|
Nhà văn Võ Chí Nhất - HNV TP. HCM |
Cái tên Võ Chí Nhất đang được giới văn sĩ phương Nam đánh giá cao về năng lực có lẽ cũng không xa lạ với bạn đọc cả nước khi tác phẩm của anh được liên tục đăng tải trên các báo, tạp chí văn nghệ từ Trung ương đến địa phương trong thời gian gần đây. Anh là nhà văn trẻ tuổi nhất được kết nạp vào Hội Nhà văn Tp.HCM năm 2017. Đặc biệt, với sự ra đời của tập truyện ngắn "Khiếu ăn mày", tên tuổi của anh được khẳng định trong làng văn học Việt Nam. Nhà văn Ngọc Hải nhận xét: "Võ Chí Nhất là một tác giả trẻ về tuổi đời lẫn tuổi nghề nhưng chỉ trong 3 năm anh cho ra đời hai tập sách. Năm 2016 anh cho ra đời cuốn tiểu thuyết lịch sử Hoàng Cung gặt hái được những thành công ban đầu thì đến năm 2018 anh tiếp tục trình làng tập truyện ngắn Khiếu Ăn mày (hai tập sách đều do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn Nghệ ấn hành).
Trong tập truyện ngắn này, người đọc sẽ được thấy những câu chuyện rất “đời sống” thường thấy nhưng nó hiện ra bằng văn chương, cốt truyện đơn giản, hài hước, kết thúc bất ngờ. Có chút gợi nhớ “không khí xưa” khi ta còn nhỏ đọc thám tử Sherlock Holmes”.
Võ Chí Nhất đưa câu chuyện có thật nhưng “bàng bạc” “hư thực” khiến cho người đọc cứ phải mò đoán theo miên man rồi mỉm cười và cảm động. Những tên trộm, những bà già, anh cảnh sát, có người ở một huyện nhỏ (tên trộm gặp nhóm cảnh sát tuần tra trên Tỉnh lộ 8 hỏi khuya rồi chúng mày còn đi đâu đấy… Đừng để tao tóm được tụi bay đấy…) Có người lại là bà Johnson vào trộm ở siêu thị Dollar General sợ anh cảnh sát Stacey…
Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng lại viết nên những trang văn thấm đượm tình người, tôi tin rằng Võ Chí Nhất sẽ gặt hái được nhiều thành công trên con đường nghệ thuật phía trước."
|
Bìa tập truyện ngắn "Khiếu ăn mày" |
Văn nghệ Hương Quê Nhà trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc, bạn viết truyện ngắn "Cái giá cho sự nổi tiếng" của nhà văn trẻ Võ Chí Nhất!
CÁI GIÁ CHO SỰ NỔI TIẾNG
Người ta nói: “Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn” thế mà đúng.
Chị đã sát cánh bên anh những lúc khó khăn nhất, kể cả khi anh bị công ty sa thải. Anh chẳng thiếu ý chí, cho nên, dù có thất nghiệp cũng không thể vật ngã anh. Bởi trong anh còn tồn tại niềm đam mê với nghệ thuật. “Âu cũng là cái số”, anh đã nói với chị như thế. Giờ thì anh có thể làm một họa sĩ tự do như mong muốn. Chị dù muốn giúp chồng cũng không thể, vì thiếu kiến thức chuyên môn, phần vì khiếu thẩm mỹ hạn chế.
Khi anh cầm cọ, đó là lúc mà chị nhận thấy người chồng lịch duyệt của mình trở nên xấu xí đến… đáng thương. Anh ta nhăn nhó như lúc đói bụng. Miệng không làu nhàu như khi thưởng thức món ăn mới mà chị làm cho bố con anh dùng. Có lẽ anh sợ ai đó sẽ cướp mất đi ý tưởng của mình. Hay là ý tưởng trong đầu anh quá ưu việt mà tay cọ của anh còn non kém nên chưa thể phác họa triệt để ý tưởng mới bày ra vẻ mặt khó chịu như vậy? Nhưng, suy cho cùng cũng chỉ có anh mới chuyển tải được nó. Ngay cả thầy của anh, người hiểu tay nghề và ý tưởng của anh từ khi anh còn là một thực tập sinh cũng đành bó tay.
Mặc dù thế, anh có lòng với nghệ thuật đã là một điểm cộng trong mắt chị.
Nhiều lúc chị nhận xét tranh, thì anh lại thở dài thở dắn: “Làng nhàng quá, biết gì mà nói”, “không hiểu tí gì về nghệ thuật cả” thành ra một mình anh sáng tác rồi tự chịu trách nhiệm thẩm định tác phẩm của mình. Chị luôn là một quân sư tốt và có tâm. Mỗi khi anh rối rắm, chỉ một ý kiến của chị cũng đã xoa dịu nỗi bức bối trong anh.
Tình thật mà nói, người phụ nữ ấy đã học cách đón nhận những thất bại của chồng bằng sự độ lượng của một người vợ. Kể cả khi anh khoát tay rũ bỏ công việc bảo trì máy ở công ty Quangvie, để trở thành một diễn viên mà kịch bản cho chính anh viết. Nhưng chị đã không cho phép chồng mình suy sụp, chị đã hướng anh đến với đam mê của mình. Mặc dù sự nghiệp của anh chỉ mới bắt đầu, mặc dù tranh của anh vẫn còn xếp hàng hàng lớp lớp ở phòng trưng bày.
Anh bẻ người đánh khục rồi lặng lẽ đi ra phòng trưng bày. Anh mở tủ lạnh, bật một lon tiger rồi đổ vật lên ghế sô pha tu liên lục. Cho đến khi cái vỏ bia gõ xuống nền gạch lạnh tanh những tiếng kêu giòn tan. Những âm thanh chỉ xuất hiện khi anh không vui. Tiếp đó, những tiếng thở dài mang theo tâm trạng ê chề lần lượt nối đuôi nhau như những đợt sóng liên tục xô cỡi.
Anh không nói nhưng chị hiểu tất. Những giây phút nặng nề trôi qua vì những nụ cười che lấp. Chị đứng thẳng thớm trước mặt anh, xinh đẹp như một mẫu ảnh. Sự xuất hiện của chị làm mặt anh đỏ hồng như một chàng trai mới lớn nghe cô giáo giảng những bài học về giới tính. Cái giọng nhã nhu đầy ma lực khiến anh phải giật mình:
- Sao thế anh yêu? Điều gì làm anh không vui?
Như định luật vạn vật hấp dẫn, anh nhìn xoáy vào chị rồi tặc lưỡi, lấy tay đập lên trán suy tư. Cái dáng vẻ không còn một xu lịch sự nào cả, cứ như nơi này chỉ mình anh ta:
- Chút việc vặt vãnh ấy mà…
Chị ngồi xuống thành tay vịn của chiếc ghế bành, tỏ vẻ thân mật:
- Đề nghị anh không nên nổi cáu với vợ, chí ít là với một người phụ nữ xinh đẹp như em.
Cứ mỗi khi họ gần gũi nhau như thế thì phòng trưng bày tạm đóng cửa một lúc. Nhưng lần này thì anh ta cưỡng lại được và hiện giờ anh vẫn chung thủy với tia nhìn xa xăm. Đến bây giờ chị mới bộc lộ sự khó chịu của mình, vì anh mà chị sao nhãng việc đọc sách khi câu nói kia thấm vào từng tế bào của chị. Chị đằng hắng một cái để chuẩn bị ré lên, cái giọng mà ngày mới yêu nhau, anh trót nhận xét “có chửi cũng nghe như Mỹ Tâm hát”.
- Thế nào hả anh, Thái? – Chị rướn đôi mày tô kẻ kỹ lưỡng - Anh nói hay không thì bảo?
Bỗng dưng mắt anh híp lại, môi dẩu lên:
- Như em thấy đó, cả tháng nay chả ai đến hỏi một bức tranh nào. Cái gì mà nghệ thuật? Giờ thì hay rồi đó, việc cũng mất, tiền cũng bay.
Chị nhướng đôi chân mày nhìn sững anh khi đoán đúng điều đã làm anh bực bội. Như một thói quen, chị sẽ không đổ dầu vào lửa mà sẽ vuốt ve anh bằng cái giọng mềm và ngọt:
- Chắc là anh chưa gặp thời thôi. Em có ý kiến thế này – chị lại giở giọng của một quân sư – có lẽ bạn bè và những người đam mê hội họa ở thành phố này vẫn chưa biết đến anh là ai. Thiết nghĩ một vài bài báo PR có lẽ sẽ cải thiện tình trạng này. Báo Sức Sống vẫn là lựa chọn đầu tiên của anh.
Chị đã gom hết những trăn trở của anh cho vào một cái hộp kín rồi nhốt lại. Điều đó đã làm gương mặt vốn u sầu của anh thoáng vui, như người bệnh đã khởi sắc sau khi uống đúng thuốc. Vì là người đề xuất nên chị cũng là người thực hiện ý định đó. “Thời sinh viên em có quen một tay nhà báo, quan hệ cũng khá tốt. Bởi thế mà việc nhờ anh ta viết cho vài chữ đăng báo Sức Sống cũng không quá khó”. Không phụ lòng người đẹp, tay phóng viên hào phóng còn viết tặng cho sự nghiệp vì nghệ thuật của chồng chị hai bài. Đúng như cái tên của nó, Sức Sống đã vực cơ ngơi của Thái dậy. Gã đã giúp anh một việc quan trọng nhưng anh cảm thấy tay nhà báo rặt một phóng viên báo lá cải chuyên cung cấp những tin tức vặt vãnh. Dù vậy, anh ta vui như sáo, những ngày sau đó cửa hàng trưng bày tranh ảnh ở khúc Võ Văn Điều rộn rịp hẳn lên. Những bức tranh mà trước kia không ai động tới bây giờ khách cũng đã “rước” về nhà.
Nhưng vài tuần sau, hai bài báo kia đã hết linh nghiệm. Anh nhận ra điều đó vì mấy hôm nay chẳng khách nào tìm đến phòng trưng bày của anh nữa. Lại một lần nữa điều đó làm anh đau đầu. Vợ anh cứ như ông Bụt, xuất hiện đúng lúc khó khăn. Chị phải nhỡ cả việc bếp núc khi nhìn thấy “đức ông chồng” yêu quý nhăn nhó mặt mày. Nhiều lúc chị muốn la hét sự thật vào tai anh nhưng chị không làm thế, chị không thể làm nhụt chí “đức ông chồng” được. Chị đã giam hãm nó trong một ý nghĩ hiếu kỳ để củng cố niềm tin nơi anh.
Anh cảm thấy chống chếnh nên âm vực có phần nhỏ nhẻ như người bệnh nói không ra hơi:
- Em có thể nhờ tay phóng viên ấy viết một bài PR nữa không?
- Chẳng phải vừa rồi anh ta đã giúp anh hai bài rồi sao? – Chị thẳng thắn nói.
- Có lẽ nó hết “linh nghiệm” rồi em à!
Chị vỗ vào khuỷu tay nhừ tử con muỗi:
- Em nghĩ anh nên vẽ thêm nhiều tranh và nhiều thể loại khác để đáp ứng nhiều khách, chứ cứ PR thế này mà tay nghề không thay đổi gì e là...
- Lần này nữa thôi em yêu, được chứ? – Anh ta nằn nì.
- Thôi được! Em đã có cách…
Câu nói của chị làm anh vui. Việc của anh bây giờ là ăn mặc thật đẹp, mở thật rộng cửa lớn để đón khách. Rồi anh sẽ như Basil Hallward* (* một nhân vật trong tiểu thuyết Chân dung của Dorian Grey của Oscar Wilde) một dạo đột ngột biến mất khiến cho giới hâm mộ tranh của London xôn xao lên vì không biết anh ta đã biến đi đâu. Rồi thì đúng như dự tính, ngày hôm sau, khách giành nhau mua tất cả những bức tranh của anh, họ còn xin anh chữ ký. Anh đặt bút ký vào bức tranh, cẩn thận như một nhà điều hương chính gốc. Làm nghệ thuật nửa năm, đây là lần đầu tiên anh cảm thấy hãnh diện và tự hào đến vậy. Tất cả đều thuận lợi, chỉ có chị là ủ rũ, đờ đẫn như vừa thức giấc sau một trận ngủ vùi. Chị đang tiếp tay phóng viên, anh nghĩ chắc chắn là chị đang cảm ơn bài báo tuyệt diệu ấy.
Sau đó, tay nhà báo lẳng lặng ra về. Giờ thì anh đã thấy những gì từng phán đoán về gã nhà báo là hoàn toàn sai trái. “Một tay nhà báo chính hiệu đấy chứ!”, anh nói bụng như thế. Đến khi giới mộ điệu tranh ảnh khuất dạng, anh mới có chút thời gian rảnh rỗi để trò chuyện với vợ mình. Mặt anh nở nụ cười ấm áp tận hưởng vận may vì tiếng thơm của anh đã tỏa khắp. Hôm nay, người nghệ sĩ hài lòng mọi thứ.
- Sao thế em?
- Anh vừa lòng rồi chứ? Nhưng e là chỉ lần này nữa thôi. – Chị ầm ừ muốn nói, lại không muốn nói. Điều quan trọng, chị không muốn đức ông chồng ngủ quên trên cành nguyệt quế.
- Vì sao thế em yêu?
Chị thảy cho anh tờ báo đã mang đến niềm vui hôm nay. Anh chụp lấy, đọc ngay:
- Sao… sao lại thế này?
Chị nhẹ giọng giải thích:
- Nếu em không nói là anh đã giải nghệ rồi thì họ có tới mua hết số tranh này của anh không?
V.C.N
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét