Nàng Eva goá bụa. Đó là tên tập truyện ngắn thứ hai của nhà văn Nam Thi. Tập truyện tôi thật tình mong chờ được nhận. Bởi sau khi đọc quyển Nụ hôn đầu của chim én, tập truyện ngắn đầu tay của anh, ấn tượng để lại trong tôi đến nay vẫn chưa phai. Tôi nghĩ ở quyển sách kế tiếp này, nhà văn Nam Thi chắc đã có trải nghiệm, Thế nào tôi cũng được đọc những bài viết hay hơn nữa. Tôi vốn thích đọc sách, lại có viết chút ít nên sách luôn là nhu cầu cần thiết. Đọc một quyển sách hay, tôi vừa được cảm thụ văn học vừa học hỏi thêm ở các bạn viết. Vì vậy, nhận được quyển truyện, tôi rất vui mừng!
Đúng như tôi dự đoán, Nàng Eva góa bụa không chỉ ấn tượng ở cái tên trên bìa sách mà còn tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc cho người đọc qua từng truyện ngắn. Tôi đã đọc quyển sách này hai lần. Vì tôi muốn khám phá cái đẹp bên trong Nàng Eva góa bụa của nhà văn Nam Thi.
Nhà văn Nam Thi tên thật là Trần Thiếu Bảo, sinh năm 1947 tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Qua lời tựa, anh cho biết “Tôi có thuận lợi là sinh ra và sống ở miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng hoà nhưng lại tham gia hoạt động cách mạng, nên tôi có ít nhiều trải nghiệm cả hai phía: cả thành thị và nông thôn, cả chiến tranh và hoà bình, cả tầng lớp dưới và tầng lớp trên của xã hội miền Nam. Những trải nghiệm đó bàng bạc trong hầu hết những truyện của tôi, ít nhiều truyền tải tình yêu thương, sự chia sẻ, cảm thông, hoà hợp, nói chung là chữ Tình...” Đúng như thế! Chữ Tình rõ ràng bàng bạc trong hầu hết tác phẩm của anh, tạo nên một văn phong lãng mạn nhưng không kém phần nhân văn sâu sắc.
Truyện ngắn đầu tiên trong sách là Nàng Eva góa bụa. Một tên truyện cực kỳ hấp dẫn mà nội dung truyện cũng khiến người đọc thích thú như lọt vào thế giới huyền bí và lãng mạn của tình yêu. “Dưới ánh sáng chập choạng của buổi bình minh, trước mặt hắn là một hoang mạc trập trùng sỏi đá với những cây khô khẳng khiu trơ trụi kéo dài tít tắp...” một cảnh đẹp hoang dã, bí ẩn mà Hắn, nhân vật trong truyện đã rơi vào trong đó. Hắn không thể quay lại, chỉ có con đường một chiều… Đi tới và chết… trên hành trình tìm lại địa đàng đã mất, Hắn được gặp Eva. Chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi rồi nàng biến mất trong ánh sáng mặt trời. Đó chỉ là giấc mơ của Hắn. Nhưng một giấc mơ tuyệt đẹp mà bất kỳ người đàn ông nào cũng muốn được mơ như thế. Được gặp Eva của chính mình! Những trăn trở của hắn hay là của chính tác giả về nàng Eva? Nàng là ai trong thực tế cuộc sống? Là người từng yêu, được yêu và cả không được yêu? Sau cùng, tác giả đã tìm ra giải đáp: nàng chính là hình ảnh của tất cả những người đàn bà ấy gộp lại. Họ giống như Eva, có mà như không có. Vừa là ánh sáng mà cũng là hiện thân của bóng tối. Thế nhưng, có họ đời một người đàn ông mới đáng sống. Có lẽ qua truyện ngắn này tác giả muốn ca ngợi vẻ đẹp của những Eva trong cuộc sống. Một hình tượng vừa yếu đuối, bé nhỏ giữa thiên nhiên bao la nghiệt ngã nhưng những nàng Eva vẫn vững chắc như tượng đá hướng về phía mặt trời mọc, tràn đầy ánh sáng rực rỡ. Và tác giả ước mình thành tia nắng sớm! Không còn cái kết nào đẹp hơn cho truyện nầy khi nhà văn Nam Thi thú nhận mình đã gặp Eva và mãi mãi giữ nàng trong tâm tưởng.
Trong truyện Nàng Apsara đang yêu, người đọc một lần nữa được theo vào giấc mơ của nhân vật để sống những giây phút hoan lạc, lãng mạn trong tình yêu với một nữ thần tình ái có khuôn mặt tươi tắn và dáng dấp quyến rũ cực kỳ. Nhưng rồi, Hắn kết hôn với một cô gái… bình thường không hát hay, múa giỏi, không có ngoại hình khêu gợi nhưng lại chính là Apsara hắn tìm kiếm bấy lâu. Một người đàn bà thực lòng yêu hắn. Theo tôi, qua truyện nầy chắc nhà văn Nam Thi muốn đưa ra một thông điệp rằng dù ngoại hình có đẹp đến độ nào, tài hoa đến thế nào cũng không bằng một người vợ hiền thật sự yêu thương chồng. Đó là cái đẹp rực rỡ nhất của hôn nhân gia đình!
Khác với quyển Nụ hôn đầu của chim én, tập truyện này những đau đớn khắc khoải trong thời chiến không tái hiện, nhưng đậm nét day dứt của hậu quả chiến tranh vẫn còn đâu đó trên quê hương ta. Qua truyện ngắn Tình cũ, chỉ vì hai ông bố ở hai đầu chiến tuyến, hai lý tưởng đối lập mà hai trẻ yêu nhau phải chia tay. Mỗi người lập gia đình rồi tan vỡ chỉ vì kết hôn không có tình yêu. Họ chông chênh, đau khổ trong cuộc sống dù đất nước đã hoà bình. Chiến tranh đã rời khỏi đất nước từ lâu.
Truyện ngắn Ai cho tôi tình yêu miêu tả một cuộc tình tuyệt đẹp. Từ âm nhạc, họ yêu nhau. Rồi cũng vì chiến tranh, họ vĩnh viễn chia ly và tiếp tục sống buồn bã, nhung nhớ cùng ký ức đẹp trong tiếng nhạc chơi vơi.
Truyện ngắn Hoa đào năm ấy, những dòng văn nhẹ tênh nhưng ẩn chứa nỗi buồn hậu chiến tranh dai dẳng. Những cô cậu sinh viên năm nào là bạn bè thân thích thoáng chốc đã tan đàn, mỗi người một ngã. Họ chỉ còn lại những ký ức đẹp thuở xưa...
Các Eva trong tập truyện này phần lớn được phác hoạ như một hình tượng phụ nữ truyền thống Việt Nam. Họ dám yêu, dám hy sinh, dám chịu đựng nỗi đau trong tình yêu, trong đời sống vợ chồng. Đọc truyện ngắn Nghĩa tận, chúng ta đau cái đau của người vợ chờ chồng đi chinh chiến. Đến khi hoà bình thì chồng đã có một gia đình khác. Người vợ sống cùng… bộ đồ năm xưa của chồng. Như ủ chút hương ngày cũ và đến khi bà qua đời thì cái nghĩa ấy… đã tận khi người chồng năm xưa cho kỷ vật vào lò thiêu. Cái đẹp não nùng trong truyện này là cái nghĩa của nàng Eva chung thuỷ, nét rạng ngời ấy khiến cho câu chuyện chỉ là một đám tang mà trở nên ý nghĩa.
Có lẽ người chồng cũng đau buồn lắm. Thế nhưng biết làm sao hơn khi người sống phải sống và còn bao trách nhiệm do chính mình tạo dựng nên. Tôi rất thích truyện ngắn này. Bởi đây là hình ảnh của rất nhiều gia đình sau khi chiến tranh kết thúc. Họ đối đầu với bao nghịch cảnh khác, cũng không kém phần đau đớn.
Tính cách táo bạo của Eva được tác giả lồng vào những truyện ngắn Đêm ở đảo hải tặc, Lời cảm ơn muộn màng, Con tập tàng… những Eva này chủ động trong tình yêu. Họ chủ động giành lấy hạnh phúc dù hạnh phúc đó có bị chê cười rằng nồi méo úp vung méo… Họ là những phụ nữ làm chủ cuộc sống trong thời đại, thậm chí họ sẵn sàng làm mẹ đơn thân...
Ngược lại cũng có những Eva cũng bị hứng chịu sự phản bội trong đời sống vợ chồng. Có người không chịu nổi, phải chia tay. Nhưng có những người phải nuốt hận vào lòng để giữ gìn mái ấm cho các con. Đọc những truyện ngắn Nặng nợ đào hoa, Đời như vở kịch buồn… tôi thật sự thương các nhân vật nữ. Họ đã tô đậm nét đẹp thầm lặng hy sinh để giữ gìn mái ấm cho các con. Thậm chí họ còn cư xử rất đẹp với con cái của người đã chia sẻ hạnh phúc của mình. Tôi nghĩ đây chính là nét đẹp bi tráng nhất của phụ nữ.
Nhà văn Nam Thi cũng viết nhiều truyện ngắn lồng hình ảnh quê nhà làm nền. Những truyện ngắn tạo nên một cảm xúc dịu dàng, thân thương như Cây đa biết đi, Cô nàng - Mùa thu - Lỡ trớn, Bí mật của ba tôi, Ướt cả nụ cười...
Tôi thật sự kinh ngạc và yêu thích truyện ngắn Say nắng. Không phải vì sự miêu tả cảm giác chếch choáng, chênh vênh của nhân vật khi ngắm nhìn đôi mắt đuôi dài và đôi lông mày tự nhiên của người đẹp mà chính là ở chi tiết liên quan đến báo chí. Qua truyện ngắn này, tôi hiểu được những “rút lui chiến thuật của nhà báo và những tiêu cực của ngành” đã khiến nhiều nhà báo chân chính phải bỏ nghề. Những câu như “Những người bảo vệ môi trường sinh thái không thắng được đồng tiền của nhà đầu tư”... “quyền lực cấu kết với tiền bạc luôn tạo ra áp lực rất kinh khủng đối với người làm báo chân chính”... Thế mới biết, để trở thành một nhà báo chân chính phải trả giá, một cái giá rất đắt! Như Hùng, nhân vật trong truyện.
Còn nhiều cái đẹp khác nữa… chúng bàng bạc trong khắp các truyện tôi đọc.
Tôi vốn không phải là một nhà phê bình văn học, cũng không dám bảo là bình quyển sách được tặng. Tôi cũng rất ít khi viết lại cảm nhận của mình về quyển sách vừa đọc mà mình đánh giá là hay và yêu thích. Nhưng vì nhà văn Nam Thi… rất hiền. Anh xem tôi như cô em gái. Vì thế, tôi ghi lại ít dòng về những điều tôi nghĩ về quyển sách. trước là để cảm ơn người anh cả đã tặng sách, sau nữa, tôi muốn chia sẻ với các bạn về những cái đẹp mà tôi đã khám phá trong quyển Nàng Eva góa bụa của nhà văn Nam Thi. Cám ơn tác giả, cảm ơn các bạn rất nhiều. Trân trọng!
N.T.M
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét