Nhà thơ Triệu Từ Truyền
Đó là nhà thơ Triệu Từ Truyền. Ông sinh năm 1947 tại Sa Đéc. Mẹ anh là Lê Thị Mười làm nghề dạy học ở Cần Thơ. Theo chồng về Đồng Tháp sinh con, sau sáu tháng bà ôm con vào chiến khu khi chồng là Huyện ủy viên Triệu Công Lợi. Tuổi thơ của nhà thơ gắn với kháng chiến chống Pháp nên sau này anh cùng học sinh, sinh viên đứng lên chống Mỹ cứu nước dù hai lần bị tù đày.
Sáng tác của nhà thơ Triệu Từ Truyền khá nhiều, anh có tới 12 tập sách vừa thơ, tiểu thuyết, tiểu luận, nhưng tôi vẫn khẳng định anh sinh ra để làm thơ. Anh làm thơ từ lúc 15 tuổi, sang tuổi 18, trưởng thành vẫn chọn thơ là lẽ sống của mình. Nay đã 70 tuổi, với anh, “Tôi làm thơ say mê hơn thuở nhỏ”. Trong miền Nam trước 1975, nhiều nhà thơ ảnh hưởng thơ của những tác giả Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, nhưng Triệu Từ Truyền chọn con đường thơ một mình một ngả. Anh đã từng là thủ lĩnh của phong trào sinh viên học sinh thời kháng chiến chống Mỹ. Nếu những câu thơ đấu tranh trong thời gian đó còn là những khẩu hiệu, thì thơ anh có nét riêng không giống ai.
Tôi sắp đến gõ cửa nhà em
Đánh thức em mà quên ly nước đá
Mà quên một mình trên chuyến xe buýt
... Tôi yêu em như cần lên xe buýt
Như cần hai đồng bạc chuyến xe về
Mua ổ bánh mì con
Thay buổi cơm chiều như lơ xe, tài xế
(Trên chuyến xe buýt, Gia Định, 1965)
Từng là Tổng thư ký Tổng đoàn học sinh Sài Gòn (1964-1965), đến năm 1966, Triệu Từ Truyền bị bắt đày ra Côn Đảo. Năm 1969, anh được trả tự do. Anh lao vào hoạt động, đến năm 1971 lại bị bắt. Mãi cuối năm 1974, anh được trao trả tại Lộc Ninh. Trong phong trào đấu tranh học sinh, sinh viên, anh thuộc lớp thủ lĩnh, nhưng trong thơ, anh lại là một người lính bình dị lẫn trong muôn vàn gương mặt sinh viên. Với câu thơ dưới đây cháy bỏng trong khát vọng đấu tranh thống nhất, anh cũng có giọng điệu riêng:
Tôi muốn được chôn trên sông
Để quên chia cắt
Thời kỳ sau giải phóng Sài Gòn, Triệu Từ Truyền từng tham gia vị trí lãnh đạo ở cấp quận, quản lý kinh tế cấp thành phố Hồ Chí Minh. Ở tuổi tròn 30, anh đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch quận 4. Năm 2015, vợ nhà thơ Kiên Giang gặp tôi cho biết: Anh Kiên Giang tham gia phong trào đấu tranh yêu nước, nhưng sau giải phóng phải nhờ đến Triệu Từ Truyền đưa nhiều văn nghệ sỹ về chỗ Triệu Từ Truyền làm việc. Nhà thơ luôn sẵn lòng giúp đỡ đồng nghiệp trong mọi hoàn cảnh, ở mọi nơi. Với công việc chính quyền, anh một lòng giúp mọi người, song lòng anh luôn để ở nghiệp văn chương nên anh bỏ tất cả để làm báo, viết văn, làm thơ. Anh từng đảm nhiệm Chủ biên tập san: Kiến thức phổ thông (1988), Bông Trang Sông Bé (1991-1992), Chuyên san Gieo mở (NXB Đồng Nai), Nguyệt san Giáo dục (2002-2003), Trưởng Ban biên tập Nguyệt san Dân trí (2004). Song song với công việc làm báo, thơ anh phát triển. Khi anh có tuổi, đất nước có nhiều thay đổi, anh không như một số bạn đấu tranh cùng thời quay mặt lại với con đường đã chọn.
Triệu Từ Truyền anh theo đuổi nghiệp thơ cho đến cùng, rất đam mê đưa từ ngữ mới vào thơ, suy tư với thơ, đổi mới phong cách thơ một cách đa chiều nhưng dễ cảm, không dễ đọc, nhưng đã đọc là phải theo đuổi để đọc. Tại sao lại như vậy? Vì thơ anh có triết học trong đó. Triệu Từ Truyền say mê: Hiện tượng luận biện chứng, nguồn gốc ý thức chỉ ra bước đi của lịch sử, hiện tại sinh học (tất cả bắt nguồn từ trực cảm phương Đông và duy lý phương Tây. Trong một cuộc hội thảo về thơ anh gần đây, nhà thơ Đoàn Vị Thượng gọi là “Cảm hứng vũ trụ”. Nhà dịch thuật Nhật Chiêu gọi đây là “cuộc hôn phối giữa vũ trụ và thơ”. Triệu Từ Truyền thì nói: tôi muốn mình là hạt hạ nguyên tử - muốn mọi người nhận ra bản chất xác suất của vũ trụ để thoát khỏi những cực đoan duy lý nên gần đây anh ra tập thơ thứ 12 Hạt sứ giả tâm linh với những câu thơ:
Hình như em gởi anh hạt sứ giả
tràn ngập mỗi tế bào tim
ngực nhói lên nỗi niềm
tháng năm tận cùng có phải đi vào ngõ cụt
anh đứng dưới chân núi dòm bông hồng vàng nở rộ
leo lên bằng lối nào đây em.
(Hạt sứ giả)
Hay khi ta đọc những câu thơ:
Chắc chắn tế bào trong anh đầy ắp hạt sứ giả của em
Ngược lại trái tim em tràn ngập từ trường từ anh
Bông cúc vàng rải hạt xuống lòng anh
Mảnh đất lành muôn thuở
Em về đâu đi đâu cũng không đành
Người tri kỷ xưa sau vẫn vậy
Lá luôn bên cành
(Nói với mình)
Ở đây không có những ngôn từ của khoa học: hạt nano, hạt nguyên tử hay của triết học mà anh đã đem câu chữ của thơ bao bọc mọi từ ngữ của khoa học, triết học để có một lối dẫn đưa chúng ta vào mê cung của thơ, từ đó hiểu triết học và khoa học. Triệu Từ Truyền cũng bị thơ mê hoặc nên anh gác bao công danh để làm thơ, mải mê suốt 55 năm nay. Anh luôn muốn công phá một lối thơ riêng, kể cả thơ trong giai đoạn đấu tranh lẫn thời hiện tại của thế kỷ 21, và mãi mãi đến khi nào anh không còn sức mới hết yêu thơ, làm thơ. Sự phá cách trong phong cách lẫn ngôn từ thơ của anh cũng cho chúng ta hiểu một Triệu Từ Truyền luôn muốn đổi mới thơ, đổi mới thơ mình. Như một nhận định gần đây của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh: thơ đổi mới chậm hơn văn xuôi. Phải có những nhà thơ đau đáu phận mình, đau đáu với thơ, để “ngựa thơ” hất tung bờm đổi mới với thơ hiện đại Việt Nam.
Trong một bài thơ, anh nói về nơi mình sinh ra từ đâu, từ mảnh đất phù sa châu thổ miền Tây (Sa Đéc):
Má qua Sa Đéc sinh con đầu lòng
Chôn nhau cắt rốn vào phù sa ven sông
Muốn con mình lớn lên cùng trái ngọt
Em trong vườn bông cúc bông hồng
Quê hương đứng lên chìm trong chiến tranh…
Cũng trong một tự sự khác, anh lại viết:
Tôi làm thơ say mê hơn thuở nhỏ
Không mong tìm giải thoát trong thơ
Mà cuộc đời có thơ như có sóng
Có tiếng chim trời ca tụng mùa xuân
Có lời ca dao của dân tộc anh hùng
Dưới ngòi bút giặc thù đang chảy
Tôi đã hiểu Nguyễn Du và Nguyễn Trãi…
Tự hào mảnh đất Đồng Tháp có một nhà thơ Triệu Từ Truyền hiện sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Anh xứng đáng với nhận xét của các bạn thơ: Thơ của con người và con người của thơ.
T.T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét