Chiếc xe ca cung thỉnh ba lọ sành chứa linh cốt, ba di ảnh của Thầy trò Ni Sư, cùng môn đồ pháp quyến đã đựợc gia dình Phật tử thành phố kết toàn hoa huệ trắng tinh khiết. Mầu hoa trắng và mùi hương thoang thoảng của chiếc xe được kết bằng hằng ngàn cánh hoa huệ tươi đã làm lay động lòng người có mặt tham dự buổi lễ hay có dịp đi ngang qua con đường trước cổng chùa Già Lam.
Khi hồi chuông trống bát nhã vang lên từ chánh điện vừa dứt, chiếc xe ca từ từ chuyển bánh, theo sau hơn mười chiếc xe du lịch tháp tùng. Xe của ông bà Vạn Lộc do anh trai Thảo Phưong cầm lái, xe Playmouth Z mầu xanh của Đệ đi sau cùng. Vượng ngồi ở ghế đầu với Đệ. Diễm và Hoàng Nhân ngồi hàng sau. Từ ngày nhận lễ dính hôn của Đệ, Hoàng Nhân vẫn thường dành thời gian về Đà Lạt vào cuối tuần với Đệ. Cả hai đều muốn dành cho Thảo Phương một tin vui bất ngờ vào tháng đến; nhưng, sáng nay, đã phải đi sau nắm tro hài cốt lạnh lẽo và tấm di ảnh chụp ngày thọ giới Sa di Ni của nàng, đưa tiễn nàng về chùa lần cuối. Trong đôi mắt đỏ hoe của Hoàng Nhân, những giọt nước mắt long lanh cứ chực rơi xuống. Là đôi bạn thân thiết từ thời sinh viên, những đêm chở nhau trên chiếc Angel cũ chạy lòng vòng giữa phố khuya, những lần tâm sự qua điện thoại suốt sáng - nàng cảm thấy mình trở nên trơ trụi, và nhớ Thảo Phương da diết. Từ nay, nàng còn ai bạn thiết gần gũi, cảm thông, để chia sẻ niềm vui nỗi buồn?
- Chị đừng đau buồn nữa – Diễm nói. Em chưa được thân gần chị Thảo Phương, nhưng khi anh Vượng gọi điện báo tin giữa giờ dạy, em bủn rủn không thể đứng yên được nữa, đã cho học sinh nghỉ trước hơn hai mươi phút…
Đệ quay lại, nhìn Hoàng Nhân giây lâu: “Em!”
Vượng nghiêng ngừơi ra phía sau:
- Duyên số của Thảo Phương là vậy rồi, Diệu Trang sẽ về đến nơi an vui mà em…
- Sau khi cô Diệu Huệ mất – Diễm tiếp lời. Một năm sau Sư bà Tuệ Nguyên, cô ruột của anh Vượng cũng viên tịch, mẹ của anh cũng chỉ ẵm bồng được cháu nội ba năm, rồi bị nhồi máu cơ tim. Giọng Diễm trầm thấp – Sự vô thừơng thương đau là vậy rồi…
- Chị hiểu – Hoàng Nhân lấy khăn tay lau mắt. Nhưng trước giờ chia ly vĩnh biệt nầy, chị không thể…
Từ ngả rẽ vào chùa, từ xa Đệ đã trông thấy rất đông bà con Phật tử quy tụ đang chờ đợi ở cổng để cung đón giác linh Ni sư và hai Sư cô. Anh không ngờ bà con Phật tử dành cho Ni Sư và hai sư cô những tình cảm sâu đậm đến vậy.
Xe hoa dừng lại ngay trước cổng chùa. Diệu Nghiêm và Diệu Sơn từ Đà Lạt đã về chùa sau ngày Ni Sư bị nạn, để cùng hai sư muội Diệu Lạc, Diệu Hải lo mọi việc ở chùa, đã cùng nhau chạy ùa ra bên xe hoa để đón giác linh Sư phụ và hai Sư tỷ; có cô nước mắt đầm đìa.
Như đã được phân công sẵn, Diệu Nghiêm bưng khay đựng linh cốt và di ảnh của Ni sư đi trước, Diệu Sơn và Diệu Lạc bưng khay đựng linh cốt của Diệu Tịnh và Diệu Trang đi sau hai bên, Diệu Hải đi sau cùng. Chư tôn đức tăng ni, ông bà Vạn Lộc, Phật tử, và Diễm, Vượng, Đệ lần lượt đếm bước tiếp theo. Ba Sư cô bưng linh cốt và di ảnh bỗng nhiên dừng lại ngay trên con đường dẫn vào chánh điện - tất cả đã oà lên kkóc nức nở! Cả ba cô không thể bước di vững vàng được nữa! Con đường vô tri như đã thầm nhắc: Cũng trên con đường nhỏ đầy cỏ hoa thân yêu nầy, Sư bà và các Sư cô vẫn thường đi dạo, chuyện trò vào mỗi sớm chiều. Sáng nay, họ đang tiễn Sư bà và hai Sư Tỷ đi qua con đường nầy lần cuối cùng.
Hồi chuông trống bát nhã báo hiệu giờ khai kinh, tụng niệm cầu siêu cho buổi an vị linh cốt bắt đầu. Hòa thượng Thiện Giác làm chủ lễ. Tiếng đọc kinh âm vang, tha thiết, vang động một khỏang trời quê yên vắng, như lời tiễn đưa não nuột. Ba linh cốt và di ảnh đã được đặt trên bàn, phía dưới trang thờ Phật, và chư Tổ, nghi ngút hương trầm.
Thời kinh đã qua, tất cả Phật tử ngồi xếp bằng trên nền chánh điện để nghe Hòa thượng Thiện Đạo đăng đàn giảng pháp.
Bằng giọng trầm ấm, thân thiết, nhưng an tĩnh - Hòa thượng nói: “Theo quan niệm của Nho giáo: "Cần kiệm cốt để trị gia, học hành cốt để khởi gia, hòa thuận cốt để tề gia, làm theo công lý cốt để báo gia". Đây là phương châm làm người của nhà Nho, để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Nhưng đối với nhà Phật, sự tu hành nhắm đến mục đích cao hơn. Cùng với Tứ Diệu Đế, thập nhị nhân duyên là giáo lý rất quan trọng trong hệ thống kinh điển nguyên thủy. Đây là mười hai yếu tố liên hệ hỗ tương với nhau theo lý duyên sinh và nhân quả, diễn biến trong cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai.
Kinh A Hàm, Phật dạy: “Cái này có nên cái kia có, cái này không nên cái kia không, cái này sinh nên cái kia sinh, cái này diệt nên cái kia diệt”. Đây là một định lý về duyên sinh duyên khởi. Tất cả các pháp từ vô tình đến hữu tình đều vay mượn nhau, hỗ trợ nhau, nương tựa nhau mà sinh khởi và tồn tại. Ví như một bờ lau, cùng nương vào nhau để đứng vững; nếu một cọng lau ngã xuống, những cọng khác khó thể trụ lại.
Ví dụ chiếc bàn nầy đây (Hòa thượng vỗ tay lên mặt bàn) là một nhất hợp tướng, do rất nhiều cực vi kết hợp lại mà thành, ngoài các cực vi ra, cũng không còn cái bàn nữa.
Lại tờ giấy có những nguyên nhân của tờ giấy, nơi tờ giấy, người ta có thể nhận rõ tác dụng của các nguyên nhân ấy, đã kết hợp như thế nào, ngoài những tác dụng ấy ra, cũng không thể tìm cái gì là tờ giấy được.
Quán sát như thế, thì nhận rõ được các tướng của sự vật đều giả dối, không thật, theo duyên mà phát hiện, theo duyên mà thay đổi, không có gì là chắc thật cả…”
Hòa Thượng đã giảng giải về pháp “Mười hai nhân duyên” để chỉ ra vạn pháp là một duyên hợp giả tạm, và sự vô thường.chuyển hóa là một chuỗi dài của nhiều nhân duyên và nhân quả nhiều kiếp. Hòa thượng Thiện Đạo kết lụận: “Sự ra đi của Ni Trưởng và hai Sư cô thị giả là một sự chuyển hóa của chuỗi nhân duyên, khi đã mãn “duyên” với cõi tam nầy, để tiến bước sang một “cảnh giới” khác, tốt đẹp hơn. Chúng ta thành tâm cầu nguyện cho giác linh của ba vị thánh đệ tử nầy!”
Thời Kinh tán dương và hồi hướng công đức của toàn thể Chư tôn đức tăng ni, Phật tử trỗi lên như lời khẩn thiết tiễn đưa cuối cùng ba giác linh về cõi tịnh lạc vĩnh hằng.
Sau buổi lễ, Sư cô Diệu Nghiêm mời ông bà Vạn Lộc và thân quyến của Diệu Trang vào phòng khách. Diệu Sơn rót trà ra tách. Diệu Hải đứng vòng tay phía sau Diệu Nghiêm, đôi mắt đỏ hoe.
Diệu Lạc trao cho ông bà Vạn Lộc các di vật của Diệu Trang còn lại trong chiếc rương nhỏ của cô - giọng bồi hồi: “Đây là những di vật của Diệu Trang còn lại, xin gởi hai bác.” Bà Vạn Lộc đưa hai tay đỡ chiếc hộp nhỏ, rồi đặt lên mặt bàn, sụt sùi: “Con ơi!” Ông Vạn Lộc quay đi, ngó lơ đãng ra ngoài, để giấu những giọt nước mắt… Diễm ngồi cạnh Vựơng, dường như cũng chực khóc. Chỉ có Vượng - gương mặt đanh cứng, lạnh lùng.
Đệ ngồi cạnh ông bà Van Lộc, lấy chiếc hộp, từ từ mở ra: “Cháu xin lỗi hai bác… Anh em chúng cháu muốn được nhìn lại di vật của Thảo Phương lần cuối!”
Đệ cẩn trọng lấy từng món ra, như sợ nó tan biến mất, đưa lên cho tất cả cùng ngắm: Đây là chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Limit dây da, màu hồng - một kỷ vật của Vượng đã gởi tặng nàng ngày sinh nhật lần thứ 25. Chiếc điện thoại Nokia mầu trắng nhũ, đôi hoa tai bằng vàng tây của bà Vạn Lộc cho ngày tốt nghiệp lớp 12; sợi dây chuyền mặt ngọc hình tượng Quan Âm của dì Mỹ Anh, và sau cùng là tập vở ghi chép bìa da, to bằng bàn tay.
Vượng vói tay qua phía Đệ: “Cậu cho tôi xem…” - lấy tập vở ghi chép, lật nhẹ nhàng vào trang đầu - hàng chữ hoa in lớn, ghi đậm: “Những Ngày Tháng Ở Chơn Giác”. Vượng lật tiếp sang những trang sau - vẫn nét chữ đơn phương mà tròn đều, rõ nét ngày xưa.
“Chơn Giác, ngày…
Từ sau ngày được thọ giới xuất gia, mình đã tự nguyện là sau mỗi thời kinh, hay các khóa lễ, đều dành thời gian để cầu nguyên và hồi hướng cho những người thân, bạn hữu, những người đã từng thọ ơn, được gặp duyên lành, an vui, hạnh phúc trong cuộc sống. Nhất là có “duyên may” được gần gũi Phật pháp, để chuyển hóa duyên nghiệp…
Hơn hai năm rồi, những lời nguyện cầu tha thiết của mình đã làm cho mình luôn cảm thấy an tâm. Dừơng như, hằng đêm, mình cũng đã nhìn thấy dòng nhân duyên mầu nhiệm ấy chảy qua tâm thức, những giấc mơ hoan lạc…
Con xin thành tâm cảm tạ ân sâu của Chư Phật, Chư Bồ tát, Chư hiền thánh tăng….”
Quê nhà, tháng 7. 2006
MANG VIÊN LONG
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét