Mùa đông, khi những cơn gió mùa Đông Bắc đột ngột tràn về, lùa vào trong da, tê tái lạnh run người, những đàn chim đang bay mải miết về phương nam tìm gió và nắng ấm. Rồi đến những ngày tiếp theo, ban ngày trời âm âm u u, ít nắng và trời lạnh thấu xương, nhiều ngày trời chuyển mình, những làn mưa phùn kèm theo gió bấc thổi như găm kim vào da thịt. Bạn hay tôi đang ở ngoài đường phố đều muốn nhanh nhanh về nhà trong khoảng khắc này, để xà vào tổ ấm.
Một sáng mai, bỗng mẹ tôi gọi to: “Các con ơi, hôm nay rét ngọt về rồi”. Chúng tôi ngơ ngác, mẹ chỉ tay ra ngoài đường phố nói: “Các con nhìn rặng cây cơm nguội đầu đường Yên Phụ thì biết. Cái rét này không tê lạnh mà đem theo chút hơi nước báo hiệu của mùa xuân về. Hàng cây cơm nguội còn xanh suốt mùa đông nay bắt đầu rụng lá để nảy chồi đơm lộc đón xuân”. Ngoài phố dòng người và xe cộ vẫn tấp nập ngược xuôi. Thi thoảng có những cành đào, cây quất chơi Tết sớm đã chảy vào nội đô. Không ngờ trong cái rét tê lòng ấy giữa phố phường ồn ã lại có nhưng cơn “rét ngọt” khẽ khàng đến. Bỗng tôi nhớ lại ngày thơ ấu ở quê, ngoại tôi từng bảo: “Những cái rét đậm và khô, rét thấm vào người, dân ta thưởng gọi là “rét ngọt” bởi rét có hương sắc, hương vị, thứ rét chỉ cuối năm mới có, khi ngọn gió đông đã lả tả và chơm chớm sắp xuân, độ xuân…”. Một sóng sánh mìn mịn, một óng ánh rỡ ràng, một lung linh tươi thắm. Nếu nói là nắng mật ong thì không phải nhưng đó là thứ mật lìm lịm ngọt như mật khoai lang nướng, ngọt hồn hậu và lan tỏa… Rét ngọt chênh chao của hoài niệm làm cho người ta dễ nhớ, đánh thức trong ta những ngày đã xa, cho ta sống chậm lại để nếm thấm và nghe được cả những âm thanh vô hình để hiểu thấu rõ hơn giá trị của cuộc sống, của tươi non và ấm áp. Rét ngọt về như mời gọi ta xích lại gần nhau hơn, trải lòng nhau hơn.
Có những đêm đông, vách nhà tranh nứa của ngoại tôi chi chít ánh sao trời lọt vào, và gió thì ghé thăm thường xuyên. Bầy con co ro ngồi bó gối bên bếp lửa mùa đông, mắt như kiếm tìm một điều gì đó diệu kỳ. Lòng thầm mong đông đừng tới, ngọn lửa kia đừng tắt? Hay thảng hoặc vu vơ mơ về phép màu trong truyện cổ tích có ông bụt, bà tiên hiền hậu? Nhưng rồi nhận ra khi chờ mãi, chờ mãi mà chẳng có ông bụt, bà tiên nào ghé thăm. Lại ngồi bó gối nhìn cha vật lộn với từng phên tranh che chắn, mẹ nhẫn nại bện từng nùi rơm làm đệm cho giấc ngủ thêm phần tròn trịa. Nhà ngoại ngày ấy, có một cái bếp riêng. Tuy hơi chật hẹp, nhưng là nơi cả nhà quây quần mỗi khi mẹ tôi nổi lửa nấu cơm. Trên bếp ba chân được nặn bằng đất sét, mẹ nấu cơm, luộc rau, xào xáo các món ăn. Đủ các loại cây làm củi, kể cả các cành tre mà cha tôi chặt ở bụi tre gai sau nhà, mỗi khi đun các cây củi sủi bọt trắng kêu sèo sèo, và rơm rạ cháy lem lém, toả ra không gian một mùi thơm dễ chịu. Mùi cơm chín, mùi khoai nướng thơm nưng nức, mùi thức ăn, mùi ngô nướng, lạc luộc thơm lừng… làm cho lũ trẻ chúng tôi thèm thuồng, miệng ứ nước miếng đòi mẹ cho ăn. Trên gác bếp ngoại thường treo lơ lửng đủ thứ, nào là rổ rá, chổi rơm… nào là hành, nào tỏi, ngô, thóc nếp… Cả nhà quây quần bên bếp lửa hồng ăn cơm. Ăn xong, chúng tôi thường ngồi nghe ngoại đọc truyện Kiều, hay kể chuyện cổ tích, nhiều đứa vừa nghe vừa ngủ gật, có đứa còn lăn ra cái ổ rơm ngoại tôi đã trải sẵn mà ngủ vùi… Mỗi khi nói đến “rét ngọt” tôi lại nhớ đến ngoại. Chao ôi, một đời người có hai lần làm con trẻ. Người già cũng là một con trẻ khi cái tuổi đã nhớ nhớ quên quên, đã chậm rãi lẫm chẫm bước đi. Và ngoại tôi đến cái tuổi ấy lại thích ăn ngọt. Ngoại chống rét bằng trầu cay vôi đậm và bát nước chè xanh sánh vàng như màu nắng rét ngọt. Rồi ngoại lại thích mở đầu bằng câu chuyện: “Cái ngày ấy…”. Khi người quen nhắc lại chuyện quá khứ là đã có dấu hiệu tuổi già. Và rét ngọt trải ra với ngoại, với tấm khăn nhung, với cái bậc cửa mà ngoại thường ngồi đó để vá áo dù đường kim mũi chỉ đã run rẩy. Sao người lại cứ muốn đắp bồi ghép lại cho đầy đặn. Miếng vá lại cứ chồng lên, dày thêm thì tuổi ngoại cứ héo dần mỏng manh...
Mùa này nơi phố phường xô bồ cuộc sống mưu sinh. Cái rét ngọt về ngang phố, khiến tôi chợt nhớ đến câu thơ của một thi sĩ: "Tháng giêng, mơ về trăng non rét ngọt/ Bún ốc/ Gỏi cá sống/ Bánh cuốn/ Bún chả/ Xài một miếng khô…”. Sự động lòng đó đôi khi đã giúp ta như một điểm tựa mà rét ngọt là chất xúc tác, là thứ gia vị điểm tô đằm thắm không hời hợt sao nhãng…
M.N
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét