1. Vừa đi tới, cô gái đã trông thấy thằng bé con cởi trần mặc quần cụt, xách cái cuốc chạy lăng xăng trên bờ kinh. Con kinh nhỏ vắt qua một cánh đồng rộng lớn. Trời đứng gió, khói đốt đồng cuồn cuộn như dòng thác trắng không có nguồn sừng sững giữa không trung. Nơi cô gái đứng, những gốc rạ nhọn hoắt đang chĩa lên trời như khiêu khích những tia sáng mỏng mảnh dần tắt khi hoàng hôn ùa về.
Bất thình lình, thằng bé con chạy xuống một đám ruộng, vứt cái túi vải xam xám lên bờ rồi ngó qua ngó lại như đang che giấu bí mật gì ghê gớm lắm. Thấy không có ai nó mới hạ cuốc xuống đất bắt đầu đào. Cô gái sững người, tìm cho mình một chỗ nấp an toàn sau những đụn khói trắng xóa để đảm bảo thằng bé không nhìn thấy cô. Cô gái không biết thằng bé sẽ làm gì với cái cuốc nặng è và cái túi vải màu xám kia nên cố dõi theo nó.
Chiếc bóng nhỏ thó kéo một vệt dài dưới nắng chiều lồng trong những sợi khói trắng mảnh dẻ bay thẳng lên trời càng làm thằng bé mỏng manh hơn lúc nào hết. Cô gái trổ tài nhìn người đoán tuổi của mình. Cô đoán thằng bé chừng 12 hay 13 tuổi là cùng. Bởi vì trẻ con ở quê thường lớn trước tuổi, nhìn già dặn hơn trẻ con ở thành phố. Cô nghĩ vậy trong khi hai mắt cứ đưa lên hạ xuống theo từng nhịp đập của cái cuốc. Thân hình còi cọc của thằng bé và mái tóc rễ tre vàng chóe nhễ nhại mồ hôi vì giang nắng nhiều. Nó tỉ mẩn lấy từ cái túi vải xám đó ra mấy ống nhựa màu xanh nhanh nhảu đặt xuống chỗ cái hố vừa đào xong.
Thằng bé tỏ ra hăm hở khiến cô gái không thể không thắc mắc. Từ chỗ cô đứng có thể thấy nó bẻ vài nhánh cây bạch đàn non mọc trên bờ ruộng, đặt lên chỗ vừa lắp ống rồi nhảy lên bờ ngồi. Nó nghỉ tay rồi lau những giọt mồ hôi không ngừng tươm ra trên tấm lưng trần đỏ rát như cái lọ gốm quá lửa. Cô gái muốn bước tới xem chỗ nó vừa đào xong nhưng có gì đó khiến cô phải khựng lại. Cô dẹp lòng tò mò sang một bên rồi chờ đợi những hành động tiếp sau đó. Một cảnh “đắt” trời cho mà người xa quê như cô ít dịp nhìn thấy. Vậy là chiếc máy ảnh Kodak trên tay cô nhá liên tục ghi lại những hình ảnh hi hữu này, nhưng tiếc rằng không thể chụp cận cảnh “công trình” của thằng bé.
Nó đang chờ đợi, cô gái chắc chắn như thế. Nhưng không biết là đợi điều gì, hiển nhiên nó vẫn chưa nhìn thấy cô.
2. Bây giờ thì những sợi khói đã thôi uốn lượn trong gió vì những đụn rơm vàng hươm trên cánh đồng đã cháy thành tro. Trên mặt đất chỉ còn lại hai màu chủ đạo đó là màu đen trũi của mớ tro rơm vừa cháy và màu xám của đất. Điểm “trú ẩn” của cô gái đã biến mất sau cái hắt hơi làm cô ngượng đến chín mặt. Thằng bé nhìn về phía cô bằng ánh mắt hoàn toàn xa lạ. Nó sững sờ khi bắt gặp người lạ phát hiện ra “công trình” của mình. Cô gái ngẩn tò te, tỏ vẻ không hiểu gì khi nhìn thấy một sinh vật lạ, trơn nhẫy như bôi mỡ có cái bụng vàng nghính nằm gọn lỏn trong tay thằng bé. Và khi đó, thằng bé nhảy cẫng lên sung sướng!
- Em làm gì ở đây? – Cô gái hỏi ngay thằng bé, nếu không nó thắc mắc hỏi “Chị làm gì ở đây?” thì khó trả lời lắm.
Cặp mắt linh lợi của thằng bé quét ngang cô gái từ đầu tới chân, đủ để nhận thấy cô không phải là người cùng quê thì nó mới chịu “giải thích” cho những hành động vừa rồi.
- Bẫy lươn.
Cô gái mới về nước thăm thân được hai hôm. Với cô, những ngày tháng vùi đầu vào công việc ở Paris đã qua. Cô muốn có một khoảng trời riêng cho mình với một buổi chiều vàng ở quê hương. Chút gió trời dịu mát sẽ khiến cô yêu cuộc sống hơn. Nghe người thân mách bảo, cô tới đồng ruộng này vừa đập lúa, chiều nay người ta sẽ đốt đồng, hoàng hôn chắc sẽ đẹp nên cô cố tìm tới. Vừa tới đây, đã bắt gặp thằng bé với những hành động kì quặc, thế là cô theo dõi nó.
- Bẫy lươn à? – Cô gái mắt tròn mắt dẹt ngạc nhiên trong khi thằng bé vẫn luôn tay luôn chân tóm cổ những con lươn to béo, cho vào trong cái túi vải màu xám. Nó vẫn không thèm nhìn đến cô, chỉ dán mắt vào lũ lươn vàng đang tìm cách thoát khỏi bàn tay xương xẩu của nó.
- Phải! Không làm lấy gì mà ăn.
Tim cô nhói lên một cảm giác khó tả. Có lẽ vì xót thương cho những giọt mồ hôi mặn chát và những vệt bùn xám như chì bám đầy trên khuôn mặt rám nắng của thằng bé. Chẳng bù lại với thằng em trai của cô. Sống ở Pháp từ bé nó chỉ bập bẹ được vài câu tiếng Việt. Nhiều khi trông thấy trời mưa, nó phán: “Mưa té bên cửa sổ”. Hay lúc khen cha nó, nó nói: “Cha đẹp trai tổ chảng…”. Thế đấy, cô phục nó lắm, mà ngay chính cô đôi lúc cũng phải xài đến google dịch thì còn phổ cập tiếng Việt cho ai nữa.
Trong nháy mắt, khói đã tan, phơi bày một chiếc bẫy lươn độc đáo. Cô tỉ mỉ quan sát. Nơi đây, nền móng của một công trình được xây dựng bằng gạch vụn và gạch của nó đã bị cướp mất từ thời cổ đại. Những gì còn lại chỗ công trình này là một cái hố đầy nước, hoặc các tòa nhà xây bằng gạch bùn và các mảnh vỡ ở vùng đồng bằng màu mỡ nào. Những chiếc ống nhựa màu xanh (kích cỡ bao nhiêu cô không rõ) được đặt dưới hệ thống công trình. Ống nước vừa đặt xuống, xoáy nước chảy luồn trong ống đổ xuống hố rào rào như thác. Mực nước không ngừng dâng cao rồi tăng đáng kể như mạch thủy điện ngầm được xây dựng bởi một kiến trúc sư tài ba.
Có thể nói, bây giờ, cô gái mới hiểu được khi con người ta đi đến những vùng đất xa xôi để nhìn ngắm một cách say mê những điều mà họ thường bỏ qua khi ở nhà là như thế nào. Thiếu những hình ảnh quan sát thực tế thì thật khô khan khi chúng ta học về thủy năng, hay cách con người tạo ra điện qua những con chữ vô hồn nằm im ỉm như miệng hến trên những trang sách vô tri.
Cô gái nhoài người ra trước nhìn những con lươn đang vùng vẫy trong chiếc túi màu xám. Với thằng bé con, cô gái lạ, cái mùi nước hoa thơm thơm cũng lạ. Đến quần áo cô gái mặc cũng không giống dân quê Củ Chi của nó. Thằng bé chăm chú nhìn người khách còn đang ngơ ngác nghiên cứu cách chế tạo cái bẫy lươn.
Cô buột miệng hỏi:
- Em tự nghĩ ra cái bẫy này hả?
- Đúng vậy!
- Số lươn này em để ăn hay bán?
- Bán chứ, ăn làm sao hết? Thế cũng không biết!
Cô gái tâng hẩng một lúc mới hỏi tiếp:
- Thế cha mẹ em đâu?
Gương mặt thằng bé thoáng buồn:
- Em không có mẹ, cha em đang đập lúa cho người ta ở cánh đồng bên kia. - Thằng bé chỉ tay về phía cánh đồng bên kia con kinh ọc ạch nước. Cô gái thấy trong mắt nó có nỗi buồn mà dường như nó không muốn chia sẻ với ai. Thằng bé nói tiếp:
- Cái bẫy này là em tự làm. Chị không phải là người ở đây em cũng không giấu nghề làm gì, em sẽ nói về nó trước khi chị giới thiệu về mình. – Giọng nó khỏe khoắn và chắc nịch. Thằng nhỏ lanh lợi hơn cô tưởng. Nó tiếp lời:
- Em sợ lũ bạn cùng xóm ăn cắp nghề bẫy lươn nên đánh lừa tụi nó chạy đi coi người ta đuổi ếch ở cánh đồng bên kia rồi.
- Sao em lại làm thế?
- Bởi vì ếch rẻ tiền hơn lươn đồng.
- Hi hi… em thông minh thiệt đó!
Thằng bé bắt đầu kể: Lươn thích đào hang ở đất bùn và những nơi có trấp cỏ. Hang lươn không cố định, do đó nó chọn một cánh đồng ngập nước, có bùn rồi đào một cái hố, tát hết nước ra ngoài, cẩn thận đặt một cái giỏ xe đạp ở dưới. Tiếp đến, nó lấy những cái ống nhựa đặt xung quanh miệng hố, phủ đất và bùn ướt lên trên. Đầu ống còn lại ngập trong nước, đó là đường dẫn lươn vào bẫy. Một yếu tố vô cùng quan trọng cho chiếc bẫy tự tạo này đó là mồi. Khứu giác của lươn rất nhạy, nhờ đó mà nó đánh hơi được mùi thức ăn rất nhanh. Khi nhận thấy thức ăn đó hợp khẩu vị thì lươn tìm đến chỗ có mồi để ăn ngay lập tức. Mồi lươn có thể là côn trùng, mối hoặc mồi thuốc pha trộn thêm giun, ốc. Cuối cùng là tìm những nhánh cây ngụy trang chiếc bẫy. Khi thấy có hang trong khu vực sinh sống, lại thêm cái mùi tanh tanh nồng nồng của món mồi ưa thích, dù đói dù không chúng cũng sẽ tự chui đầu vào bẫy. Cô gái sực nhớ lúc ra khỏi nhà có mang theo mấy viên kẹo. Cô cho nó hết rồi “khai thác” thêm. Thằng bé cũng nói thêm:
- Lươn sống ở mương, rãnh, ruộng, rộc, đến bàu, đìa. Để tránh kẻ thù, lươn cũng có khả năng biến đổi màu sắc để phù hợp với môi trường sống xung quanh. Nhưng khả năng “biến hóa” của lươn vẫn còn kém xa các loài bò sát như tắc kè, kì nhông… Lươn vốn nhút nhát, hễ thấy nguy hiểm là trốn ngay vì nó không đủ can đảm để đổi màu rồi nằm im một chỗ chờ kẻ thù tới… lượm.
Và thằng bé làm cô nhớ đến buổi chiều vàng với ánh hoàng hôn đang ngụp tắt. Mải nghe thằng bé giới thiệu về công trình của nó mà cô đã bỏ lỡ mất giây phút quan trọng của thời khắc giao thoa giữa chiều và tối. Khái niệm “mặt trời lặn” hay “hoàng hôn” với những đứa trẻ chạy đồng thì chẳng có gì đặc biệt. Nó bình thường như những điều bình thường khác mà mọi ngày đều ảm đạm trôi qua như thế. Nhưng, những điều rất giản đơn và bình dị như thế lại mang đến cho con người ta sự vững chãi, an lành.
3. Thằng bé túm lấy cái cuốc lấp chỗ đặt bẫy lươn vừa khai thác xong rồi đi về. Nó cũng không quên mang theo những chiếc kẹo mà cô gái tặng vẫn chưa dùng hết. Thằng bé đã đi xa nhưng cô vẫn chưa kịp hỏi tên nó. Chẳng biết ngày mai cô tới đây ngắm hoàng hôn có gặp nó với cái bẫy lươn nữa hay không? Nhưng có một điều chắc chắn rằng, ngày mai lũ lươn sẽ được mang ra chợ bán giúp thằng bé tiếp tục cuộc mưu sinh của một kiếp người.
Cô gái đến đây với mục đích ngắm hoàng hôn, nhưng hoàng hôn đã tắt từ lúc nào cô gái cũng không hay. Cô chẳng chụp được tấm ảnh nào về hoàng hôn. Cô tiếc nuối nhìn về phía chân trời, chỉ thấy những tia sáng màu xanh lá phóng lên từ điểm mặt trời lặn, tạo thành vòng cung tỏa ra trên không như những nan quạt sắp bị bóng tối nuốt chửng…
V.C.N
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét