Trần Thúy Lành
Mọi tối, đi học tiếng Hàn ở trung tâm về là Trâm sà vào mâm cơm đã đậy sẵn lồng bàn rồi giục Linh: “Ăn đi! Tao đói mờ cả mắt rồi” nhưng hôm nay hình như Trâm không đói. Trâm mắt tròn mắt dẹt, nửa kín nửa hở, nói với Linh:
- Mày biết gì chưa? Tin giật gân nhé!
Linh tò mò, không thể cưỡng lại được nên cứ rối ra rối rít:
- Tin gì? Tin gì? Nói tao xem nào?
- Nhưng mày phải thật bình tĩnh nhé. Liên quan đến “thần tượng” của mày đấy. Tao chỉ sợ huyết áp của mày tăng đột ngột thì nguy. Đây! Nước đây, uống đi - Vừa nói Trâm vừa đưa cốc nước cho Linh. Linh hồi hộp phát cáu lên:
- Mày uống đi! Tao chờ mày về ăn cơm, uống nước chống đói đến não cả ruột rồi đây này. Có gì thì nói đi, cứ úp úp mở mở làm người ta sốt hết cả ruột. Thế thầy Hùng làm sao? Có chuyện gì? Nói đi?
- Mày chưa biết thật sao? Không thể tin được. Bọn ở ký túc xá đồn rằng thầy Hùng của mày có bồ nhí - Trâm cố tình hạ giọng ở hai tiếng “bồ nhí”.
` - Vớ vẩn! Đồn linh tinh, bịa đặt. Như thế là xúc phạm thầy Hùng, xúc phạm một con người đáng kính. Ai có bồ nhí chứ thầy Hùng thì tao không tin - Linh nguây nguẩy, giọng quả quyết.
- Mày không tin thì thôi. Bọn nó còn bảo thầy Hùng có cả con riêng với bồ nhí nữa cơ. Con trai hẳn hoi nhé. Hai cô con gái thì mai kia “cúng cơm” làm sao được. Thầy ấy gửi gắm bên ngoài là đúng thôi - Vừa nói Trâm vừa gật gù ra vẻ thấu hiểu mọi chuyện lắm. Linh thì tức đỏ mặt lên, một phần vì tự ái, một phần nó muốn bảo vệ hình ảnh thần tượng của nó bấy lâu nay:
- Mày có tư tưởng lạc hậu ấy từ khi nào vậy? Mày biết thừa là nhà tao cũng chỉ có hai chị em gái.
Như chợt nhớ ra là mình đã chạm vào “nỗi đau” của cô bạn cùng phòng trọ, Trâm cười ngượng nghịu:
- Cho tao xin lỗi nhé! Tao không cố ý nói thế đâu. Tao nghe bọn ở ký túc chúng nó bàn tán như vậy.
Chuyện có thế thôi nhưng Linh giận Trâm, bỏ cơm, nước mắt lưng tròng. Trâm nói thế nào Linh cũng không nghe. Linh cứ ngồi im ở một góc phòng, hai tay bó gối. Trâm thở dài, tự trách mình:
- Biết vậy tao chẳng nói chuyện này cho mày biết. Cứ để mày sống với ảo tưởng về “nhà thông thái”, về “thần tượng” đẹp lung linh của mày thì có lẽ lại hay.
Đêm đó, hai đứa nằm quay lưng vào nhau. Nhà trọ tĩnh mịch đến mức nghe rõ từng tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ để trên bàn học. Tiếng chuột chạy đuổi nhau rung rúc trên nóc mái tôn. Linh tự nhủ: “Mình sẽ làm ra ngô ra khoai chuyện này mới được. Mình không tin, không bao giờ tin rằng thầy Hùng lại là người như thế”.
***
Ngồi sau xe ôm, Linh cứ nghiêng đầu sang một bên, mắt dán vào chiếc xe Future màu xanh, chỉ sợ cái dáng người đàn ông quen thuộc phía trước mất hút. Mặc gió thốc vào mặt, người Linh vẫn cứ nóng bừng lên, cảm giác mồ hôi đang túa ra. Chốc chốc Linh lại nhắc bác xe ôm: “Bác phải giữ khoảng cách an toàn kẻo người ta phát hiện ra thì hỏng việc, bác nhé!”. Bác xe ôm lắc đầu không hiểu nên đoán già đoán non: “Cô là thám tử tư à?”. Linh chỉ buông một tiếng: “Vâng!” rồi mắt lại không rời bóng dáng thầy Hùng. Thầy vẫn cứ tiến về phía trước, ra khỏi thành phố, rẽ vào khu tập thể toàn những ngôi nhà cấp bốn xập xệ. Đường gồ ghề lắm ổ gà, thầy đi chậm lại, nhưng vẫn không hề hay biết, ở phía sau, cô học trò cưng của mình đang bám theo. Nhất cử nhất động của thầy đều không qua được đối mắt sáng ngời rất đỗi tinh anh của Linh.
Kia rồi, thầy dừng lại, dắt xe vào một dãy nhà trọ ở cuối ngõ. Linh trả tiền bác xe ôm rồi đội cái mũ của áo chống nắng trùm kín đầu, đeo chiếc kính râm vào mắt rồi bám sát thầy Hùng. Bộ dạng của Linh lúc ấy đến cả bố cô cũng chẳng nhận ra chứ nói gì đến thầy Hùng. Căn phòng nhỏ thông thống chỉ có một gian, kê được cái giường và trải cái chiếu con cho thằng bé lê la. Người phụ nữ chừng ngoài 20 tuổi, trẻ lắm, chỉ đáng để Linh gọi bằng chị, luôn miệng nựng con. Chị ấy khá đẹp, da trắng hồng, mái tóc dài búi gọn sau gáy để lộ cái cổ ba ngấn đầy quyến rũ. Thầy Hùng đến là vồ lấy thằng bé, thơm lấy thơm để lên má nó. Nhìn cảnh ấy, cổ họng Linh nghẹn lại, trống ngực đập nhanh hơn. Linh cứ đi đi lại lại, đóng vai người đi thuê phòng trọ nên tha hồ ngó nghiêng. Thi thoảng Linh tự véo vào cánh tay mình để biết những gì đang diễn ra là sự thật. Đến khi thầy Hùng giúi vào tay người mẹ trẻ kia một tệp tiền thì mắt Linh như hoa lên. Linh tưởng tim mình như vỡ òa, thổn thức. “Trời ơi! Lẽ nào… Chị ấy chỉ bằng tuổi con gái lớn của thầy, chỉ nhỉnh hơn mình một tí” - Nghĩ thế, Linh đi như chạy ra cổng. Linh phải ngồi thụp xuống, tựa lưng vào bờ tường vì nhận ra đôi chân mình đang run rẩy, không thể đứng vững được nữa. Vậy là mọi lời đồn đoán đã được kiểm chứng. Những điều đẹp đẽ, lung linh về người thầy mà Linh coi là thần tượng bấy lâu nay đã sụp đổ.
Nhớ lại ngày đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học, Linh như được sống trong một thế giới khác: lạ lùng, bỡ ngỡ mà cũng hết sức thú vị. Dù biết trước thầy cô ở đại học sẽ không quan tâm, sát sao như thầy cô ở trường phổ thông, vậy mà Linh vẫn cứ hụt hẫng. Cảm giác khó gần, xa lạ giữa thầy và trò những ngày đầu ở môi trường mới khiến Linh co mình lại. Nhưng từ hôm thầy chủ nhiệm xuất hiện, Linh đã thay đổi hẳn cách nghĩ. Thầy Hùng chừng tuổi bố Linh, mái tóc đã điểm hoa râm. Linh ấn tượng với thầy ngay từ lần gặp đầu tiên vì thầy không giống bố Linh một chút nào trong cách đối xử với con gái. Nhà Linh có hai chị em nhưng bố Linh chẳng hài lòng vì cả hai đều là “vịt giời”. Lúc nào có hơi men trong người, bố cũng tỏ thái độ hậm hực, nhìn ba mẹ con Linh với cái nhìn hằn học. Bao nhiêu bữa “cơm không lành, canh không ngọt” chỉ vì cái tư tưởng “trọng nam khinh nữ” nó đã ăn vào máu của bố, hằn trong nếp nghĩ cổ hủ rằng “nhà mình ít phước nên không có con trai nối dõi tông đường”. Dù Linh có học giỏi đến đâu, thi đỗ đại học với điểm cao chót vót thì bố cũng chẳng lấy đó làm tự hào. Bố còn đổng giảng: “Học lắm chỉ tốn công tốn của, con gái là con người ta”. Linh lẳng lặng đi nhập học một mình, chỉ có mẹ động viên, khích lệ: “Phải học để bằng bạn bằng bè con ạ!”.
Thầy Hùng thì khác hẳn bố bởi sau màn giới thiệu làm quen với lớp, thầy vui vẻ khoe: “Thầy đẹp trai nhất nhà vì nhà thầy có một hoàng hậu và hai công chúa nữa. Nếu thầy có quan tâm, ưu ái các bạn gái hơn thì đám mày râu cũng đừng tị nạnh nhé!”. Bọn con gái đồng thanh: “Thầy muôn năm! Thầy muôn năm”. Linh ao ước, giá bố mình cũng có tư tưởng tiến bộ như thầy thì không khí gia đình nhẹ nhàng biết mấy. Đằng này, có người xui bố “cơi nới” hay “gửi gắm” là bố cũng gật gù, làm mẹ vừa buồn vừa tủi.
Thầy Hùng dạy môn Xã hội học nên trong giờ giảng, thầy hay kể chuyện. Những câu chuyện của thầy là những ví dụ sinh động bởi chuyện nào cũng hấp dẫn khiến đám sinh viên cứ im phăng phắc, thi thoảng lại rộ lên một tràng cười sảng khoái. Sau những giờ học như thế, cả lớp cứ suýt xoa, tặng cho thầy những lời có cánh. Thầy được gọi là “nhà thông thái” vì dường như cái gì thầy cũng biết. Còn Linh, Linh quý thầy, ngưỡng mộ thầy từ những điều giản dị nhất. Thầy hỏi thăm nơi ăn chốn ở của từng thành viên trong lớp. Đích thân thầy đã mất một ngày chủ nhật để tìm nhà trọ cho Linh, với tiêu chuẩn vừa gần trường, vừa rẻ. Sau lần đó, Linh càng quý trọng thầy hơn. Chưa bao giờ Linh tâm sự với ai về hoàn cảnh gia đình vì Linh thấy mặc cảm nhưng với thấy Hùng, Linh dễ dàng thổ lộ. Thầy hứa: “Khi nào có điều kiện, thầy sẽ về quê em chơi, gặp gỡ và trò chuyện với bố em”. Linh háo hức chờ đến ngày đó.
Hôm cả lớp đi dã ngoại, thầy Hùng cũng cho con gái nhỏ đang học lớp 10 đi cùng. Nhìn cái cách thầy săn sóc con gái từ miềng ăn, ngụm nước, rồi xòe ô che nắng cho con, rồi chụp ảnh kỷ niệm những nơi hai bố con đã đặt chân đến, nhìn thầy khoác vai con gái rất tình cảm mà Linh thấy thèm. Bởi từ bé đến giờ, Linh chưa bao giờ được bố săn sóc như thế. Chưa bao giờ bố cho chị em Linh đi chơi cùng hay chụp ảnh cùng. Dường như chị em Linh là một nỗi tủi hổ của bố. Có lúc, Linh còn thầm ao ước: “Giá mình được là con gái của thầy Hùng thì hạnh phúc biết mấy”.
Bước sang năm thứ hai đại học, các bạn trong lớp Linh đã lần lượt có người yêu. Trâm ở cùng phòng trọ với Linh cũng đang hẹn hò với một anh khóa trên. Tối thứ bảy nào hai người cũng rủ nhau đi cà phê, đi hóng gió. Một mình Linh thui thủi với chiếc điện thoại trong tay. Hết tán gẫu với bạn bè qua Facebook, Linh lại nhớ đến thầy Hùng. “Ước gì người yêu mình cũng có những điểm giống thầy” - Linh thầm ao ước như thế, rồi tự cười một mình. Linh tự xây dựng một mẫu người đàn ông lý tưởng, người đó kiểu gì cũng hao hao thầy Hùng: không đẹp trai lắm nhưng vẻ ngoài rất đàn ông, hiểu biết rộng mà lại có khiếu hài hước, rất tình cảm và ga lăng. Thầy tiết lộ đã từng hiến máu 13 lần khiến Linh ngưỡng mộ lắm. Chả bù cho các đấng mày râu lớp Linh, mỗi lần có đợt hiến máu tình nguyện thì chàng nọ đùn đẩy chàng kia, ai cũng bảo mình bị “huyết áp thấp” nên rút cục là cán bộ lớp phải phân công. Thế thì còn gì gọi là tình nguyện nữa. Trong khi đó, thầy chủ nhiệm cứ xung phong nhưng bị bác sĩ từ chối: “Thầy già rồi, máu xấu rồi, để nhường lớp trẻ”.
Nhớ lại buổi chiếu phim về chủ để tình yêu - hôn nhân, Linh rất tâm đắc với quan điểm của thầy Hùng: “Tình yêu chỉ có một nhưng cái na ná tình yêu thì có rất nhiều” còn hôn nhân là “quả chín của tình yêu”. Thầy nhấn đi nhấn lại rằng “phẩm chất quan trọng nhất trong tình yêu - hôn nhân là lòng chung thủy, sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau...”. Thầy nói hay lắm, hẳn nhiên thầy là tấm gương để Linh và các bạn sinh viên khác có thể soi vào. Lẽ nào thầy rao giảng một đằng và làm một nẻo? Lẽ nào thầy đề cao lòng chung thủy mà lại tự mình phản bội người bạn đời của thầy hay sao?… Hàng trăm câu hỏi ùa về làm đầu óc Linh quay cuồng. Sự thật là mắt Linh vừa chứng kiến tất cả đấy thôi. Linh chỉ không nghe rõ thầy đã nói những gì với người mẹ trẻ kia, với thằng bé mới biết bò kia. Nhưng cứ hình dung gương mặt thầy tươi tỉnh, mãn nguyện là trái tim Linh tan nát.
Về phòng trọ, Linh nằm xoài ra giường, khóc nức nở trong nỗi tấm tức. Trâm đã đoán được mọi chuyện nên vừa dỗ dành, an ủi vừa mắng té tát để Linh nguôi ngoai:
- Thôi! Nín đi! Người đàn ông như vậy không đáng để mày phí hoài nước mắt đâu. Từ nay thì đừng có mơ với mộng nữa nhé. Cứ thần với tượng làm gì, sống thực tế hơn đi cô nàng ạ. Sắp hết thời sinh viên rồi đấy.
Linh không đáp nhưng trong lòng vẫn ấm ức. Thà thầy Hùng cứ hằn học với vợ con, cứ ác cảm với lũ “vịt giời” như bố Linh, cứ khao khát “cơi nới” hay “gửi gắm” như những người đàn ông có thói trăng hoa khác thì có lẽ Linh đã không bàng hoàng, hụt hẫng đến như thế.
Giọng Trâm vẫn chát chúa bên tai:
- Thôi! Dậy thay quần áo rồi ăn cơm. Từ nay thì tránh xa thầy Hùng ra nhé. Mày vẫn còn nai tơ lắm, biết đâu sẽ là nạn nhân tiếp theo của ông ấy thì sao.
Nghe Trâm nói vậy, Linh bật dậy, gắt lên:
- Không đời nào!
- Tao lo cho mày nên cảnh báo thế thôi. Nghe đâu, cô bồ nhí của thầy Hùng cũng là sinh viên đấy, học trước bọn mình mấy khóa thôi. Con gái nhà quê ra tỉnh dễ sa vào cạm bẫy của những người đàn ông từng trải. Tiền bạc, quyền hành, địa vị lại ngọt ngào, ga lăng. Ruồi nào mà chả sa vào mật ngọt - Trâm tuôn ra một tràng.
Linh vừa lau mặt bằng chiếc khăn ướt vừa ngạc nhiên hỏi:
- Sao hôm nay mày tỏ ra từng trải vậy?
Trâm không trả lời mà nghĩ ra sáng kiến:
- Phải vạch mặt “thần tượng” của mày mới được. Tao có cách này hay lắm! - Trâm thì thào chỉ đủ để mình Linh nghe thấy.
Dẫu biết rằng không nên “xắn quần lội vào đời tư của người khác” nhưng cảm giác bất bình, thật vọng về người thầy mà bấy lâu nay Linh vẫn coi là thần tượng khiến Linh quyết định làm theo kế hoạch mà Trâm vạch ra.
***
Theo dõi thầy Hùng nhiều lần, Linh phát hiện ra rằng cứ tuần rằm, mồng một là thầy có mặt ở nhà trọ của cô “bồ nhí”. Hôm nay, lấy hết can đảm, Linh bước vào, đúng lúc thầy đang nựng thằng bé:
- Ngoan nào! Ngoan nào! Mẹ mua thuốc về uống là khỏi liền.
Linh đoán “bồ nhí” của thầy vừa chạy đi mua thuốc cho con. Hình như thằng bé bị ho. Trống ngực Linh đập nhanh hơn:
- Em chào thầy! - Giọng Linh gần như lạc đi.
Thầy Hùng ngẩng lên, một thoáng bối rồi hiện ra trên gương mặt thầy, song thầy trấn tĩnh rất nhanh:
- Sao em biết thầy ở đây mà tìm? Có việc gì không Linh?
Giờ thì đến lượt Linh bối rối. Linh chưa biết trả lời thầy thế nào thì người mẹ trẻ kia mua thuốc về:
- Thầy ơi! Em mua được thuốc rồi. Đây là… - Người mẹ trẻ nhìn thấy Linh thì khựng lại. Linh thầm nghĩ, chua chát: “Thì ra họ vẫn ngụy trang bằng tình thầy trò. Thật là trơ trẽn”
- Đây là Linh, sinh viên lớp thầy chủ nhiệm. Trò cưng của thầy đấy – Thầy Hùng quay sang Linh - Còn đây là chị Hương, học sinh cũ của thầy, học trên Linh ba khóa.
Hương cho thằng bé uống thuốc xong, vừa ôm con vào lòng vừa như giãi bày với Linh:
- Không có thầy Hùng giúp đỡ thì có lẽ mẹ con chị chẳng biết bám víu vào đâu. Làm mẹ đơn thân cực lắm em ạ. Lúc bằng tuổi em, chỉ tại chị không nghe lời bố mẹ, không nghe lời khuyên của thầy, cứ yêu một cách mù quáng… - Hương khẽ thở dài.
Nghe Hương nói vậy, Linh như trút được gánh nặng trong lòng. Linh lờ mờ đoán ra mọi chuyện nhưng không dám tò mò hỏi thêm gì nữa, sợ chạm phải nỗi đau của người mẹ trẻ. Sau khi dặn dò Hương cách chăm sóc thằng bé mỗi khi nó ho hay sốt, thầy Hùng giục: “Về thôi Linh!”. Linh ngượng ngùng đi theo thầy, cảm giác như mình vừa làm một việc gì có lỗi với thầy. Đột nhiên, thầy dừng lại ngoài đầu ngõ và hỏi Linh:
- Em theo dõi thầy từ khi nào vậy?
Linh đỏ bừng mặt, ấp úng: Dạ! Em… vô tình… chứ không có ý gì ạ. Tại… em nghe chúng nó đồn…”
Thầy Hùng bật cười sảng khoái, giọng tỉnh queo: “Đồn thầy có bồ nhí, có con riêng chứ gì? Thầy nghe lâu rồi nhưng cây ngay thì không sợ chết đứng. Làm từ thiện thì cũng không nhất thiết phải loa loa cho cả thiên hạ biết. Hoàn cảnh của mẹ con Hương rất khó khăn. Gia đình quay lưng vì con gái không có chồng mà lại có con. Bố đứa bé thì đi nước ngoài và cắt đứt liên lạc. Xấu hổ với bạn bè nên Hương không muốn gặp ai. Hương phải vừa trông con vừa kiếm việc làm trên máy vi tính tại nhà trọ để trang trải cuộc sống. Thầy chỉ giúp mẹ con cô ấy được một chút thôi, thi thoảng đến thăm, động viên để Hương có động lực sống. Vì trước kia Hương đã từng nghĩ đến cái chết”.
Linh chột dạ, hóa ra thầy Hùng đã biết những lời đồn thổi không hay về mình nhưng thầy vẫn làm những việc mà thầy cho là có ý nghĩa. Nghĩ lại chuyện mình hiểu lầm về thầy khiến Linh đỏ mặt xấu hổ: “Thầy ơi, muộn rồi, thầy về nhé. Em đi cùng bạn Trâm”.
Thầy Hùng mỉm cười, nổ máy rồi đi trước. Linh đứng tần ngần, trong lòng rộn ràng niềm vui như vừa tìm lại được một thứ quý giá bị đánh rơi. “Thần tượng” của Linh vẫn vẹn nguyên trong trái tim.
T.T.L
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét