Yêu quý Tản Đà đã lâu nhưng chưa một lần được về quê ông để ngắm núi Tản sông Đà và thắp một nén nhang cho người “chủ soái” của phong trào Thơ mới. Ao ước ấy rồi cũng có dịp trở thành hiện thực khi tôi cùng một số đồng nghiệp được phân công về làm thi học sinh giỏi tại Vật Lại, Ba Vì. Cuối năm trời âm u, gió rét, mưa phùn nhưng hiểu ý nguyện của anh em chúng tôi các bạn ở phòng Giáo dục và Đào tạo Ba Vì đã không ngần ngại liên hệ với gia đình nhà thơ và đưa đoàn về làng Khê Thượng thăm khu lưu niệm và viếng mộ Tiên sinh vang bóng một thời.
Cuối chiều, khi tan cuộc họp với Hội đồng thi, chúng tôi rời trường THCS Vật Lại, theo bờ đê bên hữu ngạn sông Đà đi về Khê Thượng, quê hương của Tản Đà tiên sinh và cũng là nơi đặt mộ phần của người sau bao năm bôn ba lưu lạc khắp nơi đất khách quê người. Con đường về Khê Thượng trong chiều mưa phùn gió bấc khi đi qua “thành phố buồn” Yên Kỳ thật vất vả với những ổ voi ổ gà gập ghềnh bên các vũng lầy nhầy nhụa bùn đất của con đường đang làm dang dở. Cái nghĩa trang khổng lồ của Hà Nội thật rợn với hàng chục quả đồi lớn nhỏ nhìn hút tầm mắt chẳng thấy trời ngó xuống cũng không thấy đất chỉ loang loáng những dãy mộ với hàng trăm hàng nghìn ngôi nối đuôi nhau dài tít tắp trông như một ma trận. Tiết trời âm u lại sụt sùi mưa rét khiến cái lạnh như thấu xương cộng với con đường khó đi và âm khí nặng nề của nghĩa địa càng làm cho tâm trạng mọi người có cái gì đó như đang chùng xuống, ngoài trừ một điều còn làm cho mọi người háo hức là những câu chuyện về Tản Đà và hình ảnh cái làng sơn thuỷ hữu tình của quê ông, nơi ông đã từng miêu tả “Nước rợn sông Đà con cá nhảy/ Mây chùm non Tản cánh diều bay” đang hiện lên trong trí tưởng tượng của những người lần đầu mới được đặt chân đến. Và cứ như thế những câu chuyện rôm rả nối dài không ngớt đã đưa chúng tôi lên trên mặt đê để tiến về Sơn Đà nơi có cái làng Khê Thượng.
Triền đê về làng Khê Thượng thật đẹp. Cuối năm, nước con sông Đà êm ái chứ không còn hung dữ nữa nên những doi cát nổi lên giữa lòng sông và hai bên bờ bãi thật hiền hoà cùng dòng nước đìu hiu nhìn mà mơ mộng. Con đê uốn lượn mềm mại bên những xóm làng và được bao bọc bởi những khóm tre xanh biếc đang đung đưa trong gió chiều khiến cho cảnh bờ bãi thật thanh bình. Thấp thoáng trên dải đê dài hun hút và mênh mang đôi bờ ấy lại được điểm xuyết bởi những cặp bò bê đang nhởn nhơ, đủng đỉnh nô đùa hay cặm cụi gặm cỏ càng khiến cho cảnh chiều hôm xứ Đoài hiện lên tựa như một bức tranh và đẹp đến nao lòng, hút hồn mê mẩn khách lãng du. Cảnh vật trời mây sông nước như thế tôi cứ ngỡ như Tản Đà đang khăn xếp cầm tay gương mặt nở nang đỏ hồng men rượu phất phơ trong cánh áo lụa trắng đang nhanh chân rảo bước trên con đường quê trong buổi chiều tà cho kịp về nhà như bức tranh của ai đó đã từng vẽ Tiên sinh.
Chiều cuối năm làng Khê Thượng thật yên tĩnh. Đúng là miền cổ tích của những “giấc mộng lớn”, “giấc mộng con”. Mặt nước hồ xanh biếc phẳng lặng như một tấm gương soi bóng cây cầu bê tông lát gạch vuông màu đỏ vắt ngang làm thành con đường dẫn vào khu nhà lưu niệm cùng nấm mồ của người thi sĩ tài hoa trong một khuôn viên khá rộng và xanh mướt bóng cây. Trong hiu hiu gió thổi và lất phất mưa bay, giữa nghi ngút trầm hương quấn quyện ta như chợt thấy anh linh của người đang hiện về đâu đó ngất ngưởng với bầu rượu túi thơ một cách đầy lãng tử, tài hoa của những kẻ: “Tài cao phận thấp chí khí uất/ Giang hồ mê chơi quên quê hương”. Giữa mênh mông trời đất cao rộng và khoáng đạt, trong ngôi nhà năm gian mặc gió vào ra, trên bàn thờ đôi mắt tinh anh qua di ảnh của nhà thơ hiện lên hiền dịu và sáng ngời như một vì sao khiến bao người phải nhỏ lệ xót thương cho số phận của một con người sinh nhầm thời, đến nỗi phẫn uất quá mà phải thốt lên rằng: “Bởi ông hay quá ông không đỗ/ Không đỗ ông càng tốt bộ ngông”. Con người “ngông” ấy “khi làm chủ báo, lúc viết mướn” nhưng “Hai chục năm dư cảnh khốn cùng”. Bi kịch cuộc đời đẩy ông vào chỗ “lấy thơ làm nguồn năng lượng bứt phá”, mượn “rượu để làm tan biến những cơn mê”. Suốt đời, Tản Đà xê dịch, phiêu bạt khắp “ba kỳ” trong cảnh “vợ chồng biệt ly” làm bạn với rừng biển, gió trăng để mặc “quê hương thì có cửa nhà thì không”. Thậm chí, con người ấy đến khi mất rồi mộ phần vẫn còn long đong nay đây mai đó hết ở Thanh Xuân nơi mất lại về Mỹ Đức quê vợ. Bây giờ, ông đã được nằm yên nghỉ dưới ba tấc đất của quê nhà núi Tản sông Đà có lẽ Tiên sinh chắc cũng thoả lòng mong ước mà ngận cười nơi chín suối.
Nhớ lại, gần tám mươi năm trước (năm 1941) hai anh em Hoài Thanh và Hoài Chân khi phê bình về phong trào Thơ mới trong cuốn “Thi nhân Việt Nam” đã trịnh trọng rước di ảnh Tản Đà lên trang đầu mà “thỉnh” anh linh nhà thơ về và phong cho làm chủ soái Tao đàn: "Hội Tao Đàn hôm nay đông đủ hầu khắp mặt thi nhân, chúng tôi một lòng thành kính rước anh linh tiên sinh về chứng giám. Anh em ở đây, tuy người sau kẻ trước, nhưng ai nấy đều là con đầu lòng của thế kỷ XX. Trên hội Tao Đàn, chỉ tiên sinh là người hai thế kỷ. Tiên sinh sẽ đại biểu cho một lớp người để chứng giám công việc người kế tiếp. Ở địa vị ấy còn ai xứng đáng hơn tiên sinh? ... Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đương sắp sửa... với chúng tôi, tiên sinh vẫn là một bậc đàn anh... Tiên sinh còn giữ được của thời trước cái phong thái vững vàng, cái cốt cách ung dung... Tiên sinh đã đi qua giữa cái hỗn độn của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX với tấm lòng bình thản một người thời trước... những cảnh éo le thường phô bày ra trước mặt không làm bợn được linh hồn cao khiết của tiên sinh. Cái dáng điệu ngang tàng chúng tôi thường thấy ở các nhà thơ xưa, ở tiên sinh không có vẻ vay mượn. Cái buồn chán của tiên sinh cũng là cái buồn chán của một người trượng phu... Thôi, Hội Tao đàn đã đến lúc mở. Xin tiên sinh hãy khai hội..." (Cung chiêu anh hồn Tản Đà - Thi nhân Việt Nam). Còn Nguyễn Tuân thì bảo: “Trong chốn Tao đàn, Tản Đà xứng đáng ngôi chủ suý, trong Hội tài tình, Tản Đà xứng đáng ngôi hội chủ mà làng văn làng báo xứ này, ai dám ngồi chung một chiếu với Tản Đà”.
Chỉ vậy thôi, vị trí của nhà thơ núi Tản sông Đà đã được xác lập. Ông không chỉ là cây cầu nối của văn học Việt Nam cổ điển và hiện đại mà còn là một trong những người “mở đường thơ ca hiện đại, bước ngoặt lịch sử của văn học Việt Nam”. Phải nói rằng, cho đến tận bây giờ, trên bầu trời văn học Việt Nam, ông là một vì tinh tú rất lạ, không thể lẫn vào những ngôi sao sáng nào khác. Vậy thì cái gì đã làm nên những giá trị và sự khác thường, riêng biệt đó? Có lẽ, ngoài tài năng ra thì còn phải kể đến một số phận khác thường của ông khi gặp phải buổi giao thời “gió Á mưa Âu”: “Chữ nghĩa Tây Tàu chót dở dang/ Nôm na phá nghiệp kiếm ăn xoàng”. Cũng giống như Tú Xương “Thi không ăn ớt thế mà cay”, Tản Đà giỏi giang chữ nghĩa nhưng lận đận đường khoa bảng. Thêm nữa chuyện tình tan vỡ lại càng làm ông buồn chán thế thái nhân tình. Ông lang thang phiêu bạt với “Túi thơ đeo khắp ba kỳ/ Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng”. Ông hết viết văn lại làm báo để mưu sinh nhưng cuộc đời vẫn không thoát khỏi số phận hẩm hiu nghèo đói: “Bẩm trời cảnh con thực nghèo khó/ Trần gian thước đất cũng không có”; “Cơm dưa muối khó khăn mới có/ Của không ngon nhà khó cũng ngon”; “Người ta hơn tớ cái phong lưu/ Tớ cũng hơn ai cái sự nghèo”. Phẫn uất với thế thái nhân tình mà ông chìm trong rượu: “Say sưa thì cũng thói hư đời/ Hư thời hư vậy say thời cứ say/ Đất say đất cũng lăn quay/ Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười”; “Trời đất sinh ta rượu với thơ/ Không thơ không rượu sống như thừa”. Say chán thì lại ông phát ngông: “Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi/ Trần thế em nay chán nửa rồi/ Cung quế đã ai ngồi đó chửa/ Cành đa xin chị nhắc lên chơi”.
Thế thời, đau đời có tránh được đời đâu nên bất đắc chí ông thành như vậy. Bởi vậy ông phát ngông nhưng đó là cái ngông phản ứng bất hoà của người nghệ sĩ với thực tại. Còn ra sâu thẳm trong ông, đằng sau cái bề ngoài “Tiên tửu”, ngông cuồng phá cách đầy ngạo mạn kia vẫn ẩn chứa một tình yêu con người tha thiết, một nhân cách yêu nước đến tột cùng của một nhà nho đang bế tắc, bất lực trước thời cuộc. Nỗi niềm thầm kín ấy được ông gửi gắm một cách kín đáo nhưng không kém phần da diết, thiết tha: “Nước non nặng một lời thề/ Nước đi, đi mãi, không về cùng non/ Nhớ lời nguyện nước thề non/ Nước đi chưa lại non còn đứng không/ Non cao những ngóng cùng trông/ Suối khô giòng lệ chờ mong tháng ngày...”
Bâng khuâng chiều cuối năm trên làng Khê Thượng, chúng tôi cùng cụ Nguyễn Quốc Vượng, cháu bốn đời của nhà thơ, hiện đang là người được dòng họ cử ra trông coi khu nhà lưu niệm và mộ phần của Tiên sinh, thắp nén trầm nhang tưởng nhớ người xưa đã khuất mà trong tâm tưởng sao thấy âm vang một giọng thơ da diết chất chứa những nỗi niềm nhân thế. Hồn người thì đã phiêu diêu nhưng những dấu chân tuổi thơ của thi nhân trong câu chuyện của người cháu bốn đời nghe như còn vương đâu đó trên bờ đê ngọn cỏ, lối xóm quanh làng. Xóm thôn bờ bãi đẹp tựa chiêm bao làm vương vấn lòng người. Hèn chi trung thần nhà Lê chẳng treo ấn từ quan mà về đây mà dựng nghiệp! Chắp tay cúi lạy Tiên sinh muợn lời người trước tri âm viếng người: “Ôi thôi! hỡi bác Tản Đà/ Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời/ Xa trông mây nước ngậm ngùi/ Tấm lòng thương nhớ mấy lời viếng thăm”.
P.A
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét