Nhà văn Đào Phạm Thùy Trang
Đoàn mạnh thường quân xách giày, chỉnh trang lại túi xách, quần áo trước khi bước qua cây cầu tầm vông bắc trên con kênh ngập ngụa bao nilon. Mùi xú uế của rác, của thực phẩm ôi thiu, của xác chuột chết... xộc thẳng vào mũi những con người tận tụy ấy bởi cái nắng gay gay của buổi chiều tà giữa ngày xuân hãy còn quang đãng.
Họ tìm về căn nhà nằm cheo leo bên kia bờ kênh của chị Linh “khoèo”. Nhà có đến năm nhân khẩu nhưng chỉ có một mình người chồng đi làm. Chị Linh bị tật tay khoèo bẫm sinh, phải ở nhà chăm cu con năm tuổi và hai đứa gái sinh đôi vừa lên hai. Họ là dân tạm trú, chẳng có được miếng đất nào nên không thể cất nhà tình thương. Bù lại, tất cả các dịp lễ tết nào trong năm, chính quyền địa phuơng đều ưu tiên cho họ những suất quà cả hiện vật lẫn hiện kim. Hồi họ tới xóm Bờ Kênh này thì mới có đứa con trai, đang độ tuổi sinh đẻ nên cán bộ kế hoạch hóa gia đình cũng có đến thăm hỏi một vài lần. Nhưng chẳng biết họ kế hoạch cách gì mà hai năm sau đã có thêm cái bầu song sinh.
Ngày chị Linh sinh chả có tiền đi tuyến trên, chồng chở ịch ra Trạm y tế xã và giao phó chuyến vượt đại dương của vợ mình cho các cô nữ hộ sinh mới hơn hai mươi tuổi. Song thai, tuyến xã không dám liều, mà bà bầu chả có tiền nên các nhân viên y tế mọi người hùn một ít cho chị có chuyến taxi lên huyện.
Anh chồng làm bốc vác chợ xã, thu nhập theo công việc chứ không lương cơ bản hay giao khoán theo tấn theo ký gì. Làm nhiều thì có rau có cá, làm ít thì cơm trắng nước tương. Bởi tất cả đã dồn vào thuốc men tã sữa của bọn trẻ, “Chỉ là sữa ông Thọ thôi nhưng tuần cũng hết năm hộp chứ ít gì đâu chị”. Chị Linh than như bộng. Vậy nên hôm nay có đoàn mạnh thường về địa phương khảo sát cho chương trình “Nắng ấm cho em”, Ủy ban xã đã giới thiệu gia đình họ. Nếu đúng tiêu chí thì hàng tháng bọn trẻ sẽ được tài trợ tất cả mọi sinh hoạt phí đến năm 12 tuổi bởi đây là chương trình lớn, có nguồn kinh phí từ nước ngoài tài trợ.
Gió xuân còn reo vui đâu đó trên những phiến lộc non của những cây mai dọc theo hai bờ kênh còn chưa kịp chuyển toàn phần diệp lục. Mấy ngôi nhà ngoài đầu xóm Bờ Kênh này vẫn còn treo rải rác những xâu tiền cổ, đèn nháy, lồng đèn... đồ trang trí tết lúc la lúc lỉu trước mái hiên, trên cây mai, cây sứ trước sân nhà.
Tôi cố gắng đi vào giữa đoàn khảo sát vì sợ bà Út Lé hay chị Tư Tàng thấy mình sẽ réo gọi. Ừ, còn nhà thằng Tửng “thọt” nữa, họ sẽ chào gọi inh ỏi rồi thắc mắc; tại sao tui cũng nghèo mà đoàn khảo sát không ghé? Nhà con Linh “khoèo” có bà con dây mơ rễ má gì với cô nên cô đưa mạnh thường đó phải hôn cô Ngoan? Tôi làm sao có thể lý giải rõ ràng rằng đó là lệnh của cấp trên, tôi chỉ là một Phó chủ tịch Hội phụ nữ nhỏ bé thôi mà.
Bà Út Lé nghèo thật, nhưng là không có nhà tường khang trang như người ta thôi, chứ căn nhà tình thương vừa xây hai năm trước kia mà. Hai, ba đứa cháu bà phải nuôi do cha mẹ chúng ly dị và “ném” về cho nhưng thằng trai út bà vẫn siêng năng hiếu thảo và đi làm thợ hồ được lắm sao. Thì không thể gọi là quá nghèo.
Chị Tư Tàng... hơi tàng tàng vì bị sốc bởi trong ba tháng mà cha mẹ và đứa con gái của chị đã “đi về nơi xa lắm” sau cơn bạo bệnh. Nhưng anh Tư - chồng chị, rất thuơng vợ. Đi làm lò mì cực nhọc thức khuya dậy sớm nặng nhọc nhưng anh vẫn nấu ăn ngon lành, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để bà vợ tàng tàng cả ngày ở không xem tivi kia mà. Vậy đâu có nghĩa là quá nghèo.
Thằng Tửng ‘thọt” đáng thương vì ba tuổi nó nghịch đống un và bị cháy chân. Chuyển lên chuyển xuống bệnh viện bị nhiễm trùng, nên nó đành mất một bàn chân, thành ra “thọt”. Ba nó nhìn bầy con và bà vợ gầy nhom phát ngán quá nên... bỏ đi. Mẹ Tửng thân cò lặn lội rồi cũng nuôi được bầy con lớn. Chị Hai của thằng Tửng lấy chồng, có đứa con rồi thì đem về gửi nhà mẹ ruột để “đi làm ăn xa”. Anh Ba của Tửng thì... không có việc làm ổn định nên hai mươi hai tuổi đầu vẫn còn ăn cơm ké gia đình. Tửng 15 tuổi, biết sửa xe đạp do hồi nhỏ hay tới tiệm sửa xe của ông hàng xóm chơi. Nên giờ dù “thọt” mà nó biết bơm vá xe ngày cũng kiếm được vài chục. Mẹ Tửng may gia công cũng có đồng ra đồng vô nên có nghèo chứ không hẳn là bi đát.
Chỉ có nhà chị Linh khoèo.
Căn nhà hầm hập nóng. Ừ thì gọi là nhà cho oai tí, dù trên là mái tôn, chung quanh chỉ quây tăng, bạt làm vách mà thôi. Vài mảng bạt rách toạt theo từng đợt gió xé của đồng không mông quạnh. Những vạt rách rất ngay hàng thẳng lối như là có bàn tay khéo léo nào đó đưa kéo rạch như người ta xé vải vậy.
Ba đứa trẻ ngồi trên chiếc giường tre mà bộ vạt đã gãy nhiều thanh lắm. Chúng chụm đầu vào thau cơm chẳng màn lời khách hỏi “Mẹ con đâu”. Những ánh mắt thơ ngây kèm khuôn mặt lem luốc tro bụi điểm thêm vài hạt cơm trắng quanh mép cười toe thay lời chào khách. Rồi như nhớ ra, thằng bé năm tuổi chỉ tay vô nhà nó trỏng “đó... đó...”.
Tôi ngó vào nhà hỏi lớn:
- Chị Linh ơi! Đang làm gì đó? Có nhà không?
Chừng vài phút, tiếng dép lẹp xẹp mới vang lên và một người phụ nữ gầy nhom, bộ quần áo nhàu nhàu vừa đi từ cửa sau lên nhà trước, tay vừa chùi vào hai bên mông:
- Cô Ngoan tới chơi hả? Trời ơi... mắc giặt đồ, cúp điện, bơm nước ké không được phải xách từng thùng mệt quá!
Rồi chừng như thấy không phải chỉ có mình tôi, chị càng lúng túng vì bộ dạng quần xăn ống vo của mình. Hình như có tiếng xuýt xoa thương cảm từ đoàn khảo sát.
- Em không tới chơi. Đây là các anh chị trong đoàn khảo sát của chương trình “Nắng ấm cho em”. Ủy ban xã đã chọn gia đình chị, hị vọng các cháu đầy đủ hơn! Tôi bảo.
- Hic... hic... cảm ơn cô và Ủy ban xã quá chừng. Nhà tôi thì cô thấy đó, một người làm năm người ăn, cũng chả biết bao giờ là đủ. Cứ lây lất... lây lất rồi nghĩ trời sanh voi sanh cỏ chứ biết sao giờ. Chỉ tội nghiệp ông xã tôi đi làm không dám nghỉ.
Vài tiếng sụt sịt vang lên từ phía đoàn mạnh thường quân. Mấy chiếc phong bì bé bé đã được trao cho các đứa nhỏ. Mấy túi bánh kẹo, sữa sùng cũng được trao tay. Những tiếng cười thơ trẻ hân hoan cũng là lúc đoàn mạnh thường quân “xin phép” vào tham quan nhà. Tôi theo vào sau cùng, còn chị thì ở lại ngoài sân vì căn nhà quá bé để chưa một lúc sáu con người. Vài tiếng trao đổi nho nhỏ, đại khái căn nhà sẽ được sửa sang, thay vách tăng bạt bằng vách tôn, thay nền đất bằng nên cán xi măng chẳng hạn. Tôi vui mừng cho anh chị lắm lắm. Đoàn khảo sát còn xem khu công trình phụ thì ngoài sân có tiếng máy xe phành phạch do chồng chị về.
Chị tíu tít nói về đoàn khách trong nhà, về dự kiến của đoàn mà “cô Ngoan vừa nói lại”. Anh cười tươi lắm rồi bất chợt kéo vợ về phía gốc mít hỏi nhỏ “Chiều nay gõ nhiêu”. “Tám tám”. Tiếng họ hỏi đáp rất khẽ nhưng vì tôi đã bước ra trước các thành viên trong đoàn nên nghe rõ lắm. “Trời ơi... nó chín mươi”. “Trời ơi... sao tui quên vậy cà? Quên cộng thêm thứ hai của ông, hông thôi gõ chín mươi là dính rồi”. “Trời ơi... một ăn bảy mươi... bà giết tui rồi”. Tiếng anh chồng đay nghiến rất bực dọc nhưng rồi chợt tái mặt khi quay lại đã thấy tôi đứng sau lưng.
Đoàn mạnh thường quân chắc không nghe gì cả vì tiếng bàn luận của họ rất rôm rả về việc ngoài sửa chữa căn nhà còn cho ít vật dụng gia đình. Ngay cả đường dây điện thắp sáng nhỏ xíu kéo “ké” nhà kế bên của gia đình chị Linh cũng được đoàn định làm lại cho đàng hoàng.
Thì ra nguyên nhân họ nghèo càng chồng nghèo là vậy, chứ chẳng phải hoàn toàn vì cơm ăn áo mặc. Dân xóm Bờ Kênh nghèo thật nhưng chẳng ai đến nỗi đói nếu chịu khó làm lụng và không bài bạc đề đóm. Còn gia đình họ, đã nghèo còn ham cờ bạc. Mà trên đời, có ai giàu vì bài bạc lô đề đâu. Họ chết chìm trong tệ nạn vậy mà lâu nay chính quyền địa phương không biết, đó cũng là một thiếu sót lớn. Tôi khỏa lấp sự ngán ngẫm bằng lời mời đoàn về Ủy ban xã uống nước “Rồi bàn tiếp”.
Họ hốt hoảng nhìn tôi dắt đoàn khách ra về, anh chồng hỏi gấp:
- Cô Ngoan... cô Ngoan... rồi nhà tôi có được tài trợ không vậy? Tài trợ bao nhiêu một tháng? Chừng nào nhận được tài trợ?
- Dạ... đây chỉ là khảo sát, còn ai được tài trợ thì sẽ do cấp trên quyết định ạ.
- Trăm sự nhờ cô nhen cô Ngoan... Thiệt nhà tôi nghèo hết sức vậy đó!
Đoàn chúng tôi lại rồng rắn ra về. Qua cây cầu tầm vông lắc lẻo bé xíu, các mạnh thường quân còn bảo, nếu tiện sẽ đổ bê tông cây cầu này luôn chứ để vầy đi rất hồi hộp. Mùi rác rưởi tanh nồng hôi thối từ con kênh bốc lên lại xốc vào các giác quan của những con người đầy lòng nhân ái. Họ còn xuýt xoa khen hai bé gái có đôi mắt trong veo rất đẹp mà phải chịu sống cảnh nghèo thật tội. Người nói thằng bé trai mặc chiếc quần thủng đáy trông tội gì đâu, tết nhứt mới qua mà thằng nhỏ chẳng có bộ quần áo lành thì chắc là cha mẹ nghèo dữ lắm.
Đoàn rồng rắn cuốc bộ ra tới đầu bờ kênh mới tới chỗ để xe. Đoạn đường chỉ hơn hai trăm mét này mà như hai mươi kilomet trong tâm tư tôi bởi ong ong lời bàn luận về lô đề của vợ chồng họ.
Tiệm sửa xe đạp bơm hơi của thằng Tửng “thọt” ở đầu bờ kênh đang có lố nhố nhóm khách họ trò ghé bơm xe. Tiếng tranh giành đòi hỏi được bơm trước làm cái chân thọt của Tửng nhảy qua nhảy lại kềm cái ống bơm muốn hụt hơi để làm vừa lòng khách khiến mồ hôi bết dính cả lưng áo. Tôi khẽ khàng thưa:
- Thằng bé ấy tên Tửng, ba tuổi chơi đống un bị cháy mất một bàn chân thành ra vậy đó ạ! 15 tuổi mà đã là lao động chính của gia đình đó các anh chị.
- Tội nghiệp hôn? Vậy mình ghé lại thăm cháu ấy chút đi. Tật nguyền mà giỏi quá!
Đoàn khách ghé lại ngắm nhìn thằng bé một lúc và họ quyết định bất ngờ:
- Chúng tôi gửi cô một số tiền, cô mua giùm cái bình bơm hơi tặng cháu Tửng nhé! Chứ cái chân như vậy, kềm ống bơm tay mệt lắm!
Tôi bảo các anh chị cứ hãy trao tiền cho Tửng vì cháu tự biết mua loại bình nào hợp với công việc.
Đôi bàn tay lem luốc gầy nhom cầm chiếc phong bì nặng trịch tình người mà đôi mắt Tửng rưng rưng niềm xúc cảm.
Đ.P.T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét