Trên văn đàn miền Nam trước năm 1945, Việt Châu là một trong những tên tuổi được biết đến rộng rãi, đặc biệt với tập thơ Lông ngỗng gieo tình được độc giả đương thời ái mộ. Tuy nhiên do ông mất sớm, rồi đến chiến tranh loạn lạc với bao thăng trầm, biến động, cái tên Việt Châu dần chìm vào bụi mờ thời gian. Ngày nay, tên tuổi ông dường như đi vào quên lãng, không còn được ai nhắc đến, những tư liệu về ông cũng rất hiếm hoi. Vậy Việt Châu là ai và có cuộc đời như thế nào?
Thi sĩ Việt Châu tên thật là Nguyễn Xuân Thiếp, sinh ngày 7 tháng 3 năm 1918 tại làng Tân Thạnh, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp). Tuy nhiên, gốc gác của ông lại ở Sơn Tây và là anh họ của nhà văn Nguyễn Hiến Lê. Thân phụ của Việt Châu là cụ Nguyễn Côn (1882 - 1960), hiệu là Phương Khê, là con thứ ba trong gia đình. Anh trai cả là cụ Nguyễn Nhuận, hiệu Tùng Hương. Anh trai thứ hai là cụ Nguyễn Cổn, hiệu Đạo Quýnh. Còn thân phụ của Nguyễn Hiến Lê là em trai út, tên là Nguyễn Bí, hiệu Đặc Như.
Thời trẻ, hai cụ Phương Khê và Tùng Hương là những người có tinh thần ái quốc sâu đậm và bầu nhiệt huyết canh tân, nên cùng tham gia phong trào Duy Tân và giảng dạy ở Đông Kinh Nghĩa Thục. Sau khi trường bị đóng cửa, Pháp lùng bắt những nhân vật có liên quan, cụ Tùng Hương mất tích, cụ Phương Khê tìm đường di tản vào Nam. Cụ đến Long Xuyên định cư năm 1908.
Do xuất thân trong gia đình có truyền thống Nho học, nên từ nhỏ Xuân Thiếp đã có tài thơ phú, ngoài ra còn biết chữ Pháp, chữ Hán và nghề Đông y. Ông bắt đầu làm thơ từ rất trẻ, khoảng 15 tuổi. Sau nầy trong hồi ký, Nguyễn Hiến Lê nhớ lại về anh của mình là người “có khí tiết mà mềm mỏng, khéo xử sự, biết lo cho gia đình mà có tài làm thơ, nên bác tôi mến nhất”.
Những tác phẩm thơ của Việt Châu được đăng nhiều báo ở Sài Gòn như tờ Lục tỉnh tân văn do Nguyễn Văn Ngọ làm Chủ nhiệm và Lê Hoằng Mưu làm Chủ bút, báo Mai của Đào Trinh Nhất, hay các tờ Gió mùa, Dân báo… Phong cách sáng tác của ông theo khuynh hướng Thơ Mới thời bấy giờ. Lúc sinh thời nhà thơ Việt Châu có đời sống giản dị, hằng ngày chăm sóc ruộng rẫy, có khuynh hướng ẩn dật. Có lẽ do sống trong không gian ruộng đồng sông nước, nên thơ Việt Châu thường mang đậm màu sắc dân dã, chân quê.
Năm 16 tuổi, ông xuất bản tập thơ đầu tay là Xuân xanh (1934). Hơn mười năm sau, đến khi 27 tuổi (1945), ông đã có 4 tập thơ được xuất bản và chúng được đông đảo độc giả trẻ yêu thơ thời ấy mến mộ. Các tác phẩm của Việt Châu gồm: Xuân xanh (1934), Tình thơ (1942), Lông ngỗng gieo tình (1942), Hải Đường hoa rụng (1944), Tráng sĩ ca (1945).
Trong đó có tập Lông ngỗng gieo tình là truyện thơ viết về sự tích Trọng Thủy - Mị Châu bằng thể thơ song thất lục bát, rất được mọi người tán thưởng. Năm 1942, Vũ Ngọc Phan từng đánh giá về tập Lông ngỗng gieo tình của Việt Châu: “Lời kể chuyện bằng thơ là một lối rất khó, xưa nay cũng chỉ mới có tập Kim Vân Kiều là quán tuyệt cổ kim, vậy mà ông Việt Châu đã viết tập Lông ngỗng gieo tình được như thế, nhất là lại dùng lối song thất lục bát là lối nay hình như các thi sĩ không dùng đến”.
Trên văn đàn trước năm 1945, Việt Châu là nhà thơ được biết đến không chỉ ở Nam Kỳ mà trên cả nước. Ông còn là bạn với các nhà thơ nổi tiếng đương thời như Nguyễn Bình, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Lê Tràng Kiều, Thụy An, Hoàng Dân… Tại quê nhà, ông thành lập nhóm sáng tác văn thơ mang tên Văn đàn Đốc Vàng Thượng. Đánh giá về sự nghiệp thơ của Việt Châu, Nguyễn Hiến Lê viết:
“Năm 1940 hay 41, mới 23 tuổi đã xuất bản tập thơ Lông ngỗng gieo tình (truyện Mị Châu, Trọng Thủy) được một số thi sĩ ở Bắc khen, rồi ít năm sau viết xong một tập thơ nữa trên ngàn câu về Dương Quí Phi, chưa xuất bản. Thỉnh thoảng có thơ văn đăng trên báo; lại giữ phụ trương văn chương một tờ nhật báo ở Sài Gòn, có nhiều bạn thơ ở Bắc, Nam, thường thư từ với Trần Huyền Trân, một thi sĩ theo Việt Minh từ trước 1944.
Trong cuốn Thi ca Việt Nam hiện đại (Khai Trí - 1967), Trần Tuấn Kiệt có chép sơ lược tiểu sử và trích ít bài thơ của anh. Thơ anh trôi chảy, bóng bảy, lãng mạn như các nhà thơ trẻ tuổi hồi đó, nhưng cũng có bài tả những cảnh chưa ai tả, như bài Hoa ô môi mà trong cuốn Thi ca Việt Nam hiện đại đã trích đăng”.
Bài thơ Hoa ô môi mà Nguyễn Hiến Lê nhắc đến có nội dung như sau:
“Bạn hãy dừng thuyền, lãng ngắm xa…
… In nền trời biếc một vùng hoa…
Mơ màng bạn nói như đương mộng:
- Hay gác Đằng Vương, bóng Lạc hà…
Bạn tới gần đi! Bạn tính chưa?
Một loài hoa lạ sống tiêu sơ,
Giữa vùng hoang dã trơ vơ đứng,
Bên mé kinh mông, nước đục hờ.
Xuân đã về đây, hoa nở rồi,
Màu phơn phớt đỏ, nụ như môi
Cảnh nhiều trinh nữ - son chưa thắm.
Trong bóng ngày xanh, mủm mỉm cười,
Lá đổ tàn rơi tự lúc nào:
Toàn thân hoa phủ, đẹp làm sao!
Giục người cô lữ Thăng Long nhớ
Vườn cũ, xuân quê, rộn ảnh đào.
Có những loài hoa đẹp tuyệt với.
Âm thầm cam số phận ô môi,
Cũng như những sắc tài không kẻ
Thương, hiểu, đành ôm hận mãn đời!”
Thi sĩ Việt Châu mất ngày 17 tháng 10 năm 1945 tại Cần Thơ khi mới 27 tuổi. Hậu duệ của ông ngày nay vẫn còn sinh sống ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Tuy nhiên, qua mấy mươi năm chiến tranh, tác phẩm của Việt Châu đã thất lạc rất nhiều, ngay cả gia đình cũng không còn giữ được bao nhiêu. Như Nguyễn Hiến Lê cũng đã từng kể “Nhưng có điều là do thời cuộc, thơ anh ngay vợ con anh cũng không giữ được”.
Trong phong trào Thơ Mới nói riêng và dòng chảy văn chương Việt Nam thời tiền chiến nói chung, nhiều cây bút miền Nam thường ít được nhắc đến. Ngay cả trong tác phẩm kinh điển của thời Thơ Mới là Thi nhân Việt Nam, tác giả Hoài Thanh - Hoài Chân cũng chỉ giới thiệu hai nhà thơ miền Nam là Đông Hồ và Mộng Tuyết. Việc biết thêm ở Nam Kỳ từng có những gương mặt văn chương nổi tiểng cả nước, như trường hợp Việt Châu, góp phần giúp người đời sau nhận định đầy đủ hơn về diện mạo và tiến trình văn chương trên vùng đất sớm tiếp xúc và hội nhập với văn hóa phương Tây.
V.T
Rất hay. Cám ơn đã chia xẻ.
Trả lờiXóa