Tác giả bên cây trám
Tháng Tám, thu sang nhưng chưa đủ độ hong vàng chiếc lá xào xạc tung bay trên những tán cành hay rơi phủ ken dày dưới những hàng cây cổ thụ trên các phố dài ngập nắng vàng ươm như rót mật giữa làn gió heo may để làm ngơ ngẩn bao bước chân qua. Thu đã về nhưng vẫn còn non tơ lắm. Cơn gió heo may đầu mùa mới chỉ làm dịu đi cơn nắng hạ để cho ánh chiều bừng lên rực rỡ như được rát vàng trên những mặt hồ mênh mông nước trong buổi hoàng hôn và gọi về một mùa hoa sữa sực nức hương thơm nồng nàn trên từng góc phố. Cái tiết trời chớm thu Hà Nội như thế cứ bâng khuâng mà gọi về trong ta một mùa quả trám đang bắt đầu vào vụ ở mãi nơi quê nhà xa hút cùng với bao hoài niệm về tuổi thơ bên gốc trám già trên sân nhà ngoại.
Ngày ấy, mấy chục năm rồi, cây trám bên cửa trước sân nhà ngoại mỗi độ thu về lại rung rinh những chùm trĩu quả. Những ngày mùa hạ cây trám trổ hoa vàng và đậu quả để đến khi chuyển mùa sang thu từng chùm quả nhọn ở hai đầu hình con thoi thi nhau chuyển màu thay sắc. Ban đầu quả có màu xanh đến khi trám chín thì từ từ chuyển sang màu vàng nhạt (đấy là trám trắng, còn trám đen thì ban đầu có màu xanh khi chín thì chuyển sang màu tím nâu và cuối cùng là màu đen thẫm cùng với một lớp bột phấn trắng mỏng manh mịn màng phủ ra phía bên ngoài). Cây trám bên cửa sổ của ngoại là cây trám trắng. Trám ấy ngon lắm. Nhớ lại hồi bé mỗi lần xuống nhà vào mùa trám rụng tôi vẫn thường nhặt những quả trám rơi đầy dưới sân để ăn. Cây trám cao to, tán vòm hình tháp nhọn toả bóng mát rượi cả góc sân. Mỗi khi có gió heo may thổi qua, trám thi nhau rụng. Trám rụng lăn lông lốc sáng cả khoảng sân bên mái nhà sàn lá cọ. Tôi vẫn nhớ, mỗi lần cầm quả trám đưa lên miệng ăn tôi thường hay cho vào lau trong vạt áo cho khỏi bẩn. Trám trắng chín ăn có vị ngọt nhưng hơi chua. Nhai xong miếng trám mà cái vị ngọt ấy cứ còn lưu mãi trong khoang miệng (trám đen ăn có vị chát). Ngày ấy, mỗi độ thu về, khi trám bắt đầu chín bà thường dùng rọ hay sào để lấy trám. Từ những quả trám bà chế biến thành rất nhiều món ăn vừa lạ vừa ngon. Trám muối, trám ỏm, trám kho thịt hay kho cá. Nhớ lại những món trám bây giờ vẫn phát thèm mà tứa nước miếng. Trám kho thịt ba chỉ hoặc kho với cá suối ăn cứ chất lừ. Quả trám kho có vị mặn của mắm muối; có cái béo của thịt, của cá; có cái bùi thơm của cùi trám vừa giòn vừa dẻo nên không bao giờ bị ngấy. Còn trám muối vừa để ăn chơi vừa để ăn cơm. Thời ấy, mỗi lần ăn trám bọn trẻ chúng tôi thường hay giữ lại hạt. Hạt trám cũng hình thoi nhọn ở hai đầu như quả. Khi có nhiều hạt bọn trẻ chúng tôi lấy dao chặt ngang hạt trám rồi dùng kim băng hay gai bồ kết nhể lấy nhân để ăn. Nhân trám nhỉnh hơn hạt thóc. Ăn rất ngon, có thể coi đó là một thứ đặc sản của tuổi thơ tôi. Ăn nhân xong rồi lũ trẻ chúng tôi lấy hai phần hạt trám cắm đầu nhọn xuống đất rồi dùng gạch hay đá đóng xuống với đủ các hình mà mình nghĩ ra. Tôi thường hay đóng hình bàn cờ hay hình chơi ô ăn quan để cùng chúng bạn thoải mái vui chơi. Những mùa trám như thế đã đi qua và theo tôi suốt cả một thời niên thiếu. Và cái cây trám bên sân, trước ô cửa sổ nhà sàn của ngoại cứ thế neo đậu trong hồn tôi trong suốt những tháng năm dặc dài xa xứ như thể một mảnh hồn quê chẳng thể nào phôi pha.
Kỷ niệm về mùa trám trong tôi còn có cả dáng hình tảo tần của ngoại. Mỗi mùa trám về ngoại thường gom nhặt những rụng trên sân hay trẩy những chùm trám chín để làm thành các món hay đem chia cho mọi người xung quanh bên nhà. Rồi đến ngày vào đại học, thời gian bên ngoại cứ ít dần, tôi phải xa nhà về bên phố phường theo học. Mỗi khi có dịp về nhà, đi qua nhà ngoại, từ xa tôi đã nhìn thấy cái cây trám thân thương một thủa như thể ngọn tháp màu xanh vươn lên trời cao rất đẹp. Gần đến nhà, từ đường cái nhìn qua cây trám, bên ô của quen thuộc đã thấy dáng ngoại ngồi nhìn ra như thể ngóng đợi, đón chờ một điều gì đó xa xăm mà khó gọi thành tên. Mỗi lần như thế tôi lại gọi to và chạy vù vù vào nhà leo vội qua chín bậc cầu thang để lăn vào lòng ngoại. Ngoại cười cười, nói nói vuốt mái tóc tôi và lại hỏi về cái phố cửa Đông hay Cầu Đuống của ngoại với một thời con gái đòn gánh trên vai rong ruổi ba mươi sáu phố phường. Nằm trong lòng ngoại, nhìn cặp mắt tinh anh thủa nào nay đã nhăn nheo và mờ đi cùng mái tóc bạc tôi thấy lòng mình lại trào lên bao nỗi dưng dưng thương ngoại. Bấy giờ ngoại đã tóc bạc da mồi nhăn nheo theo năm tháng chẳng thể nào đủ sức để trở về cái chốn phồn hoa vang bóng một thời tuổi trẻ của ngoại. Đã bao lần ngoại hỏi tôi về những miền đất ấy. Hồi ấy, mỗi lần ngoại hỏi, ngoại kể về nơi ấy tôi thấy thương ngoại vô cùng và thầm hứa với lòng mình sẽ phải thay ngoại để tìm về những vùng đất ngoại hằng ước mơ có ngày trở lại.
Ngày ra trường, tôi ở lại Hà Nội. Nhiều lần thay ngoại tôi đã trở lại những vùng đất trong mơ của bà. Mỗi khi về quê, gặp ngoại, tôi không quên kể lại cho ngoại về những vùng đất ấy. Có điều những vùng đất ấy ở cái thời tản cư, giặc giã so với bây giờ đã đổi thay quá nhiều. Ngoại chẳng nhận ra nó qua lời kể của tôi ngoại trừ có cây cầu Long Biên là không thay đổi. Ngoại ngày một già đi, giấc mơ trở về nơi xa ấy càng trở nên xa hơn và khó có ngày thực hiện. Kỷ niệm về Hà Nội và một thời con gái của ngoại chỉ còn trong hoài niệm. Ngày ngày, ngoại vẫn đẩy cái cánh gỗ để đưa mắt qua ô cửa nhìn về một nơi phương trời xa xăm nào đó cùng với cái tiết trời hết nắng lại mưa bên cây trám già.
Cây trám ngoại trồng bên góc sân ngày ấy đến nay to cao và lá lúc nào cũng một màu xanh thẫm. Hình như nó chẳng chịu già đi theo thời gian. Lúc nào cũng tươi tốt vươn lên làm thành một tán ô che nắng khổng lồ bên ô cửa ngày xưa ngoại ngồi. Mỗi mùa thu đến những chùm trám sum suê vẫn thi nhau rụng xuống khi những quả đã ngả màu chín vàng. Nhớ lại, hồi ngoại sắp về bên ông, mỗi lần về quê, thấy ngoại chẳng thể nào đi nhặt trám được. Ngoại vẫn ngồi bên ô cửa nhà sàn hàng ngày ngắm nhìn cây trám để thả hồn về trong mây trời gió núi qua ánh mắt đục mờ nhuộm màu năm tháng. Bây giờ dì út lại thay ngoại nhặt từng quả trám rụng hay hái từng chùm trám chín để ỏm hoặc lại đem cho mọi người.
Trám quê của ngoại vừa bùi vừa béo. Vị trám ấy nghĩ đã thấy thèm và chẳng thể nào quên. Quà quê của ngoại cho tôi trong mỗi lần thăm nhà vào lúc thu sang bao giờ cũng phải có một túi trám. Và cái cách muối trám của tôi bây giờ cũng là học được từ ngoại. Ngoại muối trám rất ngon. Mỗi mùa trám về, ngoại thường nhặt trám rụng dưới sân hoặc nhờ người đập trám, rồi chọn những quả trám già rửa sạch cho vào nồi đun sôi cho đến khi chín đều. Lúc này quả trám dẻo và thơm. Sau đó ngoại vớt trám ra để nguội và đổ vào chiếc vại sành rồi lấy nước đun trám pha muối cho đủ độ mặn; rồi trút vào vại cho đến khi nước ngập hết trám và đậy nắp sau khoảng nửa tháng thì có thể ăn được. Món trám ngoại muối ăn rất ngon. Ăn từng cùi trám ta sẽ thấy nó vừa có cái mặn đặm đà của muối lại vừa có cái chua nhè nhẹ hoà lẫn trong những hương vị ngọt, bùi thơm thảo. Đơn giản vậy thôi nhưng trám muối khiến ai một lần đã ăn thì sẽ nhớ mãi chẳng quên. Bởi thế, dù chỉ là một thứ quà quê dân dã, không phải là món cao lương mỹ vị nhưng trám muối đã trở thành một thứ đặc sản của hương vị núi rừng quê nhà và neo đậu mãi trong nỗi nhớ của bao người con xa xứ khi mỗi tiết thu sang.
Bây giờ ngoại đã đi xa. Ngao du sơn thuỷ bên ông. Ngôi nhà bao năm nay đã vắng bóng ngoại. Mỗi lần trở về, ngang qua nhà ngoại, cây trám vẫn còn đó, xanh tốt bên ô cửa nhưng chẳng bao giờ nhìn thấy bóng ngoại như những ngày xưa. Vẫn như bao lần, mỗi lần trở về, đến gần nhà ngoại, bao giờ cũng vậy, từ xa, điểm đến đầu tiên trong đôi mắt phải là ngọn trám bên ô cửa ngày xưa ngoại thường hay ngồi. Bao thứ bên mái nhà xưa của ngoại vẫn thế, chẳng có gì đổi thay. Chỉ thiếu bóng ngoại. Con chẳng còn được chạy ùa về bên ngoại để sà vào lòng như thủa thiếu thời mỗi khi về đến cổng. Quê nhà xa ơi, cồn cào nỗi nhớ. Trám bùi trên cây, bóng bà bên cửa, rưng rưng trong nỗi nhớ đong đầy!
G.H.S
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét