòng yêu thương một người con trai, người đó chẳng phải ai xa lạ mà chính là anh chàng Thặng, người canh điền của nhà ông Sáu. Tý Tẹo thường kể với dân làng, cô yêu Thặng từ cái hôm ngồi bán quán hàng nước chè cho mẹ, cô đã lấy trộm thanh kẹo lạc tặng riêng cho anh. Khi nhận tặng phẩm của cô, Thặng đã nhoẻn miệng cười rất tươi và đáp lại câu gì đó Tý Tẹo không nghe rõ nhưng vẫn hiểu đó là biểu hiện của tình yêu. Riêng Thặng thì lại khác. Anh từng nói với mọi người, thế gian thiếu gì đàn bà con gái mà anh phải đi yêu cái cô nàng bị ma mút ấy.
Tý Tẹo cho biết, cô đến nhà tôi hôm nay là do Thặng nhờ cô mang đến trả lại cái gói hôm qua. Vì đó không phải là xác con chim cuốc mà là con chim cốc, loại chim vẫn lặn bắt cá chòm chọp dưới ao, vẫn bị con cò cướp mất thành quả, đến nỗi lâu dần hóa thành thành ngữ “cốc mò cò xơi"!
- Vô lý! Đâu đưa lại cho tôi xem nào?
Tý Tẹo ra khu vườn chè sau nhà mở gói cho tôi xem. Ôi, đúng là xác con chim cốc thật. Điểm khác biệt giữa con cốc và con cuốc là con cốc thì ngón chân có màng để bơi như chân ngan, chân vịt, còn con cuốc thì không. Ngoài ra lông cốc cũng màu đen như lông cuốc. Tôi tự trách tôi, hôm qua, vừa do trời nhá nhem tối lại vừa sốt ruột cố tìm bằng được cái thứ phải tìm, nên đã hoa mắt “trông cốc hóa cuốc”. Thật đáng trách. Thấy tôi nhăn mặt có vẻ ân hận, Tý Tẹo hỏi tôi:
- Cậu muốn tìm xác con chim cuốc phải không?
Tôi gật đầu. Tý Tẹo nói luôn:
- Tôi sẽ dẫn cậu đến cái chỗ có thứ cậu cần tìm, nhưng cậu phải hứa với tôi một điều.
- Vâng! Tôi xin hứa!
- Ngoắc ngoéo!
Tý Tẹo chìa ngón trỏ tay phải ra, co lại như cái móc câu, chờ tôi giơ tay ngoắc lại. Tôi làm theo ý của cô. Tý Tẹo nói tiếp:
- Khi tìm được xác con chim cuốc, cậu không được để nó rơi vào tay anh Thặng như hôm qua đâu đấy.
Tôi giả vờ ngạc nhiên:
- Sao vậy?
- Tôi không muốn anh ấy dùng cái bùa mê này để chiếm cảm tình của cô Thắm. Tôi yêu Thặng và kiên quyết bảo vệ tình yêu của tôi.
- Vậy thì ngay hôm nay Tý Tẹo dẫn tôi đến chỗ ấy nhé!
Cô gật đầu.
Ngày hôm ấy, tuy nóng lòng chờ đến tối để thử vận may lần nữa xem sao nhưng từ sáng sớm, tôi và chị Thắm đã phải làm công việc bố tôi sai bảo:
- Con Cóc cụ nhà mình đã lớn. Đã hết tuổi rong chơi. Hôm nay ngày lành tháng tốt, thầy muốn cho nó tập cày tức là đi vực. Bài học vỡ lòng này quan trọng lắm, người dạy nó phải là người có kinh nghiệm cày bừa. Thầy đang tính nhờ anh Thặng, canh điền nhà chú Sáu. Anh ấy hiền lành chịu khó, đứng ra vực con Cóc cụ nhà ta, chắc sau này nó làm lụng cũng hiền lành, chịu khó như anh ấy.
Tôi phát hoảng. Chết rồi, anh Thặng sẽ sang nhà mình cặp kè với chị Thắm tập cày cho con nghé được. Một ý nghĩ vọt lên trong đầu, tôi nói ngay:
- Sao thầy không để chị Thắm vực nghé cho? Con thấy ngày trước chị ấy cũng thường cày bừa cho nhà bà Tộ thịt lợn đấy thôi?
Bố tôi ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
- Thôi thế cũng được. Đỡ phải nhờ cậy người ngoài!
Tôi mừng quá nhưng lại lo, khi nghe bố tôi hỏi chị:
- Chị thử nói qua cách vực bê nghé, xem nào.
Tôi không ngờ chị Thắm đã trả lời suôn sẻ được câu hỏi hóc búa ấy: - Thưa ông! Con có nghe người ta nói rằng, trước khi cho bê, nghé tập cày, bừa trên ruộng phải cho chúng tập kéo khúc gỗ cho quen vai. Khi vực cày cần có người dắt mũi đi trước. Người điều khiển cày hô các hiệu lệnh, người dắt mũi thực hiện các thao tác đúng như hiệu lệnh để chúng hiểu và thuộc lệnh. - Đó là hiệu lệnh gì? - Dạ! Thưa, “Họ” là đứng lại, “Vắt” là quay sang phải, “Diệt” là quay sang trái. – Giỏi! Giỏi! Bố tôi vỗ tay động viên.
Ông nói tiếp: - Còn gì nữa không? - - Dạ, còn. Những ngày tập cho trâu, bò cày, bừa cần cho chúng làm việc vừa phải. Khoảng 2-3 tiếng/ngày, sau tăng dần thời gian làm việc. Chọn những ngày tạnh ráo, ấm áp để vực.
Trong thời gian vực trâu, bò cày cần nhẹ nhàng, không được nóng nảy, đánh đập chúng, tránh cho trâu, bò bị phát cuồng mà phá bĩnh. Nhưng thái độ người vực cũng cần tỏ ra kiên quyết, dứt khoát để giúp trâu bò nhanh thạo việc.
- Vậy chị có biết bài hát vực bê nghé không?
- Dạ, con có biết! Con hát ông nghe nhé! Rồi chị hát ngay: “Ơ bê, ơ nghé - Hôm qua còn bé - Nay đã lớn khôn - Hết tuổi chui luồn- Rúc tìm vú mẹ - Nào bê nào nghé - Hãy vươn vai lên - Nặng kéo nhẹ kéo…”
- Thôi thế là được. Vậy sáng nay thầy phân công thế này nhá. Chị Thắm cầm cầy, thằng Khôi dắt mũi nghé. Mảnh ruộng để các con vực nghé là mảnh ruộng đã rỡ khoai ở sau miếu Âm hồn. Thôi nào, các con vác cày, giong trâu giong nghé đi đi. Con trâu đực thiến thì các con cứ ràng trong mả Vần như mọi ngày.
Cóc Cụ giờ đây đã ra dáng một thanh niên, bụng thon, ngực nở, đít “lồng bàn”, lông đen mượt, không còn bụng ỏng đít vòn như trước nữa.
Chúng tôi đi, hai con người, hai con vật, tạo thành một hàng dọc hùng dũng như một toán kỵ binh rầm rập bước trên đường làng...
Cảnh quê trong sáng như tranh vẽ. Ánh mặt trời mới ló, rực rỡ, chiếu rọi vào những giọt sương sớm treo trên từng ngọn cỏ, long lanh như những ngọn đèn lồng nhỏ xíu.
Buổi vực nghé tuy lần này là lần đầu nhưng đã thành công tốt đẹp. Cóc cụ tưởng “ngu như bò” thế mà lại rất thông minh. Chưa hết buổi đã thuộc làu các hiệu lệnh. Nào “họ”, nào “vắt”, nào “diệt” và đường cày đã thẳng như dòng kẻ.
Chị Thắm bảo, chỉ vài buổi vực nữa, Cóc Cụ sẽ cày thuần thục. Nghe chị nói tôi rất vui.
Bữa ăn trưa, hai đứa tôi lại vào miếu Âm hồn, đem cơm nắm ra bẻ ăn. Con trâu, con nghé được thả ra bãi tha ma. Ăn xong, chả có việc gì làm. Chị Thắm bảo tôi ngồi bắt chấy cho chị. Tôi bảo chị làm gì có chấy. Chị nói cứ bắt đi không có cũng chẳng sao. Chị xõa mớ tóc óng mượt mềm mại như tơ, thoang thoảng mùi lá sả, chị mới gội đầu tối hôm qua. Tôi chẳng thấy có con chấy nào trên đầu chị nhưng không nghe chị bảo dừng, nên tôi cứ bới tìm cái thứ mà tôi biết rằng sẽ chẳng bao giờ có!
Một lúc sau chị Thắm cất tiếng hát. Chị hát chèo. Giọng hát con nhà nòi có khác. Mênh mang, xa thẳm, liêu trai.
Thấy chị đáng yêu quá, tôi làm nũng:
- Em hỏi thật chị nhé. Chị có quý em không?
- Quý. Rất quý.
- Em hỏi câu nữa nhưng câu này chị phải hứa trả lời thật lòng kia.
Chị Thắm giơ tay chỉ lên bàn thờ trong miếu:
- Trước thần linh, chị xin hứa. Em hỏi đi!
Tôi nuốt nước bọt, lặng im một lát rồi mới dám mở miệng:
- Chị có yêu em không?
Chị Thắm sằng sặc cười:
- Cậu này hỏi gì mà lạ thế! Yêu với quý có khác gì nhau?
- Không. Khác chứ. Khác nhiều là khác!
- Vậy là cái gì, cậu nói đi.
Tôi im lặng, không dám nói. Đã có lúc lời định nói trôi ra được ngoài cổ họng nhưng đến cửa miệng thì tôi lại bắt ngừng.
Tôi cứ ngắc ngứ, đỏ bừng mặt, như người hóc xương.
Miên man, tôi nghĩ đến xác con chim cuốc. (Hết chương 11)
N.K.Đ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét