Nhà văn Đào Phạm Thùy Trang
Chị gọi điện bảo quán cà phê của chị tuần sau khai trương thêm dịch vụ đờn ca tài tử, em nhớ rủ bạn bè đông đông tới ủng hộ giùm. Vậy là quán của chị ăn nên làm ra, cũng mừng nhưng tôi cố trêu “Là có đại gia nào đó tài trợ hay sao mà ngon vậy chị?”. “Úy trời! Chị 45 rồi, đại gia không đa dại để bao gái già đâu em! Tự lực cánh sinh thôi à”.
Chị thuê mặt bằng của cậu tôi. Tôi hay sang chơi ra thân nhau là vậy. Chị vừa trò chuyện vừa khoác khoác thau nước rửa ly. Mấy cánh hoa buởi và vài chú rệp sáp vườn bên đáp vào thau nước quay mòng mòng mãi rồi cũng bị khoác ra đất. Chị bảo mấy con rệp sáp y như… cuộc đời chị. Bám víu rồi rơi xuống, dập duềnh trong biển đời, cuối cùng cũng… sống nhăn. Chị hay bảo tôi:
- Xin việc chi cho khổ hả em? Về đi, chị bày cách cho mà làm ăn. Nhà má vườn rộng chán, mở quán cà phê sân vườn, một vốn bốn lời cưng ạ!
- Em mở quán cho chị ế à?
- Sao ế?
- Em trẻ, em đẹp, em có quyền… câu hết khách của chị!
- Mơ đi cưng! Em trẻ thì khách trẻ. Chị sồn sồn sẽ có khách sừng sựt. Mà nói cho cưng biết nhé, khách trẻ toàn khảo tiền cha mẹ uống cà phê thôi. Khách sừng sựt của chị tự do làm ra tiền, tự do chi xài, có cho gái, vợ cũng không biết.
- Sao rành dữ vậy trời?
- Là kinh nghiệm bản thân. Đánh đổi cả hạnh phúc gia đình, sao không rành?
Gái quê. 18 tuổi chị lấy chồng theo lời ba mẹ. Cũng không nghề nghiệp gì, học hành chẳng tới đâu. Hết lớp 6 đã ở nhà phụ ba mẹ chăm em út, vườn tược. Chồng ở cùng huyện, hơn chị tám tuổi, có cơ sở thu mua ốc bươu vàng. Về làm vợ, chị không phải dầm mưa dãi nắng gì, ngày chỉ nấu ăn rồi cùng chồng cân hàng tấn ốc, ghi chép số ốc công nhân đập và bản thân rảnh rảnh cũng đậpb- tách vài trăm ký ốc chơi thôi. Sống với nhau 12 năm, hai con lên 10, đứa lên 7 thì chồng… có bồ nhí! Chuyện có bồ cũng tự nhiên như trút bao ốc ra rồi đập vỏ tách lấy thịt bỏ vô bao cân và giao cho vựa vậy. Chồng chị lái ốc, cô ấy là chủ vựa. Mấy phen giao hàng, ở lại chờ cân giao cho chủ đìa, chủ ao. Đàn bà tay mềm chân yếu, anh thanh niên sung sức, phụ nhau khiêng vác mớ bao, mớ sọt cho mau lẹ có gì đâu. Nhà chị vốn ít, ở lại giao hàng khuya thì được lấy tiền liền để sáng mai hoàn vốn cân hàng. Chồng đi sớm về khuya, lần nào cũng lý do khiêng khiêng vác vác. Riết rồi té ra không chỉ khiêng vác ốc mà lái hàng và bà chủ vựa còn vác nhau lên giường.
Chị đòi ly hôn cái sột, hồi đó trẻ nên “ngu mà lì” vậy đó em. Sao không nhịn nhục chút, mắt nhắm mắt mở chút, để con cái còn cha mẹ, gia đình không tan nát? Ừ mà làm sao chịu nỗi cảnh chồng chia. Cái tay này nó ôm mình cũng là ôm con khác; cái môi này nó hôn mình cũng là hôn con khác. Tức không chịu được. Đơn gửi rồi, tòa mời thụ lý mới té ngửa mình không được nuôi con với lý do chục năm nay mình chỉ ở nhà phụ chồng nên không có thu nhập chính. Vậy là không được “bắt” con. Tuổi trẻ mất, 12 năm toi mọi mất, hai núm ruột cũng lìa xa phũ phàng bằng câu “Khỏi cần cô cấp dưỡng, vợ chồng tôi đủ sức nuôi con”. Buồn quá, chị đi biệt xứ, thuê quán cà phê bán qua ngày.
Chồng chị sau ly hôn được… 2 tháng cũng cưới vợ ngay. Bà chủ vựa ốc đó chứ ai. Cơ sở thu mua ốc của ảnh thành chi nhánh của bà. Hai con chị thành công nhân không công mà chị nào hay biết. Hận chồng quá nên mỗi năm chỉ về thăm con có một lần vào dịp tết. Trong bụng cũng ấm ức “Không có tui coi anh nuôi tụi nhỏ ra sao”. Chả có nuôi đâu! Hai đứa trẻ tự nuôi nhau ấy chứ! Tết năm này, chị mua cho con vài bộ quần áo, ít quà bánh, đồ chơi… Tết năm sau về thấy dáng vóc còn gầy rạc đen nhẻm mà quần áo con sao mà te tua quá, đôi dép nhựa đã mỏng dính… Nhưng vẫn còn ức chồng cũ, không thèm hỏi han gì nhiều, vậy là không biết cuộc sống của con.
Sáu năm sau… Một buổi chiều, tự dưng có chiếc xe ôm đầy bụi đường chở hai thằng nhỏ tới quán, đòi trả tới 400 ngàn tiền xe. Hai thằng con khóc lu loa, nói hết ở nỗi với ba rồi, mẹ nhìn tay chân tụi con đi. Lội sình đến nứt cả chân, tay đập ốc, tách ốc đến lở lói như bệnh cùi. Ba và “bà đó” bắt tụi con mần như ở đợ mà nhà không có hột gạo. Cả tháng nay tụi con ăn ốc trừ cơm mẹ có biết không? Chị khóc theo con, khách uống cà phê lại xem như hát tuồng. Chị hỏi chúng: Mẹ có để lại số điện thoại, cực khổ quá sao hai con không gọi mẹ? “Ổng biểu bả giụt mất rồi, sao gọi được? Còn quần áo nè, mẹ nhìn đi, tết năm nay mẹ không về, tụi con không có đồ mặc. Hàng năm bả mua cho hai đứa chỉ một món đồ mới. Thằng này mua áo thì thằng kia mua quần. Năm sau đổi lại…”.
Chúng tìm được mẹ sau khi về nhà các cậu xin địa chỉ.
Chị thuốc men cho con lành các vết thương trên da thịt thì gửi con học thí công ở một tiệm sửa xe gần quán mình.
Mấy năm nay… Thằng anh đã thành nghề, làm lương 6-7 triệu/ tháng, còn được chủ bao cơm. Thằng em còn tập sự, chiều về ăn cơm nhà. Quán chị ngày càng đông khách, đã không còn thuê mặt bằng mà mua hẳn cục đất này. Cậu mợ em tốt bụng quá, cho mẹ con chị “trả góp” tháng 10 triệu. Con chị tính, lương hai anh em nó thì trả tiền đất, tiền lời từ quán cà phê thì cơm nước chi dùng cho mấy mẹ con. Ông chủ cửa hàng xe của nó mê đờn ca tài tử lắm, ông hỗ trợ dàn âm thanh, chị lo phần tài tử, tuần ba đêm hát hò. Vậy là có thêm tụ điểm giải trí lành mạnh cho bà con mình em há? Mà… chị nói đừng cười nghen, mộng chị cao lắm, sẽ sắm cho con cửa hàng xe máy để nó làm chủ chứ không đi làm mướn hoài đâu.
Vậy là đời chị "tiền hung hậu kiết” rồi còn gì?
Mà… khó nghĩ rồi em ạ, hơn tuần nay ba tụi nhỏ tìm đâu ra số điện thoại của chị, rồi xin lỗi, than vãn tùm lum. Nói biết lỗi rồi, chả và “người ta” bỏ nhau rồi, đã tán gia bại sản hết nên muối mặt xin chị. Dù sau cũng là tình cũ, có con có cái, chả xin chị cho trở về để gia đình đoàn tụ cho con có cha. Chị buồn cười quá, nhưng không chối được, dù sau đó cũng là cha của con mình. Thằng lớn thì nói “Mẹ muốn sao thì cứ làm, con không cản”. Thằng nhỏ bảo “Mẹ mà cho ổng về là con bỏ nhà đi đó! Cứ nhớ hồi đó ổng bỏ đói con là con ghét”.
Tôi bảo chị, thì từ từ mà tính. Đời không ai sống được hai lần, nếu êm nếu ấm chắc gì người ta đã tìm về với mình. Chị gục gặc, nói hận ngút trời nhưng đời đàn bà vẫn thường chết vì câu “tình cũ”…
Mà có lẽ chị nói đúng, bãn ngã đàn bà rất thiện lương. Rồi cứ ngoái nhìn kỷ niệm, cứ nghĩ rằng thôi thì chứ “cho người ta cơ hội” hoặc "dù gì cũng là cha của con mình”. Ơ thì…thật ra vợ chồng một cột một kèo vẫn hay hơn là chắp nối… Thật thà và thiện lương nhưng chính những hoang tưởng đó đã giết không biết bao nhiêu đời đàn bà để rồi khổ chồng thêm khổ mà không biết rằng số đàn ông “hồi tâm hối cải” thì ít mà chẳng qua chỉ tìm chỗ trú thân qua ngày để chuẩn bị… một cú nhảy vọt khác cao hơn, xa hơn thì nhiều.
Thau nước rửa phin cà phê của chị cứ là đà vài cánh hoa bưởi, vài xác rệp ráp đáp vào rồi quay mòng mòng trong làn nước. Xốc xoảng… xoảng mớ phin, muỗng cho ráo chị cười cười “Tình cũ không rủ cũng tới… dưng mà mười mấy năm nay chai ngắt, mốc meo hết rồi, tới chỉ để ngó nhau một cái thôi chứ mần ăn gì em ơi”.
Tôi chợt thấy lòng quặn lên nỗi khinh khi người đàn ông mà chị gọi là chồng. Đời người ta tiền có thể mất, nhà có thể tan, nhưng sĩ diện là phải còn. Anh ta đã quăng gương mặt mình ở đâu để nói lời xin “gia đình đoàn tụ” nhỉ?
Đ.P.T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét