VẪN THƠM HƯƠNG BỒ KẾT - Truyện ngắn Lê Minh Hải
Thứ Tư, 12 tháng 12, 2018
|
Cây bút trẻ Lê Minh Hải |
Ngôi nhà gỗ lợp mái lá cọ nằm giữa khu vườn sum suê cây cối. Những bụi tre nằm sát nhau, ở vòng ngoài cùng, như là phân định ranh giới với xung quanh. Đó là ngôi nhà của bà cháu Ngà.
Ngôi nhà ấy nghe nói là của một nhà giàu có, vì thế mà nó vẫn mang dáng dấp của một thủa vàng son. Nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ, nền lát gạch nung, gian giữa có kê chiếc sập gụ, tủ chè. Đúng là ngôi nhà của người giàu một thời, chứ ngày đó dân làng tôi toàn nhà vách đất lấy đâu bề thế như vậy. Ngay cả ngoài sân cũng được lát gạch đỏ au, thứ gạch nung bằng rơm, rạ qua thời gian mưa nắng, không hề bị rêu mốc mà ngày thêm đỏ và bóng lì.
Ông nội Ngà chính là con trai người chủ giàu có năm xưa, ông chỉ có người con trai duy nhất là bố Ngà. Nghe nói bố Ngà đã bỏ làng đi từ hồi Ngà mới ra đời, đi đâu cũng không ai biết. Mẹ Ngà sau khi sinh ra Ngà cũng bị băng huyết rồi mất, để lại hai bà cháu trong căn nhà lạnh lẽo. Ngà cứ lớn lên dưới sự chở che, nuôi nấng của bà. Vườn rộng, mùa nào thức nấy, lại sẵn có tre quanh nhà, thỉnh thoảng bán cho dân trong làng làm thúng mủng, rổ rá, bu sọt nên hai bà cháu cũng không đến nỗi khổ sở.
Tôi và Ngà đã từng có những tháng ngày thơ ấu êm đềm, vui đùa dưới tán cây, bóng tre của khu vườn. Nhà tôi ở ngay sát nhà của hai bà cháu nên tôi và Ngà thường hay chơi cùng nhau. Ngà là cô bé hồn nhiên và vui vẻ, vậy nên hai đứa chơi với nhau luôn cười vang ngõ. Tôi thường thích nhìn cô bé cười, lúc ấy đôi mắt đen long lanh trông rất đẹp, hai bím tóc ngoe nguẩy thật dễ thương.
Chúng tôi lớn lên và vẫn thân thiết như trước. Có điều không còn cùng nhau chơi những trò trẻ con như xưa nữa. Cùng lúc đó tôi mới nhận ra rằng Ngà đã là một thiếu nữ. Đôi má em trở nên tròn trịa, hồng lên, đôi môi cười duyên và ánh nhìn bẽn lẽn. Mắt tôi vô tình chạm phải nơi ngực em, khuôn ngực nhô lên phập phồng theo nhịp thở. Từ đó tôi thấy mình có điều gì đó khang khác mỗi khi hai đứa gặp nhau, có những lúc một mình, chợt nhớ đến em mà lòng tôi cồn cào. Cảm giác đó không rõ ràng nhưng làm cho tôi thấy ngượng ngùng, mặc dù chả ai biết và tôi cũng không làm điều gì xấu. Tôi vẫn hay sang nhà thăm hai bà cháu. Em thường phần tôi những quả thị, quả ổi chín vàng thơm nức mũi. Tôi đón nhận chúng với niềm vui thích, không phải là niềm vui thích của một cậu bé khi được ai đó cho quà. Tôi đã có một niềm vui khác, đó là được chạm vào bàn tay thon mềm, trắng trẻo của Ngà. Và khi được gần kề khuôn mặt em, lòng tôi thầm dâng lên một nỗi niềm thầm kín. Nghe hơi thở em nhè nhẹ êm ái tôi lại ước ao được đặt lên đôi môi đỏ múm mím ấy những nụ hôn êm.
Chúng tôi yêu nhau, tự nhiên như hương thị, nhẹ nhàng như gió thu. Hai đứa thường dạo trong khu vườn như ngày xưa. Những đêm trăng sáng lại cùng bà trải chiếu ngồi ngoài hiên hóng gió. Bà ngồi nhai trầu bõm bẽm, vị trầu nồng nồng bay ra theo từng lời kể chuyện. Đó là những câu chuyện thời bà sống, những chuyện về làng này. Ngà thường hay hỏi về người bố chưa hề biết mặt của mình. Những lần như thế bà lại buồn buồn, nhưng hầu như bà toàn kể chuyện vui, không thấy lời nào oán trách. Đó là những kỷ niệm về cậu con trai thời còn nhỏ tinh nghịch thế nào, những lần cậu trốn học, những bận bị đòn roi. Ngà ngồi nghe mê mải, chắc em đang cố tưởng tượng ra khuôn mặt người cha của mình. Những lúc ấy tôi thấy thương em biết bao.
Khuya, bà đã đi ngủ, hai chúng tôi vẫn ngồi đó thủ thỉ bao điều. Đêm càng khuya ánh trăng càng sáng, khoảng sân loang loáng ánh trăng. Tôi dắt em ra nơi đầu ngõ, ánh trăng vẫn theo chúng tôi, những ánh sáng lọt qua bóng tre lay động nhảy múa chập chờn. Dưới ánh sáng ấy tôi vẫn nhận rõ khuôn mặt Ngà như sáng lên và vẻ đẹp ấy làm tôi mê mẩn. Tôi nắm đôi bàn tay em ve vuốt, đôi bàn tay nhỏ xinh nằm gọn gẽ trong tay tôi, ngoan ngoãn. Tôi vòng tay ôm em, hai nhịp thở gấp át đi cả tiếng gió và âm thanh lao xao của rặng tre. Hai thân thể như muốn hòa vào nhau, tan ra quyện vào ánh trăng. Cứ thế, chúng tôi ở bên nhau mặc thời gian trôi. Mặc cho trăng cứ sáng. Mặc cho gió cứ thổi và sương đang rơi.
Tôi vào đại học. Hai năm sau em cũng đỗ vào một trường cách trường tôi không xa. Hai đứa vẫn thường rủ nhau về quê, vẫn hẹn hò trong khu vườn ngập ánh trăng và lao xao lời của lá. Bà đã già hơn, vẫn nhai trầu như ngày nào, có điều không còn ra ngồi ngoài thềm như trước. Bà bị đau lưng không ngồi được lâu, thế nên bà nằm trên chiếc võng ở trong nhà. Tiếng bà vẫn vang và rõ, bà nói vọng ra:
- Trăng sáng quá hai đứa nhỉ!
- Vâng, thích quá ạ!
Chúng tôi nhìn nhau. Trời ơi! Sau bao nhiêu năm vẫn vậy, mỗi khi bà nói hay hỏi điều gì chúng tôi vẫn hay đồng thanh đáp giống nhau như thế.
Ngà nói muốn gội đầu bồ kết, lá bưởi. Tôi bảo đêm khuya rồi gội đầu làm gì, không khéo lại bị cảm. Em lườm tôi, chạy xuống bếp bưng ra nồi nước đã chuẩn bị sẵn. Tôi lấy gáo dừa múc nước tưới lên tóc cho em. Đã bao nhiêu năm nay bà vẫn quen dùng chiếc gáo dừa để múc nước. Bà thích dùng những thứ ở quanh mình chứ không quen dùng đồ nhựa. Hình như thói quen đó đã truyền sang cả em, thế nên lần nào về quê em cũng nhất quyết phải gội đầu bồ kết, lá bưởi. Có lần trên phố hai đứa đang đi dạo, em chợt vùi đầu vào ngực tôi, nức nở: "Anh ơi! Em nhớ bà quá"."Ừ, thế chủ nhật mình về nhé". "Vâng, về em còn gội đầu nữa". Tôi trêu: "Ơ, thế trên này em không gội đầu à? Thảo nào, hôi quá!". Em đẩy tôi ra đấm vào ngực tôi thùm thụp.
Tôi múc nước sóng sánh ánh trăng dội lên tóc em, ánh trăng phủ lên tóc một màu huyền ảo, nước gội đầu đưa lên mũi tôi một mùi thơm da diết.
- Eo ôi, tóc vàng, tóc đỏ mà gội đầu bồ kết. Buồn cười nhỉ?
Ngà cười khanh khách:
- Vâng! Gội bồ kết cho tóc đen lại, cho đúng chất con gái nhà quê.
Tôi cũng cười vang và nghĩ nếu bây giờ trên phố mà có một đứa con gái tóc đen óng thì sao nhỉ? Có lạ lắm không? Có bị cho là quê mùa, lập dị không? Nhưng liệu có ai biết, một cô gái tóc vàng, tóc đỏ vẫn thèm gội đầu bồ kết? Chả biết nữa, nhưng tôi cũng như em đã yêu cái hương quê ấy rồi, nó đã ngấm vào máu thì làm sao có thể quên?!
Ngà đã gội đầu xong, em ngồi trước sân, nhẹ nhàng chải tóc. Gió thổi nhè nhẹ như tiếng thủ thỉ của khu vườn, nghe êm ái. Gió xô ngọn tre gật gù, thân tre cọ vào nhau phát ra âm thanh cót két, những tay tre giằng nhau kêu loạt soạt. Hương cau đưa vào thơm dịu, thoảng vào lòng tôi những điều bình dị thân thương. Ngà ngồi gần tôi, gục đầu lên vai tôi, mùi hương mát lành từ tóc toả ra cho hồn tôi thanh thản. Hai đứa tựa vào nhau nghe những thanh âm nơi vườn quê khi đêm xuống. Dường như chúng tôi cùng cảm nhận sự bình yên đến vô cùng, tưởng chừng như không thể bình yên hơn được nữa. Hai đứa không nói câu gì, hồn chúng tôi đang giãn ra, tận hưởng những điều thanh sạch.
Lâu lâu một chút, Ngà quay sang tôi, em nhẹ nhàng ngả thân hình mềm mại xuống chiếu, gối đầu lên đùi tôi, một tay quàng ra ôm lấy eo tôi. Em nói nhỏ, vừa để tôi đủ nghe:
- Anh ơi, sau này mình về quê sống đi, dưới bóng mát khu vườn.
- Ừ, học xong mình sẽ về quê xin việc nhé. Rồi đẻ một đàn con ríu rít.
- Nhưng thế thì em sẽ rất nhanh già. Lúc đó anh sẽ chán em, sẽ nhăn nhó, cáu gắt.
- Thế thì thôi, không đẻ. Mình sẽ cứ như thế này đến già nhé.
Chả biết Ngà nghĩ gì mà im lặng một lúc rồi véo tôi, cười rúc rích. Sương đã xuống lành lạnh, tôi về nhà ngủ để sáng hôm sau hai đứa lên thành phố. Ngà tiễn tôi ra cổng, hai đứa lại ngập trong nụ hôn dài, mãi cánh cổng gỗ mới được khép lại, và tôi về.
Chúng tôi mải miết với những giờ trên lớp, tan trường lại lao vào làm thêm kiếm tiền đóng học phí. Một hôm, Ngà điện cho tôi nói em về quê có việc gấp. Tôi thấy lạ, bởi trước tới giờ hai đứa luôn về cùng nhau, nếu một đứa bận thì cùng ở lại chứ không đứa nào về một mình bao giờ. Tôi biết là có điều gì đó em chưa tiện nói nên cũng không gặng hỏi. Lòng tôi bồn chồn lo lắng, mong em sớm trở lại cho tôi biết sự tình.
Em lên, vẻ mặt đăm chiêu nặng nề. “Bố em về”, em nói trong hơi thở, vẻ thảng thốt hiện lên làm em ngây ra trong thoáng chốc. Tôi nắm lấy tay em vui sướng thốt lên:
- Tốt quá rồi. Ôi, mừng cho em!
Em nhìn thẳng vào mắt tôi, đôi môi rung lên, hai dòng nước mắt chảy dài:
- Ông ấy đã bỏ em bao nhiêu năm nay, có ngó ngàng gì đâu. Em chỉ có bà, bà là mẹ cũng là bố em. Và em cần anh nữa. Thế thôi!
- Nhưng dù gì thì ông ấy vẫn là người sinh ra em cơ mà – tôi nói.
Ngà ôm tôi, khóc nấc, những giọt nước mắt nóng hổi chảy ướt vai áo tôi. Vòng tay vỗ lưng và vuốt tóc em, chẳng thể nói gì hơn, lúc này tôi chỉ làm chỗ dựa để lòng em bớt rối bời.
Tôi biết, Ngà nói là nói vậy thôi chứ thực tình em cần và mong bố lắm. Tôi đã từng nhiều lần bắt gặp ánh mắt thèm thuồng của em khi nhìn thấy người khác có bố thế nào. Và có lần em thủ thỉ: "Anh ơi, em ước có ngày sẽ gặp bố". Nhưng sao giờ đây người bố ấy đã trở về mà em không đón nhận? Tôi nghĩ đó chỉ là phản ứng ban đầu mà thôi và âu đó cũng là điều dễ hiểu ở đời.
***
Từ ngày Ngà chuyển đến ngôi biệt thự ở cùng bố mình, tôi thấy giữa hai đứa có một khoảng cách vô hình nào đó. Tôi đã đến ngôi biệt thự mấy lần nhưng vẫn cảm thấy xa lạ và ngượng ngùng. Bố Ngà biết tôi là người cùng làng nên có vẻ cũng quý, nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn không thể hòa nhập để nói chuyện, sự xa hoa, lộng lẫy làm tôi choáng ngợp.
Những lần đi chơi với nhau trên phố, tôi và Ngà vẫn đi sát nhau mà lòng tôi trống vắng. Tôi đi bên người yêu mà thấy mình thừa ra, lạc lõng, lạc lõng trong câu chuyện, lạc lõng vì vẻ ngoài của nhau. Giờ em đã là con gái nhà giàu, tôi vẫn là anh chàng nhà quê cũ kỹ. Em giờ toàn kể chuyện đi shopping, những món hàng đắt tiền, những bữa ăn sang trọng, những người bạn mới... Còn tôi, tôi vẫn như xưa, vẫn đời sống ấy, vẫn nói chuyện làng, vẫn ôm hoài niệm về những ngày thơ ấu. Khi hai đứa gần gũi, ôm ấp nhau, mùi nước hoa từ cơ thể Ngà xộc vào mũi tôi, làm đầu óc tôi váng vất, và tôi sợ mỗi khi gần em. Tôi đã đẩy em ra, hai mắt em nhìn tôi ngơ ngác trước thái độ bất ngờ, vô lý đó.
Ngà ít về quê và ít nhắc đến bà hơn. Tôi trách thì em cười vô tư, đôi khi tôi còn cảm nhận từ em sự lơ đãng, hay thậm chí là dửng dưng. Tôi buồn. Tôi tiếc những ngày trong quá khứ, tôi đã từng nghĩ giá như em không gặp lại bố mình. Rồi tôi chợt thấy mình ích kỷ quá. Lẽ ra tôi phải mừng cho em chứ, giờ em đã được bù đắp cho quãng thời gian bị thiệt thòi trước đây. Nghe nói, ngày ấy bố Ngà bỏ làng theo một người đàn bà, con nhà bề thế trên thành phố. Ông được thừa hưởng gia sản của gia đình vợ, vì bố vợ ông chỉ có duy nhất một người con gái. Càng ngày ông càng làm cho công ty kinh doanh bất động sản của mình phất lên. Mải mê với sự giàu sang, mải kiếm tiền và bộn bề công việc, ông đã dần quên đi mẹ già, quên đi đứa con gái của mình; chỉ khi vợ mất, hai đứa con trai sang định cư bên trời Tây, ông mới nhớ đến hai bà cháu Ngà.
Bà nội Ngà nhất quyết ở lại làng không chịu lên thành phố với con và cháu, bà bảo với bố Ngà: "Anh đón con Ngà lên đấy để nó có điều kiện học hành tốt hơn. Mẹ già rồi, bấy nhiêu năm sống ở quê quen rồi không lên phố đâu!" Bố Ngà nói thế nào bà cụ cũng không chịu, thế là đành thôi.
Tin bà của Ngà mất làm tôi choáng váng. Những kỷ niệm về bà, hình ảnh ngôi nhà và khu vườn thân quen hiện lên làm tôi nức nở, lòng tôi đau xót khóc thương. Tôi cùng Ngà về quê, ngồi cạnh tôi em không khóc, đôi mắt đờ đẫn nhìn vào khoảng không vô tận, lặng im. Dân làng và người nhà đã về hết mà Ngà vẫn ngồi bên mộ bà, miệng thì thầm, thi thoảng hai bờ vai em rung lên bần bật. Tôi ngồi cạnh em, không nói gì chỉ hi vọng rằng có tôi ở bên em sẽ đỡ trống trải và vơi bớt đi nỗi buồn đau.
Bố Ngà đã xây ngôi nhà nới to đẹp thay cho ngôi nhà cũ trước đây. Ông bảo đó là nơi hương khói tổ tiên và là nơi thờ mẹ, cũng là nơi để bố con ông về nghỉ ngơi thay đổi không khí. Rặng tre quanh nhà đã bị chặt bỏ, thay vào đó là tường xây, nửa bên trên có những thanh bê tông sơn giả gỗ đều tăm tắp. Khu vườn cũng được ông chặt và trồng mới nhiều giống cây lạ. Nhưng theo ý của Ngà thì hàng cau, giàn trầu, cây bồ kết và cây thị ở sau vườn, cây ổi ở đầu hồi, cây bưởi trước sân vẫn để nguyên như cũ.
Một đêm trăng sáng, Ngà lại gội đầu bên giếng nước trước sân. Vẫn như mọi lần, tôi múc thứ nước thơm quen thuộc tưới ánh trăng lên tóc em.
- Thơm quá! – tôi hít hít và nhắm mắt tận hưởng mùi hương.
Em cười, tiếng cười trong và vang như xưa:
- Gớm, giờ anh mới được ngửi đấy à? Mau múc nước cho em đi, làm gì mà chậm thế!
- Đây đây. Xin phục vụ tiểu thư.
- Này, tiểu thư nào? Gái quê chính cống đấy nhé.
Phải rồi, chả có tiểu thư nào hết, chỉ có Ngà của tôi thôi, cô gái quê yêu gội đầu bồ kết, lá bưởi. Vậy mà đã có thời gian em quên đi điều ấy, vậy mà tôi đã từng nghĩ em sẽ không bao giờ còn quay lại được như xưa, từng nghĩ tôi sẽ mất em. Chúng tôi lại ngồi bên nhau ngắm trăng. Tôi ôm chặt Ngà, cảm nhận từng hơi thở, nhịp tim nhanh, làn da con gái mát mẻ đưa hồn tôi ngân lên những cung bậc êm ái, miên man. Chợt Ngà thổn thức:
- Anh ơi! Em nhớ bà quá!
- Ừ, anh cũng thế.
Hai đứa cùng lặng im, những ngày cũ xa xôi, buổi ấy có bà, còn khu vườn quê xanh mát thì thầm tiếng gió lại ùa về… Tôi vẫn ngồi lặng không nói, nhắm mắt để thấy rõ hơn nơi tóc Ngà hương bồ kết vẫn thơm!
L.M.H
Tags:
Lê Minh Hải,
TRUYỆN NGẮN,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét