1. Chiều xuống thật chậm. Cơn mưa đầu hè cũng vừa dứt hạt. Phượng vẫn còn ngồi đó, vẫn tựa lưng vào thành ghế bất động. Thoáng chốc mà đã gấn mười năm trôi qua rồi còn gì! Cảnh cũ, người xưa có nhiều thay đổi. Khi Phượng đỗ vào đại học, gia đình rời thị trấn Gò Dầu chuyển về thành phố Hồ Chí Minh để tiện việc học hành. Bởi ở thành phố ba mẹ Phượng cũng có một ngôi nhà.
Còn nhớ mùa hè năm lớp 11, Phượng và vài đứa bạn đến nhà Thắng chơi. Nhà gần Bưu cục Thạnh Đức, có cây phượng thật to che mát cả một khoảng sân. Trên cành đỏ rực những chùm hoa, chỉ còn rải rác vài nhánh lá khiêm nhường, ẩn mình dưới những cánh hoa đang khoe sắc. Gia đình nghèo nên sau buổi học, Thắng mướn xe chạy xe ôm để giúp mẹ nuôi em bởi ba Thắng mất sau cơn bệnh hiểm nghèo khi em gái Thắng mới hơn mười tuổi. Mẹ Thắng ở vậy một mình cun cút nuôi con. Có thể nói ở lớp 12A, ngoài những đứa bạn gái chỉ có Thắng là người bạn thân nhất của Phượng. Có lẽ vì thế mà Phượng ưu tiên dành cho Thắng viết những dòng đầu tiên trong quyển lưu bút của mình. Cũng từ trang lưu bút đó mà hai đứa hiểu nhau hơn, bạn bè có dịp chọc ghẹo tơi bời. Sau khi tốt nghiệp, Phượng học lên đại học còn Thắng do hoàn cảnh khó khăn nên đi xin việc làm một thời gian rồi lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự. Thắng và Phượng thường xuyên thư đi tin lại với nhau. Sau này có điều kiện cả hai liên lạc bằng điện thoại. Qua hai năm, Thắng xuất ngũ, hai năm sau nữa Phượng ra trường. Bỗng nhiên Phượng không liên lạc được với Thắng mà chả hiểu lý do. Nhưng bởi cái tôi quá lớn, Phượng đành phó mặc cho thời gian.
2. Thi hành xong nghĩa vụ quân sự, mỗi quân nhân xuất ngũ được phụ cấp một số tiền. Với số tiền đó đủ cho Thắng học nghề lái xe, bởi theo Thắng chẳng có nghề nào học nhanh hơn. Mấy tháng miệt mài rồi cũng xong. Cầm bằng lái xe trên tay, cộng với giấy xuất ngũ Thắng xin việc cũng không vất vả lắm, được vào lái xe cho bưu điện huyện. Thấy công việc cũng tạm ổn, thời gian còn lại Thắng ôn lại bài vở để thi vào đại học. Mớ kiến thức học ở trường mấy năm qua tưởng đã ngủ quên trong tiềm thức, nào ngờ khi được khơi lại cũng không mấy khó khăn vì trước đây Thắng là học sinh giỏi của trường. Lúc này, do lao động quá mức nên mẹ Thắng mang trong người nhiều chứng bệnh không còn bươn chải nhiều như xưa. Bà ngoại thấy vậy kêu mẹ về Tân Biên sống cùng bà, tiện việc gần gũi, chăm sóc ngoại lúc tuổi già. Ngoại nói người già không sợ khổ, chỉ sợ cô đơn. Thế là cả nhà đùm túm về sống với ngoại, cùng chăm bón hơn nửa mẫu vườn cây sầu riêng đang kỳ thu hoạch. Còn Thắng, tuy muộn nhưng cũng cầm được mảnh bằng đại học ngành Điện tử viễn thông trên tay. Thế là từ một anh tài xế, Thắng trở thành công nhân bưu điện. Lúc này Thắng cảm thấy tự tin hơn nếu được liên lạc lại với Phượng. Dẫu sao khoảng cách về trình độ học vấn cũng như địa vị trong xã hội cũng không chênh lệch nhiều. Có điều hoàn cảnh gia đình cách nhau khá xa.
Khi chuyển nhà về Tân Biên, anh không quên mang theo cây phượng con về trồng trên đất mới, cũng trồng tại vị trí trước sân nhà. Được chủ nhân chăm sóc tốt, cây phương lớn lên từng ngày, cành lá sum suê. Cho đến năm trước đây, phượng đã ra hoa, lòng anh mừng khấp khởi. Vậy là anh đã giữ tròn lời hứa sẽ trồng cây phượng trước sân nhà để lúc nào cũng nhớ đến người con gái anh yêu từ lúc còn học phổ thông. Qua bao thăng trầm của cuộc sống, không biết bây giờ người ấy ra sao? Nhưng khi thấy cây phượng trổ hoa, hình như niềm tin yêu và hy vọng lại trỗi dậy trong anh.
Rồi một hôm trên đường đi làm về, Thắng bị tai nạn giao thông do mấy tên say rượu chạy lạng lách gây ra. Thắng bị dập nát một bàn chân, những người đi đường tốt bụng đưa anh vào bệnh viện huyện cấp cứu. Do vết thương khá nặng, anh được chuyển về bệnh viện Chợ Rẫy điều trị và không giữ được bàn chân trái. Thế là tia hy vọng vừa lóe lên đã vụt tắt.
3. Phượng tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, được nhận vào làm việc tại ngân hàng Vietcombank thành phố Hồ Chí Minh. Tình cờ gặp lại người bạn học cũ hỏi thăm mới biết tin tức về Thắng. Phượng không ngờ cuộc đời Thắng lại gặp nhiều nghiệt ngã đến vậy. Không chần chờ gì nữa, Phượng hỏi địa chỉ rõ ràng và đến Tân Biên thăm anh. Anh bạn chỉ nhà Thắng gần trạm xá Tân Lập, trước sân có trồng cây phượng.
Con đường từ thành phố Hồ Chí Minh đến Tân Biên dài hun hút, vừa nắng, vừa gió rồi lại gặp mưa. Cũng may, những cơn mưa mùa hạ thường đến bất chợt và tạnh cũng rất nhanh nên Phượng an tâm đi suốt cuộc hành trình. Đến trạm xá xã Tân Lập, Phượng thấy có đến 2-3 nhà trồng cây phượng đang trổ hoa. Phượng nghĩ quen nhau đã lâu, cây phượng chắc phải cao, tán rộng, hoa nhiều. Nhưng hai nhà có cây phượng to đều không phải. Còn một nhà có cây phượng cũng đang trổ hoa, áng chừng chỉ mới trổ bông 1-2 mùa. Phượng không hy vọng lắm, nhưng đã đến đây rồi phải tìm cho bằng được. Sau vài phút chần chừ, Phượng cũng mạnh dạn vào hỏi thăm. Hình như không có người lớn ở nhà, chỉ thấy hai cô bé. Bé lớn khoảng 9-10 tuổi đang quét dọn sau nhà, bé nhỏ khoảng 4-5 tuổi ở nhà trên đang chơi đồ hàng. Phượng hỏi thăm, cô bé nhanh nhảu gọi chị. Bé lớn cho biết đây là nhà cậu Thắng. Bé nhỏ nói thêm:
- Ba hai và mẹ con đi bệnh viện, ba bị gãy chân. Bà ngoại đi đám cưới.
Phượng nghe như sét đánh ngang tai, sững sốt và hụt hẫng. Thì ra anh đã có gia đình, vợ con đề huề vậy mà mình cứ ngỡ… Dẫu sao cũng đến đây rồi, Phượng định nán lại chờ anh về hỏi thăm cho phải phép, nhưng không còn thời gian nữa Phượng đành ra về. Cái nắng hè như thiêu, như đốt, vừa mệt vừa khát Phượng nghe chừng miệng mình đắng chát. Khi đi hăm hở bao nhiêu, lúc về lại trĩu buồn bấy nhiêu. Bao nhiêu suy nghĩ, bao nhiêu giả thiết từ đâu kéo đến làm tâm tư Phượng rối bời.
Đêm nay và nhiều đêm sau nữa Phượng bị mất ngủ. Phượng có cảm giác như đêm cứ dài ra, không hiểu sao cứ lấy quyển lưu bút ngày xưa ra đọc đi đọc lại mãi, đến thuộc làu và nhớ vị trí từng dấu chấm, dấu phẩy... “Chuyện anh ta có vợ con là đương nhiên rồi, hà cớ gì mình phải bận tâm cơ chứ?”
Tiếng chuông điện thoại reo khe khẽ giữa đêm. Thoáng nhìn thấy số lạ Phượng không nhấc máy, tín hiệu tin nhắn cũng không buồn đọc. Khoảng mươi phút sau đó, điện thoại lại reo, rồi tín hiệu tin nhắn… Bực mình, Phượng mở ra xem thử ai lại gọi mình lúc nửa đêm. Là tin nhắn của Hải – người bạn học cũ đã cho Phượng biết tin tức về Thắng. Phượng lật đật gọi điện, sợ nhắn tin sẽ chậm mất. Đầu dây bên kia như trách móc:
- Phượng làm cái gì mà mình điện cũng không bắt máy, nhắn tin cũng không trả lời vậy?
Không đợi Phượng trả lời, Thắng bồi thêm một tràng dài:
- Chân thằng Thắng bị nhiễm trùng, vừa qua đi tái khám bác sĩ cho biết có thể tháo tới khớp gối đó…
Phượng hốt hoảng không nói được nên lời:
-Vậy… Thắng còn nằm ở… Chợ Rẫy không?
- Sao Phượng biết Thắng ở bệnh viện Chợ Rẫy? À. Bữa đó nhỏ em gái nó đưa xuống bệnh viện tái khám rồi về, không ngờ tình trạng xấu đi phải ở lại chờ phẫu thuật… tới bữa nay.
- Còn vợ anh ta đâu?
- Vợ nào? Thắng làm gì có vợ… Nó chờ bạn tàn cả đời trai của nó rồi đó… biết không?
- Hải nói lạ thật đấy!
Đêm như tan loãng giữa thinh không. Cầm chiếc điện thoại trên tay, Phượng bấm vào số điện thoại lạ khi nãy rồi xóa… rồi nhắn tin… rồi cũng xóa… Phượng không biết mình đã thực hiện các động tác đó bao nhiêu lần… Chỉ mong trời mau sáng để chạy ngay đến bệnh viện… Thắng ơi! Chờ em! Em biết lúc nào trước nhà anh cũng có cây Phượng đỏ mà, phải không anh?
N.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét