Cây bút trẻ Song Ninh
Lần ghé qua nhà này Thêu muốn dành chút thời gian ngắn ngủi còn lại cho đứa con gái bé bỏng, cũng như giải quyết nốt tất cả những gì mà cô còn canh cánh trong lòng suốt mười mấy năm qua. Vậy mà khi về đến nơi, đứa con gái cô không có ở nhà, nó theo chiếc ghe của vợ chồng ông Sáu Đợi trôi dạt ở một ngóc ngách nào đó trong cái cù lao đi hái điên điển.
Mùa này điên điển chớm nở, rộ vàng bến sông. Vừa ở trường về là con Híp vội vàng quăng cặp sách xuống giường rồi lủi mất hút. Tại nó biết ngoại thích ăn điên điển nấu cá, má nó cũng vậy, nên khi nghe ngoại nói má sắp về, nó phải tranh thủ kiếm được thật nhiều điên điển, đủ để cho má ăn chật họng, nếu còn dư giả sẽ bỏ vô bịch để má mang về phố, cho dượng và mấy đứa em trên đó. Vì nghe đâu trên ấy, điên điển đầu mùa đã hiếm, lại còn bị các chủ nhà hàng săn đón ráo riết, nên chắc gì dượng và tụi nhỏ được ăn.
Má Thêu nằm tuốt bên trong căn buồng loang mùi ẩm mốc, nghe tiếng con Bống sủa inh oang ngoài ngõ liền ngóc đầu dậy. Một là người lạ đến, hai là khách quen. Nhưng chắc chắn là vế thứ 2, vì con Bống chạy như ngựa lồng, bốn chân của nó giẫm vào những tàn lá khô rụng kín lối đi phát ra một thứ âm thanh ồn ào. Chứ thông thường mà gặp người lạ trước ngõ, nó chỉ đứng một chỗ mà sủa inh tai.
Hôm ấy Út cũng không có ở nhà, mà như lời của má Thêu kể thì con Út dạo này mắc bệnh tự kỉ, ngày không ngủ, đêm cũng không, cứ dò dẫm một mình ra bến sông, ngồi buông tóc rồi ầu ơ ví dầu như người bị vong nhập. Chắc bệnh cũ lại tái phát rồi, mà nhà dạo này túng hơn chữ túng. Đến độ mấy bữa nay toàn ăn canh điên điển nấu cá, họa hoằn lắm mới có vài hột gà chiên, tra mắm mặn thiệt mặn để dành ăn cả ngày. Thêu nghe xong thấy mặn chát trong lòng. Bởi mang tiếng lấy chồng thành phố, nhưng vợ chồng Thêu cũng phải chắt bóp để dành. Thành phố không phải như quê mình, thứ chi cũng cần tiền hết ráo, gửi chiếc xe đạp cũng mất vài ngàn, thiếu trái ớt, nhúm rau cũng phải ra chợ mua bán, chứ đâu có xuề xòa, liến phiến như sống ở quê đâu. Thế nên lâu lắm Thêu mới gom góp chút đỉnh gửi về cho má tiêu xài dè xẻn để còn lo cho con Híp.
Thêu về lần này, tranh thủ làm được gì sẽ ráng làm cho xong. Như khâu lại giùm má ít quần áo đã bung gần hết những mũi chỉ. Vì mắt má giờ đã tèm nhèm, như có hôm con Híp gọi điện méc Thêu rằng “má biết không, độ này mắt ngoại yếu dữ dằn, hổm rồi ngồi xỏ kim cả buổi trời, mà không tài nào luồn được cộng chỉ vô trong cái lỗ bé xíu xiu”. Nói rồi Thêu lục tung đống đồ đã cũ đựng trong thùng carton, kiếm những chiếc áo đã bung chỉ ra mà khâu cho lành lại. Đập vào mắt Thêu là chiếc khăn mà ngày xưa Lũng tặng, nhân dịp anh qua biên giới với vợ chồng Tư Hói buôn lậu vài thùng thuốc lá. Lời hứa về một đám cưới tan như vốc gió mùa xưa. Thêu nhận chiếc thiệp hồng từ tay Lũng mà tim cô tan nát. Chiếc khăn ấy Thêu quàng một lần duy nhất, sau đó cô gói gọn cất đi và quên béng nó tự bao giờ.
Sau đó Thêu chèo ghe ra giữa cánh đồng, nhổ những bụi cỏ dại, mọc lan ra, chi chít trên khắp mộ của ba và cả mộ thằng con trai của Út. Nếu còn thời gian sẽ ra vườn xới đất, trồng lấy vài gốc cây vú sữa đặng mai mốt có trái cho con Híp ăn, chứ để nó nhong nhong mặc quần tà lỏn đi hái trộm của nhà người ta, bị họ dằn mặt bằng mấy cái bạt tai mà lòng Thêu ợ mùi chua xót. Dù biết sẽ phải mất rất lâu thời gian để trông đến ngày cây vú sữa cho quả, nhưng Thêu vẫn muốn làm. Biết đâu khi ấy con Híp ra vườn, trông cây mà nhớ đến mình, thì dù có ở phương trời nào, lòng Thêu chắc hẳn cũng sẽ vui lây.
Má thấy Thêu về nên lò dò chống gậy bước ra. Trong khi Thêu vẫn ngồi chồm hổm ngoài sân mà vuốt ve bộ lông rối nùi của con Bống. Má tựa vào tường nhìn Thêu nheo nhúm mắt rồi giục:
- Vô trong nhà đi kẻo nắng, má có chuyện muốn nói với mày.
Thêu ngẩng mặt lên nhìn, thấy má bữa nay khác lạ quá. Chứ bình thường nếu có chuyện gì, má đều nhờ con Híp gọi điện rồi nói chuyện gián tiếp qua điện thoại với Thêu. Có khi giữa đêm má giựt ngược giựt xuôi đòi con Híp bấm số mà gọi cho Thêu bằng được chỉ để nhắc cô dăm ba chuyện vụn vặt. Chứ ít khi má nói trực tiếp với Thêu điều gì. Vậy nên mỗi khi có dịp ghé thăm nhà, hai má con chỉ ngồi rồi bới tóc cho nhau, hoặc nói chuyện của một người nào đó mới dạt xuồng về cù lao, chứ hiếm khi nói chuyện của chính bản thân mình lắm.
Thêu bước vô nhà trước. Má dò dẫm theo sau. Căn nhà cũ vẫn chẳng đổi thay là bao so với ngày Thêu đi, dù không ít lần Thêu ngỏ ý muốn gửi tiền về nới rộng ra, hoặc xây cao thêm chút xíu cho nhà khỏi ngập úng nhưng má nhất quyết phủi tay phản đối. Vì má bảo “ngôi nhà này lưu giữ nhiều kỉ niệm lắm, đập đi rồi thì còn gì mà nhớ khi buồn hả con?”. Nhưng má nào hay từ lâu Thêu muốn rũ bỏ đi tất cả mọi thứ thuộc về quá khứ, nhất là những mớ quá khứ đau buồn thì càng nên buông bỏ để chúng không thể ngoi mình trở dậy gợi nhớ những đau buồn.
Trời đã ngả sang chiều, từng áng mây lững thững trôi, như muốn chọc ghẹo những vạt nắng cuối ngày đi hoang đã gần như mệt mỏi. Mấy con chim chiền chiện đã chấp chới bay trên đỉnh ngọn cây mù u ngoài đìa. Mặt sông loang loáng chút nắng yếu ớt, cố ngoi mình ra khỏi đám mây quánh đặc, nhẹ hều rọi xuống dưới lòng sông, làm ánh lên những mảng màu sặc sỡ từ những đám phèn nổi lềnh phềnh trên mặt nước.
Thêu đang ngồi trong nhà khâu khâu, vá vá thì con Híp về. Tiếng con Bống sủa inh oang, kèm những cú nhảy phốc xạc xào giẫm nát đám lá ngoài sân khiến Thêu phải cố nhoài người mà trông ra đầu ngõ. Con Bống vốn thân với con Híp. Nếu tính ra chắc tuổi của con Bống với nó cũng ngang nhau. Thêu ngó mắt nom ra, thấy con Híp đang rúc mũi vào sau gáy con Bống mà lòng Thêu càng thêm phần chua xót.
Nhìn nó, Thêu chợt nhớ lại cái năm con Híp lên bốn hay năm tuổi gì đó, do mải mê đuổi hoa bắt bướm nên vấp chân, nhào té xuống dưới dòng kênh phía sau nhà. May sao có con Bống nhảy xuống, xả thân để con Híp bám vào, chứ không chừng giờ này mộ nó cũng xanh rờn cỏ.
Chơi đùa với con Bống chán chê, con Híp mới xách chiếc thúng đựng đầy bông điên điển vàng chóe bước vô trong nhà. Thậm chí nó còn chưa biết được sự xuất hiện của Thêu ngay lúc này, nên tỏ ra vô cùng chưng hửng.
Những tưởng khi nhìn thấy Thêu, con Híp sẽ tỏ ra vui mừng và quấn quýt nhưng không phải. Vừa giáp mặt Thêu là nó buông thõng chiếc thúng xuống dưới nền đất rồi chạy ra khỏi nhà, mặc cho tiếng Thêu gọi với theo từng cơn ra rả. Thêu biết con nhỏ đã lớn nên ít nhiều hiểu chuyện, dù không nghe ai trong gia đình nói ra, nhưng thời gian dường như đã cho nó câu trả lời.
Má Thêu thấy thế nên nói thêm vào “Con Híp nó lớn rồi, mày xem cho nó biết được điều gì thì nói ra đi, chứ định giấu nó cho đến bao giờ nữa?”. Nhưng Thêu không biết mình nên bắt đầu từ đâu. Từ cái đêm định mệnh Thêu bị chồng Út cưỡng bức ở dưới gốc cây sầu đâu, hay bắt đầu từ ngày Thêu dặn lòng phải cố quên tất cả mà dạt thân về phố. Nhất là mỗi khi chạm phải ánh mắt đầy căm hận của Út lia thẳng về phía mình. Thêu đâu có muốn như vậy, Thêu chỉ muốn một cuộc sống thật bình yên. Nhưng nếu cứ để cho kẻ đê hèn, dã thú sống nhởn nhơ, thì khác nào mình phải sống một cuộc đời lừa dối, tự tạo cho chính mình ngõ cụt mà cố chấp bước vào? Thêu không thể nhẫn nhịn được mãi, nên đành lòng phải đẩy chồng Út vô tù cùng bản án đủ sức răn đe . Đồng nghĩa với việc Út sẽ mất chồng, đứa con mà Út mang trong mình sẽ phải mồ côi cha khi còn trong bụng mẹ.
Có ai ngờ đâu, đó cũng chính là cớ sự bắt đầu những nguồn cơn của những phận đời nổi trôi như áng lục bình tím ngắt. Để rồi mỗi lần trở về thăm má, vô tình chạm phải ánh mắt của Út như vốc nắng chiều buồn ngoe nguẩy mà lòng Thêu se sắt nhói đau. Tất cả chỉ vì phút nóng giận không thể làm chủ được bản thân mà Thêu đành chấp nhận mang tiếng với đời, đành nợ Út một tiếng xin lỗi mà không biết đến chừng nào mới có thể mở lời mà nói ra.
Để rồi đêm đêm, khi ghé ngang căn buồng nồng nặc mùi của đau thương tan tác, nước mắt Thêu cứ giàn dụa tuôn rơi. Thêu vốn không tin vào hai chữ hồng nhan bạc phận. Nhưng qua những gì tận mắt Thêu chứng kiến, cô không còn cách nào để bào chữa cho những cố chấp của bản thân. Thêu thương cho phận Út bao nhiêu, thì càng căm ghét mình và ân hận bấy nhiêu. Bởi nếu không vì cô, không vì chút liêm sỉ của bản thân, đã vô tình đẩy cuộc đời Út vào ngõ cụt. Chồng vô tù không lâu thì con đuối nước, ròng rã lắm mới vớt được xác lên. Khiến cô gái vốn đẹp người, đẹp nết làm nao lòng bao người ngày xưa giờ như cái xác vô hồn, khóc cười vô định. Nếu không vì Thêu, có lẽ giờ đây cuộc sống của em gái cô đã khác. Do định mệnh trớ trêu, hay do lòng người eo hẹp?
***
Trời đã về đêm tự lâu lắm, Thêu nằm im trong căn buồng cùng má, lắng nghe ánh trăng mười tư tha thướt trên mái nhà. Cô không tài nào chợp mắt nổi. Cả mười lần như mười mỗi dịp trở về căn nhà, trở về với mớ ký ức mà Thêu đã buông bỏ, sau những chuyến ghe bành bạch trên sông, để tìm quên bằng một cuộc hôn nhân với người đàn ông có đủ bao dung mà chấp nhận một người phụ nữ như mình.
Những dòng ký ức nhỏ nhoi, tưởng đã nhàn nhạt, phôi phai như tia nắng cuối mùa đổ nát, không ngờ vẫn tựa như những mũi kim tiêm đâm vào lòng Thêu nhói buốt mỗi dịp nghĩ về. Dù lần nào trong đầu Thêu cũng đã chuẩn bị tinh thần, như tù nhân phạm tội chờ đến ngày đưa ra vành móng ngựa để khảo cung, chất vấn. Nhưng lần nào cũng bị trì hoãn, do những vị thẩm phán ấy chưa tìm được bằng chứng để kết tội cô, hay vì lý do nào đó Thêu không tài nào hiểu nổi.
Hay chăng do thời gian đã khiến đứa trẻ ngằn ngặt khóc trên tay ngoại năm đó khi chứng kiến cảnh mẹ mình dứt áo ra đi, nhạt nhòa như áng chiều trôi mà chẳng thể làm gì. Lâu dần thành quen, nó không còn tha thiết muốn mẹ là của riêng nó như những ngày nào nữa. Vì cuộc sống đã giúp nó hiểu ra, để nó chấp nhận hy sinh hạnh phúc của chính mình cho những đứa em cùng mẹ khác cha mà nó hay nhắc đến trong câu chuyện với lũ bạn cùng lớp, thi thoảng buột miệng vẫn gọi nó là con hoang, một cách tự hào?
Hay chăng do người phụ nữ nhỏ bé ấy, vì quá bận rộn với những xế chiều thờ thẫn ra bến sông tìm con, ôm những bộ quần áo thơm mùi nước mắt đến nỗi quên cả lối về, quên cả ăn uống, quên luôn cả việc mình là ai thành ra chẳng còn thời gian mà truy xét những lỗi lầm, phán xử đòi lại công bằng cho cuộc đời của mình?
Má thấy Thêu nằm trằn trọc, vắt tay lên trán thở dài, như hiểu ra phần nào tâm trạng và nỗi lòng cô nên hắng giọng nhắc nhở “Đời ai chẳng có những phút sai lầm, bồng bột, quan trọng là mình biết hóa giải nó bằng yêu thương con ạ. Ngủ đi, suy nghĩ thêm chỉ càng làm nỗi đau thêm dài”.
Nói xong má đưa tay quàng qua người mà ôm lấy Thêu. Lâu lắm rồi Thêu mới cảm nhận được một cái choàng tay siết chặt đến vậy. Thêu thở phào, nhẹ nhàng chợp mắt. Thấy lòng mình nhẹ nhõm, hệt như trong những giấc chiêm bao, Thêu thấy mình rơi tự do giữa những vì sao lấp lánh.
S.N
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét