Sắc đỏ đất Cảng cứ ngỡ chỉ có tháng năm mới rợp trời hoa phượng đỏ ai hay mới có giêng hai thôi mà cũng đã đỏ trời hoa gạo. Đường về Bạch Đằng Giang (Thị trấn Minh Đức) trong sáng sớm, khi hơi xuân vẫn còn bảng lảng đợi ánh nắng hồng bừng lên thì trên những thân gạo cao vút, bạc phếch, xù xì, đầy gai, không một cọng lá đã bung nở những chùm đèn rực rỡ giữa không trung để gọi chim về véo von, lảnh lót trên những cánh tay gân guốc, khẳng khiu của mùa đông còn xót lại làm xao xuyến lòng người, níu những bước chân qua.
Vẫn biết hoa gạo không thuộc loại cao sang quí phái. Nó chỉ thuộc hàng bình dị, dân dã của chốn quê mùa lam lũ. Thế nhưng cái sắc màu đỏ tươi, rực rỡ của từng bông hoa năm cánh cùng bầu mật ngọt ngào say đắm ấy lại hút hồn, mê luyến biết bao người trong mỗi mùa hoa và gọi về trong ta bao nỗi niềm kỉ niệm của một thời xưa cũ, khiến cho bao kẻ tha phương không khỏi thổn thức, luyến nhớ quê nhà cùng biết bao kỉ niệm của một thời niên thiếu được mặc sức chơi đùa, nhặt hoa, gom lá bên những gốc gạo quê hương.
Hao gạo đỏ tươi. Đỏ như màu máu, rực như ngọn lửa đang đua nhau bung nở, thắp lên trên khắp những thân cành của gầy guộc, xương xẩu. Hàng trăm hàng ngàn bông hoa ken, kết bên nhau như thể đang tạo thành một quầng đỏ khổng lồ với hàng trăm hàng nghìn ngọn đuốc dương thẳng lên trời xanh để thiêu đốt, xua tan cái u ám của tiết trời mùa đông còn vương lại để gọi hè về với những tia nắng chói chang, rực rỡ. Nhớ lại, thời xưa, có lần ông tôi bảo hoa gạo là hoa báo mùa. Ông cứ đọc đi đọc lại cho tôi nghe câu ca nông lịch “Bao giờ cho đến tháng ba/ Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng”. Người bảo tôi rằng, khi nào cây gạo cổng Cùng trổ hoa thì mùa xuân sắp qua và mùa hè đang đến. Còn bà tôi lại cấm, không cho tôi được bén mảng ra gốc gạo vào lúc buổi ban trưa. Bà thường hay răn rằng “thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”. Bà bảo cây gạo có rất nhiều ma lang thang trú ngụ. Ban trưa ra đấy sẽ bị ma bắt, ma hành. Biết là thế, dọa thì cứ vậy thôi còn hồi ấy không ít lần tôi cùng mấy đứa bạn trong xóm vẫn thường trốn ngủ trưa ra cây gạo để bẫy chim, ném hoa, chơi chốn tìm và rồi lại rủ nhau đi bơi tít mãi ngoài đầm xa. Nghĩ lại, có lẽ, hồi ấy, bà lo tôi leo trèo nghịch ngợm mà rước họa nên mới dọa vậy, khi đó bà cũng hay nói đi nói lại cái câu: “Có phúc đẻ con biết lội có tội đẻ con hay trèo”.
Phải nói, hoa gạo có một sức hút lạ kỳ. Tôi chưa thấy ai bày hoa gạo trong nhà bao giờ nhưng tôi đã nhìn thấy rất nhiều bạn gái từng say mê ngắm nhìn một cách thích thú những chùm hoa đỏ rực trên cây hay những nữ sinh thơ thẩn tìm nhặt những bông hoa gạo để mân mê ngắm nghía hay ép sổ, cài đầu đùa nghịch. Chẳng phải ngày xưa mà bây giờ vẫn vậy. Mỗi khi có cơ hội được trông thấy gốc gạo rực đỏ màu hoa như đốt trời ấy đã có không ít cô nàng reo lên sung sướng để thỏa thuê ngắm nhìn hay mặc sức tạo dáng chụp hình lưu giữ những khoảnh khắc xuân thì tươi trẻ dưới những gốc gạo đỏ hoa như rực lửa.
Người ta vẫn thường nói với nhau hoa gạo là hoa của tình yêu. Rồi người ta còn gắn cho cái bông hoa màu hoa đỏ ấy một câu chuyện tình đầy bi thương của đôi trai gái tha thiết yêu nhau nhưng không thành duyên để giải thích với đời về sự có mặt của nó trên thế gian này. Cứ theo truyện ấy thì cây gạo là hiện thân của một nàng sơn nữ xinh đẹp còn bông hoa chính là cái băng vải màu đỏ, mỗi đầu có tua năm cánh - một kỷ vật của người yêu trao lại cho cô gái trước ngày xa cách. Ước nguyện giản dị cùng tình yêu mãnh liệt của sơn nữ đã để lại cho đời một màu hoa đỏ rực, xao xuyến nhưng cũng không kém nồng nàn, thắm thiết. Mỗi mùa hoa rụng, gốc gạo rực đỏ, muôn ngàn bông hoa hòa trong tiếng sấm cùng cơn mưa đầu mùa dễ làm người ta liên tưởng tới những hàng nước mắt lã chã của thần Mưa (hiện thân của chàng trai, người yêu cô gái) đang tuôn rơi khi trông thấy người yêu khiến lòng người không khỏi thương cảm. Câu chuyện bi thương với mối lương duyên bất thành nhưng tình yêu của cô gái đã trở nên bất tử. Bởi thế hoa gạo không tuy không kiêu sa mĩ miều nhưng vẫn có sức hút đến mãnh liệt. Vẻ đẹp của màu hoa đỏ là vẻ đẹp của sự thủy chung son sắt, của một tâm hồn đầy nữ tính dịu dàng nhưng cũng rất mãnh liệt, yêu thương.
Hoa gạo là thế. Hoa của tình yêu. Nếu “màu hoa đỏ thắm như máu con tim” tượng trưng cho tình yêu nồng nàn, thắm thiết thì cây gạo với sức sống dẻo dai, bền bỉ lại tượng trưng cho khát vọng sống, khát vọng yêu tha thiết, mãnh liệt của đôi lứa yêu thương “cho dù đất sỏi đá vôi bạc màu”. Năm cánh hoa to, mình dầy đỏ thắm, tươi nguyên như thể tình yêu không bao giờ vơi cạn. Mỗi mùa hoa nở, bầu trời và mặt đất lại rực rỡ sắc đỏ. Mỗi bông hoa như một ngọn đuốc bùng cháy thắp sáng bầu trời hay nhưng hòn than đỏ rực lửa nằm ngổn ngang mặt đất một cách đầy ấn tượng. Màu lửa ấy gây bâng khuâng, nhung nhớ, thổn thức bao tâm hồn; khiến chim trời kéo về rạo rực, ríu rít trên những cành cây làm lòng ta không khỏi xốn xang, xao xuyến. Khi mỗi mùa hoa đi qua cũng là dịp hè sang. Những cánh hoa lìa đài để lại những quả gạo to dần chờ cho đến mùa thu quả chín. Khi ấy quả gạo tách vỏ, nở xòe như một bàn tay với những túm bông trắng muốt cùng những hạt nhỏ li ti. Thế rồi theo cơn gió thổi, muôn hạt li ti cùng những túm lông trắng muốt bay đi khắp mọi nơi của hang cùng ngõ hẻm nơi đầu làng, cuối phố hay bờ đê, bến bãi nhằm tiếp tục một hành trình sinh tồn khi hạt nảy mầm sinh lá. Tự nhiên là thế nhưng cũng có những thân gạo lớn lên chẳng tuôn theo cái qui luật thai nghén của tạo hóa ấy mà lại do ai đó vô tình hay hữu ý mà bẻ cành cắm xuống đất để rồi một thời gian sau cái thân cành ấy đâm trồi sinh rễ mọc thành thân gạo. Thế đấy, cây gạo yêu đời dễ sống như sơn nữ đang đang cố vươn lên, ngày đêm ngóng đợi người yêu một đi mà mãi vẫn chưa trở về với bao nỗi niễm hy vọng, chờ mong. Cái màu đỏ thắm của năm cánh hoa hay là mảnh khăn năm tua đang cố giương lên trời cao giống như tình yêu đang thắp lên muôn ngàn hy vọng.
Là thế, hoa gạo rợp trời. Hoa cháy hết mình trên khắp mọi nẻo như tình yêu rực lửa với muôn ngàn khát vọng đón chờ hồi sinh mà chẳng bao giờ nguội tắt. Hoa gạo đẹp lắm. Hoa gạo thương!
P.A
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét