Nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn
1.
Họ đi học vẫn thường gặp nhau. Lúc thì chạy xe cùng chiều. Lúc thì chạy xe ngược chiều. Lúc thì cùng ngồi ăn ở một quán ăn, hoặc cùng ngồi uống ở một quán nước. Nhưng dù có mong muốn đến mấy hắn cũng vẫn chưa tìm được ra cách làm quen với nàng để có thể cùng nàng ngồi chung một bàn, trao đổi với nàng chung một câu chuyện.
Hắn vẫn thầm gọi nàng là Bé Nơ mặc dù từ lâu hắn đã biết tên nàng là Thu Hương. Bé Nơ thường cài trên tóc một chiếc nơ hoa màu trắng rất đẹp mỗi khi đi học. Có một lần mãi lo ngắm nàng và chiếc nơ mà hắn đã phải va đầu vào cột điện! Khỏi phải nói Bé Nơ xinh lắm. Chân dài, nước da trắng, má lúm đồng tiền. Mỗi khi Bé Nơ mặc áo dài trông nàng chẳng khác nào một hoa hậu vừa mới đăng quang!
Còn nàng, nàng không cần biết hắn là ai, nói chi là đến tên họ của hắn! Trong mắt của nàng, hắn chỉ là một tên phiền phức, không hiểu sao thỉnh thoảng nàng lại phải bị gặp để nàng ăn mất ngon, ngủ thấy toàn ác mộng. Nói đâu xa hôm qua nàng đang ăn cơm tấm vừa thoáng thấy bóng hắn dắt xe tới nàng đã nhai phải hột sạn làm ê ẩm hết hai hàm răng! Còn buổi chiều nàng cùng các cô bạn chung lớp đang đứng chụm nhau ăn táo trước cổng trường, hắn vừa lò dò đi qua cũng khiến nàng giật mình vì nàng phát hiện mình đã cắn đứt nửa con sâu táo! Nàng vẫn thường rủa thầm hắn là tên Bốn Mắt xui xẻo. Nàng học Đại học Tổng hợp Văn. Còn hắn học Đại học Sư phạm Lí. Hai trường nằm kề sát nhau nhưng không hiểu sao hắn thấy vẫn còn xa xôi quá!
Trưa nay, trời dịu mát, nhiều mây, không mưa, biển không động - nói chung là thời tiết rất tốt cho mọi cuộc hò hẹn. Nàng ngồi một mình trong quán nước nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Giọng ca sĩ Khánh Ly trầm buồn, đầy chất liêu trai. Hết Diễm xưa, Hạ trắng rồi đến Cát bụi. Âm nhạc thật tuyệt vời, nàng lim dim nhắm mắt thưởng thức. Bỗng nghe “rầm” một cái! Một gã bốn mắt vấp vào cái bàn của nàng khiến ly nước trên bàn rung rinh suýt đổ. Nàng mở mắt ra thì lại thấy hắn:
- Này ông, đi đứng cái kiểu gì vậy?
- Xin lỗi bạn, mấy bàn kia không còn chỗ trống. Cho mình ngồi đây nghe?
Nàng nhìn quanh, quả thật bàn nước nào cũng chật cứng người. Nàng miễn cưỡng gật đầu, thật phiền phức!
- Bạn tên là gì?
- Tôi tên Bạch Tuyết!
- Ủa, bạn tên Thu Hương mà?
- Ừ, trước kia tôi tên là Thu Hương nhưng từ bây giờ, sau khi gặp ông tôi quyết định đổi tên thành Bạch Tuyết, được chưa?
Hắn cười bẽn lẽn:
- Ý của bạn mình là chú lùn vì mình cao không bằng bạn đúng không?
- Ừ, ông cũng có chút ít thông minh đó! Nàng trả lời với bộ mặt quạu đeo.
Sau khi gọi nước hắn im lặng rất lâu. Nàng cũng cảm thấy dễ chịu vì không bị quấy rầy. Khi nàng sắp đứng lên ra về thì hắn lại ấp úng, miệng cứ như đang ngậm hột thị:
- Bạn này, mình có thể làm bạn với bạn được không?
Trời ạ, đĩa đen suy dinh dưỡng mà đòi đeo chân hạc vàng siêu mẫu! Nàng quan sát hắn. Chẳng có gì đặc biệt! Gương mặt thì thua xa diễn viên Singapore Lâm Chí Dĩnh, ăn nói thì lắp bắp thua xa MC Thanh Bạch, thân hình thì không bằng một phần mười của vận động viên thể hình Phạm Văn Mách. Thế mà cũng muốn làm quen ư? Hắn chỉ đáng xếp vào loại “fan cuồng” của nàng thôi!
- Ông học Đại học Sư phạm phải không? Khoa gì?
- Mình học khoa vật lí.
- Còn tôi khoa văn. Nói thật với ông, tôi không thích có bạn là khoa toán hoặc khoa vật lí. Những người này tính tình khô khan, võ biền lắm.
- Bạn cho mình cơ hội đi. Mình hứa sẽ cố gắng sửa đổi những gì mà bạn muốn, bạn yêu cầu!
Nàng lẳng lặng đưa cho hắn xem tập san Áo Trắng:
- Tôi học văn nên thích sáng tác thơ lắm. Tờ báo này có đăng bài thơ của tôi nè! Ông về sáng tác cho tôi một bài thơ đi. Nếu tôi đọc được tôi sẽ cho ông làm bạn của tôi. Còn nếu bài thơ của ông không đạt, xem như tôi và ông không có buổi gặp gỡ ngày hôm nay!
Nàng không ngờ hắn lại hí hửng ra mặt và dễ dàng chấp nhận điều kiện của nàng. Hắn bảo hắn cũng thích làm thơ lắm. Ừ, làm thơ mà dễ ư? Cứ chờ xem!
2.
Cứ tưởng làm thơ là dễ, không ngờ làm thơ khó còn hơn vác đá leo núi! Chỉ riêng tựa bài thơ thôi, hắn cũng phải mất gần ba ngày mới đặt tên xong cho bài thơ của mình. Lúc đầu tên bài thơ của hắn là “Trường ca nhớ em”. Sến quá! Thôi đổi lại là “Chuyện tình chàng sinh viên khoa lí” đi! Cũng không ổn, mình chỉ mới xin làm bạn nàng thôi mà, “tình” gì ở đây? Hay đặt tên cho giống một tác phẩm văn học nổi tiếng nào đó, chẳng hạn “Dế mèn lang thang nhớ”! Nghe kì kì làm sao ấy! Hay “Tình nhặt”, “Tình mòn” ? Không được, nàng đâu phải là người mất giá đến nỗi cứ ra đường muốn “nhặt” ở đâu cũng được! Nàng chửi cho không có lỗ mà chui! Cái khó ló cái khôn, hắn chợt nhớ đã từng nghe loáng thoáng một bài thơ “Hãy yêu người khoa Văn” gì đó. Vậy bài thơ của mình sẽ có tựa là “Hãy yêu người sinh viên khoa Lí” vừa nồng nàn, vừa phù hợp với hoàn cảnh hơn!
Hắn viết thơ tương đối cũng khá lưu loát. Nhưng đến câu thơ thứ 1067: “Anh nhớ em trong đêm trường tĩnh mịch” thì hắn bị bí vần đến mấy ngày. Hắn lẩm nhẩm tìm vần mãi: lịch kịch, sụt sịt, khúc khích, thình thịch, té cái bịch! Thật bó tay chấm com với mấy cái vần thơ nhức đầu này. Ban đầu hắn dự định là làm thơ tự do không có vần cho dễ viết. Nhưng không ngờ hình như nàng đã đoán được ý định của hắn nên bắt hắn phải làm thơ có vần, có điệu hẳn hoi. Nàng nói nàng rất thích thơ mới của Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính... Thơ mà không có vần điệu đối với nàng không thể nào gọi là thơ được. Thật là ép người quá đáng mà! Khìn khịt, khin khít, xúc xích, âm lịch, thuận nghịch, xê dịch, ăn hột mít bụng rúc rích ngồi nhúc nhích? Hu hu quả thật bó chiếu với thơ!
Rồi cái ngày trọng đại ấy cũng đã đến! Hôm đó Bé Nơ bận chiếc áo dài trắng có thêu mấy câu thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử trên tà áo trông rất đẹp. Còn hắn, hắn cũng diện bộ đồ oách nhất mới mượn của thằng bạn thân cùng lớp. Tên này có rất nhiều kinh nghiệm trong cách ăn mặc. Nó nói hắn phải bận bộ đồ này mới lãng mạn, mới chiếm được cảm tình của người đẹp. Có lí, khi gặp nàng, hắn thấy nàng khẽ cúi đầu mỉm cười. Điều lành đây! Hắn ưỡn người trân trọng trao cho nàng bản thảo trường ca “Hãy yêu người sinh viên khoa Lí” dày cộm viết tay gần năm mươi trang giấy học trò, rồi hồi hộp ngồi chờ đợi. Nàng đọc rất lâu, kiên nhẫn và tẩn mẩn từng dòng thơ một. Thỉnh thoảng nàng lại dùng bút đỏ đánh dấu những đoạn thơ vừa xem. Ôi, những dòng thơ mĩ lệ làm xao xuyến lòng mĩ nhân! Hắn “tự sướng” khen thầm và bỗng thấy mình hình như cao được thêm mấy phân!
Bốn mươi lăm phút rồi cũng trôi qua... vừa đúng bằng một hiệp bóng đá! Nàng vẫn với cây bút màu đỏ vẽ hai ô Điểm và Lời phê. Trong ô Điểm nàng cho hắn không điểm! Còn trong ô Lời phê nàng phê “Thơ con nòng nọc”! Hắn giận run:
- Sao lại không điểm? Sao lại là thơ con nòng nọc?
Nàng trả lời không buồn nhìn mặt hắn:
- Con cóc cái đẻ ra trứng, trứng nở ra nòng nọc con. Nòng nọc lớn đứt đuôi thành cóc. Trình độ thơ của ông chỉ mới là thơ con nòng nọc thôi, cần có nhiều thời gian mới đạt được trình độ thơ con cóc!
- Nghĩa là bạn chê thơ tôi quá dở?
- Cũng gần như vậy! Rất tiếc chúng ta không thể làm bạn của nhau được! Nhưng ông vẫn còn có cơ hội. Nếu ông không muốn tôi đánh giá thơ ông nữa, ông cứ làm thơ đăng báo đi, sẽ khách quan hơn. Nếu tờ báo nào chịu đăng thơ của ông, ông cứ đem tờ báo đó đến tìm gặp tôi. Tôi sẽ xem lại!
Nàng nói xong quay lưng đi thẳng bỏ hắn ở lại với sự cay đắng ê chề vì... bị con gái đẹp chê! Hắn nói vọng theo:
- Bạn nói thì phải giữ lời đó. Mình hứa sẽ có bài thơ đăng báo sớm nhất làm quà tặng cho bạn!
Nàng cười như không nghe thấy những gì hắn nói, cứ lặng lẽ đi xa dần...
3.
Sau khi tốt nghiệp ra trường và nhận nhiệm sở dạy học xong, hắn tiếp tục “sự nghiệp” sáng tác thơ đăng báo như đã hứa với nàng. Cho đến lúc này hắn mới cảm nhận được những tủi nhục của cái nghiệp cầm bút. Tuần nào hắn cũng gửi ít nhất là mười bài thơ cho các tờ báo hắn quen biết nhưng dù có cố gắng đến mấy cũng chỉ là ném đá vào khoảng không. Chẳng thấy tăm hơi các bài thơ đâu cả... Chắc là các bài thơ của mình đã làm bạn với các sọt rác hết rồi! Hắn cay đắng nghĩ thầm.
Trong trường hắn dạy, cũng có một giáo viên trẻ dạy văn vẫn thường gởi thơ lên báo. Nhưng khác với hắn thơ của anh chàng giáo viên này lại được lên báo thường xuyên. Hắn liền nhờ người bạn đồng nghiệp ấy góp ý giùm các bài thơ của mình. Sau khi xem các bài thơ của hắn xong, anh chàng nhìn hắn hồi lâu rồi nói:
- Nói thật thầy đừng buồn, thơ của thầy dở lắm. Mà cũng chẳng có gì phải buồn, vì thầy là thầy giáo vật lý chứ có phải giáo viên văn đâu... Tốt hơn hết thầy không nên sáng tác nữa, tôi sợ thầy có cố sức lắm cũng chỉ là dã tràng xe cát mà thôi!
Hắn ngậm ngùi chợt hiểu ra trước đây Thu Hương đánh giá thơ của hắn là thơ con nòng nọc là hoàn toàn chính xác chứ không phải do thù ghét gì. Hắn muốn bỏ cuộc nhưng mỗi khi nhớ đến gương mặt xinh đẹp khinh khỉnh của nàng, hắn lại bực tức cầm lấy bút. Không lẽ suốt cả đời của mình không viết nổi một bài thơ nào cho ra hồn sao?
Sau này hắn gặp được một nhà thơ trẻ. Hắn hỏi có cách nào để thơ mau được lên báo không? Nhà thơ trẻ trả lời ngay, có rất nhiều cách, nhưng cách đúng đắn nhất vẫn là hãy tự vươn lên bằng bút lực của mình. Sỡ dĩ thơ của hắn chưa hay cũng vì hắn lúc nào cũng chỉ lo vội viết mà không chịu lo đọc, không chịu lo học hỏi để bồi dưỡng kĩ năng sáng tác của mình. Nếu tờ báo nào không đăng thơ của bạn, bạn hãy đọc và học những bài thơ đã được đăng trong tờ báo đó... Hắn nhớ mãi lời khuyên khá “sốc” của nhà thơ trẻ và thấy phần nào cũng có vẻ hợp lí!
Thế là ròng rã bốn năm sau cái ngày “thơ con nòng nọc” đầy định mệnh đó, hắn vẫn kiên nhẫn sáng tác. Thơ của hắn vẫn tiếp tục làm bạn với sọt rác, hoặc bị cân kí bán ve chai là chuyện thường ngày của huyện. Hắn nhờ một số người có am hiểu về văn học chỉ bảo giúp. Nhưng nhiều khi có nhiều “thầy” quá hắn cũng bị rối, phân vân chẳng biết nghe lời chỉ đạo của ai mới thật là đúng? Đang tự dò dẫm từng bước trên con đường sáng tác thì đùng một cái hắn được tin Thu Hương lấy chồng! Nghe đâu nàng lấy chồng là một đại gia giàu có. Bầu trời gần như sụp đổ dưới chân của hắn! Đau đớn và phẫn uất khiến hắn bị mắc chứng trầm cảm đến mấy tuần mới khỏi.
Thời gian cũng là liều thuốc nhiệm màu làm hắn nguôi ngoai được phần nào nỗi đau đang gặm nhấm. Cầm bút viết thơ tiếp hay từ nay bẻ bút vĩnh viễn đây? Dù sao nàng cũng đã có chồng rồi mà? Sau khi suy nghĩ kĩ hắn quyết định vẫn tiếp tục theo đuổi con đường “mộng làm thi sĩ” còn đang dang dở. Muốn nói gì đi nữa nàng hoàn toàn không có lỗi. Còn hắn, chỉ có một lời hứa với người đẹp thôi mà hơn bốn năm trời vẫn không thực hiện xong. Người ta không đi lấy chồng cũng uổng! Phải tiếp tục thôi! Tiếp tục hành trình vì danh dự của một lời đã hứa!
Trồng cây rồi cũng có ngày ra quả. Thêm sáu năm nữa, khi Thu Hương đã có đứa con thứ ba, hắn mới có bài thơ được đăng báo đầu tiên! Rồi cũng thêm sáu năm nữa, hắn mới có một bài thơ đoạt được giải khuyến khích trong một cuộc thi thơ! Và đúng 23 năm sau, kể từ ngày có lời hứa oan nghiệt của hắn, hắn được vinh dự kết nạp vào Hội nhà văn...
4.
Cô gái Việt kiều hẹn nhà thơ Phi Vũ lúc 6 giờ chiều. Nhưng chỉ mới hơn 5 giờ cô đã đến trước cổng nhà nhấn chuông. Đó là một gái cực kỳ xinh đẹp, dáng dấp sang trọng, tuổi chừng hai mươi ba, hai mươi bốn. Theo lời tự giới thiệu, cô từ Mỹ mới về nước chiều hôm qua.
- Thưa nhà thơ, nhà thơ đã xuất bản tất cả bảy tập thơ riêng rồi phải không ạ? Em muốn mua hết tất cả các tập thơ đó.
- Rất tiếc là sách đã bán hết rồi. Hiện giờ chỉ còn vài cuốn thơ bìa cứng để tôi dành tặng cho các nhà phê bình, các người bạn thân thiết nhất của tôi mà thôi. Không còn tập thơ dư nào để bán nữa đâu.
- Thưa nhà thơ, em sẵn sàng trả giá cao cho bảy tập thơ đó!
Nhà thơ Phi Vũ mỉm cười:
- Đã nói là không bán được rồi mà cô bé!
- Nói thật với nhà thơ em muốn mua làm quà tặng cho mẹ em. Mẹ em năm nay tuy đã lớn tuổi rồi nhưng vẫn rất ái mộ thơ của nhà thơ nhiều lắm. Ngày nào bà cũng lên mạng tìm đọc thơ rồi ghi chép vào blog của mình. Cách đây một tuần em vào blog của mẹ em, ngoài thơ của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Huy Cận,.. em thấy thơ của nhà thơ Phi Vũ chiếm đầy blog của bà.
- Thế ư? Thôi, để tôi tặng cho bà ấy bảy tập thơ làm quen vậy. Cô không cần phải mua.
- Nhà thơ làm em khó xử quá. Hay là nhà thơ cứ nhận tiền đi...
Nhà thơ Phi Vũ xua tay rồi lẳng lặng lấy bảy tập thơ bìa cứng và kí tặng:
- Tên mẹ cô là gì?
- Dạ Thu Hương... Lê Thị Thu Hương...
- Lê Thị Thu Hương nào? Có phải Lê Thị Thu Hương của trường Đại học Tổng hợp Văn?
- Vâng, mẹ em nói có biết nhà thơ mà... Em là con gái út của mẹ em...
Nhà thơ Phi Vũ ngỡ ngàng nhìn cô gái ngồi trước mặt. Quả thật cô bé có rất nhiều nét đẹp giống Bé Nơ của ngày xưa. Mới thế mà đã hơn bốn mươi năm... Bằng giọng ngùi ngùi cô gái kể về những nỗi cô đơn hiện giờ của mẹ mình. Hai mươi năm trước, sau khi cùng chồng qua Mĩ định cư, Thu Hương và chồng li dị nhau. Họ có ba đứa con, chỉ có cô gái út là chịu ở lại với mẹ. Những năm gần đây sức khỏe của Thu Hương đã sa sút rất nhiều, bà luôn đau đáu nhớ về quê hương xứ sở. Đặc biệt bà rất thích những bài thơ của nhà thơ Phi Vũ viết về con người, viết về đất nước Việt Nam thân yêu.
Nhà thơ Phi Vũ khẽ thở dài, ông phóng bút viết ngay một bài thơ bốn dòng lên tập thơ tặng:
THU HƯƠNG
Mùa thu trong gió có hương
Một người trong nhớ có thương một người
Em đi ném vỡ tiếng cười
Chạy theo tôi nhặt đúng mười mảnh yêu.
Bên dưới bài thơ ông ghi một dòng chữ nguệch ngoạc để chú thích: Kỷ niệm ngày xưa "thơ con nòng nọc"! Bỗng nhiên một giọt nước mắt của ông rơi xuống, lành lạnh, lăn dài và làm nhòe nhoẹt đi những dòng chữ run rẩy vừa mới viết...
T.T.N.V
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét