Với tôi, Nguyễn Hữu Duyên là một người bạn từ thuở còn mơ mộng và ôm nhiều hoài bão vẫn thường giữ mối dây liên lạc cho đến hôm nay. Ngày ấy, chúng tôi yêu văn chương, đến với văn chương rất tự nhiên như phải thở khí trời để sống. Nhưng rồi cơm áo gạo tiền đã kéo nhiều người đến với đời thường khiến cái hoài bão tuổi trẻ đành chôn vùi theo năm tháng. Một số ít vẫn không từ bỏ niềm đam mê văn chương ấy là tác giả tập truyện ngắn Nụ hôn muộn được trình làng cũng rất muộn so với đời người.
Tôi nhận được tập sách cũng rất muộn so với những bạn bè ngồi đây, và cũng với tư cách là một người bạn, tôi chỉ phát biểu về tình bạn, tình yêu của Nguyễn Hữu Duyên trong những truyện tôi đã đọc được đăng tản mạn trên trang web hoặc tạp chí.
Tôi đọc truyện của Nguyễn Hữu Duyên với tâm thế vừa là bạn bè vừa là độc giả nên những trang viết có tính chất tự truyện lôi cuốn tôi hơn cả; và may là rất nhiều truyện của NHD đều có bóng dáng của tác giả. Kể từ lúc còn ở cái tuổi thường ham chơi, lêu lổng cùng những trò chơi liên tu, bất tận trong nhóm bè bạn với những buổi thả diều, đánh đáo; cút bắt… nhân vật xưng “tôi” đã ngộ ra là việc học quan trọng biết chừng nào: “Nghe lời ông, tôi cố gắng học và giảm đi một ít thời gian đánh trổng, thả diều cùng lũ bạn để có thời gian đọc sách nhiều hơn” (Mơ ước đầu đời). Chữ nghĩa đã lôi cuốn, dẫn dắt hắn đến những chân trời mới lạ và cũng chính chữ nghĩa đã nhấc bổng hắn ra khỏi thực tại cơm áo đời thường để chắp cho hắn một ước mơ vừa đẹp đẽ vừa hoang tưởng: (Trong truyện Chuyện của hắn có đoạn) “Hắn say sưa với điều mình có được, sống trong vỏ bọc chữ nghĩa. Hắn ngất ngưỡng cứ cho mình là nhất, không quan tâm đến cơm áo gạo tiền. Hắn mơ ước sau này trở thành dân biểu, nghị sĩ hoặc là ông này bà kia lo chuyện kinh bang tế thế ở tầm vĩ mô…” (Chuyện của hắn). Chính thế mà hắn nhận không ít phủ phàng và đắng cay khi đối diện với cuộc sống: “Hắn gàn và lập dị đến nỗi hắn gần như không còn một thằng bạn, kể cả cái thằng nghèo khổ ngày xưa mà hắn thường cho tiền để cả nhà nó mua gạo sống qua ngày…” (Chuyện của hắn). Từ sách vở hắn bước ra cuộc sống. Từ cuộc sống hắn lại học được nhiều điều. Trước tiên là sự công bằng trong xã hội. Khi bị vấp váp nhiều trên đường đời (như trong truyện Chuyện của muôn đời) “tôi lại nghĩ miên man, chẳng phải sự quen thân không tốt hơn sao?... Tú nói đúng, phàm hễ công việc gì mà con người làm thì tìm sự công bằng đúng là quá khó, nếu không muốn nói là không thể”. Bởi vì “Học giỏi thì có thể có điểm mười, nhưng điểm mười thì chưa chắc đã học giỏi” (Chuyện của muôn đời). Sách vở đã chắp cánh cho hắn bay cao bay xa nhưng chính cuộc sống đã cho hắn cuộc sống đầy chất người hơn, thực tế hơn “Hưng ơi, trong cuộc sống này, chỉ tình nghĩa thôi, thì chưa đủ để giúp nhau một cách trọn vẹn, phải không cậu? Đời là thế mà…" (Chuyện về một cái truyện không được đăng báo)
Và đến hôm nay, người bạn của tôi, Nguyễn Hữu Duyên vẫn đang lăn lộn trong cuộc sống để vượt qua nghèo khó nhưng tình yêu văn chương vẫn không hề giảm sút và tâm hồn vẫn trong trẻo như thuở nào. Tôi rất thích những trang hồi ức vừa hiện thực vừa đầy chất thơ bàng bạc trong truyện của Nguyễn Hữu Duyên với cảnh làng quê yên bình, tươi mát cùng tình cảm vô tư, thơ ngây: ( như trong ùa xuân đang đến gần) “Nhà An và Thi gần nhau… Chiều chiều, hai đứa thường hay ra bờ sông mót củi tre, thỉnh thoảng luồn trong đám bắp bẻ trộm, có lúc cũng không quan tâm đến chuyện con gái con trai, hai đứa nắm tay nhau nhảy ùm xuống sông tắm và đùa giỡn thỏa thích mới thôi. (Mùa xuân đang đến gần). hoặc một tình yêu không thành nhưng tuyệt đẹp: “Dù đã hơn 40 năm, tôi vẫn còn thổn thức một kỷ niệm đẹp, trinh nguyên của tuổi học trò với cành hoa ngọc anh mà Diệp dành tặng cho tôi. (Hoa ngọc anh)
Trong ngày ra mắt tập truyện đầu tay muộn màng của Nguyễn Hữu Duyên, tôi hy vọng rằng tập truyện sẽ được độc giả đón nhận giữa muôn ngàn tập truyện đã và đang có trên quầy sách. Có thể câu kết của truyện Nụ hôn muộn rất phù hợp với suy nghĩ của tôi lúc này: “Đường phố lung linh sắc màu. Hùng đã đón nhận nụ hôn của tôi trong dịu ngọt, đớn đau: (Nụ hôn muộn).
N.V.C
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét