Trong mỗi con người ai cũng có kỷ niệm về tuổi thơ, và mỗi chúng ta đều có cách riêng để lưu giữ chúng. Đối với họa sỹ đó là những bức tranh về trò chơi dân gian. Với nhà văn là những tác phẩm về tuổi thơ. Còn đối với tôi thì tuổi thơ là quê hương là dòng sữa ngọt lành của mẹ nuôi dưỡng tâm hồn tình yêu và cuộc sống của tôi…
Những trò chơi có lẽ là điều gắn bó sâu sắc nhất với tuổi thơ. Ở đó có cả khung trời riêng thỏa thích chơi đùa cùng chúng bạn và chính điều giản dị ấy đã dung dưỡng nên một phần tính cách, tâm hồn của chúng tôi để rồi theo thời gian chúng tôi mỗi người một ngả xa quê gợi nhớ về khung trời hoa mộng một thời tưởng đã trôi vào quên lãng.
Quê tôi ngày ấy nghèo lắm nhưng con nít chưa bao giờ thiếu trò chơi. Thường thì những trò chơi dưới quê hầu như đều là những vật liệu có sẵn trong vườn. Chỉ cần 10 que tre và trái ổi điếc đã thành trò chơi đánh chuyền. Mấy hòn sỏi hay đã nhỏ thành trò năm hòn hay ô ăn quan. Những chiếc vỏ hến trở thành cờ gánh. Con trai hay con gái đều chơi được hết, chẳng ngại ngần gì.
Khoảng đất rộng sau nhà thằng Tèo được trưng dụng nhiều nhất. Vườn chuối xanh tốt, che bóng mát cả khung trời. Ngoại của Tèo lúc nào cũng quét gọn ơ. Những căn nhà chòi được cất lên. Mượn những cây tre đầu hè, chặt vài tàu lá chuối, những nhánh dừa tươi. Chỉ trong thoáng chốc những chiếc nhà chòi được dựng lên. Mấy đứa con gái tỉ mỉ trong việc trang trí nên những chiếc nhà chòi đẹp như khu vườn cổ tích. Hoa, dây tơ hồng được trang trí bắt mắt.
Nhưng có lẽ hấp dẫn nhất là trò cô dâu chú rể, khi xin được những dây trang trí đám cưới của chú thằng Hòa. Những lá dừa được phát huy tác dụng khi tôi và mấy đứa con gái ngồi làm hai chiếc nhẫn cưới, đồng hồ, vòng hoa đội đầu, vòng kiềng, dây chuyền… Nhưng trong trò chơi ấy chẳng có đứa nào thành đôi, chắc ông tơ bà nguyệt muốn lưu giữ giúp chúng tôi những kí niệm không thể xóa nhòa của một thời hoa mộng. Hoa cưới được làm từ cái bắp chuối đã giải gần hết, ở giữa cắm nhánh lục bình. Hai đứa đóng giả cũng làm lễ bái đường, cũng lạy cha lạy mẹ… Chúng tôi lại hùa nhau chọc hai đứa để rồi bị hai đứa rượt đuổi làm khuấy động không gian vườn nhà.
Tuổi thơ tôi cứ thế hồn nhiên yên ả dưới cái chòi lá đơn sơ đó chúng tôi cùng nhau vui đùa, kể về giấc mơ gặp ông bụt đêm qua, tưởng tượng ra những ngôi nhà trong tương lai của mình dù chưa biết ra sao. Chiếc bếp được làm từ chiếc hố, những thanh tre nhỏ làm củi, áo ngoài của bắp chuối là chiếc xoong, chiếc chảo; thức ăn là những loài cỏ dại
Làm sao quên được những buổi trưa trốn má không chịu ngủ trưa, chạy ra nhà chòi chơi đuổi bắt, đá kiện, năm hòn, cà gánh, nhảy dây… Các trò chơi đòi hỏi sự tập trung, tính toán, khéo léo. Tiếng nói cười làm rộn vang một góc vườn. Mỗi trò chơi mang đến cảm giác thú vị riêng thế nên chưa bao giờ đám trẻ chúng tôi biết chán. Giờ đây trong giấc mơ tôi còn nghe đâu đó tiếng đồng dao quen thuộc ngày nào bên căn nhà chòi, trên tay là trái banh chuyền từng nhịp banh đều đặn theo que chuyền và những câu đồng dao mộc mạc mà đến giờ vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa.
Không biết câu đồng dao có từ bao giờ chỉ biết nó gắn bó ngay từ thuở ấu thơ của biết bao thế hệ qua những câu hát ru hay những trò chơi con trẻ. Những bài đồng dao đã cho chúng tôi bài học sơ khai về cuộc sống vì trong đó có một thế giới hiền hòa, sinh động, đáng yêu của tuổi thơ. “Bồ các là bác chim ri… Tu hú là chú bồ các… Bồ các là bác chim ri”. Cứ thế bài đồng dao giản dị như nhịp cầu dẫn dắt chúng tôi dưới ánh mắt trong trẻo của trẻ thơ về tình yêu quê hương xứ sở.
Những đứa trẻ ngày xưa bây giờ đã lớn không còn chui lọt vào căn nhà chòi nhỏ xíu nhưng làm sao quên được lũ bạn một thời cùng nghịch ngợm một thời mải chơi mà quên cả bữa cơm. Năm tháng cùng thời gian trôi đi, chỉ còn chúng tôi và dòng sông quê là ở lại để nhớ về khoảng trời êm đẹp mà chúng tôi đã có nơi đây. Dù có đi xa chúng tôi cũng sẽ chẳng thể quên kỉ niệm của một thời như khi con lớn vẫn nhớ về dòng sữa ngọt ngào của mẹ lúc ấu thơ… Chắc một thời đi qua trong miền nhớ sẽ dẫn lối cho ta trở về lối xưa – lối về tuổi thơ…
P.T.M.L
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét