Nhà báo, nhà thơ Trần Quang Khanh
33 năm trước, khi tôi còn học Văn ở Đại học Huế anh đã là một phóng viên tin yêu của Đài truyền thanh huyện. Nghỉ hè là thời điểm tôi về chơi với các anh! Chả biết vì tôi hiền hay nhiệt thành với bạn bè mà chỉ vài hôm làm quen thì cả đài huyện ai cũng quý. Anh bảo tôi: “Khanh đi viết bài cho đài đi” và rồi xin cấp cho tôi cái giấy giới thiệu.
Với cái giấy thông hành này, tôi đi khắp huyện mỗi đợt nghỉ hè, mà chủ yếu là về chơi với các sếp chủ nhiệm Hợp tác xã, UBND xã, Đài truyền thanh xã viết đủ các thể loại bài từ người tốt việc tốt đến bút ký, tùy bút... Mà vui! Cái thời bao cấp ấy đi cơ sở rất sướng. Hễ phóng viên về xã, về hợp tác xã thì thể nào cũng được bữa rượu thịt no nê (tôi được gọi là phóng viên thực tập).
Truyền thông ngày ấy thực sự là thời của loa đài. Báo giấy, báo hình là xa xỉ vì tivi cả làng được mấy chiếc, báo giấy giỏi lắm cũng chỉ về tới xã, tới thôn, mạng internet thì chưa ai biết đến khái niệm nó là gì. Loa đài truyền thanh thống trị hệ thống thông tin đại chúng! Loa dựng khắp đầu làng cuối xóm, loa đi vào từng nhà dân. Sáng sáng sau khi nghe: “Đây là đài tiếng nói…”, thể nào cũng tới lượt “Đây là đài phát thanh…” rồi “Đây là đài truyền thanh…”, cứ thế Đài Việt Nam, rồi Đài tỉnh, Đài huyện, Đài xã… (nghĩ thương cho thân phận cái loa vì giờ mà ai đó bảo “loa phường” thì cứ được hiểu như một sự tra tấn… ).
Tôi tâm huyết viết bài cho Đài huyện và mỗi sáng ra đứng hóng chờ trước trụ loa nghe phát thanh viên đọc… Nhiều lúc cũng ngất ngây sướng vì thấy sao mà mình viết hay quá!
Với anh, tôi rất quý! Nhiều lúc ra huyện lỵ là la cà, ăn ngủ ở nhà anh. Vợ chồng anh rất nghèo và đã mấy lần chuyển nhà tập thể… Có lần, khi tôi ở lại, anh đã phải sang hàng xóm mượn tạm ký gạo, nửa nấu thành cơm, nửa bán đi mua thịt cá đãi tôi (là gạo của thời ấy nửa ký cũng đủ có thịt cá). Việc này mãi sau anh tâm sự trên weblog tôi mới biết, chứ trông anh lúc nào cũng áo quần sáng láng thì đố ai mà biết anh nghèo!
Năm 1985, khi tôi về công tác tại báo Nghĩa Bình anh đã ôm đống bản thảo tập san “10 năm Đài Truyền thanh An Nhơn (1976 - 1985)” xuống ở chung trong căn phòng tập thể của tôi để biên tập và xúc tiến việc in ấn gần tháng trời… Chúng tôi lại chia nhau bát cơm tập thể ngày ngày, sống trọn vẹn nghĩa tình.
Ngày cưới của tôi, anh đi đám cưới bằng 3 cuốn sách!...
Đời lận đận thế nào lại xô đẩy anh ra khỏi biên chế nhà nước, cái nhà tập thể cũng không được ở, anh ngày ngày chở thịt heo cho vợ đứng quày ở chợ Bình Định và lại xuống nhận một chân làm hợp đồng cho Đài truyền thanh thị trấn…
Các con anh lớn lên, nhu cầu học hành tốn kém, anh chị lại bỏ quê vào Sài Gòn rồi Bình Dương mở quán bún cá, bún giò để nuôi con ăn học…
Rồi cũng có ngày được nghỉ ngơi. Khi hai con phương trưởng, anh trở lại quê nhà. Và với tất cả những gì tích lũy được trong cuộc đời làm báo, viết văn, rồi làm sách…, anh được tín nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật của thị xã quê tôi. Có tuổi nhưng sự nhiệt tình, năng nổ và say với phong trào, với bạn bè văn nghệ, anh đã làm được khá nhiều việc cho Hội quê nhà!
Tôi và anh đã bên nhau làm báo từ những ngày tôi chập chững vào nghề và đến giờ khi đã gần như cởi bỏ được “gánh nặng” gia đình thì anh lại bên tôi trên “chiến hào” văn nghệ!
Như ông bà vẫn nói “Oan gia ngõ hẹp”, anh em mình thì không gọi là “oan gia” mà ngõ cũng đâu có phải là thênh thang!
T.Q.K
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét