Nhà thơ Triệu Từ Truyền
Con đường Hồ Xuân Hương se lạnh, lá vàng ngập vỉa hè, trời trong xanh, bầy chim sà xuống chui vào tàng cổ thụ của cụm rừng nguyên sinh mini bao quanh dinh Độc Lập, bức tường trắng chạy dọc suốt con đường như làm nền cho tranh vẽ theo matière của họa sĩ Levitan: đôi bạn trẻ trong hoàng hôn. Không gian tĩnh lặng, không tiếng động cơ của xe cộ, không bóng người đi bộ, ai đã sắp đặt góc thiên nhiên hoang dã giữa một trung tâm phố thị? Sóc con chạy lung tung khắp cành nhánh to hơn thân chúng, đôi mắt đen tròn nhìn xuống hai người như thầm hỏi: “Anh chị có tự do tung tăng như chúng tôi không?”. Nhung, mười bảy tuổi, áo dài trắng còn đính phù hiệu trung học Gia Long bên ngực trái, tay không xách cặp mà một chiếc thau nhôm to. Thành cũng mười bảy tuổi, áo trắng quần xanh đậm, tay cầm tập bản thảo. Hai người đi dọc đường Hồ Xuân Hương, dẫm lên lá vàng với những bước chậm tưởng chừng như đi lui lại, nổi bật trên nền vách tường sẫm dần. Nhung đang học năm cuối để lấy bằng trung học đệ nhất cấp, Thành chuẩn bị thi tú tài. Lần đầu gặp nhau Thành bị sức hút mãnh liệt của Nhung. Trước đó mươi ngày, một nữ sinh trung học Gia Long người Huế đến bắt chuyện, Thành nhớ mãi vóc dáng đậm đà, làn da bánh mật, khuôn mặt tròn và giọng nói trầm êm dịu, dễ thương nhưng hình như có một phân cách lý trí nào đó ngặn chặn tình cảm của hai học sinh mới lớn. Nhiều bạn gái để ý đến Thành, vì ngoài là một diễn giả nổi bật trong các cuộc xuống đường, anh còn được báo chí văn nghệ Sài Gòn công nhận là nhà thơ từ năm 16 tuổi. Cô gái Huế giã từ anh sau lần đãi bún bò ở một quán sang trọng, cũng là lần đầu tiên Thành ăn bún bò cay xé với đầm đìa nước mắt. Phân cách lý trí ấy là Thành theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng, còn cô gái Huế thương anh, chính là con gái rượu của một vị dân biểu Việt Nam Cộng hòa. Khuôn mặt buồn rười rượi, cô nắm tay anh và nói gọn lỏn: - Em có con bạn cùng lớp sẽ giới thiệu cho anh. Từ đó cho đến cuối đời, Thành không còn dịp nào thấy bóng dáng của nàng sông Hương ấy nữa. Hôm sau, Thành bước ra hành lang từ phòng họp của sinh viên học sinh tranh đấu, đặt tại trường Luật. Một người bạn tranh đấu cũng là nữ sinh Gia Long nói với anh: - Chị Nhung đại diện học sinh Gia Long buổi chiều, cần gặp anh kìa. Thành ngẩng nhìn bắt gặp ánh mắt đầy thiện cảm của một cô gái mặc áo dài trắng tay ôm cặp da màu đen, nón lá chếch phía sau, đang tựa lưng vào cây cột to của hành lang. Thành bước tới làm quen: - Xin lỗi chị tên gì? - Dạ tên Nhung, đại diện buổi chiều của học sinh Gia Long. - Rất hân hạnh, tôi cũng muốn gặp chị để trao đổi về chủ trương của Hội đồng Chỉ đạo sinh viên học sinh. Thành và Nhung tin cậy, thương quý nhau tức thì, nhanh hơn một tia chớp, như là định mệnh. Những tháng ngày sau đó, Nhung và Thành luôn nổi bật trong phong trào đô thị, là ngọn cờ tập hợp lực lượng biểu tình, khi cầm trên tay chiếc micropin luôn phát ra những lời kêu gọi lay động hàng vạn tấm lòng, thúc đẩy hành động về một hướng. Thành chưa hề nói một câu nào là yêu Nhung, thế mà mọi người đều nhận thấy Thành yêu Nhung thiết tha. Phải chăng vì ánh mắt của Thành, vì những bài thơ đăng báo, hay nhiệt tình quá mức, hành động liều lĩnh chỉ có từ kẻ đang yêu? Riêng Thành mãi đến cuối đời vẫn tự hỏi không biết Nhung có thương mình không??? Nếu kể ra vài cử chỉ trong chưa đầy sáu tháng gặp gỡ nhau, ai cũng võ đoán Nhung có yêu Thành. Vào một chiều tối, trời mưa phùn, trước cuộc đụng độ ác liệt với cảnh sát dã chiến và quân đội giải tán biểu tình, ai đó đưa một phong thư nói rằng của Nhung gửi cho Thành. Thành chỉ kịp cho thư vào áo khoác rồi nhào lên hàng đầu để xuyên thủng hàng rào đàn áp, nhưng bị bắn lựu đạn cay và vài loạt đạn thật, nhiều học sinh bị thương và một anh đứng kề bên Thành đã hy sinh vì đạn trúng tim. Thành bị ngất đi, đang nằm trên băng ca để đưa về trụ sở tranh đấu, không biết do sức mạnh nào Thành vùng dậy hỏi: - Áo khoác tôi đâu? Tìm áo khoác cho tôi... Vài người bạn buộc phải dìu Thành trở lại hiện trường đang hỗn loạn đầy máu và nước mắt, nhưng mãi mãi Thành không bao giờ biết Nhung viết gì trong thư ấy. Mấy ngày sau trong cuộc đấu tranh, đưa tang anh học sinh bị tử thương. Hai người đang đứng ở hàng đầu và thay phiên phát loa vận động binh lính không đàn áp đám tang. Cảm thấy sắp bị đàn áp và bị bắt, Nhung tháo chiếc đồng hồ dây bằng vàng trao cho Thành, Thành cho vào túi áo vest cài khuy cẩn thận. Lính nhảy dù và mật vụ bắt Nhung ngay khi được lệnh đàn áp. Thành được các bạn lôi kéo, giải vây thoát khỏi cuộc bắt bớ; mấy người bạn cùng đi bảo Thành đưa áo vest giữ giùm, để tránh mật vụ theo dõi bắt nguội. Thành ân hận, đau đớn vì không bảo vệ được bạn gái, anh càng xót xa hơn khi không giữ được kỷ vật của Nhung. Chiếc áo vest được người bạn tranh đấu trả lại. Thành biết ơn, vì bộ complet này ba má anh vì quá thương con đã đặt ở một cửa hiệu nổi tiếng của Hòn Ngọc Viễn Đông. Anh cũng biết rằng ở đất nước chậm tiến, nghèo đói và chiến tranh thời bấy giờ mấy ai may bộ vest cho học sinh 17 tuổi. Buồn hơn vì áo còn mà chiếc đồng hồ lại mất. Thành muốn xin ba má mua cái khác để trao lại Nhung, đắn đo mãi anh không nỡ làm khổ thêm ba má, gia đình anh chỉ sống bằng đồng lương cấp thấp. Đúng như niềm tin của anh, khi báo mất chiếc đồng hồ quý giá, Nhung kìm giữ tâm trạng, e người bạn mình bị tổn thương nên Nhung không hề nói một lời trách cứ nào hết. Sau này, khi ở tuổi trung niên Thành chưa bao giờ được xử sự như vậy. Vài tuần trôi qua, Nhung được trả tự do. Thành đến nhà thăm Nhung. Lần này thái độ của ông nội khác trước, vì e ngại cháu gái cưng lại bị rủ rê đi chống chính quyền, bị bắt sẽ khổ thân và tương lai của một thục nữ sẽ không được định hình. Thành chỉ kịp đưa bản thảo viết tay hơn ba mươi bài thơ, có trang dán mảnh báo in thơ anh. Tài sản lớn nhất của Thành thuở ấy chính là tập thơ này. Nhung trao cho anh tấm ảnh 4x6cm, vì e rằng sắp tới phải xa nhau lâu dài. Bốn năm sau, trong một lần bị giải từ Côn Đảo về đất liền, cai tù lấy chồng sách của Thành bị buộc cất trong kho tù, giao cho anh mang theo, bỗng tấm ảnh Nhung rơi xuống cát từ một trang sách nào đó. Thành vui mừng lấy ảnh cho vào túi, lòng anh lại rộn ràng, tim đập nhanh hơn như thuở mới quen. Sau này do bị chuyển tù nhiều nơi nên tấm hình mất tích thật bí ẩn, Thành làm sao biết tấm ảnh mất là do đâu và ở đâu? Thấy ông nội không muốn cho cháu gặp bạn lâu, Thành chỉ kịp nói: - Nhung giữ tập bản thảo giúp tôi để sau này còn lại. Mái tóc dài còn ướt lòa xòa quanh khuôn mặt cô gái dậy thì đầy quyến rũ, nồng nàn, pha chút liêu trai, Nhung chỉ gật nhẹ đầu, nhìn Thành trìu mến chưa từng có: - Anh về, Nhung xin lỗi vì mới gội đầu. Thành im lặng khá lâu, muốn nói mà không thành tiếng, quay lưng ra cửa rồi ngoái lại nói một câu ý tại ngôn ngoại: - Nhung chờ tôi chớ? - Anh nói gì, nói nhỏ quá Nhung không nghe được. Thành đi nhanh ra đường sau khi xin phép ông nội ra về. Thời tiết mùa thu Hà Nội ở một góc phố Sài Gòn vào chiều cuối năm ngày đó, hóa ra là bối cảnh của cuộc gặp gỡ lần cuối để chia xa ba mươi năm. Lần đó họ còn biểu lộ gì thêm về mối tình của hai học sinh tranh đấu, của hai thiếu niên sớm đam mê trong thời ly loạn, đất nước bị cắt đôi. Thành hỏi Nhung: - Sao Nhung mua cái thau to vậy? - Nhung mua cho chị hai tắm em bé mới sinh. - Nhung chỉ có hai chị em sao? - Chỉ hai chị em mà thôi. Lần này mạnh dạn hơn, nhưng Thành cũng không nói nổi câu “Tôi yêu Nhung nhiều lắm”, mà lại hỏi nữa: - Nếu ngày sau tôi bị thương tật trong chiến tranh, Nhung có quên tôi không? Nhung nghĩ suy khá lâu, tìm một câu trả lời bao quát hơn câu hỏi của Thành: - Làm người phải có trước có sau, sao anh hỏi Nhung vậy, Nhung luôn nhớ Thành mà! Theo nhận định của tổ chức, Nhung phải về ở hẳn vùng giải phóng. Trước khi đi Nhung đến nhà của gia đình Thành, nhưng anh đã lẩn khuất ở miệt Cây Quéo tỉnh Gia Định, vì tên anh bị đọc trên đài phát thanh theo lệnh truy nã của nội các chiến tranh do tham gia phong trào hòa bình. Trước đó mấy hôm, Thành đến cổng trường rủ Nhung đi ăn trưa, bị từ chối với lý do cùng đi với bạn học đến nhà may lấy áo dài. Thành cảm thấy tổn thương, giận Nhung và không thèm gặp nữa. Nên dù má của Thành có báo lại Nhung muốn gặp anh khẩn cấp, Thành vẫn bỏ qua. Thái độ trẻ con đó đã giết chết một tình yêu mong manh trứng nước, và Thành đau khổ về sau. Bất chấp vị trí địa lý, đôi khi Sài Gòn cũng chợt có mùa thu Hà Nội, dù chưa ở độ tuổi trưởng thành đôi khi hạt mầm của tình yêu đại thụ vẫn nảy nở. Không phải hai bạn trẻ chưa yêu nhau, mà vì lý trí đám đông, định kiến giáo điều đã dập tắt ánh sáng xanh của trăng rằm. Chỉ còn lại ngọn lửa duy lý đốt cháy tâm hồn đôi khi cháy rụi cả đời người. Ba mươi năm sau, ai cũng đã là cha là mẹ của những đứa con bước vào tuổi dậy thì, tình cờ Thành có số điện của Nhung. Thành gọi bằng máy bàn: - Alô có phải Nhung không? - Dạ, phải. - Nhung biết ai gọi không? - Sao quá lâu vậy anh Thành!
Paksong, 20.11.2012
T.T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét