Nhà văn Nam Thi
1.
Chiều ba mươi Tết.
Vợ con về bên nhà ngoại từ tuần trước. Ông Mùi ngồi một mình trong căn nhà lợp lá dừa nước dựng tạm trên bờ đê bao sông Sài Gòn. Nước triều đang lên mang theo những dề lục bình trôi ngược về phía thượng nguồn. Bỏ rượu đã lâu nhưng lúc này ông cảm giác thấy thèm. Giá như nhà có rượu nhất định ông sẽ xé rào uống vài chung. Lúc trước, mỗi chiều ông thường lai rai xị đế giải mỏi nhưng từ khi có vợ ông đoạn tuyệt với rượu. Bởi bà vợ trẻ cứ rủ rỉ mãi: “Tía lớn tuổi rồi, con còn nhỏ, uống rượu cho lắm rồi chết sớm ai nuôi con…”. Người ta bảo nhịn rượu mua trâu, còn ông nhịn rượu để dành tiền mua sữa cho con.
Bảy mươi tuổi ông mới lấy được vợ. Ai cũng biết đứa bé không phải con của ông, coi như ông nuôi con tu hú. Lại có người đía thêm rằng ông lãi to vì một lúc dắt được cả trâu mẹ lẫn trâu nghé. Thiên hạ miệng ăn mắm ăn muối muốn bàn tán thế nào cũng được, ông nghe chỉ cười bỏ ngoài tai. Cho dù biết đứa bé không phải là giọt máu của mình ông vẫn thương nó quá chừng chừng. Vắng nó mới một tuần ông đã trông đứng trông ngồi. Đêm không nghe tiếng nó khóc, ông thức suốt, hết đốt thuốc lại nhen lửa nấu nước pha trà. Ông lấy cái gối con của nó đưa lên mũi ngửi mùi mồ hôi chua chua, nồng nồng… cho đỡ nhớ. Nếu sau này vì lẽ nào đó mẹ con nó không còn ở với ông nữa, chắc ông sẽ nhớ nó không chịu nổi. Nhiều lần ông bảo vợ: “Em còn quá trẻ. Em có quyền tự do lựa chọn. Ngày nào em không còn muốn ở đây nữa thì cứ việc ra đi”. Hôm đưa mẹ con về ngoại, ông cũng nói: “Nếu muốn ở luôn dưới đó thì nhắn anh biết chừng nha”. Nói là nói vậy nhưng trong thâm tâm ông sợ điều đó sẽ đến. Nhiều khi ông mong được chết sớm để vợ có đi bước nữa ông khỏi phải buồn phiền mà vợ ông cũng không mang tiếng bỏ chồng.
Tên cúng cơm của ông là Nguyễn Văn Mùi, tuổi Mùi, Tết nầy đúng bảy mươi hai tuổi. Từ khi có vợ trẻ ông bị người ta đổi tên Mùi thành cụ Dê, bởi dê hay mùi cũng một thứ. Có người nói ngược thành Dê cụ. Ông không phản đối hay phàn nàn với cái tên ấy. Lúc đầu cũng thấy sượng sượng, sau quen dần.
Vợ bồng con về thăm ông bà ngoại dưới Đồng Tháp từ hôm đưa ông Táo về trời. Ông không đi cùng vợ con vì mới nhận chân bảo vệ cho trang trại của một ông lớn nghỉ hưu. Nói là trang trại nhưng thực ra chỉ có hàng rào B40 bọc hai mẫu đất ruộng trên bờ sông Sài Gòn, mới xây xong căn nhà gạch, đào mấy cái ao rồi bỏ dở vì đất đai xuống giá người chủ không muốn đầu tư thêm.
Trôi dạt về đất Củ Chi gần mười năm, ông Mùi chuyên nghề chài lưới trên sông Sài Gòn, kiếm đủ ăn ngày hai bữa. Chiếc xuồng ba lá gắn máy đuôi tôm Kohler vừa là phương tiện kiếm sống vừa làm chỗ ở. Ông là người duy nhất ở khúc sông này có hộ khẩu nổi theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ông chỉ có một giấy ra trại lận lưng. Hơn hai mươi năm trước ông từng một tay anh chị, cầm đầu một nhóm lâm tặc, bị bắt sau một cuộc đụng độ đổ máu với kiểm lâm trên Gia Lai, bị kết án mười lăm năm tù với nhiều tội danh nghiêm trọng.
Sau khi ra tù, ông về quê ở Phú Yên một thời gian, thấy sống không được, bỏ xứ vào Nam. Một người bạn kết nghĩa trong tù quê đất Củ Chi này rủ ông về nhà chơi. Biết ông tứ cố vô thân, anh ta giữ ông ở lại, mua sắm xuồng và ngư cụ, hướng dẫn ông làm nghề chài lưới trên sông Sài Gòn để kiếm sống qua ngày. Vốn là dân vạn chài ở biển, nên ông học nghề rất nhanh. Thời gian đầu ông ở nhà bạn trong ấp, sau thấy bất tiện, ông lấy cớ sợ xuồng bị đánh cắp để ở luôn trên xuồng. Chính quyền địa phương thấy ông già cả nên không làm khó dễ gì.
Một mình một xuồng ông sống vô hại như đám bèo lục bình trôi nổi. Đêm đêm nằm nghe sóng vỗ mạn xuồng, ông quên hết chuyện đời, thấy như mình tan vào con nước, hòa vào bóng đêm. Cảm giác bình yên ấy khác với tâm trạng mà ông trải qua trong những đêm dài ở trại cải tạo đèo heo hút gió.
Từ khi có vợ có con, cuộc sống của ông thay đổi hoàn toàn, tuy vất vả hơn nhưng ông lại thấy như sống lại. Để kiếm đủ tiền nuôi ba miệng ăn, ngoài chài lưới, ông phải lặn lội hái thêm rau biền mọc hai bên bờ sông để bán cho các nhà hàng đặc sản. Điều ông mong ước lớn nhất của ông là đem được vợ con lên bờ ở cho an toàn. Ngặt nỗi, ông không có miếng đất cắm dùi. Khi đứa bé đã biết bò, sơ ý để nó rơi tõm xuống nước là rồi đời.
Thời may, ông chủ trang trại kêu ông làm bảo vệ. Ngoài một triệu rưỡi tiền lương hàng tháng, ông chủ còn bỏ tiền che cho cái chòi mấy chục mét vuông sát mé sông ngay trước hàng rào trang trại. Cứ như là mơ, tự dưng có được mái nhà để vợ con chui vào chui ra. Ông vẫn tiếp tục thả lưới cắm câu, ba bốn giờ sáng chạy xuồng chở mớ cá tươi lên bán ở chợ Búng.
Ông chủ trang trại thật có mắt dùng người. Từ khi có ông trông nom, trang trại không mất một cục gạch, chớ trước đây bọn hà bá lộng hành, chúng cắt cả hàng rào B40, dỡ luôn mái tôn nhà kho vác xuống xuồng như của không chủ. Thật ra ông chẳng tốn công sức gì, bọn lục lâm thảo khấu đã tự động “đi chỗ khác chơi” vì nể mặt đàn anh giang hồ. Chúng còn kháo nhau ông là võ sư của một môn phái nổi tiếng ở miền Trung. Không ai kiểm chứng được điều đó nhưng xem bề ngoài ông vẫn còn mạnh khỏe, nhanh lẹ. Bọn hà bá thêu dệt thêm ánh mắt của ông có “cô hồn”.
Nhờ vậy cả khu vực hết nạn trộm cắp, giựt dọc cả dưới sông lẫn trên bộ. Năm rồi chính quyền địa phương còn biểu dương ông là người cải tạo tốt trong hội nghị tổng kết Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh - trật tư. Báo chí ngành công an còn đưa cả hình ông lên báo. Anh chàng phóng viên bám riết theo ông để moi tư liệu viết một phóng sự đăng mấy kỳ. Ông từ chối mãi không được vì nể lời ông ấp trưởng: “Chuyện đời anh đáng để tụi nhỏ học tập. Theo tôi, anh nên kể cho nhà báo viết bài”.
Thực ra, anh chàng phóng viên không chỉ quan tâm về mặt giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương mà chăm bẳm tìm hiểu chuyện ông “nhặt” được cô vợ trẻ kia. Với tựa đề “Lão giang hồ 72 tuổi “nhặt” được cô vợ 24 tuổi” chắc chắn ăn khách, câu view hết sẩy. Vợ kém chồng tới bốn con giáp, mới nghe qua đã thấy ly kỳ hấp dẫn rồi.
Ông kể cho tay phóng viên đầu đuôi chuyện “nhặt” được vợ – phải nói là “vớt” được vợ mới đúng vì chuyện ấy xảy ra dưới sông. Sau khi bài báo đó phát hành không lâu, có hai người đến tìm ông. Đầu tiên là một đàn em thân tín ngày xưa của ông, nay cũng đã ngoài năm mươi, làm ăn khá giả nhờ trồng cà phê ở Đắk Lắk, tình cờ đọc báo biết tin ông. Huynh đệ lâu ngày gặp nhau chuyện trò tâm sự suốt đêm. Khi ra về, ông ta trao cho Út mười triệu đồng “mua sữa cho cháu” và hứa sau Tết sẽ quay trở lại. Ông ta muốn mua đất cất tặng cho vợ chồng ông một căn nhà nhỏ bởi ngày xưa ông Mùi đã cho ông ta tiền để sửa nhà cho cha mẹ. Nếu được vậy, căn nhà đó cũng có thể gọi là “nhà đền ơn đáp nghĩa”. Ông không từ chối, bởi mẹ con Út đang cần một căn nhà mà ông không thể tạo lập. Ông hy vọng người bạn cũ giữ lời hứa nhưng ông không cho Út biết chuyện nầy vì thấy chưa có gì chắc chắn.
Người đàn ông thứ hai khoảng ngoài ba mươi, mới tìm đến gặp ông sau khi mẹ con Út về bên ngoại. Anh ta tự nhận là cha của đứa bé và muốn nhận con. Ông bảo anh ta rằng nếu sự thật anh ta là cha đứa bé thì phải gặp Út, vì cô ta mới là người quyết định. Ông chỉ lưu ý anh ta rằng anh ta không được gây rắc rối, phiền hà cho cô ấy và phải nhớ ông là chồng và cha hợp pháp của mẹ con cô ấy. Ông đối xử với anh ta hòa nhã vì ông nghĩ nếu anh ta thực sự là cha của đứa bé thì không có lý do gì để ngăn cản cha con họ nhận nhau. Anh ta tìm gặp con là điều tốt. Nếu Út chấp nhận trở lại với anh ta, ông cũng không cản.
2.
Chuyện ông “vớt” được vợ xảy ra hai năm trước. Như mọi ngày, khoảng bốn giờ sáng hôm đó, ông chạy xuồng mang cá lên chợ bán. Bữa đó ông đi trễ hơn mọi ngày vì cái máy Kohler cổ lỗ trở chứng, loay hoay cả mấy chục phút nó mới chịu khởi động. Nếu không có sự cố kỹ thuật đó ông đi chợ sớm hơn thì chuyện vớt được vợ sẽ không xảy ra. Gọi đó là định mệnh hay duyên nợ cũng được.
Khi xuồng sắp chui qua gầm cầu Phú Cường bắc ngang qua sông Sài Gòn nối Củ Chi với thị xã Thủ Dầu Một, ông thấy một người nhảy từ trên cầu xuống. Tức thì ông quẹo xuồng lại gần nạn nhân. Nhờ ánh đèn đường ông nhận ra đó là một đứa con gái đang ngoi ngóp, ông liền với tay tóm lấy tóc cô ả rồi tấp xuồng vào bờ. Nạn nhân được cứu kịp thời nên hầu như sức khỏe bình thường. Về sau ông biết thêm cô nàng biết bơi khá vì vốn dân vùng sông nước, khi nhảy xuống sông không bị chìm nhờ phản xạ chòi đạp.
Ông bỏ chuyến chợ, bồng cô ta lên xuồng quay trở về Hòa Phú cách đó gần hai cây số, nhen bếp lửa sưởi cho cô ta. Khi đã tỉnh táo, cô gái kể rằng cô gốc dân Đồng Tháp, lên Sài Gòn làm tiếp viên cho một quán cà phê được một năm. Cô kết một anh chàng. Khi biết cô cấn thai, anh chàng họ Sở quất ngựa truy phong. Với cái thai trong bụng đã hơn bốn tháng, mất chỗ làm, tiền bạc không còn, không trả được tiền thuê phòng trọ, lại không dám vác bụng bầu về quê nên cô tìm cái chết. Tên của cô ta là Huỳnh Thị Út.
Tuy Út nhảy từ trên cầu xuống nước nhưng cái thai may mắn không hề hấn gì. Bụng bầu của Út ngày càng bự, rồi đến ngày sinh. Ông Mùi nuôi đẻ ở nhà thương huyện. Ra viện mẹ con lại về xuồng. Khi chưa ở chòi lá, ban ngày ông treo võng nylon, che bạt kiểu “dã chiến”cho mẹ con Út nằm dưới bóng cây xương máu trên bờ đê bao cho đến khi có nhà lá do chủ trang trại cất cho. Ngày về nhà mới nhiều bà con trong ấp đến thăm, kẻ cho cái giường cũ, người cho cái thau nhựa… bởi từ lâu họ đã xem ông là người chòm xóm.
Ngày đứa bé giáp năm, Út nói với ông:
- Tía, Út nói cái nầy tía nghe nha.
- Có gì nói đi.
- Tía làm cha con bé nha. Út nói thẳng, chắc cô đã suy nghĩ kỹ, sắp xếp lớp lan trước rồi. Ông im lặng.
Út nói tiếp:
- Con bé phải có cha để mai nầy khỏi tủi thân. Được không tía?
Đề nghị của Út thật bất ngờ vì lâu nay ông vẫn xem cô ta như con cháu. Thời gian đầu ông nghĩ cho cô ta chỉ tá túc một thời gian rồi sớm muộn gì cũng sẽ ra đi, có thể là sau khi cô sinh nở ít lâu. Rồi ông lại sống một mình như trước đây. Nhưng lần lữa không thấy Út nói gì đến chuyện ra đi. Ông cũng lờ luôn vì biết cô ta thực sự không có nơi nào khác. Đã mấy lần cô ta gửi con cho ông giữ để về Đồng Tháp thăm gia đình nhưng cũng không đề cập đến ý định đưa con về quê sống với cha mẹ. Chắc là cô ta còn kẹt sao đó.
Ông không thể giữ chân Út nhưng cũng không muốn cô ra đi. Có Út ông không còn thấy lẻ loi, cô quạnh. Vả lại, Út cũng giỏi dang, không chỉ giúp việc bếp núc, chợ búa. Cô lại quen nghề sông nước nên có thể phụ với ông giăng lưới, thả câu. Hôm nào ông mệt thì ở nhà giữ con bé, cô có thể một mình chèo xuồng làm thay mọi việc.
Thực lòng, ông cũng mến Út, có một chút gì đó hơn là sự thương hại như những ngày đầu. Cô đã mang đến cái mà ông chưa từng có, chưa từng cảm nhận trong cuộc đời dài dằng dặc đầy sóng gió. Đó là mái ấm gia đình. Ông ghiền được ẵm bồng, đùa chơi với đứa con của Út. Ngay cả tiếng “tía” cô vẫn gọi, rất đỗi bình thường nhưng ông nghe sao trìu mến, ấm áp lạ thường. Giản đơn vì chưa từng có ai gọi ông như thế.
Nhiều lần nhìn lén Út thổi cơm góc bếp hay tắm giặt dưới bến sông, ông phải cố tình kiếm chuyện gì đó làm để dập tắt đốm lửa trong lòng tưởng chừng đã tắt ngóm từ lâu. Những khi cùng đi lưới cá, đồ bộ Út mặc thường ướt sũng, dán vào da thịt. Ngồi chèo phía sau, lòng ông xao xuyến trước thân thể đang độ sung mãn của gái một con.
Ông luôn cố dập tắt đốm lửa ấy nhưng nó vẫn âm ỉ cháy trong ông. Nay nghe cô đề nghị ông làm cha đứa bé, tức làm chồng của cô, tuy biết chỉ trên danh nghĩa nhưng nhất thời ông chấn động, bàng hoàng. Đốm lửa lại có cơ hội lập lòe nhen nhóm khiến ông không thể từ chối. Ông tự thuyết phuc mình rằng làm ơn cho trót, cũng chẳng tốn công sức gì. Ông gật đầu. Thấy vậy, Út mừng rỡ nói tiếp:
- Ba má muốn Út mời tía về Đồng Tháp ra mắt bà con, luôn tiện ra xã đăng ký kết hôn, rồi mới làm giấy khai sinh cho con bé được. Tía đừng ngại, dưới đó có nhiều con lấy chồng Đài Loan còn lớn tuổi hơn tía, lại đâu được khỏe mạnh như tía.
Ông lại tự biện minh rằng đó chỉ là cho Út mượn tên thế thôi. Chỉ cần vác mặt về dưới đó đóng xong vở kịch cưới xin là xong. Nhưng nghe nói ba của Út thua ông đến hơn một con giáp. Xưng hô thế nào đây? Thôi kệ, tới đâu hay tới đó. Chuyện nhỏ. Giúp được con bé mới là chuyện đáng làm.
- Cũng được.
Nghe ông nói vậy, Út mừng rỡ sà tới ôm choàng ông. Ông ngồi yên, bỗng nhận ra nước mắt của cô thấm ngực áo ông. Buông ông ra, cô vội chạy vào trong ấp, lát sau mang về mấy lon bia Sài Gòn, một bọc cháo lòng và dĩa lòng heo để ăn mừng. Khi cụng ly với ông, Út đùa:
- Nay là đám cưới của mình, trăm phần trăm nha, ông xã.
Ông mắng:
- Con quỷ, làm như thiệt không bằng…
- Thiệt chớ bộ. Nói trước nhe, bà xã ghen dữ lắm đó nha. Từ nay ông xã không được đi chợ, mấy mẹ bán cá dưới đó ghê lắm…
Chút men rượu làm đôi mắt cô lúng liếng. Ông thoáng nghĩ thầm cô ta khéo nhập vai như từng diễn với khách khi làm tiếp viên quán bia, quán cà phê đó thôi…
Đêm đó khi con bé no sữa ngủ say, Út vạch mùng chui lên giường nằm cạnh ông. Ông nằm im như đang ngủ, Út kề miệng vào tai ông thủ thỉ:
- Ông xã! Nay mình đã là vợ chồng rồi, em ngủ chung với mình nhe.
Cô quàng tay ôm cổ ông, nghiêng người gác chân lên người ông. Ông vẫn nằm im, không tỏ ra hưởng ứng mà cũng không phản đối. Bàn tay của Út dần dần đánh thức những sợi thần kinh của ông đã bỏ quên hàng chục năm nay. Từ sâu thẳm dưới lòng sông dậy lên những con sóng ngầm lăn tăn rồi trở nên cuồn cuộn theo làn môi rối rít và những ngón tay cuốn quít của người đàn bà trẻ. Ông như con cá nhỏ bị cuốn theo cơn lũ, như chiếc lá con quay tít theo cơn lốc…
3.
Chiều cuối năm im ắng. Trên sông vắng tàu xuồng xuôi ngược. Gió từ sông thổi lên lành lạnh. Trời tối nhanh. Ông Mùi nằm tòn teng trên chiếc võng nylon lơ đễnh nhìn về cuối sông, thấp thoáng ánh đèn trên cầu Phú Cường mới xây, nơi ông đã vớt được Út gần hai năm trước.
Nghe có tiếng xe máy chạy từ trong ấp ra bờ sông, ông xô võng chạy ra, vừa lúc chiếc xe ôm chở mẹ con Út sà tới.
- Tối rồi, sao tía không bật đèn? Út rối rít đưa con cho ông bồng rồi chạy vào nhà bật đèn.
- Ở một mình, có làm gì đâu mà bật đèn. Sao mẹ con không ở dưới ăn Tết?
- Bỏ tía trên nầy một mình sao được. Cô loay hoay mang mấy giỏ lác vào bên trong.
Ông hôn con bé, nó cười ngặt nghẹo vì bị râu của ông làm nhột. Út lại gần chụm môi hôn con. Luôn tiện cô hun má ông cái chụt.
Cơm nước xong, ông kể chuyện gã đàn ông tự nhận là cha đứa bé, rồi nói:
- Chuyện đó tùy Út quyết định. Tôi sao cũng được…
Út im lặng suy nghĩ một lúc mới nói:
- Sao mình nói kỳ vậy. Nay mình đã là ông xã của em, là cha của con bé, sao lại bảo tùy em quyết định được. Mẹ con em sống được là nhờ mình. Không có mình mẹ con em đâu còn ngồi đây nữa. Nếu thằng đó còn vác mặt đến đây em sẽ cho nó ăn chổi chà…
Út ngồi mé giường tủi thân ôm mặt khóc. Ông nhích lại ngồi bên cạnh. Út ngã vào ngực ông khóc nức nở như chưa từng được khóc…
31.1.2015
N.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét