Nhà văn Đào Phạm Thùy Trang
Chiếc xe hơi bám đầy bụi đường đó đã khuất xa rồi. Lớp bụi đỏ mù mịt cũng đã tan nhanh, nhưng bóng hai nguời già liêu xiêu tựa vào nhau mà mắt ngân ngấn lệ trong buổi hoàng hôn khiến lòng Thi rưng rưng lạ.
***
Ngày đó... Thi 24, anh 26 thì họ yêu nhau và dâng tặng cho nhau hết tất cả những gì trong trắng thơ ngây của cuộc đời.
Thi mang thai và tìm bạn trai để bàn việc cưới thì mẹ anh mắng:
- Đồ ăn vạ! Cô giáo cái gì mà trắc nết vậy thì dạy được ai? Con tao có cưới phải cưới con gái đàng hoàng chứ không phải cái thứ hư hỏng như mày!
Anh đứng im như Từ Hải và hình như đã khuất phục dưới lời nói của mẹ. Bà còn bồi thêm rằng nếu chọn Thi thì anh sẽ phải ra đi tay trắng, nếu nghe lời mẹ thì gia sản này là của anh.
Thi lúc đó đã tốt nghiệp sư phạm. Cú sốc này với người khác có thể là ngã khụy nhưng bằng oán hờn Thi đã đứng lên. Thi quyết sẽ nuôi con khôn lớn và nhìn xem bà cưới “con gái đàng hoàng” cho con trai là thế nào.
Mặc lời nói ra nói vào của làng xóm, đồng nghiệp, Thi vẫn giữ đứa con trong bụng đến ngày sinh nở. Thời gian hậu sản, Thi nhận kết cườm áo dài, kết mắt mũi thú nhồi bông, đính đá giày dép, làm đồ hàng mã… tất cả đều là để có tiền nuôi con chứ không dám phiền cha mẹ. Bởi sự việc của Thi đã làm cha mẹ “nhục nhã” lắm rồi. Có những đêm hàng gấp trắng dờ mắt nhưng con lên cơn sốt là phải một tay lái xe, một tay ôm con vào bệnh viện. Con ngủ thì tiện bóng đèn sáng của bệnh viện mà kết cho xong mấy chiếc áo dài... Kể thì ngắn lắm, nhưng chỉ có ai đã trải qua cảnh làm mẹ đơn thân mới biết nỗi nhọc nhằn của người đàn bà trẻ.
Nhìn con đầy yêu thương, khóe môi này, cái mũi kia, cách vung tay nọ... sao mà giống ơi là giống... Nhưng nhớ đến kẻ tạo ra nó thì đầy oán hận. Vì sao lúc yêu nhau thì hứa hẹn bao điều, rằng sẽ cùng nhau đi khắp cùng trời cuối đất, nhọc nhằn gian khổ sẽ cùng sẻ chia. Để rồi sau đó, người ôm đau thương dằn xé, kẻ khuất phục vì lời nói của gia đình. Yêu thương và oán hận đan xen nhau từng đêm từng đêm rút rỉa mòn mỏi từng sợi nơ ron thần kinh đến kiệt cùng.
Công bằng mà nói, sau đó anh ấy có tìm Thi, có năn nỉ ỉ ôi, có gửi ít sữa bầu nhưng Thi bảo, nếu còn thương xin đừng để Thi nhục thêm lần nữa. Rồi Thi thay số điện thoại, thay chỗ trọ… khiến mối quan hệ xem như chấm dứt.
Rồi con cứng cáp, Thi xin chuyển trường về dạy ở một xã biên giới, mang con theo về cùng rừng, biết là nguy hiểm nhưng phụ cấp vùng sâu lúc đó khá nhiều, lại chẳng có hàng quán gì để tiêu pha tiền lương. Con trẻ có thể nhờ không khí núi rừng mà chắc da chắc thịt.
Quả thật, con Thi không bệnh hoạn gì, con gái mà nước da ngăm ngăm chắc nịch. Nhưng đôi mắt đẹp hai mí và sóng mũi cao thon thì giống anh vô cùng.
Mười năm, Thi an yên nơi vùng đất mới. Chẳng khép lòng nhưng có lẽ duyên chưa tới nên hết giờ dạy thì ra rẫy cặm cụi với bà con. Ủy ban xã thương tình, cho mẹ con Thi mượn vài công đất trồng mì trỉa đậu cũng dư ăn đủ mặc. Vài năm sau, từ số đất cho mượn đó, đã nở ra cho Thi vài công đất “chính chủ”. Có nhà riêng, Thi thỏa sức chăn nuôi để sau nhà là chuồng bò, dê. Gà, vịt thì nhảy nhót đầy sân. Mấy năm nay, Thi mua thêm được vài ha đất nữa. Giờ không trồng mì mà chuyển sang trồng nhãn, trong vườn nhãn đặt hàng trăm thùng ong nuôi.
Rồi Thi làm nhãn theo mô hình “trái cây sạch”, mỗi năm một vụ chứ không phải hai năm ba vụ. Nghĩa là để nhãn tự ra hoa kết quả, lượng thuốc bảo vệ thực vật hạn chế đến mức thấp nhất. Trái chín thường là vào dịp mùa Vu Lan nên rất đắt hàng. "Bí kíp” để người tiêu dùng phân biệt nhãn sạch là sau khi ăn xong, hơi “ợ lên” không có mùi gì hoặc chỉ là mùi nhãn. Còn nếu là nhãn làm kiểu “ép vụ” hai năm ba mùa nhãn, thì sẽ phải dùng thuốc bảo vệ thực vật nhiều, ăn xong ợ lên sẽ thoảng mùi thuốc sâu.
Mô hình trồng nhãn - nuôi ong đó đã khiến Thi vừa thu hoạch nhãn, lại vừa có mật ong bán ra thị trường với nhu nhập không ít. Thêm quang cảnh vùng biên giới mát mẻ dịu dàng chứ không ồn ào như phố thị. Rồi thêm nhiều hộ bắt chước Thi mà làm du lịch sinh thái như câu cái giải trí, vườn - ao - chuồng và nhà nghỉ kiểu homestay khiến khách tới tham quan ngày một nhiều. Các dịch vụ ăn uống vì thế cũng mọc lên theo.
Rồi đài truyền hình về thăm, vì một xã biên giới vốn nghèo nàn mà đã có cách làm kinh tế nổi bật trong mấy năm gần đây vì chuyển đổi kinh tế cây trồng. Ai là người khởi nguồn kiểu kinh tế du lịch này ạ? Ủy ban đã giới thiệu Thi, là người đầu tiên trong phong trào này. Bao câu hỏi đặt ra, vì sao chị lại lập nghiệp ở vùng đất mới? Vì sao một cô giáo hiền lành xinh xắn như chị lại không lập gia đình? Động cơ nào khiến chị làm giàu mà còn bày vẽ cho bà con bản địa?
Thi chỉ cười và đáp vì mình... thích làm việc. Lúc đầu cũng không nghĩ là thành công gì đâu, chỉ là muốn thay đổi cây trồng một chút. Chứ mùa này qua mùa kia chỉ toàn mì thì hết dịch khảm lá tới ún củ rồi mưa bão ngập lụt... Ai dè “hay không bằng hên”. Còn vì sao lập nghiệp nơi đây? Đó là nhờ một nỗi đau tình.
Cả đoàn cười rôm rả. Chuyện tưởng như vậy là qua, ai ngờ ba ngày sau khi đoàn phóng viên đài rời đi thì có một cuộc gọi làm Thi ngỡ ngàng.
Là anh, anh bảo đã tìm Thi 10 năm nay. May quá qua sóng truyền hình… Thi bảo anh đừng làm rối tung sự việc, 10 năm qua Thi rất an yên, anh hãy giữ bình an cho mái gia đình nhỏ của mình nhé. Đầu bên kia là tiếng thở dài…
Rồi một chiều đầu tuần, sân trường ngập đất đỏ của Thi không bình yên nữa. Khi một chiếc xe du lịch bóng lộn ghé lại. Học trò miền biên viễn nhìn xe như nhìn khủng long, bao con mắt trong lớp cũng bay ra ngoài sân dán vào màu đen quyền lực ấy. Trên xe, hai đàn ông và một phụ nữ bước xuống đi thẳng vào văn phòng.
Thi được mời lên phòng hiệu trưởng và thật ngạc nhiên khi những người khách lạ đó là người yêu năm xưa và cha mẹ của anh!
Bà khóc lu loa với hiệu trưởng rằng vì hiểu lầm nhau mà Thi bỏ đi khiến bà đau khổ tìm kiếm suốt bao năm, sự ra đi của Thi đã khiến con xa cha, ông bà xa cháu. Bây giờ qua truyền hình, bà đã tìm được Thi, xin phép hiệu trưởng cho Thi về lại thành phố để bà cưới Thi “như cưới con gái” để bù đắp những gì mà đáng ra Thi phải có.
Dù bà nói có phần không đúng và quy sai trái cho Thi, nhưng hiệu trưởng đã biết tất cả, từ cái ngày Thi bồng con về trường này, Thi đã nói hết với với ông rồi. Nên ông bảo người nữ khách đứng tuổi:
- Cô ạ, cô nói vậy thì chúng tôi nghe vậy. Nhưng để chuyển trường phải là chính cô Thi đây làm đơn xin chuyển, có nguyện vọng rõ ràng, cấp trên duyệt thì chúng tôi chấp hành. Chứ tự dưng tôi cho cô Thi đi thì không hợp lý ạ!
Mẹ của anh thừ người. Ba anh từ tốn:
- Bác xin lỗi cháu Thi, ngày đó bác đi làm xa nên biết việc của cháu với thằng Quốc nhà bác quá muộn. Bác có bảo bác gái đi tìm nhưng cháu bặt âm vô tín. Mười năm qua, bao mối mai mà thằng Quốc không ưng ai, nó bảo chỉ cưới duy nhất một mình cháu. Hai bác già rồi, cũng không sống bao lâu nữa, Quốc là con trai duy nhất của gia đình nên bác lo đường hương hỏa chả có ai. Nên cất công lên đây xin cháu, mong cháu đồng ý.
Suốt thời gian cha mẹ và hiệu trưởng nói chuyện, anh chỉ khoanh tay cúi đầu đứng im nơi góc phòng khiến Thi vừa thương vừa giận.
10 năm trước anh đã không dám vượt qua lệnh mẹ để bảo vệ vợ con mình. 10 năm nay vì hối hận nên không lấy ai khác hay vì những người anh muốn lấy mà mẹ anh đều không “duyệt”?
Giờ đây, là anh tự đi tìm mẹ con Thi sau phát sóng của đài truyền hình hay vì ba mẹ ép buột anh mới đi? Gặp Thi, sao anh không mừng rơi nước mắt mà ôm Thi vào lòng cho thỏa bao thương nhớ kiếm tìm? Sao anh vẫn đứng khoanh tay an phận để nghe người khác bàn về số phận tình duyên mình khi tuổi anh đã chớm bốn mươi?
Anh về rồi, Thi không mong hy vọng gì nữa. Bởi lúc nãy, nếu anh chỉ nói một câu thôi: “Về với anh nha Thi”, chỉ như vậy thôi, thay cho những xảo ngữ huyên thuyên của ba mẹ anh thì có lẽ cổ Thi sẽ gật liên hồi vì đồng ý. Đàng này... anh im lặng.
Thì ra, vì ngày xưa anh đã không dám lên tiếng bảo vệ vợ con mình; thì ngày nay làm sao anh đủ nghị lực để nói một lời mà cùng Thi song bước trên đường đời vốn gian nan hiểm trở.
Thôi thì... Mười năm tình đã cũ, xin để an yên chôn tận đáy tâm hồn, nhé anh!
Đ.P T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét