Nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học
TÌNH DUYÊN
1.
Thành phố cảng thích hợp cho tôi dừng chân, để chạy trốn Hải, chạy trốn một quãng thời gian đau buồn quất lên mình đứa con gái- điếm-mảnh dẻ- tủi buồn nầy. Cũng muốn xem Cuội anh có trở về không, nhưng bà Hợi hứa, nói sẽ cầm dao đến nhà nếu con bà không về. Vậy thì tháo thân trước là phù hợp. May thay, không lâu sau đó chị Dung về quê, nói Cuội anh về rồi, buồn bã và gầy còm, ngơ ngẩn cả ngày hát mãi “Hoa mặt trăng mà tránh quả mặt trời...” Tôi thấy mình bớt ray rứt, bớt tội lỗi, nếu Cuội anh đi đâu mất không về, lòng tôi chẳng bao giờ yên.
Thành phố cảng mênh mông, gió hào phóng, con người cũng hào phóng. Tàu viễn dương, tàu hàng luôn đưa những người khách nhiều tiền về cho chúng tôi. Họ xa nhà, xa vợ, bao ngày lênh đênh trên biển, tích dồn, gặp chúng tôi, họ xả ra, thoải mái, mãn nguyện, nhẹ nhõm cười. Tay không chần chừ rút tiền boa. Chúng tôi rủng rỉnh chi tiêu. Thành phố đã khiến tôi nhẹ nhõm trong cay nghịêt, một môi trường mới cho sự nhàm chán. Biển chao chát sóng, cánh chim sà lượn tới tấp điên đảo trên không trung, trên mặt nước, nhọc nhằn kiếm ăn. Loài chim chóc kia cũng phải ngày ngày kiếm ăn mới có cơ sinh tồn, chúng không sướng hơn kiếp con người, nhưng chúng tự do.
Ở đây có thể an tâm rằng Hải không thể nào tìm thấy, anh sẽ nhanh chóng quên tôi đi và sống quan tâm đến vợ con. Chỉ đến đêm đó, không ngủ được, tôi đã xua ý nghĩ vừa xoe tròn về Hải trong tâm mình. Hải không còn tôi, há gì anh lại không tìm một đứa con gái khác, nghề như tôi, chăm chút được cho những cơn thèm khát của anh.
Nếu vậy thì Hải ơi, anh chẳng thánh thiện gì, anh sẽ vẫn tìm đến những đứa con gái khác, rồi vợ con anh sẽ vẫn chịu cảnh ngộ bao người khác từng chịu, ngờm ngợp bùi ngùi cảnh lẻ mẹ côi con. Anh cũng chỉ tầm thường như bao kẻ ăn vụng khác, không chấp nhận những gì mình có. Đành coi anh là cơn gió chướng từng vuốt ve khi tôi nóng, qua đời tôi, anh lại đổ vào lòng dạ khô khốc đứa con gái khác. Và tràn vào mê man bùa đời, biết có tìm được đường ra.
Hải đã từng có những hình ảnh đẹp, tôi không dám ôn lại nữa. Sợ mình nhớ anh, rồi lời nguyền không bước qua.
2.
Tôi có một đứa bạn thân mới, nó tên Hoàn. Hai đứa thân nhau trong dịp cả hai cùng tiếp một ông khách. Ông này là giám đốc to nên “thưởng thức” hai em cùng lúc. Nó hỏi:
- Mày đi làm điếm vì lý do gì?
Tôi đờ đẫn trả lời:
- Lý do à? Nhiều lý do lắm. Vì bố tao bỏ đi, vì người ta chỉ coi mẹ con tao là những con điếm, vì sự phũ phàng của đàn ông. Tao căm thù đàn ông, muốn tiêu diệt...
Chưa lúc nào thấy nó căm giận như lúc này, nó ôm lấy tôi “giống nhau rồi Vy ơi”. Tôi cũng ôm nó. Hai đứa ôm chặt lấy. “Mày giống tao quá, đời tao nghiệt ngã chẳng kém đâu. Cha tao đẩy tao đi làm thế này đây, còn mẹ tao ư? Sống trong nước mắt, ngập lụt trong nước mắt và cũng chết rồi. Giờ tao một mình...”
- Mày đáng thương quá mà,tao cũng đã nói rồi khi mới gặp nhau.
- Rồi, hai đứa đáng thương như nhau.
Tôi kể cho Hoàn nghe những chuyện trong tuổi thơ bé nhỏ mình. Cha tôi chưa bao giờ công nhận sự tồn tại của tôi. Cái Hoàn hơn tôi, vì cha nó còn công nhận nó, còn muốn nó đi làm. Đằng này, những lúc cha tôi ngồi nói chuỵên với tôi hầu như không có.
Nó cười phưa phứa, hơn à? Tao hơn mày cái nghiệt ngã thì có. Ai đời cha đẩy con đi làm điếm để mình sung sướng phè phỡn bao giờ!
Để xua tan cơn u ám này, tôi tự thổi vào lòng mình niềm tin mới, động viên Hoàn. Hai đứa dìu nhau ra đường chơi, nhìn phố, nhìn người, bả lả cười nói vu vơ. Không ít người có lẽ, đã coi hai đứa là con điên, họ nhìn chúng tôi như vật thể lạ. Thời gian sau đó, hai đứa tự biết dìu nhau trên đường đời, làm việc, moi tiền của đàn ông, càng nhiều càng tốt, hướng đến ngày mai. Mà, ngày mai vẫn còn xa lắm.
Một đêm chiêm bao, thấy mình bị hãm hiếp bởi rất nhiều lũ trẻ choai choai, miệng còn hơi sữa. Chúng ngấu nghiến tôi trong sự tò mò hơn là muốn thưởng thức. Mẹ vẫn còn sống, không bị chết, từ đâu chạy ra đống rơm, thấy đám trẻ đang ngấu nghiến tôi, đau đớn hét lên. Bà cầm cái xẻng, chém được một thằng. Bà vung lên định chém tiếp thì có thằng giáng cây gậy vào ngang lưng, bà đổ xuống chân đồng rơm. Bà không gượng dậy được, đám trẻ vẫn không tha tôi. Mẹ nhìn thấy con gái bị hãm hiếp mà không thể ứng cứu, đau đớn hơn lúc nhìn thấy cha tôi đè lên bụng người đàn bà khác.
Chi tiết này cắt nghĩa điều gì, tôi không đoán ra. Nhưng nó làm tôi ám ảnh bởi những đứa trẻ không được dạy dỗ tử tế, đã sớm đi vào tội lỗi. Mà, có nhiều người lớn cổ vũ cho việc chúng làm.
Tôi đổ bệnh một thời gian, Hoàn chăm chút như chị em. Chị Dung chán ở Hà Nội chuyển đến chỗ này, thành phố cảng. Vẫn giọng đàn chị ấy. Chị khác xưa, nhan sắc úa tàn, mặt mũi vêu vao. Bảo đến đây cho có chị có em, vui là được rồi.
Chị mang cho tôi một tin từ quê nhà, đặc biệt, nóng hổi. Hay ơi là hay.
Cuội anh vừa mới cưới vợ. Một người khác, như người ta nói thì vợ Cuội anh còn kém chị Xăng chị Xái. Cuội anh lúc nào cũng bừng bừng mặt đỏ. Vợ hay cáu gắt, sai vặt, nhưng Cuội anh nghe răm rắp. Về nhan sắc thì vợ Cuội anh không xấu không đẹp, còn tính nết hội tụ cả của chị Xăng chị Xái, làng bên. Cuội anh vì giận giữ gì đó, nên chấp nhận sắp xếp của người cha. Vừa kể chị vừa cười, thằng Cuội mà còn lấy được vợ. Tôi không ra buồn, cũng không vui. Thời gian ngắn ngủi, mà đời Cuội anh đã rẽ sang ngả khác. Giận vì ai hay vì tôi, Cuội ơi.
3.
Thời gian này, tôi gặp Nghĩa, một người được gọi là bảo kê, chịu trách nhiệm trông nom đưa đón những đứa con gái đến nơi cần phải đến khi có khách gọi, hay phân phối cho những nhà hàng trong đường dây hoạt động của mình. Nghĩa có nét dữ dằn của một người quen với công việc chuyên môn, và đủ phong độ để đứa con gái như tôi lân la chuyện trò.
Nghĩa nói yêu tôi, một ngày ngập ngụa nhạc và cà phê. Hôm đó tôi nghỉ tiếp khách, đi với anh. Dừng chân quán nào cũng cà phê, cà phê, đến nỗi đắng săn lưỡi. Tôi chưa nói nhận lời, nhưng chấp nhận một nụ hôn dài. Mẹ ngày trước bảo, con gái nói đến chuyện chồng con, là cực quan trọng, đừng dễ dãi quá. Mẹ chết rồi, không còn ai dạy tôi sống, dạy tôi giữ mình. Chỉ đời dạy tôi ranh ma, lọc lõi và dạy tôi biết mùi tiền, cũ mùi gì, mới mùi gì, vậy thôi.
Chưa biết đây là lời yêu chân thành hay giả dối, và kể cả lời tỏ tình của Cuội em, là lần thứ hai trong đời, có người nói yêu tôi.
- Làm quái gì có tình yêu ở chốn này, nhất là những kẻ đó.
Mắt Hoàn loé lên, khinh bỉ, căm ghét. Tôi không muốn to tiếng với Hoàn, có thể lòng nó đã trơ đá, nó không muốn chấp nhận lời tỏ tình của bất cứ kẻ nào ở đây, dù đó là với tôi. “Đàn ông chỉ là lũ lừa bịp”.
Nghĩa đã bủa vây những hành động cho tôi tin tưởng. Chị Dung không có ý kiến gì, nói thể nào chị cũng bảo được. Hỏi ý kiến chị nói tuỳ em, tuỳ em thì việc gì phải hỏi. Chỉ Hoàn là muốn tôi đề phòng, cả hai đứa đều khiếm khuyết, đó là cái gốc dễ gia đình, bản thân cha mẹ Nghĩa cũng vấp vào cuộc sống tù đọng, con cái nào được học hành. Nên có lúc, nảy ra ý hai đứa tôi chắp vá lại, nếu thực sự yêu nhau thì không đến nỗi nào. Nghĩa bảo bàn tay làm ra tất cả, bàn tay khắc phục khó khăn...
Nghĩa có cách nói của anh, làm tôi xiêu lòng. Anh đưa tôi đi biển, dạo phố, ăn hải sản và tôi nhận lời yêu. Tình yêu của những cuộc đời khác người thường cũng khác, bởi vì chúng tôi cùng sống chung trong một cái ổ, tạp nham nhiễu nhương u ám, dâm tục. Mà anh vẫn ngày ngày nhìn tôi đi tiếp khách, chỉ lúc nào không tiếp khác mới là của anh. Nghĩa cảm thấy gì trong đó, con người mà có lúc tôi gọi anh là chàng hiệp nghĩa.
4.
- Nếu đã yêu anh thì chúng ta làm đám cưới nhé?
- Anh lấy gì để cưới em?
Tôi hỏi lại.
- Chúng mình cùng làm.
- Và khi lấy nhau về, sẽ làm gì để nuôi nhau?
Câu hỏi này làm Nghĩa ngọng nghịu. Tôi nghĩ đến thân phận mình, và ý nghĩ đó lại xoay vào vết thương sâu hoắm trong lòng. Nghĩa cười xoà, sẽ tìm công việc khác thôi.
- Em có định làm đám cưới không Vy?
- Anh hỏi gì lạ quá, yêu nhau, muốn tiến tới hôn nhân. Sao anh không nghĩ là em mong có một mái ấm.
Tôi khẳng định lại với anh lời mình đã nói hôm trước. Nghĩa ôm lấy tôi, âm ấm lồng ngực, tim tôi rộn ràng, hoan ca một khúc hát đã rêu phong tự bao giờ. Lúc này mới mẻ đường đột. Chẳng còn cách nào khác, tôi không ngơi nghỉ niềm tin gửi vào anh.
Sau mấy ngày đi biển, ra Hạ Long chơi, tôi và Nghĩa khăng khít hơn. Bên anh, tôi nảy ra thèm khát trả thù. Anh là người yêu tôi, khi có nhau rồi, liệu rằng anh có đồng ý trả thù giúp, hay tôi phải cầu cạnh những người trên huyện, và biết đâu lại lĩnh nhận cú giũ tay phũ phàng đáng ghét như Chủ tịch xã từng làm.
Nghĩa tỏ ra nhiệt tình với lời đề nghị ấy. Thời gian này anh chăm sóc tôi, và khi ví anh cạn tiền, anh đã dùng đến tiền của tôi. Đằng nào chả là của nhau, vậy thì chuyện kinh tế cũng lơi lỏng xông xênh cho nhau.
Hoàn luôn tỏ ra hằn học với Nghĩa. Nó luôn nghi ngờ, dù tôi đã nói anh rất tốt, tôi không quên câu nói của Hoàn, không có tình yêu ở đây, chỉ có lọc lõi và tính toán.
5.
Tôi không còn nhớ tại sao mình bắt chuyện và sớm thân với Nghĩa đến vậy. Lúc này, còn chưa tin anh đã đặt lên môi mình bao nụ hôn ấm. Cũng không nghĩ rằng mình còn có thể rung động mà yêu. May thay, sự vùi dập của số phận đã không làm tắt lửa yêu trong lòng. Khi còn muốn hướng đến ngày mai, là còn biết yêu. Không có gì làm nổi bật người đàn ông ta yêu bằng phong độ, lời hoa mỹ, một khả năng thuyết phục và bông hoa cho lần nắm tay nhau đầu tiên.
Giây phút hiếm hoi đó được tôi ghi lại trong tầng nhớ, để có lúc nằm một mình, ôn lại, đời mình còn được giây phút ấy sao. Ông trời không cướp hết của tôi mọi thứ. Lúc đi khách, tôi coi người đàn ông trên bụng mình là Nghĩa, nhắm nghiền mắt cho qua chuyện, đôi khi, tôi bị chê vì không tạo được hưng phấn.
Đã có lúc, lòng tôi dịu xuống, là là trong một phút giây hiền thục: quên trả thù, bỏ moi móc kiếm tiền, trở về cuộc sống lương thiện. Chợt mỏi lòng ngẫm ngợi, khó lắm thay, phải phụ thuộc vào người đàn ông mình sắp cưới - người chồng - cánh tay đưa ra nâng mình, khi biển đời dâng nước cuốn, sấm sét nổ ùng oàng váng óc đinh đầu.
“Yêu em cảm giác như nào nhỉ?” - tôi hỏi và Nghĩa bĩu môi, cái bĩu môi nịnh nọt: “Hạnh phúc chứ sao? Hạnh phúc chưa gì bằng”. Thế là được rồi, chỉ cần ngần ấy thôi. Chữ hạnh phúc xa xỉ, cuối cùng tôi cũng nghe được, cầu mong thành hiện thực dài dài.
Mẹ tôi khi còn sống nói, không có hạnh phúc trong ngôi nhà này, con ơi. Bà ôm chặt lấy tôi, nhớ khi đó tôi bẩy tuổi. Toàn thân mẹ run lên, nhỏ thó. Lúc đó, tôi không hiểu lắm, chỉ mong cầm đâu về được chuỗi cười, gieo lên khuôn mặt giàu có nỗi buồn ủ ê của mẹ, và làm việc đó bằng cách ngoan ngoãn nghe lời, đến lớp học nhớ về nhanh. Mẹ con quây quần bên nhau.
- Em chuẩn bị tinh thần làm vợ anh chưa?
- Rồi, em sẵn sàng.
Hai đứa cưới nhau sau hơn một năm giời yêu đương, cũng linh đình, nhưng chỉ ở nhà anh. Tôi không muốn bất cứ ai ở quê biết chuyện này, trừ chị Dung. Chị xăng xái làm đại diện bên nhà gái, ngoài ra còn có Hoàn, và chị em cùng làm chỗ đó.
Tôi đã vui đến ứa nước mắt, thấy mình hơn chị Dung, hơn Hoàn, hơn nhiều chị em khác trong mấy cái ổ chứa tù đọng, từ nay, tôi đã được giải thoát khỏi nơi này. Hy vọng đã lớn lên.
Không được đón rước như những đám rước dâu ở quê. Tôi còn không có mẹ ở bên mình, thấy đời con gái thật nghèo hèn, đến nỗi, ngày lấy chồng, không có một bàn tay của cha hay của mẹ. Không có lời dặn dò trước lúc con gái về làm dâu người ta.
Nghĩ thế và sự tủi thân lại chảy dài theo dòng nước. Tôi ngơ ngác không tin những gì đã diễn ra. Dì Lung của Nghĩa vào buồng, thấy mắt tôi đỏ hoe, hỏi làm sao cháu khóc. Tôi đổ gục lên vai dì, dì ơi. Cứ nghĩ đó là bờ vai của dì mình, nhưng lúc này, ngay cả dì còn sống hay chết, tôi cũng không biết.
Bỗng cảm thấy hãi hùng, mình đã nhận lời giam mình vào nơi đất khách quê người không quen không biết. Rồi mai này cuộc sống khó khăn, trông cậy vào ai cho cam thân, nhẹ bớt ê chề. Nghĩa trở vào, ôm lấy tôi cho tôi bớt run và sợ. Cũng đến lúc phải trình diện họ nhà trai. Họ nhà gái có, này, một, hai... năm người - Những người đồng hành với tôi trong thời gian ngắn ngủi.
Cha mẹ Nghĩa không ra quý, cũng chả ra ghét đứa con gái này. Bằng cái kiểu khinh khỉnh thế nào cũng được ấy, tôi vẫn phải ngọt ngào, xưng con, gọi cha mẹ. Tận đáy lòng, tôi muốn họ thực sự là cha mẹ mình, tôi không còn cha mẹ đẻ, nếu được sự cưu mang này, có lẽ, đứa con gái sớm thiệt thòi này sẽ bớt tủi thân, có thêm niềm vui mà sống trong đời.
Nhưng không, tôi bị đẩy trượt dài vào nhiều tình thế khó xử. Hai ông bà cãi nhau và tôi bị kẹt ở giữa, sẽ về phe ai, bênh ai. Nghĩa không bao giờ muốn can thiệp vào chuyện này, những lúc hai người muốn bão lửa nổi lên, anh là con trai, bỏ đi. Bao giờ mọi chuyện dịu xuống, thì về. Tôi không dám lên tiếng, khi bố chồng hỏi: “Tao nói thế có đúng không mày?” Còn bà mẹ gài một câu hóc búa: “Đàn bà chúng tôi hiểu nhau chứ”. Tôi nhìn ông rồi lại nhìn bà, thấy mỉa mai cho họ, cho cuộc sống này.
6.
Đám cưới đó là một đoạn phim ngắn hạnh phúc ông trời làm rơi rớt vào đời tôi. Dẫu sao cũng đáng ghi nhớ, tôi đã len lỏi được mùi vị của hạnh phúc, và nó là thế nào.
Nghĩa cười nhạt: “Vợ chồng mình giông giống ai đó, cưới một nhà, ở chung nhà. Bao giờ cũng thế thôi, anh chán ông bà già”. “Vậy anh có ý định gì, hay có dự tính gì cho tương lai của hai vợ chồng mình chưa?” tôi hỏi. Câu hỏi ấy, nhận được một ánh măt vô tâm, tao tác của Nghĩa, anh gạt đi, ù oà nói trong gắt gang: “Tính cái đếch gì! Đến đâu thì đến”. Nên buồn thôi hay khóc hả tôi?
Tôi mường tượng ra một sự rạn nứt ở đây, dù nó chưa diễn ra, nhưng không buộc được mình đừng nghĩ. Nó cứ nhảy múa, chan chát trong tim mình. Những ngày này, hai vợ chồng không đi làm ở đâu. Nghĩa mang xe đứng ngã tư đường, thi thoảng làm được cuốc xe ôm, không thiết tha lắm, kiếm được tiền thì tốt, không thì cũng chả sao, lượn lờ mấy chỗ chơi cho qua ngày. Cọc tiền bè bạn giúp hôm đám cưới mỏng dần, và sắp đến lúc hết. Cứ ở nhà chơi như này thì không ổn, tôi bắt đầu lo mụ mị.
Nghĩa hỏi, em còn mảnh đất của mẹ ở quê để lại đúng không? Tôi gật. Anh bảo bán đi, lấy tiền đi buôn. Tôi lưỡng lự: “Đó là mảnh đất bà ngoại em đã vất vả lắm mới mua được”. “Cũng phải bán, em không còn ở đó nữa, vợ chồng mình cần phải buôn bán mới sống được, anh nghĩ kỹ rồi”. Anh sỗ sàng không tôn trọng ý kiến của tôi, và bắt vợ làm việc đó một cách miễn cữơng. Anh nổi cáu khi tôi chần chừ.
Vậy là chấp nhận một vịêc thất đức với mẹ, với ngoại.
7.
Đất ở quê chả được là bao. Bởi vì nó nằm sâu trong một cái ngõ dài tre pheo hoang liêu. Vả lại, tôi là đối tượng đặc biệt của dân làng. Cái tin chua xót đã đến tôi trong lúc này, về anh em nhà Cuội. Cuội anh như kẻ rồ dại cả ngày, nói nói cười cười. Còn Cuội em, ngày nào cũng lê la giữa sân nhà thờ cho lũ trẻ tha hồ tròng ghẹo. Không phải chỉ Cuội anh hát bài Hoa mặt trăng mà tránh quả mặt trời mà Cuội em cũng hát, say sưa, ray rứt, tuyệt vọng, mơ hồ... Tôi không dám nhìn cảnh tượng ấy, tránh đi, qua rồi lại thấy mình tội lỗi làm sao, rờ vào tim, đập thình thịch.
Cố sao như không hề biết chuyện này.
Gã trưởng thôn không bao giờ quên được con - người - dục tính. Nó ẩn nấp trong gã và bùng lên khi có cơ hội. Một người đàn bà đánh dậm làng bên sang đồng này, gã bắt gặp lúc đi từ trên Uỷ ban về, buổi trưa vắng vẻ. Gã gọi chị đánh dậm lên, cho tiền, rồi lôi vào một bãi hoang, ngấu nghiến. Bởi vì sao gã không bị mất chức trưởng thôn cái thôn đạo này? Chủ tịch xã đã nói không ai làm gì được gã. Hay tính ham hố dục vọng của gã được người ta cổ suý, cũng là một lý do. Hoặc những kẻ há miệng sợ mắc vào quai, đành ngậm bồ hòn cho... ngọt.
Người làng vẫn chỉ trỏ, con kia nó về đấy, con đĩ kìa. Hay những ánh mắt muốn xé vụn tôi ra, hoặc là vài tia lửa mắt muốn lột bỏ mấy cái của che thân này để thoả. Ừ, nhiều người đã khỏi nuốt nước bọt khi tôi qua đâu.
Số tiền vợ chồng về bán đất Nghĩa giữ cả, nói là đi lo chuyện này việc nọ. Mấy hôm anh đi đâu, bưng khuôn mặt hốc hác về, đổ gục lên giường đánh một giấc dài. Gọi dậy ăn cơm, anh gắt gỏng rồi lại thiếp đi.
Tỉnh dậy với cơ thể nhàu nhĩ, tôi hỏi anh lo chuyện đến đâu rồi, niềm hy vọng bé nhỏ của tôi mau chóng tắt rụi vì điệu bộ rất đỗi lạ lùng của anh. Dần dần, nó xoay tôi vào thất vọng: “Chưa đâu vào đâu cả, đừng hỏi nhiều”.
Đến một ngày, ngay cả chiếc xe máy hai vợ chồng dành dụm mua chung cũng không còn. Nghĩa trở về không, tôi hỏi đâu. Bạn mượn, anh hững hờ nói. Một tùân, không thấy bạn mang trả xe, tôi hỏi. Giọng Nghĩa chợt gay gắt: “Hỏi nhiều thế làm gì? Đau đầu lắm rồi đây”. Tôi hiểu chuyện gì đã diễn ra, đêm nằm ngủ, Nghĩa mê man nhắc đến chuyện gỡ gạc tiền nong, trong chiếu bạc. Chiếc xe máy - tài sản quý nhất của hai vợ chồng thế là đã ra đi rồi. Tôi cố nhịn nhục để cầu mong sự êm ấm.
Tôi đi làm cho một xưởng da giầy, tháng hơn ba trăm ngàn. Nghĩa đưa cánh tay đen đúa bị nướng dưới nắng trước mặt tôi, nói có tiền thì đưa đây. Làm gì có tiền, tôi chưa lĩnh được lương tháng đầu. Không có ư? Nghĩa túm túc tôi, lôi lại. Sao lại không có? Hỏi đến lạ, không có là không có, không có anh đánh tôi thì có à? Tôi bị đẩy rúi rụi vào cửa. Cùng quẫn trong cờ bạc, và tiền đã làm Nghĩa trở nên phũ phàng.
Quan hệ vợ chồng ngày càng xấu, tính nết chồng tôi ngày càng ác nghiệt. Cha mẹ chồng không can thiệp được vào chuyện này, đúng hơn là họ không muốn can thiệp. Lúc vợ chồng tôi cãi nhau gay gắt, Nghĩa quất gậy lên thân thể tôi, cũng là lúc cha chồng tôi bỏ đi một nơi nào đó, gần bốn năm sau mới trở về (sau này mới biết). Mẹ chồng tôi bất lực, không nói được con trai. Cô con gái sau Nghĩa, từ đấy cũng bỏ đi làm gái điếm, gia đình tan hoang, thảm hại.
Tôi biến thành một con vật thê thảm trong những trận đòn roi. Hứng chịu cơn giận dữ quất xuống, đổ lên... Tình yêu của Nghĩa - chàng nghĩa hiệp đời tôi bị teo tóp dần sau những canh bạc và cơn say. Trong cơn say, Nghĩa mới lộ ra bộ mặt thật, lý do làm sao cưới tôi.
- Có phải cô giấu tiền đi tiêu một mình không?
- Anh làm sao thế, em làm gì có tiền mà giấu đi.
- Vậy thì tiền cô để đâu hết?
- Tiền nào?
- Ô hay, cô đi đánh đĩ, tiền rủng rỉnh thế cơ mà.
Tôi điếng người, nuốt miếng nước bọt đắng ngắt. Vì sao, vì sao thế, hiểu rồi. Vy ơi, không phải người ta yêu thương mày, cưới mày là vì người ta nghĩ mày có nhiều tiền. Ngày đó, một lần Nghĩa hỏi, em chắc còn giữ được nhiều tiền? Tôi không nói gì, nghim nghỉm như thể mình có tiền cất đi thật. Không nói gì thêm, anh cũng không hỏi. Cho đến lúc này mọi chuyện vỡ lở, trời ơi.
8.
Trước khi gặp tôi thì Nghĩa đã cờ bạc rồi, nhưng không gay gắt. Gặp tôi, anh bớt đi và giấu giếm, chui lủi làm tôi không nhận ra, để đến khi cưới nó bùng phát như nạn dịch trong con người, không cách nào chữa trị. “Vy ơi, mày rước hoạ vào thân rồi, thằng chồng mày... mà thôi, tao chẳng biết làm sao cả, mày sống không yên với nó đâu. Hãy tính đi.” - Hoàn tỏ rõ sự cảm thông với con bạn xấu số này. Nhưng biết tính ra sao, tôi bảo nó mình sẽ buông xuôi cho số phận định đoạt. Hoàn gắt lên: Số phận định đoạt thế quái nào được! Đến lúc phải nghĩ cho mình rồi, chồng với con, để cái đó nghỉ cho rồi.
Nghĩa chỉ có bấy nhiêu hình ảnh đẹp, và nó đã bị nhạt mờ bởi hình ảnh xấu xa đè lên. Niềm hy vọng của tôi đã sụp đổ, thân cây dù khẳng khiu nhưng gãy vật xuống đất cũng đớn đau tê tái.
Trận đòn này, bạo liệt hơn bao giờ hết. Gậy quất lên người tôi, bầm rập, chan chát, còn tôi tơi tả. Đó là buổi tối, Nghĩa loạng choạng về, lục bếp: “Có cơm không?”. Tôi nói đã làm gì có cơm, mà hết gạo rồi. Tôi bất cần, muốn một sự phản kháng trong lúc này. Và sự phản kháng còn manh mún ấy phải lãnh nhận cú đấm chát vào mặt, quai hàm sưng vều. “Anh là đồ tồi, đã chẳng thương vợ, chăm lo gia đình còn suốt ngày cờ bạc, say xỉn...” “Con đĩ kia, mày dám nói tao thế à?” Sau đấy thì mưa đòn, đấm, đá, tát, gậy... chồng cho tôi ăn, chẳng thiếu hình cấp nào. Mẹ chồng tôi lúc này mới mở miệng: “Mày ác quá, Nghĩa ơi, đánh vợ thế à?” “Bà im mồm đi” - tiếng quát của Nghĩa làm bà im bặt. Nghĩa giơ cái gậy lên, khua khua, nói tôi cút đi, cút khỏi cái nhà này. Tôi nhìn lại chồng tôi lần nữa, không có chút hơi hớm của một con người. Mẹ chồng hơi quặn thắt trong ánh nhìn khi tôi đi qua. Tôi ngã rúi ra đường, và ngập vào bóng đêm. (Hết chương 5)
N.V.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét