Ai ở nông thôn cũng từng biết đến cỏ, từng yêu ngọn cỏ non giăng mắc phía tuổi thơ diệu vợi. Đó là khi trò chơi trẻ dại diễn ra, ngay tại bãi cỏ xanh mượt, nơi chân đê nghiêng nghiêng cong như cánh cò bay lả. Trò chơi chọi gà, chơi cỏ lau, chọi cỏ may hay chỉ là những buổi chiều đuổi cào cào, bắt bươm bướm, đổ nước bắt dế trên đồng cỏ xanh rì.
Và nếu yêu cỏ hơn nữa, người ta có thể nằm lên đó, ngước nhìn trời xanh, dang rộng cánh tay ra mà hít hà thư thái. Một cảm giác đặc biệt, êm đềm như nhung, như dựa vào một đám mây diễm tuyệt nào đó. Tôi yêu cỏ và thương từng cọng lá dưới chân mình. Bởi cỏ đỡ chân tôi, ôm tôi mỗi khi ngã sấp ngửa vì mải chạy hay khi tôi nằm xuống. Và tuyệt vời hơn, khi áp má xuống lòng đất, tôi nghe đất thở, thầm thì như chia sẻ, trò chuyện, nghe được cả tiếng dế gáy ri ri. Nghe và cảm nhận, và rung động, như nghe nhịp thở của tim mình, như nghe dòng thời gian mê mải trôi, như được sống chậm lại trong xôn xao cuộc đời gấp gáp. Không tin, bạn cứ thử nằm xuống, trên cỏ xanh, áp má xuống mặt đất êm đềm, bạn sẽ thấy cỏ thật thơm, như hương đòng đòng lúa non, như vị ngọt tuổi thơ vọng về. Và lúc đó, bạn sẽ thấy cả sự ngào ngạt của những ký ức tuyệt đẹp nhảy nhót trong khung cảnh thần tiên.
Bạn có tin, trong mỗi đứa trẻ ở nông thôn chúng ta, đều từng ngã lên cỏ, từng chơi đánh trận, toàn thân lấm lem do ngã nhào nhưng không hề trầy xước. Đó là cỏ nâng đỡ, cỏ thương con người, bằng một sự bao dung trìu mến đến khó nói thành lời. Và bạn có tin, ngay tại những triền đê, cỏ đón trăng, trai gái đón lời yêu nhau và những lời thì thầm dễ thương?
Giờ đang vào vụ đông, tiết trời lạnh nhưng mặt đất có cỏ lại rất ấm. Và chẳng bao lâu nữa, những mầm cỏ non sẽ bật lên để đón một mùa mới. Nhưng chắc chắc lúc này, ngay cả khi cái rét mướt có đổ về, thì trong từng nhánh cỏ, vẫn có một sức sống mãnh liệt, có dòng nhựa chảy muôn đời xanh mãi. Như câu thơ “Ở đâu có đất có đồi/ Thản nhiên cỏ cứ đâm chồi mọc lên…” đã chứng minh cho sự lan nhanh của cỏ và chúng có thể đan vào nhau thành tấm thảm xanh mướt non tơ trải rộng tới chân trời. Nên mới có những cánh đồng cỏ, triền đê cỏ, con đường cỏ, thảo nguyên cỏ xanh bao la. Ít ai trông đợi cỏ và cho rằng, loài cây này không có nhiều lợi lộc, thậm chí còn có hại. Xin thưa, lợi hay hại tùy vào nơi cỏ sinh sống. Ví như cỏ mọc triền đê, giữ cho thân đê khỏi xói mòn, lại góp mặt vào bức tranh quê bình dị nhưng không kém phần lãng mạn. Cỏ đã thủy chung làm thành cả thảo nguyên, rồi nhẫn nại cho trâu bò, đàn gia súc nhởn nhơ gặm no nê, nuôi dưỡng chúng để chúng phục vụ lại con người.
Phố xá giờ quá ngột ngạt, thật dễ chịu nếu được sống trong ngôi nhà có khuôn viên hay mảnh vườn trồng cỏ. Và trong thế giới toàn bê tông ấy, nếu có một vạt cỏ xanh ngoi lên, hẳn sẽ quyến luyến rất nhiều chân người, nhiều ánh mắt. Bởi thế tôi thường tạo cho mình cơ hội về với quê, với cỏ. Về để đón trăng với cỏ, gợi nhớ những kỷ niệm bình yên trùng trình đi qua, một thời áo trắng, một thời cắp sách mộng mơ. Và thể nào, tôi cũng nằm hôn lên cỏ, để được thư giãn,vỗ về, tri âm. Bao nhiêu thứ đã mệt nhoài, chỉ khi gần cỏ, mới thấy cuộc đời nhẹ tênh.
N.V.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét