Trưa hè, nắng gay gắt, cây cối lặng yên không chút lay động. Tiếng ve kêu rỉ rả gọi hè về, trong lòng cảm thấy có chút gì xao động. Bất chợt tôi nhớ đến bài thơ “ Con ve vui” của tác giả Đặng Hấn. Bài thơ mà thuở còn đi học tôi rất thích
Con ve bằng đốt ngón tay
Chứa trăm bản nhạc chưa đầy bụng đâu
Tại sao lại bảo ve sầu
Nhạc ve nhuộm đỏ một màu phượng rơi
Thật lạ, cứ vào khoảng đầu tháng 5 là ta lại nghe tiếng ve vang lên những khúc nhạc du dương. Các mùa khác thì chẳng biết các chú ve trốn ở đâu, nhưng mỗi khi chớm có nắng hè là từ đâu đó tiếng ve kêu ra rả. Ve không bao giờ hát một mình. Khi ve cất tiếng hát, nếu không nghe thấy tiếng đồng loại hòa theo, chúng lại im bật và tìm nơi khác lại cất tiếng hát. Khi một con ve cất tiếng kêu thì một con, hai con, ba con rồi tất cả đều hòa nhau. Mỗi anh một giọng, nương nhau, nâng nhau, hòa âm, hòa điệu, hòa nhịp vào nhau tạo thành một bản giao hưởng mênh mông vang động cả trưa hè. Có lẽ thế mà nhà thơ cho rằng:
Con ve bằng đốt ngón tay
Chứa trăm bản nhạc chưa đầy bụng đâu
Thật vậy con ve chỉ bé xíu thôi nhưng tiếng kêu của nó thì rõ to. Mỗi con trong mình chứa đến hàng trăm băng nhạc, nếu cả một đàn ve thì có vô số trăm nghìn băng nhạc. Thật là thiên tài! Quả là một nhạc sĩ tài hoa!
Mùa hè cũng là mùa tình yêu của ve, ve đực sẽ kêu gọi bạn tình bằng cách rung hai cái loa làm bằng màng mỏng, đi lên từ lồng ngực, có sườn bên trong. Những vòng sườn co giãn làm rung màng mỏng tạo ra âm thanh. Ve lắc mình và dùng cánh để tạo nhịp lên xuống cho bài hát của mình. Chỉ có ve đực mới tạo được âm thanh, ve cái không tạo ra được âm thanh nhưng lại nghe và bị dụ dỗ bởi những bài hát lãng mạn, trữ tình của các chàng ve đực.
Với ai thì không biết nhưng đối với lứa tuổi học trò thì ve thường kêu trên các cây phượng trồng ở sân trường, nhờ có tiếng ve tác động mà hoa phượng bắt đầu nở. Ve càng kêu hoa phượng càng đỏ thắm. Hoa phượng càng đỏ rực thì tiếng ve càng nức nở hơn, gay gắt hơn. Màu hoa phượng chói lọi, đỏ thắm như sắc máu. Đó là lời kêu kì bí của mùa hè, trong nắng chói chang, hè thét lên những tiếng lửa. Hè đến rồi! Hình như tiếng ve và hoa phượng có sự tác động qua lại với nhau, gắn bó nhau, không tách rời nhau được. Bởi thực tế ta thấy khi hoa phượng bắt đầu nở thì cùng lúc ve cất tiếng kêu. Chẳng phải ve càng kêu, phượng càng nở rộ đó sao? Thế tại sao tác giả lại nói:
Tại sao lại bảo ve sầu
Nhạc ve nhuộm đỏ một màu phượng rơi
Tiếng ve kêu báo hiệu hè đến, các em học sinh sẽ rất vui vì được nghỉ ngơi, thoải mái sau thời gian dài miệt mài học tập. Các em có thể tự do thưởng thức những băng nhạc của ve vào buổi trưa hè mà không sợ bị ai quấy rầy, không sợ bị ai làm gián đoạn. Ve không hề kêu van, than thở, thế nhưng mọi người lại gán cho ve là “ve sầu” thì thật là oan cho ve. Này nhé, có phải ve kêu làm cho hoa phượng nở rộ và đỏ thắm hơn không? Có phải ve kêu là các bạn học sinh được xếp sách vở lại để nghỉ ngơi hay không? Có phải tiếng ve kêu khuấy động không gian của buổi trưa hè vắng lặng làm cho cuộc sống nhộn nhịp, sinh động hơn hay không? Vậy thì tại sao lại gọi là ve sầu, phải gọi là ve vui mới đúng vì ve kêu là các bạn học sinh vui mừng nhất. Và cho đến mãi bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao người ta gọi là ve sầu.
Một mùa hè nữa lại đến, giữa cái nắng chói chang oi ả đầu mùa, tiếng ve inh ỏi phá vỡ sự tĩnh lặng hàng ngày, chúng ta có dịp thưởng thức những bài hát trữ tình của ve, tiếng ve như giục giã lòng người khơi gợi những buồn vui trong ký ức một thời. Nghĩ cũng lạ, loài ve không biết học trò buồn hay vui mà tối ngày cứ dạo nên những bản tình ca khiến cho tâm hồn lũ học trò xao động, buồn vui. Nhưng mùa hè là dịp để chúng ta ngắm nhìn những chùm hoa phượng đỏ thắm. Ôi! Hoa phượng và tuổi học trò đẹp làm sao. Dù đã rời xa mái trường, giã từ tuổi học trò nhưng tôi mãi mãi nhớ phượng, nhớ loài hoa mộc mạc đáng yêu này và nhớ mãi những bản nhạc ve vang lên khuấy tan không gian vắng lặng mùa hè. Đúng như nhà thơ Xuân Diệu đã nói:“Dù hữu tâm hay vô tình, người nào cũng có sắc hoa phượng nằm ở trong hồn”. Quả không sai!
T.S
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét