Nhà văn Nguyễn Thị Phụng
Gã cảm thấy vui vui khi ai đó gọi tên mình…
Gã chỉ nhớ lí lịch trích ngang của mình lúc đi học là Lê Văn Bù, thành phần gia đình nông dân. Nhưng gã luôn được cha mẹ dành trọn quyền tự do lựa chọn công việc từ nhỏ đến lớn ở trong nhà cũng như ra ngoài xã hội. Lúc gã lập gia đình thì tài sản hiện tại của cha mẹ là căn nhà lá mái ba gian quay mặt ra hướng đông nam và một trang trại chăn nuôi bò, heo(lợn), gà, vịt… chiều về chúng phát ra mọi âm thanh tổng hợp trong khuôn vườn rộng, thêm vào đó là tiếng sủa của hai “vệ sĩ” vàng rất được việc nghếch đôi mắt chằm chặp nhìn những chú gà trống choi đang chọi nhau; ngoài ra còn có đến năm sào ruộng cách nhà hơn cây số. Chỉ bao nhiêu đó đủ cho cha mẹ gã tất bật tối ngày, kể từ lúc ông bà nội gã bị bệnh mất. Bù lại cho gã từ sáng đến chiều chỉ dán mắt vào sách vở và lúc giải lao là ngồi trước cái ti vi màu say sưa với thế giới động vật.
Năm ấy, gã không vào đại học, hứa quyết tâm chờ cơ hội năm sau.Trên tuyến đường về nhà gã làm quen với cô gái người làng bên có khuôn mặt dễ nhìn nhất là đôi môi mọng hồng. Nghe người ta xầm xì lúc nào môi cô gái cũng đỏ kể cả khi ngủ cũng như thức, khi khóc tức giận ai cũng như khi chuyện trò vui vẻ, thậm chí lúc ốm đau cũng vậy! Có phải trời sinh cô gái để cho gã hay không, mà từ lúc gặp nhau đến ba tháng sau là gã khám phá để làm chủ đôi môi ấy rồi. Khỏi phải nói kể từ khi quen gã, cô gái cứ như đóa hồng mơn mởn, cái dáng thon thả đáy thắt lưng ong ngày lại đầy đặn hơn. Đề tài tình yêu luôn được gã tự đưa ra, chỉ một độc giả duy nhất là cô gái trọn quyền thưởng thức. Ba tháng sau nữa, gã đón cô gái ấy về làm vợ. Gã đâu muốn ai biết tên vợ mình, nhưng trước khi cưới vợ phải đăng kí kết hôn. Cầm tờ kết hôn trên tay vợ chồng gã cứ tủm tỉm cười. Hôm rước dâu gã vẫn biết và nhớ chính xác là luôn đứng bên tay phải của vợ, cô dâu chú rể đi sau họ hàng. Bỗng ai đó nhỏ to đẹp đôi thật nhưng còn trẻ con lắm, chồng tên Bù còn vợ tên Nhìn, chẳng lẽ muốn gọi cả tên vợ chồng chúng nó là “vợ chồng Bù Nhìn” hay sao! Còn người khác nói có tên gì gọi tên đó chứ ai bảo vợ chồng chúng nó là bù nhìn đâu mà sợ. Cô dâu ôm bó hoa hồng đi bên cạnh chú rể mà trống ngực thình thịch, đưa mắt nhìn hai bên họ hàng làng xóm thử xem có người quen không, cố tập trung nghe ai xấu mồm xấu miệng nhạo báng cặp đôi mình nữa không.
Gã hay đùa gọi vợ mình là “con sóc cưng của anh”. Nhìn nhanh nhẹn công việc nhà bao nhiêu thì ngược lại gã cứ thủng tha thủng thẳng đi vô đi ra chẳng biết chuyện gì làm. Gã thấy vợ càng ngày càng mệt mề, xanh xao chỉ đặc biệt đôi môi mọng ửng hồng không thay đổi, còn đôi mắt thâm quầng. Suốt cả đêm nằm trằn trọc, không chịu nổi cơn đau bụng quằn quại, vợ gã cố nín chờ trời sáng hẳn mới đưa tay lay vai gã. Gã kéo tấm chăn đắp kín người lại. Nằm im.
Biết tính chồng hay ăn hay ngủ, vợ gã cố đứng lên bước ra khỏi phòng, cơn đau bụng kéo đến dữ dội hơn trước, túi xách trên tay vợ gã rơi bịch xuống đất. Ngoài rào, nắng đổ nghiêng qua sân. Ông Đền, cha của gã đã cắt xong bao cỏ mật về rải đều trong chuồng bò, vào nhà uống nước, nhìn thấy con dâu đưa hai tay ôm lấy bụng. Ông gọi to thằng Bù đâu, thằng Bù đâu hả? Rồi ông vội vã bước ngay trước cửa phòng Bù hét lớn: Sắp làm bố mà chẳng lo gì, có dậy mau đưa vợ đi sanh không thì nói. Cuộc vượt cạn tự nhiên của vợ gã đã cho gã có được thằng con trai ba kí. Nó giống cái môi thâm đen như gã quá chừng, đến nỗi khi cô hộ sinh bế thằng nhỏ ra đặt lên gường, ai cũng đánh cái nhìn tinh nghịch vào mặt gã: “Yên tâm! Không thể nào lẫn lộn được!”.
Thay việc ôn tập thi vào đại học là gã có thằng con trai đầy tháng tuổi. Gã bảo với vợ hay là năm sau con lớn anh mới ôn tập thi vào trường chuyên ngành nào đó, vì theo gã chỉ có con đường duy nhất để tiến thân là phải có bằng đại học chính quy, chứ học cao đẳng hay trung cấp thì ra trường cũng không được dùng, mà học từ xa hay bồi dưỡng, chuyên tu, tại chức thì gã sĩ diện với đám bạn bè cùng lớp, chỉ tội năm ngoái thiếu nửa điểm mà năm nay có thằng cu Lại này, kể ra cũng hạnh phúc em nhỉ.
Bạn bè cùng lớp một số đi làm công nhân mà gã có muốn gặp thì cũng nói đôi ba câu xã giao, hay uống li cà phê nghe nhạc nhiều lắm không quá một tiếng đồng hồ, gã cũng phải chia tay. Một số bạn học ở xa chỉ có dịp tết, nghỉ hè mới họp mặt thăm hỏi gã chuyện con cái và chăn nuôi thế nào, gã ầm ừ qua loa rồi ngồi vào bàn khề khà chạm li cho qua buổi tiệc…
Sự chịu đựng có hạn khi Nhìn ngồi một mình trong bệnh viện chăm con Lài, ngày hôm sau gã mới đến khi con gái còn ngủ, ức quá, chị kéo gã ra ngồi ghế đá dưới gốc cây sứ vàng trong vườn hoa bệnh viện, chị rưng rưng nghẹn ngào: Người ta có chồng thì nhờ chồng, còn em thì…
Gã đưa mắt nhìn kĩ khuôn mặt vợ mới thấy ở đuôi hai con mắt đầy vết chân chim, chỉ còn đôi môi thắm hồng mà gã đã từng say sưa tận hưởng, giờ giật mình khi thấy vợ mình tiều tụy lắm, gã khôn ngoan nhanh miệng thủ thỉ: Thương con em bỏ qua, còn thương anh thì… đừng nói nữa, anh không biết chuyện gì làm. Được dịp vợ gã kêu trời đất. Hễ nhờ đến là anh bảo chuyện đàn bà. Còn đàn ông thì hết nghiện thuốc, rồi cà phê đến đánh cờ. Anh có lỗi gì đâu mà xin lỗi.
Nhìn hu hu khóc như một đứa trẻ, chưa bao giờ chị khóc được như thế. Có dịp nào đâu để khóc. Suốt ngày chị tay táy từ trong nhà ra đến ngoài sân ngoài ngõ, từ chuồng heo đến chuồng gà, từ việc nhà đến việc nước. Hễ hết chương trình thời sự đêm, chị đặt lưng nằm xuống nghỉ đến khi mở mắt ra thấy gã nằm bên chị ngáy phò phò, còn cái tay gã luôn ôm chặt vòng eo chị. Chị chẳng nỡ hất mạnh cái tay gã ra lại lo gã mất giấc ngủ, mà có lớn tiếng sợ cha mẹ, con cái nghe nữa, nên chị thôi. Sáng sớm chị đã có mặt ở nhà bếp chuẩn bị bữa ăn sáng, tính ra chị đâu có lúc nào thong thả ngồi bên chồng nói chuyện được. Công việc nhà đã thành thói quen như cỗ máy suốt ngày chạy, chị chẳng để ý đến gã, quan tâm đến gã làm gì. Nếu rảnh tay được vài phút giải lao thì gã không ở nhà. Gã được một chuyện là tán gẫu, đi chơi đâu đó, nhưng đến bữa cơm đều có mặt ở nhà, tối tối quây quần bên con rồi vào phòng nghỉ. Thời gian mười năm đã đủ cho tình vợ chồng đầu ấp tay gối thăn thỉ với nhau đâu, gã thường hay né vợ khi đủ đoán biết lúc nào vợ gã càu nhàu. Giá trước đây chị và gã kéo dài thời gian cho việc tìm hiểu, đừng vội vàng đi đến hôn nhân thì hay biết mấy. Cuộc sống gia đình nhà chồng đã biến chị trở thành một người phụ nữ thuần thục lấy công việc là niềm vui. Chị nhớ những khi nằm bên gã, chị mệt mỏi buông xuôi, những lúc ấy gã thầm thì: Anh ghi nhận công lao của em hết, nhưng biết trả cho em như thế nào là xứng đáng! Cho anh được làm chồng của em trọn vẹn một đời có được không em! Chị rưng rức khóc trong vòng tay của anh như bây giờ được khóc vậy.
Một tay gã choàng qua vai vợ, một tay vuốt nhẹ mái tóc vợ, im lặng không nói lời nào. Có lẽ gã chưa thoát ra được cái mặc cảm bằng cấp mà bạn bè gã đã có, cái sĩ diện của một thằng đàn ông vô công rồi nghề bất tài vô dụng. Hay gã nghĩ chuyện chăn nuôi trong gia đình quá đơn giản, chuyện làm ruộng chỉ dành cho những người ít học, cho người lớn tuổi, chứ như gã đã có bằng tốt nghiệp phổ thông rồi phải làm những việc gì khác kia. Mà việc khác là việc gì, hơn mười năm gã nghĩ đâu ra. Gã được cha mẹ yêu thương chiều chuộng từ lúc mới sinh. Cả tộc họ Lê chỉ có một mình gã là con trai. Gã lại là con một trong gia đình. Vì thương con quá nên cha mẹ gã không cho gã làm, riết thành thói quen gã nhát gã lười từ lúc nào đâu hay đâu biết. Hay gã chỉ biết hưởng thụ từ đôi bàn tay lao động cần cù của cha mẹ gã mà không có một lời than trách con. Hay thời gian gã lông ngông đã phá hoại tính siêng năng vốn tích lũy nhiều đời của dòng họ nhà gã, phá hoại trí nhớ gã, biến gã thành con người hoạt động theo bản năng, nhưng gã rất giàu tình cảm tha thiết sẻ chia với vợ:
- Em à, anh muốn làm giúp em nhưng cứ sợ người ta bảo thằng Bù không đi học, ở nhà chỉ làm đầy tớ cho vợ. Nhiều khi anh muốn ở nhà với em, nhưng khổ nỗi ra ngoài đường họ lại vặn hỏi mầy ở trong buồng với vợ suốt đêm thì ban ngày đến đánh cờ với tụi tao chớ!... Em nghe có được hay không!
- Sao anh không cho em biết sớm hơn.
Vợ gã bất ngờ khi nghe những điều gã vừa nói đến, nước mắt ráo hẳn, chị không còn giận anh, chỉ thương cho anh vì yêu chị, sớm cưới chị làm vợ, để rồi lỡ thầy lỡ thợ, không vượt lên được chính mình. Có lẽ thần kinh gã bị yếu, nên mới nhút nhát rụt rè, sợ sệt, đôi lúc dị mặt thiên hạ, cố làm ra vẻ đáng mặt đàn ông. Chuyện nhà chỉ dành đàn bà, từ cách suy nghĩ lạc hậu ấy nên gã không bao giờ nhúng tay, dù con khóc cũng mặc, heo ngoài chuồng kêu đói cũng kệ, gã vào phòng đóng cửa thật chặt để âm thanh ấy khỏi lọt vào tai gã… Chỉ có một điều duy nhất chính gã là người thầy đầu tiên của hai đứa con gã, là điểm tựa vững chắc cho các con của gã những ngày cắp sách đến trường.
Có ai nghĩ rằng cùng lúc hai cha con gã vào một trường đại học, cùng ngành nhưng khác lớp. Thằng con trai gã tốt nghiệp ra trường, về làm phòng nông nghiệp của huyện nhà. Còn gã đi tuy hơi chậm. Nhưng có chậm còn hơn không. Gã làm cha đi theo con đường của con mình, có điều trong bốn năm liền gã đều nhận học bổng. Ngày ra trường gã vinh dự đỗ thủ khoa mà đứa con trai gã từng ao ước. Gã được giữ lại làm giảng viên. Hiện gã chính là phó giáo sư tiến sĩ trưởng khoa chăn nuôi của trường Đại học Nông Lâm thành phố.
Mỗi tháng gã về thăm nhà một lần. Công việc giảng dạy cứ tiếp nối, hết năm này đến năm khác, gã giật mình trong một sáng chủ nhật nghe cuộc gọi của trợ lí khoa: “Mời thầy đến dự buổi họp mặt chia tay giáo sư Trần nghỉ hưu như đã thông báo, chúng em đang chờ thầy đến!”. Gã giật mình nhìn đồng hồ vội đứng trước gương thắt lại chiếc cà vạt nàu nâu mà gã thích nhất. Khi gã đưa lược chải tóc, bất ngờ gã nhìn kĩ trên cái áo khoác đang mặc có mấy sợi bạc rơi xuống. Thời gian. Quả thời gian vô hình, không, thời gian lặng lẽ trôi, còn sợi tóc hữu hình không thể chối bỏ. Chiếc áo màu đen làm nền đã cho gã đủ kịp nhận ra sự thật sợi tóc của gã, mà bấy lâu gã không hề để ý đến. Thời gian công bằng với con người. Nó không giống như cái vòi nước trong buồng tắm lúc nãy, ta thích mở hết cỡ thì nó xối chảy ào ào, còn vặn vừa đủ cho lượng nước chảy từ từ là tùy nhu cầu sử dụng cho nước chảy nhanh hay chậm theo sở thích của mỗi người. Nào ai so sánh thời gian với cái vòi nước chảy, vòi nước chảy là do sự điều khiển của chính ta, còn muốn làm chủ được thời gian thì con người luôn mang trong mình tính kỉ luật. Người xưa từng so sánh thời giờ là vàng ngọc đã đúng chưa, dẫu biết đó là của quý hiếm, giá trị vàng ngọc có thể chỉ là một trang sức của quý bà, giá trị vàng ngọc có thể đổi lấy cuộc sống vật chất cho con người. Con người có thể mua được vàng ngọc. Còn thời gian đâu ai mua được, tự sẵn có. Thời gian là bà mẹ nhân từ chia đều cho mọi người con, không phân biệt giới tính, tuổi tác. Chỉ có con người vô tình thờ ơ với tài sản bất tận ấy, những ai đã biết trân trọng thời gian, tận dụng thời gian cho đời mình thì cũng không có gì là muộn.
Gã tính ra với mình còn tám năm nữa về hưu. Những ngày nghỉ hè với gã sao qua mau quá. Gã nhớ tối hôm đó theo kế hoạch cả nhà cùng đốt tổ ong. Tổ ong vò vẽ giống như cái nồi đất to bằng mâm cơm treo lưng chừng trên cành cây nhãn ở góc vườn. Chờ trời tối hẳn, vợ gã cũng như thằng con trai, con gái đã núp sau tấm phên gần chuồng bò, bật lửa đưa đầu cây sào đã bó sẵn đụn vải to tẩm dầu lửa cháy sáng trước miệng tổ ong. Con nào bay ra bị thiêu trụi. Gã ở trong nhà cứ đi ra đi vào chẳng yên tâm chút nào, bởi gã biết giống ong vò vẽ thoạt trông cái sắc vàng có khoang đen ấy mới thật đẹp mắt làm sao, mà nọc nó đốt vào da thịt người thì… đâu chỉ có từ mếu đến khóc còn nhức nhói sưng vù lên cả ngày. Biết vậy nên gã cứ chần chừ nói vọng ra: “Mẹ con em có cần tôi trợ giúp nữa không?!... Chị Nhìn, thằng Lại và con bé Lài hết sức ngạc nhiên thấy dáng một người đàn ông đội cái mũ bảo hiểm cũ trên đầu có miếng chắn bằng nhựa trắng trước mặt, mặc áo mưa màu nâu phùng phình, tay cầm cây gậy đứng ngang cửa ra vào lặp lại câu nói lúc nãy to hơn:
- Mẹ con em có cần tôi trợ giúp nữa không?!
- Mẹ con em chỉ cần gã “Bù Nhìn” đứng trong nhà nói ra thôi!
Tiếp lời đáp đồng thanh là tiếng nói cười giòn giã vỡ cả đêm đen trên lối vườn vào nhà. Thằng Lại bưng cái thau thiết đựng tổ ong còn nóng bước sau chị Nhìn, con Lài theo chân anh trai trên tay cũng cầm cái đèn pin như mẹ soi cho tỏ đường đi.
3.11. 2012
N.T.P
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét