Tôi nhận được tập truyện ngắn NỤ HÔN ĐẦU CỦA CHIM ÉN do nhà văn NAM THI gửi tặng khi mùa xuân sẽ sàng về phố, chạm ngõ nhà nhà. Cái tên của quyển sách đã độc đáo còn lãng mạn góp phần cho mùa xuân năm nay thi vị hơn mọi năm.
Mãi đến khi cúng tất xong, mọi tất bật lắng xuống, tôi mới dám mở ra đọc. Bảo là mới dám vì tôi nghĩ đây là đứa con tinh thần đầu tiên của một nhà văn đã hơn bảy mươi tuổi. Chắc chắn nó phải là đứa con được chăm chút, cưng quý. Bao nhiêu tâm huyết dồn cả vào đây. Nó đánh dấu chuyến du hành của nhà văn qua cuộc đời này và dè dặt bước vào thế giới tràn ngập ánh sáng văn chương trong khu vườn văn học. Đây phải là đứa con ưu tú! Vì thế, đọc một quyển sách hay sẽ... ấm ức lắm nếu nửa chừng phải dừng lại để lo việc cúng kiến, tiếp khách, nấu nướng... Tôi có thói quen không biết tốt hay xấu là hễ cầm quyển sách lên thì phải vào phòng riêng, khoá cửa nằm đọc một hơi đến hết truyện. Nếu nhằm tác giả viết hay quá, đọc luôn truyện kế và cứ thế.
Tôi đoán không sai. Tác phẩm NỤ HÔN ĐẦU CỦA CHIM ÉN của nhà văn Nam Thi đã tạo nên những cung bậc cảm xúc dạt dào cho người đọc. Những bài viết đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng tôi. Khiến tôi bỗng muốn viết ra những gì tôi cảm nhận được khi đọc tác phẩm nầy. Như để thay cho lời cảm ơn sâu sắc đối với tác giả, một người mà tôi đã từng kính quý như một người anh ruột thịt.
Nhà văn Nam Thi sinh năm 1947, Tây Sơn, Bình Định. Làm việc tại báo Thanh Niên (Đã nghỉ hưu). Đó là nhưng dòng ngắn gọn anh kể về mình ở trang bìa. Chỉ đủ để bạn đọc biết tuổi, biết quê hương, nơi anh được sinh ra, lớn lên và công việc chính của anh cho đến nay. Không chút phô trương thanh thế.
Quyển sách có bài tự bạch của tác giả và 25 truyện ngắn. Bài Tự Bạch cho tôi biết được Sách, nỗi ám ảnh của tác giả. Qua đó, tôi biết sơ lược rằng năm 1965 do chiến tranh và hoàn cảnh gia đình, anh đã bỏ học vào Sài Gòn làm báo để tự kiếm sống và năm sau anh quay về học tiếp để lấy bằng Tú tài 2 ban B. Và nghiệp báo của anh đã bắt đầu như thế. Đúng là một khởi đầu tuy vất vả nhưng vô cùng hữu ích. Nghề báo đã cho anh tiếp cận với những nhà văn tên tuổi, được đọc những bài báo hay. Tất cả đã hỗ trợ cho một tư chất vốn đa cảm, nhân ái, yêu nước và có năng khiếu trở thành một phong cách rất riêng của nhà văn Nam Thi.
Điều tôi yêu thích nhất trong quyển NỤ HÔN ĐẦU CỦA CHIM ÉN là thế giới nhân vật của anh. Từ những đứa trẻ, thanh niên, thiếu nữ cho đến những người trung niên, cao tuổi... tất cả đề có tính cách rất riêng nhưng đều đẹp. Tâm hồn họ đẹp như những bức tranh thuỷ mạc đơn sơ nhưng lay động cảm xúc mãnh liệt của người đọc.
Như nhân vật Tôi rất hồn nhiên trong truyện Vụ án ngòi bút lá tre, với người thầy trẻ trung, nhân hậu và tình nghĩa. Họ gợi lên trong tôi tình thầy trò xưa tuyệt đẹp dù có cây roi chen vào. Người thầy đúng với ý nghĩa thầy đích thực dù thầy có dùng nhiều mẹo để khám phá những vụ án của lũ học trò nghèo tội nghiệp của thầy. Giúp chúng khai tâm, dẫn chúng ra con đường chính.
Độc đáo nhất là những nhân vật trong tình yêu. Họ yêu sâu đậm, chân thành dù bề ngoài lạnh lùng, xa cách. Tình yêu của họ không được tô vẽ bằng những lời có cánh với người tình mà thể hiện bằng hành động. Họ cho nhiều hơn nhận. Họ đối với mình yêu bằng cái tình chân thật xuất phát từ trái tim chân thật. Và họ trở nên những mẫu người mơ tưởng của nhiều phụ nữ nếu đọc qua. Như ông Mùi trong truyện Đốm lửa đêm ba mươi. Toản trong truyện Sao mai lẻ loi. Ông Minh trong Bóng chiều trên đỉnh Chóp Vàng, như nhân vật tôi trong Nụ hôn đầu của chim én...
Nhân vật nữ trong truyện của nhà văn Nam Thi hầu hết là những mẫu người thuỷ chung, yêu đằm thắm, lặng lẽ và chân thành. Tôi đã phải rưng rưng nước mắt khi đọc truyện Tảng đá mồ côi, Tiếng hát dưới hầm, Bóng chiều trên đỉnh chóp vàng, Người đồng hành... Họ là những phụ nữ Việt Nam thật sự đáng kính trọng. Họ sống và yêu đẹp như những đoá sen tươi.
Ngoài ra còn những nhân vật trong vai người thân. Tác giả đã miêu tả họ chắc qua hình tượng người thật việc thật nên gợi cảm xúc vô cùng, họ trân trọng những kỷ vật tuy không đáng giá về vật chất nhưng có giá trị vô cùng về tinh thần như cái bật lửa Zippo, cái nồi đồng, bức tường rêu, bức chân dung... Đọc những truyện này, tôi thường làm việc trái ngược là dừng lại, nằm khóc một hồi rồi ra ngoài tìm việc nhà để làm. Tôi muốn nuôi dưỡng cảm xúc của tình người lâu lâu lâu trong tôi. Và thầm mơ ước mọi người cũng sống nghĩa tình như chú Trị, như con ngựa già, như người chị của Bếp lửa đêm cuối đông. Tôi thương người đàn ông hối hả bươi tìm dấu chân hoá thạch của người phụ nữ ngày xưa...
Lẽ ra, tôi phải nêu hết những gì tôi nghĩ đối với từng truyện. Nhưng như thế, bài viết chắc phải bằng một quyển sách tôi đang đọc. Do vậy, đành chỉ vắn tắt bấy nhiêu. Vả lại, tôi không phải là một nhà lý luận, phê bình văn học. Tôi chỉ viết ra nhưng gì tôi nghĩ, tôi cảm nhận mà thôi.
Khuyết điểm trong quyển sách này theo tôi là có quá ít những truyện vui. Chỉ có truyện Đêm dài vô tận, Vụ án ngòi bút lá tre. Trên xe buýt số 150 và Nụ hôn đầu của chim én là mang lại cảm xúc lãng mạn, vui vẻ đến bật cười thành tiếng. Còn lại toàn lấy nước mắt người đọc.
Tuy nhiên, toàn bộ quyển sách đã có một lực hấp dẫn bạn đọc muốn tìm đọc quyển thứ hai của tác giả Nam Thi. Tôi rất mong điều này nhanh chóng xảy ra. Cám ơn nhà văn Nam Thi, tác giả NỤ HÔN ĐẦU CỦA CHIM ÉN!
N.T.M
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét