Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng
Chị Tần
Hôm sau, tôi hỏi chị Thắm vì sao cuộc gặp gỡ giữa người và ma tối qua lại quay ngoắt 180 độ. Chị Thắm bảo, do, một là, chị tin vào câu các cụ dạy: “Sơn ăn từng mặt, ma bắt từng người”. Nếu mình cứng rắn thì ma quỷ không dám làm gì mình. Hai là, tin vào phép trừ ma khử tà, rất hiệu nghiệm của nước tiểu, thứ mà chị vừa mới tiết ra, đầm đìa vào cành tre. Có hai bảo bối ấy, chị còn sợ gì mà không hiên ngang bước vào miếu, bình tĩnh quất lia lịa bảo bối vào đầu, vào mặt “con ma”, khiến nó hoảng quá phải chạy vội ra ngoài lánh nạn.
Đúng lúc đó, trời phật phù hộ thế nào mà chị lại có đủ can đảm để nắm lấy mái tóc dài xõa kín sau lưng của nó kéo lại. Con ma chạy biến mất. Bỏ lại trên tay chị lọn đuôi tóc dài óng bạc và một phần lưng áo xô con ma đang mặc trên người.
Con ma chạy mất hút vào trong đêm tối.
Nhờ ánh sáng của cây đèn pin, chị Thắm chợt nhận ra và vụt nhớ lại câu chuyện xảy ra cách đây mấy năm, khi ông Kép Chồi, bỏ mẹ con chị ở lại quê, kéo nhau dinh tê vào Hà Nội. Trong số những đạo cụ, ông Kép giao lại cho chị cất giữ, có một bộ trang phục dành cho một hồn ma trong tích chèo “Tống Trân- Cúc Hoa”, đoạn người mẹ từ dưới mồ chui lên gặp hai đứa con bé bỏng đang sống cực khổ với người dì ghẻ. Bộ trang phục này sau đấy đã được chị Tần đến mượn, nói là để dùng cho biễn diễn văn nghệ. Chị Thắm đã cho mượn một cách vô tư, không một lời giao hẹn.
Trong cơn rối trí, chị Thắm chưa dám chắc bộ trang phục sân khấu với bộ quần áo của con ma đang mặc là một.
Chị quyết định nói chặn đầu:
- Chị Tần! Có phải chị Tần không?
Không ngờ chị mới hỏi thế, con ma đã lập tức quay lại, ôm chầm lấy chị và hốt hoảng kêu lên:
- Thắm! Thắm phải không? Sao em lại ra đây?
Và câu chuyện đã diễn ra như chúng ta đã biết.
Chị Tần là con bà Thảo, người cùng làng nhưng khác xóm với tôi. Bố chị mất sớm. Mẹ chị ở vậy nuôi con. Do nhà nghèo nên chị không được đi học. Chị biết đọc, biết viết là nhờ ở phong trào bình dân học vụ.
Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, chị được nhập ngũ vào bộ đội Cụ Hồ. Ngày được nghỉ phép về làng, chị có đến nhà thăm bố mẹ tôi. Hôm đó thấy chị mặc bộ quân phục màu vàng, đội mũ ca lô cũng màu vàng, đi đứng hiên ngang, chững chạc, bọn trẻ chúng tôi nhìn mà thấy mê. Sau đấy, không hiểu vì sao chị lại quay về làng và lần này chị cũng xung vào quân đội, làm “chị nuôi” cho một trung đội pháo binh, một đơn vị vũ trang độc lập, trực thuộc Tỉnh đội, do một ông già tên là Tý, người nhỏ thó, vừa sáng lập, vừa chỉ huy. Đơn vị này thường được nhân dân trong vùng gọi bằng cái tên trìu mến là “Trung đội pháo binh ông Già”.
Hồi ấy, tuy còn nhỏ dại, nhưng trí óc non nớt của tôi vẫn lưu giữ được những ấn tượng khó phai về đội quân đặc biệt này. Ấy là chiều nào cũng như chiều nào, tại nhà chú Sáu, nơi “trung đội ông Già” đóng quân, trong khi ngồi chờ chị Tần xúc cơm và chia thức ăn ra các cà men, anh em bộ đội lại quây quần vừa ăn vừa cười đùa. Để rồi sau đó, khi nghe phía ngoài sông Hồng có tiếng máy xình xịch là lại xếp hàng tề chỉnh, điểm danh quân số rồi vác súng lên đường ra bờ đê phục kích bắn tầu giặc. Từ đấy, chúng tôi chỉ còn nghe thấy tiếng súng nổ ì uồm ở phía xa.
Đây là lúc tầu chiến của hải quân Pháp, tuần tiễu từ cửa Ba Lạt, nơi con sông Hồng đổ ra biển, chạy ngược lên phía thượng nguồn.
Ngày ấy, chúng tôi cứ nghĩ “trung đội ông Già” nhiều súng đạn lắm, ngờ đâu vỏn vẹn chỉ có 3 khẩu Bazoka, không biết nguồn gốc từ đâu. Vậy mà với số vũ khí ít ỏi này, “trung đội ông Già” đã lập được nhiều chiến công vang dội. Như trận bắn cháy tầu chiến địch trên quãng sông thuộc làng Bồng Tiên, không xa làng tôi là mấy. Chiến công này sau đó đã được một nhạc sĩ viết thành bài hát với những câu như: “Đoàn bazoca ông Già anh dũng-Từng đánh khiếp vía trăm ngàn quân Pháp- Từng bắn cháy tầu Pháp ở Bồng Tiên”.
Bài hát này được dân quê tôi hát rất nhiều. Gần đây, cây đàn cóng bơ của tôi, cây sáo trúc của chị Thắm, tiếng đàn bầu của bố tôi và cây kèn hacmonica của anh Phụng khi có dịp so dây cũng không quên bài hát này.
- Vậy sao chị Tần lại bỏ trung đội pháo binh ông Già?
- Và vì sao chị lại làm con ma ở đây?
Tôi hỏi chị Thắm rồi hỏi chị Tần. Chị Tần cười. Hàm răng nhuộm đen nhánh như hạt na:
- Cũng là cái số tôi phải gắn với súng đạn. Trung đội pháo binh ông Già tồn tại đến đầu năm 1950 thì giải thể do sau khi chiếm đóng được vùng này, bọn Pháp không tuần tiễu trên sông nữa. Anh em trong đơn vị, người thì đầu quân vào bộ đội chủ lực, người về quê làm ruộng, còn ông Già đi đâu, tôi không biết. Chỉ biết, một ngày trước khi rút quân khỏi làng, ông Già có dẫn tôi ra chỗ gốc cây ruối Đôi này, chỉ tay xuống mấy viên gạch lát nền miếu và bảo: “Bố giao lại cho con trông giữ mấy khẩu súng của trung đội! (Ông già vẫn xưng với anh em chúng tôi là bố với con). Bố nghiên cứu kỹ rồi, thấy chỉ có chỗ này là an toàn hơn cả, vì đây là chỗ mọi người ít dám bước chân tới. Việc trông giữ thế nào là hoàn toàn do con quyết định.
- Vì thế mà chị phải giả làm con ma?
Chị Tần cười:
- Đúng thế! Nhưng chỉ giả ma những khi cần thiết thôi.
Tôi soi đèn pin vào mấy viên gạch lát nền miếu. Viên nào cũng như viên nào. Nếu không có chị Tần chắc chúng tôi không thể nghĩ ra dưới này là một “kho vũ khí”. Chị Tần hỏi hai chị em tôi:
- Có cần phải mở hầm ra xem?
Chúng tôi lắc đầu, bảo:
- Để khi nào cần hãy mở ra. Mở trước sợ rằng dễ bị lộ.
- Vậy ai sẽ là người được tiếp nhận số vũ khí này?
- Người nào được tổ chức phân công!
- Làm sao biết được người ấy!
- Có mật hiệu mà! Mật hiệu là bức ảnh Bác Hồ, khổ nhỏ, đằng sau có chữ ký của chính tay ông Già. Trên chữ ký ấy là mấy chữ Pháp: “Vie Papa” (có nghĩa là “Bố già”) cũng do chính tay ông Già viết.
Chị lấy gạch non viết mấy chữ ấy lên nền miếu cho chúng tôi xem rồi xóa đi ngay.
Trên đường len lỏi bờ tre về nhà, chị Thắm bảo tôi:
- Hôm nay chị em mình đúng là bắt cua được ếch nhé! (Hết chương 13)
N.K.Đ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét