Nguyễn Thị Phụng
Trăng ở miền quê tôi đẹp lắm, cái đẹp tự nhiên của đất trời ban tặng con người. Và con người có quyền chiêm ngưỡng thưởng thức. Có ngắm kĩ mới thấy nó tròn trịa phúc hậu, nó tinh khiết và bình yên đáng yêu làm sao. Giả như có đêm rằm nào đó, những áng mây đen khó tính ganh tị che khuất tầm mắt người, thì hôm sau hoặc hôm sau nữa, hay tháng sau tháng sau nữa,… trăng vẫn sáng một màu, cái màu vàng ròng bất tận vô giá chảy xuống trần gian khó mà kim cương hột xoàn nào đánh đổi được. Nói đến cái đẹp của trăng không chỉ có rằm tháng giêng đến với ngày hội thơ tình người của đất nước. Cũng không phải là đêm rằm tháng tư của Phật lịch ngàn năm đón chào đấng Thích Ca Mâu Ni ra đời, cứu nhân độ thế, hay chay trai cầu nguyện lòng thành tích đức cho con cháu mai sau. Cũng không phải là rằm tháng bảy lễ xá tội vong nhân, Vu Lan báo hiếu cha mẹ trọn đạo làm con, ơn nghĩa sinh thành. Cũng không phải là rằm tháng tám dành riêng cho tuổi thơ tung tăng rước đèn kéo quân, phá cỗ vui chơi thỏa thích. Nhưng với tôi, giờ đây mới nhận ra được giữa mùa xuân trăng đẹp đến lạ thường!...
Đó là trăng rằm ở miền quê tôi.
Khi chiều tím lắng đọng phía chân núi mờ xa thì đằng đông trăng đã hiện ra từ lúc nào nếu lấy thước đem đo phải ước hơn cả hai cây sào dài tính từ mặt đất lên. Trăng lơ lửng giữa cái nền xanh thẳm ngỡ như đang đứng trước biển nhìn ra màu trời nước bằng một giải phân cách đậm nhạt như tranh vẽ. Ô, trăng sáng giữa bầu trời tháng hai!
Có lẽ lúc này, cả làng quê đều bận rộn. Người thì lo cho bữa cơm gia đình, người thì lo tắm rửa giặt giũ áo quần cho con cái, người thì lo gà vịt vào chuồng, che chắn cho bò heo khỏi lạnh… Còn tôi, vẫn thói quen thong thả đánh đều tay nhịp bước 30 phút trước khi mặt trời lặn. Rồi chợt nhớ chiều nay quên đi chợ, thế là thẳng hướng ra khỏi cổng làng đến nhà chị Thư mua vài trứng vịt về luộc dằm nước mắm chấm rau cải xanh cũng ngon miệng lắm. Nhà chị Thư nằm cạnh quốc lộ 19, gần chợ nhỏ, cách tháp Bánh Ít chừng hai cây số. Phía trước hiên nhà, chị kê cái tủ bán hàng lặt vặt nào bánh ngọt, mắm muối, thẻ nhang, cặp đèn cầy… Tôi chờ chị thối tiền cho người ta xong, mới nhắc chị mua thêm bì muối iod nữa. Cạnh cửa ra vào là một cái xách nhựa trong đó đựng hoa tươi, chuối… Tôi nhắc chị có ai đã để quên, chị Thư nhìn tôi và bảo không đâu em, chút nữa chị chở ra mả cúng dì. Thế là chị cho em đi với, từ hôm dì mất đến nay hơn nửa năm rồi, em thật có lỗi chưa biết mộ dì chỗ nào! Tôi chưa kịp nói không có em ở nhà, sáng đó em đi Buôn Ma Thuột. Chị nhớ có tên em hôm đó mà! Như chứng tỏ chị không bỏ sót danh sách người nào đến phúng điếu má chị. Tôi ngạc nhiên: Trời đất ơi, chị nhớ chi cho kĩ vậy! Theo em chuyện phúng viếng đem đồ lễ đến nhà có tang để thăm hỏi và tỏ lòng thương tiếc đối với người đã khuất là việc làm tự nguyện, sẻ chia, ai mà đòi hỏi chờ người trong gia đình mình mất rồi họ có đi lại không?!... Cũng như đám hỉ thì đến chúc mừng, chia vui, chụp hình gặp gỡ thân tình lại được chén một bụng no nê còn gì sướng bằng. Chị nói một mạch để phân trần: nghĩ như em thì ai nói làm gì, chuyện điếu là việc tang và hỉ là việc mừng đều quan trọng cả. Chị kể dì út Tám ghi ngoài phong bì đi điếu chị ba, cháu Thư nhận. Có người còn nhắn hỏi nó có ghi tên tao đi điếu nữa không. Mà em xem hai nhà cách nhau chưa được trăm mét, dì Tám không đến được thì còn con gái của dì phải không em?! Chị nghĩ đến thắp cây nhang chia buồn với gia đình là chị cảm ơn nhiều… Nhưng chị không bao giờ quên một ai.
Tôi hiểu và quý chị như dì ba. Lúc dượng chưa kịp đi tập kết, cơn đau bụng quằn quại trong hai ngày rồi mất, chị Thư mới vừa lên năm. Từ quê chồng Phù Mĩ, dì ba trở về Tuy Phước, chăm chút con gái, âm thầm giúp đỡ bà con hàng xóm, nhất là gia đình người thân có chồng, con đi tập kết. Dì gởi miếng cá, lọ tương, bó rau, cái bánh ít… và phía sau là câu chuyện liên lạc dượng sáu bị địch bắt ở Pleiku, chuyện trao trả tù binh, chuyện chị Phương lên gặp dượng sáu, chuyện chuyền tay nhau tấm hình từ ngoài Bắc gởi vào mà nén nước mắt. Chị Thư học ở dì tính thích cho, gởi biếu.Thường từ chối nhận lại đến phát ghét khi tôi đem những quả xoài đầu mùa chín mọng tươm mật đến. Tôi ra nhà sau lấy con dao gọt vỏ rửa sạch, cắt một miếng đưa lên miệng khen ngọt lắm, cắt miếng thứ hai mời chị mới đưa tay cầm nếm thử rồi tấm tắc: chị tưởng chua chứ!... Tính chị Thư là như thế. Dì ba mất, chị sống một mình với đồng lương hưu tiện tặn cũng đủ cho sinh hoạt cá nhân ở vùng quê này. Gần sáu năm nay chị thừa hưởng thêm hàng quán bé nhỏ tại nhà từ lúc dì ba còn khỏe lắm!...
Chị tiếp, thường là mùng một, rằm chị đều ra thăm dì, nhưng không đi sớm vì khi cúng xong, nhang chưa kịp tàn, mấy đứa nhỏ chờ sẵn lấy hết chuối bánh, chị không thích điều đó. Em nghĩ coi, cúng xong để tàn nhang chị cũng cho chúng nó ăn, chứ má chị có ăn được đâu, đã đem ra mả cúng thì ai lấy về làm gì. Trên đường đi chị còn kể tiếp chuyện bà Thơm mang hoa quả ra mộ cúng ông Thơm, quay về nhà lấy hộp quẹt, khi ra lại không còn thứ gì đặt lên mộ để cúng nữa em ơi! Bà Thơm khấn vái xin ông thứ lỗi. Chuyện cúng kính nghi lễ với nguời đã khuất đã có từ xưa nay, người sống đối với người mất ngoài cái tình còn hiện vật mới biểu hiện sự quan tâm nữa hay sao! Hương hoa chưa đủ nói hết lòng nhớ thương tử biệt này!...
Dọc con đường bê tông hơn cây số, trời đêm càng lúc càng sáng hơn, trăng lạnh có phải là hơi sương giữa mùa xuân còn chùng chình luyến tiếc chưa muốn rời xa con người, hay là cái cảm giác vắng vẻ nơi nghĩa địa lúc này chỉ có hai chị em tôi. Đêm trăng hôm nay đâu chỉ là chiếc đèn soi bóng chị dắt chiếc xe đạp chở cái giỏ xách phía sau, tôi lo lắng hỏi:
- Thế đêm ba mươi, mùng một chị cũng đi một mình à!
- Thì… một mình có sao đâu em! Chị đem theo cây đèn pin, nhưng cũng có lúc giật mình khi mấy đứa nhỏ núp sẵn trong mả, thấy chị đến, nó chạy trốn chị đấy. Ai xa lạ đâu em, như anh em thằng Lươn, thằng Lịch con bà Thổ trong xóm mình. Đâu phải hộ nghèo. Mà nói thế, nếu chúng nó không lấy về ăn, chỉ để ruồi bu kiến đỗ, mình cũng phải dọn sạch đem đổ ngoài bụi cây. Cười.
Nghĩa địa làng tôi là một cái gò rộng nằm giữa đồng, thường gọi là gò Ông Trới, cạnh con mương thủy lợi. Thường ban ngày, dù nắng hay mưa, mỗi khi tiễn một người trong làng mất theo tiếng trống đưa ma, tiếng kèn đưa đám réo rắc lòng người, âm thanh là một sự lặp lại không bao giờ thay đổi, không phân biệt giới tính, tuổi tác, giàu nghèo, bước chân tôi cứ nặng nề trên con đường mòn dẫn vào phần mộ đã đào sâu ba lớp đất… cho đến khi hạ huyệt xong, mỗi người vốc một nắm đất đắp thêm cho phần mộ vun cao, rồi hồi trống kết thúc số phận một con người, thì ai về nhà nấy, lòng trĩu nặng bâng khuâng.
Lần đầu tiên tôi đi thăm mả dì ba, cũng là lần đầu tiên đến nghĩa địa vào ban đêm. Không phải là đêm ba mươi. Đêm rằm tháng hai, trăng sáng vô cùng. Bốn bề im ắng, im ắng đến lạ lùng. Thường giữa đồng không như thế này, ếch nhái rộn ràng trò chuyện, nhưng từ hôm tết tới giờ trời chưa mưa. Cũng không có tiếng vạc kêu đêm, tiếng chim lạc bầy gọi nữa. Chỉ có gió, gió thì thầm với tóc với áo rồi len lỏi vào sống lưng tôi, tôi rùng mình nhìn dáng chị Thư mảnh khảnh nhỏ nhắn trong bộ đồ màu đen, dựng chiếc xe đạp, lui cui chiếc xách bên tay rồi bước đến phần mộ trước mặt bảo má chị nằm đây nè em. Chị vói tay lấy cây chổi phía trên quét sạch trước cửa mộ, đặt cây đèn hột vịt bật lửa thắp sáng cạnh tấm chân dung của dì. Bên phải là lọ hoa cúc, bên trái là đĩa chuối mốc to chín vàng cùng hai phong bánh bột hoàng tinh mà lúc sống dì ba rất thích ăn sau bữa cơm, uống ngụm nước trà cho thơm miệng. Chị Thư thắp ba cây nhang rồi lâm râm khấn như thầm thì điều gì với mẹ.Tôi cũng thắp nhang cho dì tự giới thiệu tên mình, cầu mong linh hồn dì sớm siêu thoát nơi miền cực lạc, còn chốn dương trần thì chúng con cố gắng sao cho trọn bổn phận làm người. Đôi mắt nghiêm nghị của dì từ lúc nào sao giờ lại nhòe đi, hay khói hương làm cay mắt, hay dì xúc động có đứa cháu đến thăm dì giữa đêm rằm, hay dì còn muốn nhắn nhủ điều gì nữa!... Ngọn đèn dầu ấm áp soi rõ khuôn mặt của ba người. Người nằm dưới mộ sâu kia một đời trọn vẹn thủy chung với chồng con, với họ hàng làng xóm.
Và đến khi ánh vàng đêm trăng âm thầm vô tư chảy mãi miết trên mái tóc hai chị em chúng tôi, gió lùa vào khoảng lặng, chị mới đứng lên cắm nhang các mộ phần xung quanh cũng không đủ, hương theo gió khép kín các mộ phần khu nghĩa địa. Những cái mả gió (còn gọi mả cô hồn) nằm cạnh dì ba cũng được chị Thư cho người xây lại theo hình chóp nón chừa một lỗ nhỏ để cắm nhang, chị đặt lên đó một nhánh chuối nhỏ rồi lâm râm khấn: xin người láng giềng để má tôi được nằm bên cho vui. Chị vừa cười vừa đưa tay chỉ cho tôi xem phía trên phần mộ dì ba là một ô hình chữ nhật được xây một lớp đá chẻ ngay ngắn là nơi mà những người làm mộ cho dì ba đã chọn dành cho chị sau này, rồi chị nói không có nằm ở đó đâu. Tôi ngạc nhiên: A, thì ra chị sống suốt đời?!... Chị đang nghĩ (mà nói riêng với em thôi) là sẽ hiến xác, nhưng chưa biết cách nào đây! Tôi phì cười, đến lúc đó, chắc gì nội tạng chị đảm bảo đủ 100% không đấy! Chị dứt khoát với tôi là đủ 100% tốt lắm, chị không đau bệnh gì, kể cả… chị ngập ngừng không nói tiếp. Tôi đùa kể cả còn… con gái chứ gì! Ha…
- Mà sao chị ở một mình?
- Ở với má chứ sao một mình, em khéo hỏi.
Được thể tôi mạnh dạn hơn, đây là điều chưa ai dám mở miệng về chị:
- Không, em muốn biết tình yêu của chị kìa!
- Chị mang trầu cau đi hỏi mà người ta không chịu, không ưng, nên chị ở vậy. Rồi chị đánh lảng, em lung tung quá.
- Em mà nghe chị nói sớm cái quy định chế độ mẫu hệ áp dụng và duy trì cho người Kinh lại hay đó nghen. Bọn đàn ông chỉ có nước ế vợ như chơi, lúc đó “mua về mà bỏ trong lồng cho kiến nó tha”.
Cả hai chị em thoải mái thư giãn giữa nghĩa địa chỉ có trăng mênh mông, trăng nhìn xuống, trăng im lìm, trăng ngờ vực, trăng ngậm ngùi…
Điện thoại reo: em đang ở đâu? Ra ngoài xem trăng đêm nay đẹp lắm, tròn lắm, to lắm. Thời sự VTV1 mới đưa tin đây! Đâu phải bây giờ tôi mới ngắm trăng, tôi đã ngắm từ lúc chiều, trên đường ra nghĩa địa, trong nghĩa địa và đang về nhà đây. Quả thật trăng đẹp.Tôi có thể khẳng định chỉ có miền quê trăng mới đẹp, màu vàng lung linh vô tận, công bằng sẻ chia cho tất cả không phân biệt với một ai, cái đáng trân trọng của tự nhiên là như thế. Ngọn đèn đường lúc này tự thấy mình có thừa ra không? Tôi không dám đề cập đến việc tiết kiệm điện, với tôi, chỉ có ngọn đèn thiên nhiên mới là trong lành,vĩnh cửu.
Đêm nay, ngồi trên ghế đá trước nhà, thức cùng trăng đi ngang qua đỉnh đầu. Tôi chẳng vướng bận lo âu một điều gì, con cái cũng đã lớn, ngoài đồng lương hưu hàng tháng nhận về tiêu hết là xong. Tôi cũng chưa nghĩ như chị Thư lo đến cái chết cho mình, mà quý chị ở cái tình đi mua từng lạng đinh về đóng từng cái đòn nhỏ cho hết người này đến người kia, bỏ vào bao đem tặng nhà chùa để khi ngày giỗ các bổn đạo vào bếp ngồi nấu nướng cho đỡ mỏi chân. Chị phân loại tặng mấy cái đòn nhỏ cho các cháu ngồi mua bán đồ hàng với nhau, dành những cái đòn lớn xếp chồng lên ngay ngắn để ngay trước hiên nhà mình cho anh chị em công nhân sáng sớm ngồi chờ xe đưa đón, còn bảo tôi lúc nào đi Sài Gòn lên ngồi đây chờ xe cho đỡ mỏi chân nghen! Những cái đòn làm ra từ việc tận dụng những miếng gỗ vụn, gỗ tạp chị mua về nấu nước mà làm nên sự quan tâm thật đơn giản trong cuộc sống đời thường. Nhưng tôi làm sao quên được vào những buối chiều cái dáng chị đang ngồi đóng đòn, mắt cứ nhìn chừng sang bên kia đường, rồi vui vẻ đứng lên bảo chờ chút theo sau tiếng gọi: Bà hai ơi, dắt cháu qua đường! Đó là tiếng của mấy cháu nhỏ trong xóm đi học về, mà cha mẹ chúng còn bận đi làm chưa đón kịp.
Nếu như hồi đó… chị cũng có những đứa cháu như lũ trẻ bây giờ gọi bằng bà nội, bà ngoại kia! Nhớ trên đường đi về, hai chị em chậm bước, chị kể hồi đó anh ấy yêu tha thiết lắm chứ! Mà sao thời con gái, lúc ấy chị ba mươi rồi, chị cũng chờ và khao khát cho anh, thế nhưng đến với nhau, anh lại dè dặt, còn bảo chị hãy cố giữ gìn. Mà chị thì… chị thèm chút hơi hướng đàn ông sao anh không cho, không đáp lại. Hay là chị nghèo, gia đình anh cũng thuộc diện cơ bản mà. Rồi tên anh có trong danh sách đợt đầu tiên của xã đi kinh tế mới Cát Tiên - Lâm Đồng, anh nói đi vài năm hoặc cũng có thể lập nghiệp nơi ấy, chưa hẹn ngày về. Chia tay anh trong nước mắt từ lúc ấy và anh khuyên chị lấy chồng. Lúc đó má chị nói hay là… giờ má còn khỏe, con có ý định đi cùng với nó lên đó mà lập nghiệp làm ăn là tùy ở con quyết định. Còn chị thì đang đi làm, sao bỏ việc nhà nước, nên cứ buồn buồn làm sao, muốn theo anh lại thương mẹ cả một thời thanh xuân góa bụa, giờ thì tuổi tác già nua, sao chị nỡ đành…
Hình như, nghe nói là ba năm sau anh lập gia đình. Nghĩa là sau trận ốm sốt rét li bì trời đất, được cô điều dưỡng ở bệnh viện còn chăm thêm anh miếng cháo, miếng canh, cho tình anh gần gũi thân thương tự nhiên nảy nở, như hoa gặp nắng cho sắc đậm màu, cho hương ấp ủ. Vậy là Tâm, vợ anh là bạn cùng lớp với bọn chị. Tự nhiên chị thấy tưng tức như con người ghét những áng mây đen che khuất ánh trăng rằm. Bất chợt, chị nhìn lên bầu trời trong xanh quá, không một gợn mây, màu trăng ngọt ngào thanh tao tỏa sáng. Chị trầm tư... Rồi kể tiếp, cũng mừng anh khỏe mới lấy được vợ, có một đứa con gái, tiếc là cháu bé lớn lên năm tuổi mà cứ quặt quẹo chân tay, không phải là sốt bại não, mà qua kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Nhi đồng thành phố là cháu bị ảnh hưởng chất dioxin từ những năm bảy mươi anh đi bộ đội!...
Trăng tĩnh lặng.
Tôi lại tiếc, sao lúc nãy chị Thư nài tôi ở lại dùng cơm chay với chị, có thể còn được nghe chị kể thêm về thời xưa nữa kia, nhưng tôi dị ứng món xì dầu, xin phép ra về. Ngày mai đi sớm xuống chợ cảng Quy Nhơn mua cá cơm mùa này về làm nước mắm để dành ăn trong những tháng mưa và gởi vào thành phố cho các con cùng dùng nữa chứ!
Trăng giữa vòm trời xanh đã chênh chếch bóng phía sau nhà.
Rằm tháng hai, 2011
N.T.P
Có những người giấu kín bệnh hiểm nghèo với người tình thế đấy, Nguyễn Thị Phụng à. Bởi vậy mà duyên tình không thành, vì họ yêu thật sự người mình yêu, muốn giữ gìn cho người mình yêu.
Trả lờiXóa