Nhà văn Nguyễn Thị Mây
Trăng tròn vành vạnh, chênh vênh trên tán cây phượng già bên kia đường. Ngàn có cảm giác như cành lá được dát một lớp vàng trong suốt, mềm mại, huyền hoặc. Dòng sáng nhạt dần khi trăng lửng thửng đi lên vòm trời lồng lộng gió. Ngàn bất giác lạnh và chợt nhớ tiếng đàn năm cũ.
Thuở đó, cây phượng bên nhà Dĩ hãy còn trẻ trung. Cứ mỗi độ hè về, những chiếc lá bé xíu lặng lẽ úa vàng, rắc đầy mảnh sân con. Dĩ và Ngàn hay ngước nhìn lo lắng, sợ nó chết khô. Thế nhưng, một sáng cả hai đứa òa lên kinh ngạc khi trông thấy những chùm nụ bum búp nhô ra. Ở giữa có một đóa phượng rụt rè xòe cánh, run run. Dĩ hét lên: “Ngàn ơi, mùa hạ đến rồi! Mình sắp được nghỉ…”. Ngàn cũng thích mùa hạ, vì những ngày đó, Ngàn tha hồ giúp ba mẹ việc đồng áng. Buổi tối lại được được xúm xít nghe đờn ca tài tử nữa. Nào là cậu Ba Hên, cô Bảy Lài, bác Tư Tôn và mấy anh chị láng giềng. Cô Bảy Lài tuổi đã bốn mươi mà vẫn chưa chịu lấy chồng, cứ ở vậy chẳng biết tại sao. Giọng ca của cô mùi rệu, mượt như nhung. Mỗi lần cô cất giọng vô câu vọng cổ tim Ngàn muốn rớt ra ngoài một nỗi xao xuyến lan tỏa khắp cơ thể rồi tụ lại ở tim, làm nó cứ bổi hổi bồi hồi. Còn cậu Ba Hên của Dĩ đàn hay hết biết. Mấy ngón tay của cậu như có phép mầu. Khi cậu bấm lên phím đàn, sợi tơ run lên, âm thanh túa ra, bủa vây mọi người, bằng một loại cảm xúc cũng da diết không kém. Lúc ấy, Ngàn cảm thấy cuộc sống sao thi vị quá! Dĩ đàn cũng hay lắm. Tuy chưa bằng người cậu ruột nhưng so với thanh niên trong xóm thì đứng đầu. Dĩ hay đàn để tập cho Ngàn hát bài Dạ cổ hoài lang. Giọng Ngàn khàn khàn nhưng nhờ tập riết rồi nghe cũng đơ đỡ, đủ để góp vui cho chòm xóm.
Đêm ấy, cái đêm trăng ngằn ngặt sáng. Mấy anh chị, chú bác xóm trên vác đàn xuống xóm Ngàn rủ đàn ca giao lưu. Họ còn mang theo trà, rượu, bánh trái nên buổi đàn hát đông vui khác thường. Khi trăng treo hững hờ trên nhánh lá phía xa xa, bác hai xóm trên bỗng ra dấu bảo mọi người im lặng rồi nói:
- Hôm nay vui quá! Để tui bảo con Lụa nhà tôi hát phục vụ bà con nghen!
Tiếng vỗ tay hoan hô om trời. Cậu Ba Hên cũng nổi hứng bảo:
- Vậy tui cử thằng Dĩ cháu tui đàn giao lưu nghen”.
Ai nấy cũng đều vỗ tay đôm đốp. Thì ra chị mặc áo bà ba tím, tóc vấn một bính thả sau tấm lưng thon là chị Lụa, con bác Hai. Nãy giờ chỉ thấy chị ngồi bên bác cười tủm tỉm, Ngàn tưởng chị không biết hát, chỉ đi theo nghe thôi chứ.
Khi chị đứng dậy, yểu điệu bảo:
- Em xin hát bài Dạ cổ hoài lang.
Mắt Dĩ sáng bừng như ánh trăng thu. Khi chị Lụa cất tiếng ca, mọi người im bặt. Cảm giác bồng bềnh, buồn não nuột phủ trùm không gian. Tim Ngàn se thắt, nghẹn thở khi bắt gặp ánh mắt đắm đuối của Dĩ thả dài từ mái tóc, bờ môi đến tận gót chân người đẹp. Chị Lụa dứt tiếng hát, mọi người vỗ tay, reo hò ầm ĩ:
- Ồ, hay quá trời quá đất! Hay hết biết!…
Mọi người yêu cầu chị hát thêm bài nữa. Không biết chị sẽ hát bài nào vì Ngàn đã len lén lùi ra sau rồi chạy một mạch về nhà. Ngàn úp mặt xuống gối, nước mắt tuôn như mưa. Ngàn biết mình đã mất Dĩ từ lúc ấy.
Năm học đó, Dĩ học kém hẳn vì anh mãi đuổi theo chị Lụa. Ngoài giờ học, anh hay xách đàn lên xóm trên, chẳng biết anh làm gì ở đó mà đến tối mịch mới vác đàn về. Cứ thế cho đến khi anh… rớt tốt nghiệp THPT. Ngược lại, Ngàn cắm đầu cắm cổ học để quên buồn, quên đau. Hết giờ học thì xuống bếp hay tuôn ra đồng nhổ cỏ, hoặc làm bất cứ việc gì cho đến khi màn đêm rụng xuống đôi vai. Thời gian đúng là một ông thầy thuốc giỏi! Ngàn dần dần lạnh lùng với nỗi nhớ vô vọng, với những mong đợi không cần thiết. Ngàn hầu như chai cứng cảm xúc, chẳng biết vui hay buồn khi hay tin chị Lụa muốn đổi đời đã lấy chồng Đài Loan, rồi bỏ quê hương về xứ lạ. Dĩ buồn tình cũng bỏ xứ đi biệt tích. Lạ là anh không mang theo cây đàn. Nó vẫn còn nằm im trên vách lá, cạnh chỗ bạn học của anh. Cây đàn nằm im, trầm tư đếm thời gian lướt qua những sợi tơ hoen rỉ.
Ngàn đỗ đại học nên cũng rời quê lên phố. Ở đó, Ngàn làm thêm đủ thứ việc để có tiền đóng học phí và tự nuôi bản thân. Nào là gia sư, chạy bàn quán cà phê, rửa bát ở quán cơm…. Ngàn không có thời gian để yêu và nhớ. Vừa tốt nghiệp đại học, Ngàn khăn gói quay về quê hương. Nhờ tấm bằng loại giỏi, em xin làm nhân viên cho một ngân hàng nhà nước không khó lắm. Ngàn lại cặm cụi làm rồi được đề bạt chức vụ kế toán trưởng. Cuộc sống vật chất thoải mái dần. Ngàn tích cóp, dành dụm một thời gian và xây được căn nhà hai tầng lộng lẫy.
Đêm nay, giữa im ắng đất trời, bất chợt tiếng đàn nghẹn ngào vang lên giai điệu bài Dạ cổ hoài lang từ phía ấy. Tưởng là mơ! Ngàn chạy ra ban công, nhìn sang nhà Dĩ. Dưới ánh trăng khuya, bóng một người đàn ông gầy guộc gập mình trên cây đàn. Âm thanh sẽ sàng như tiếng khóc thút thít của người cô phụ chờ chồng mòn mỏi. Đúng là Dĩ đã về! Trông anh thảm hại quá! Ngàn thoáng chạnh lòng. Nhưng, đã muộn! Ngày mai, Ngàn lấy chồng. Chồng Ngàn cũng là Phó giám đốc Ngân hàng sẽ đến rước dâu rất sớm, khi mặt trời vừa lên. Đêm nay là đêm cuối của một thời con gái mệt nhoài vì yêu và ghét, phấn đấu và thành đạt! Ngàn trở vào, khép vội cửa. trùm chăn ngủ một giấc ngon lành.
Sương thánh thót rơi. Có phải trời cao khóc thương tiếng đàn năm cũ!
N.T.M
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét